Công
nghệ Trung Quốc
Thứ sáu, 7/12/2018,
Lãnh đạo một tập đoàn sản xuất vật liệu ốp lát khá lớn từ
Trung Quốc sang TP HCM gặp tôi hồi giữa năm. Họ đặt vấn đề liên kết để chuyển
các nhà máy tại Phật Sơn sang Việt Nam. Hàng sẽ sản xuất tại Việt Nam rồi xuất
qua Mỹ nhằm tránh tường rào thuế quan mà Tổng thống Trump đã và có thể tiếp tục
áp lên hàng Trung Quốc.
Nhưng sau nửa ngày phân tích, so sánh giữa thuế suất Trump
dự kiến áp lên sản phẩm của nhà máy và các chi phí mà họ sẽ phải chịu nếu sản
xuất tại Việt Nam, đại diện doanh nghiệp đổi ý. Họ cho biết, thuế suất vào Mỹ
chỉ tăng từ 10%-15%, nhưng nếu họ chuyển nhà máy sang Việt Nam thì chi phí sẽ
tăng từ 25%-30%. Lý do, giá thuê đất tại TP HCM và các tỉnh lân cận khá cao so
với tại Phật Sơn, năng suất lao động của Việt Nam thấp hơn (mặc dù chi phí nhân
công rẻ hơn nhưng vẫn không tương xứng), nguồn cung nguyên liệu và đặc biệt chi
phí logistic nội địa quá cao.
Đó là còn chưa kể tới lợi thế nhờ quy mô, tức nếu chuyển
sang Việt Nam sản xuất thì công ty sẽ phải đầu tư lần lượt từng dây chuyền
khiến giá thành tăng vọt trong khi hiện họ đang có 9 dây chuyền chạy đồng bộ,
tiết kiệm nhiều nguồn lực. Hôm sau, nhóm lãnh đạo công ty đó quay về, quyết
định sẽ không đầu tư sang Việt Nam mà tập trung cải tổ hệ thống tại Trung Quốc.
Đó là lý do tôi không cảm thấy thuyết phục khi có ý kiến hồ
hởi cho rằng, sẽ có nhiều doanh nghiệp Trung Quốc tìm cách đầu tư sang Việt Nam
để "né" xuất xứ trong cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung.
Nhưng chuyện không chỉ có thế. Tôi quay lại Trung Quốc vào
tháng trước, tới thăm các doanh nghiệp sản xuất ngành vật liệu xây dựng ở Quảng
Đông và ngỡ ngàng khi thấy một khung cảnh khác. Những ứng dụng công nghệ mới
nhất được chính phủ và doanh nghiệp Trung Quốc áp dụng nhanh chóng không chỉ
trong đời sống mà ở cả nơi sản xuất kinh doanh. Trong các nhà máy sản xuất vật
liệu ốp lát ở Phật Sơn, việc áp dụng robot, trí tuệ nhân tạo AI không còn hiếm.
Vài năm trước, nơi này là cảnh công nhân chìm trong đám bụi mù mịt.
Các thay đổi về bộ mặt công nghệ, môi trường, tuân thủ sở
hữu trí tuệ đang dần trở nên bình thường với người Trung Quốc. "Hơi
nóng" đổi thay mạnh mẽ của doanh nghiệp Trung Quốc dưới áp lực quốc tế,
trong đó có Mỹ, khi phương Tây muốn chính phủ Trung Quốc và các doanh nghiệp
nước này phải công bằng hơn trong cuộc chơi toàn cầu bằng việc tuân thủ các các
hàng rào kỹ thuật.
Tôi vỡ lẽ một điều: Không ít doanh nghiệp Trung Quốc đang
đẩy rất nhanh tốc độ thay thế và thải loại công nghệ cũ vì tác động của cuộc
chiến Tập-Trump. Nâng cấp, thải loại công nghệ không phải chuyện gì mới
mẻ với các ngành sản xuất và Trung Quốc vẫn làm bao năm qua. Nhưng nay, vì phải
lựa chọn giữa đổi thay để tồn tại hay đóng cửa, họ đồng loạt tạo nên một làn
sóng cải tổ. Sự thải loại công nghệ cũ vì thế đang diễn ra mạnh mẽ hơn bao giờ
ở công xưởng của thế giới.
Bước chân rời khỏi nhà máy của họ,
câu hỏi tôi bật ra là: Khi người Trung Quốc đã gia nhập cuộc chơi toàn cầu thì
các công nghệ cũ, lạc hậu hay những sản phẩm kém chất lượng mà mới 2, 3 năm
trước họ còn dùng nhan nhản nay chuyển đi đâu? Tôi liên tưởng đến một hiện
tượng. Trong khoảng hai năm gần đây, giá thuê đất trong các khu
công nghiệp tại TP HCM và
các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu tăng lên
chóng mặt. Một lượng cầu không nhỏ đến từ các doanh nghiệp Trung Quốc đại lục.
Họ sẵn sàng trả giá rất cao cho các vị trí sản xuất công nghiệp thuận lợi. Tất
nhiên máy móc, thiết bị và thậm chí con người được đưa từ nước họ sang.
Ông chủ một doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng lớn của
Quảng Đông mới đây còn nói với tôi rằng Việt Nam đang là thị trường vật liệu
xây dựng lớn thứ hai của Trung Quốc, chỉ sau Mỹ. Tôi rất ngạc nhiên khi một thị
trường nhỏ bé như Việt Nam lại chiếm tỷ trọng lớn như vậy trong kim ngạch xuất
khẩu vật liệu xây dựng của người hàng xóm.
Trong tôi xuất hiện một câu hỏi: liệu câu chuyện xe máy Tàu
và dây chuyền sản xuất xe máy rẻ tiền của Trung Quốc tràn sang chiếm lĩnh thị
trường Việt cách đây gần 20 năm - khi Trung Quốc bắt đầu cấm xe máy nội địa -
có đang tái diễn?
Liệu đã bao nhiêu người trong chúng ta nhìn ra toàn cảnh bức
tranh này? Tuần trước tôi dự một hội thảo tại TP HCM với chủ đề "Chiến
tranh thương mại". Tại đây, các chuyên gia phân tích về cơ hội, thách thức
với nền kinh tế và doanh nghiệp Việt trong bối cảnh cuộc chiến thương mại
Mỹ-Trung đang căng thẳng. Nhiều người tỏ vẻ phấn khởi khi nói đến cơ hội đầu tư
nước ngoài sẽ dịch chuyển ra khỏi Trung Quốc tới các nước khác, trong đó có
Việt Nam; cơ hội cho doanh nghiệp Việt khi Mỹ ép Trung Quốc tuân thủ theo cuộc
chơi mới, hay thách thức khi dòng đầu tư và hàng hóa Trung Quốc tràn vào Việt
Nam để đổi xuất xứ trung chuyển sang Mỹ nhằm né thuế...
Liên tưởng tới những câu chuyện chính mình trải nghiệm, tôi
tự hỏi liệu "cơ hội và thách thức của Việt Nam" có đơn giản chỉ là
như vậy không? Với tôi, chiến tranh thương mại đã và đang tác động đến Việt Nam
theo cách khác, không giống những gì chúng ta đang tự suy đoán với nhau. Nhưng
thật sự tôi chưa thấy cơ quan chức năng nào thông tin, thậm chí khuyến cáo về
các hệ quả có thể xảy đến với doanh nghiệp, công chúng.
Là một doanh nhân, tôi kỳ vọng Chính phủ, những nhà hoạch
định chính sách nắm bắt được bề chìm của tảng băng, chia sẻ thông tin nhiều hơn
với doanh nghiệp, thậm chí cảnh báo về những khả năng của "cuộc
chiến" để tránh cho đất nước trở thành "sân sau" của bất kỳ một
bên nào.
Đinh
Hồng Kỳ
No comments:
Post a Comment