Wednesday, March 14, 2018

Chủ nghĩa quốc gia và ngoại thương-Nguyễn Xuân Nghĩa


Chủ nghĩa quốc gia và ngoại thương
Nguyễn Xuân Nghĩa
2018-03-13
Sự khác biệt trong giao dịch ngoại thương
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa trong chương trình Diễn đàn Kinh tế. Thưa ông, tuần qua, Chính quyền Hoa Kỳ gây chấn động thế giới khi quyết định áp thuế nhập nội trên hai sản phẩm nhôm thép. Khi đó, ông đã nói về tương quan lực lượng của các nước trong quan hệ ngoại thương. Tuần này, tại Trung Quốc, Quốc hội biểu quyết chấp thuận việc Chủ tịch Tập Cận Bình hết còn giới hạn nhiệm kỳ và chuẩn bị hàng loạt biện pháp cải tổ cơ chế kính tế để gia tăng quyền hạn của đảng trên bộ máy của nhà nước và hăm dọa trả đũa quyết định tăng thuế của Mỹ. Theo dõi chuyện này từ lâu, ông nhận xét về nào về các chuyển động ấy?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Việc đảng Cộng sản Trung Quốc trao quyền tuyệt đối cho Tổng bí thư Tập Cận Bình được chuẩn bị từ lâu và nay mới hợp thức hóa qua kỳ họp Đại hội Nhân dân Toàn quốc, là Quốc hội. Cơ chế này chỉ là bình phong của đảng nên chẳng ai ngạc nhiên. Người ta đã bình luận về hiện tượng tập quyền tuyệt đối ấy, chúng ta khỏi nhắc lại. Phía Hoa Kỳ cũng thế, Chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã chuẩn bị các biện pháp ngoại thương từ gần một năm,  chủ yếu nhắm vào Trung Quốc sau khi thấy Bắc Kinh không thể can gián động thái đáng ngại của chế độ Bắc Hàn. Sự khác biệt là Hoa Kỳ có nền dân chủ với nguyên tắc  phân quyền, lại có chế độ pháp trị nên mọi quyết định của Hành pháp đều phải công khai, hợp pháp và được các cơ chế khác như Lập pháp và Tư pháp chấp thuận. Trung Quốc thì không.
- Nói về ngoại thương, mậu dịch hay thương mại thì từ nhiều thập niên, các nước đều đề cao nguyên tắc tự do giao dịch với tối thiểu quan thuế hay hạn ngạch mà xứ nào cũng có những biện pháp kín đáo bảo vệ quyền lợi của mình. Dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Donald Trump, nước Mỹ không chấp nhận tình trạng đó của xứ khác vì gây thiệt hại cho Hoa Kỳ, nhưng ông Trump không thể tự ý quyết định trả đũa các nước đó vì phải tuân thủ luật lệ Hoa Kỳ. Ông Trump hiểu ra và chuẩn bị việc đó từ năm ngoái khi kèm yếu tố an ninh vào quan hệ mậu dịch.
Nguyên Lam: Như vậy, ông nghĩ Chính quyền Trump đã nghiên cứu và sửa soạn việc này từ lâu rồi. Xin ông giải thích cho thính giả của chúng ta điều đó.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Ngược với ấn tượng sai lầm của nhiều người, Tổng thống Mỹ không có toàn quyền mà phải chia quyền với Lập pháp, dưới sự giám sát của quyền Tư pháp, cao nhất là Tối cao Pháp viện, chưa nói tới quyền hạn của các tiểu bang. Lập pháp gồm có hai viện của Quốc hội là Thượng viện và Hạ viện với thẩm quyền rất lớn mà Hành pháp do Tổng thống lãnh đạo phải tuân thủ, thuyết phục hay thỏa hiệp. Nói chung thì Hành pháp có nhiều quyền về đối ngoại hơn nội trị, trừ lãnh vực nằm ở giữa là ngoại thương.
- Luật Mỹ quy định là Quốc hội cho Hành pháp được rộng quyền đàm phán về mậu dịch với các nước cho tới khi hoàn tất thì được Quốc hội phê chuẩn trọn gói thay vì kiểm tra từng bước thương thuyết. Chúng ta thấy điều đó vào năm 2015 khi Hành pháp của Tổng thống Barack Obama mất sáu năm qua hai chục vòng đàm phán Hiệp ước Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP, nhưng sau khi Hiệp ước hoàn tất thì Quốc hội không đồng ý phê chuẩn khi xét vào nội dung chi tiết. Qua năm 2016, trong cuộc tranh cử tổng thống, hai ứng viên dẫn đầu đều ngả theo hướng chống đối và sau khi đắc cử, ông Trump quyết định rút lui. Thật ra dù có muốn ủng hộ Hiệp ước, ông cũng không có hậu thuẫn của Quốc hội, vì vậy bà Hillary Clinton là người cổ võ cho Hiệp ước cũng phải chống khi tranh cử.
Kho luật lệ của Hoa Kỳ
Nguyên Lam: Ít ai nhìn ra nghịch lý đó trong cơ chế pháp quyền của Hoa Kỳ. Thưa ông, trở lại trận chiến mậu dịch hay ngoại thương ngày nay thì sao?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Chúng ta trở lại điều tôi xin gọi là “kho luật lệ” của Hoa Kỳ mà Tổng thống có thể nhìn ra nhờ Nội các cùng Ban tham mưu sau khi đắc cử và lên nắm quyền. Thời Chiến tranh lạnh, Mỹ có Đạo luật Thương mại Mở rộng năm 1962 cho Hành pháp được quyền đàm phán và giảm thuế quan tới tới 80% mà khỏi xin Quốc hội. Nhưng Đạo luật Trade Expansion Act đó lại có Khoản 232 cũng cho Hành pháp được tăng thuế quan mà khỏi xin phép Quốc hội nếu an ninh của Hoa Kỳ bị đe dọa. Sau khi cho Bộ Thương mại và Đặc sứ Thương mại nghiên cứu từ gần một năm trước, Chính quyền Trump viện dẫn khoản đó để áp thuế trên thép và nhôm như chúng ta vừa thấy. Đấy là một cách can thiệp vào mậu dịch và đối ngoại mà khỏi xin Quốc hội phê chuẩn.
Nguyên Lam: Đấy là cơ sở pháp lý của trận đánh nhôm thép vừa khởi đầu. Thưa ông, Chính quyền Trump còn dùng võ khí nào trong cái kho luật lệ của Hoa Kỳ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Ngoài Đạo luật Thương mại năm 1962, Hoa Kỳ có một Đạo luật quan trọng hơn vào năm 1974 cho Hành pháp rộng quyền đàm phán theo thủ tục nhanh và xin Quốc hội phê chuẩn trọn gói sau khi hoàn tất. Được áp dụng từ đầu năm 1975 và tái tục nhiều lần, Đạo luật Trade Act 1974 có Khoản 301 dự phòng trường hợp Hoa Kỳ bị cạnh tranh bất chính trong trao đổi hàng hóa, dịch vụ và đầu tư vì các đối tác không tuân thủ những cam kết quốc tế. Khi đó, Tổng thống có quyền ban hành mọi biện pháp, kể cả trả đũa, để bảo vệ quyền lợi của Hoa Kỳ. Đại diện Thương mại hay các doanh nghiệp bị thiệt có thể viện dẫn Khoản 301 này để đòi thương thuyết lại với các đối tác vi phạm mà không chờ phán quyết của một cơ chế quốc tế như Tổ chức Thương mại Thế giới WTO.
- Sở dĩ ta nói về bối cảnh luật pháp ấy vì Chính quyền Trump viện dẫn cả hai đạo luật để mở ra cuộc chiến mậu dịch với Trung Quốc. Khi tranh cử, ông Trump chủ trương ưu tiên bảo vệ quyền lợi của Hoa Kỳ nên có thể gọi là chủ nghĩa quốc gia trong quan hệ kinh tế với các nước mà thực chất nhắm vào cường quốc có ý hướng khơi động chủ nghĩa quốc gia để vượt Mỹ là Trung Quốc. Ta đang chứng kiến trận đấu kinh tế giữa một chế độ độc đảng và một chế độ dân chủ pháp trị!
Vị thế của Hoa Kỳ trong cuộc chiến ngoại thương
Nguyên-Lam: Theo lý luận bình thường thì ai có thể nghĩ chế độ độc tài sẽ chiếm ưu thế trong trận đấu này như khi người ta thấy nhiều dân biểu nghị sĩ bên đảng Cộng Hòa của ông Trump cũng không đồng ý với quyết định áp thuế của Tổng thống, chưa nói gì tới phản ứng của các doanh nghiệp và của thị trường. Thưa ông, như vậy thì Hoa Kỳ có bị thất thế không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi có cái nhìn trái ngược nếu xét trong trường kỳ. Chế độ dân chủ giúp xã hội và quốc gia phát triển nhanh hơn nhờ có tự do, như ta có thể so giữa Nam Hàn và Bắc Hàn, hoặc giữa Nhật Bản với Trung Quốc, Thứ hai, trận đánh này bùng nổ vào thời điểm bất lợi nhất cho Trung Quốc. Đó là khi Tập Cận Bình thâu tóm quyền lực để tiến hành việc cải cách bị trì hoãn từ lâu trong khi chưa ra khỏi nhiều khó khăn muôn mặt, từ núi nợ khổng lồ tới rủi ro khủng hoảng ngân hàng như Ngân hành Thanh toán Quốc tế vửa cảnh báo trong báo cáo hôm Chủ Nhật mùng 10, đến nạn ô nhiễm môi sinh và bao vấn đề trong hệ thống doanh nghiệp nhà nước, ngân sách chính quyền địa phương, v.v….
- Lãnh đạo Bắc Kinh có thể mơ bước nhảy vọt vào khu vực công nghệ cao cấp thì từ Tháng Tám năm ngoái, Chính quyền Trump viện dẫn Khoản 301 của Đạo luật Thương mại 1974 để điều tra việc Bắc Kinh không tôn trọng luật lệ về quyền sở hữu trí tuệ và đòi doanh nghiệp nước ngoài chuyển giao công nghệ cho họ. Đấy là nạn cạnh tranh bất chính và gây thiệt hại cho doanh nghiệp Mỹ. Vì vậy, Hoa Kỳ chẳng chờ đợi phán quyết của Tổ chức WTO mà đòi đàm phán lại và có khi áp dụng quy luật “khó người khó ta, dễ người dễ ta” là áp dụng đúng luật lệ hạn chế đầu tư của Bắc Kinh vào việc các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào thị trường Hoa Kỳ. Với quyền hạn tập trung, Tập Cận Bình sẽ chịu trách nhiệm nếu thất bại trong cải cách và sau này có đổ lỗi thất bại cho nước Mỹ thì càng làm dư luận thấy ra cái thế yếu của Trung Quốc, như chúng ta đã đề cập tuần trước.
Nguyên Lam: Nhưng thưa ông, Hoa Kỳ cũng gặp bất lợi khi bị các quốc gia khác công kích là ích kỷ và đơn phương nâng hàng rào quan thuế trên nhôm và thép. Nếu vậy, Chính quyền Trump sẽ xoay trở thế nào?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Là doanh gia trước khi lao vào chính trị, ông Trump tin vào tài đàm phán của mình, nhưng sự tình nó còn liên quan tới an ninh quốc gia. Đa số các bạn hàng có thể bị thiệt về đòn nhôm thép của Mỹ đều là các nước dân chủ, như Âu Châu, Nhật Bản, Úc, Canada… và đồng minh về an ninh với Mỹ. Các quốc gia ấy cũng biết thói làm ăn lý tài và trục lợi của Trung Quốc, kể cả trong lĩnh vực xuất khẩu thép. Bây giờ, vào thời gian tới, Hoa Kỳ sẽ tiến hành thương thuyết với các nước đó để, cũng nhân danh an ninh là lý do hay lý cớ của trận đấu về thép, mà có sự thỏa hiệp riêng. Theo chế độ dân chủ và có khi lại sắp bầu cử, lãnh đạo xứ nào cũng phải lên tiếng đả kích Hoa Kỳ để tranh thủ lòng dân, đâm ra, họ cũng phải chứng tỏ quyền lợi của quốc gia là quan trọng hơn là những thỏa thuận quốc tế. Chúng ta sẽ thấy ba tháng om sòm sau đó là êm.
- Đây là ta chưa nói về hậu quả gián tiếp là vì trận đánh, quốc gia sản xuất phân nửa sản lượng thép toàn cầu là Trung Quốc sẽ bị thiệt vì thép sụt giá và các xứ khó bán thép cho Mỹ lại tìm nơi khác và chiếm thị phần của Trung Quốc. Chưa kể Hoa Kỳ còn “vẽ đường cho hươu chạy” khi làm Âu Châu và Nhật Bản cũng học theo Mỹ mà dựng hàng rào ngăn thép Tầu. Đấy là lúc các doanh nghiệp thép của Trung Quốc bị khốn đốn làm Bắc Kinh càng khó giải quyết được nạn sản xuất dư dôi và không có chỗ bán. Mà ngoài nhôm thép, Mỹ còn cò đòn khác.
Những biện pháp khác của Hoa Kỳ
Nguyên Lam: Câu chuyện càng ngày càng rắc rối. Thưa ông, Hoa Kỳ còn có những biện pháp gì khác nhắm vào Trung Quốc?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Sau cả năm nghiên cứu lợi hại và các giải pháp luật lệ, Chính quyền Trump có thề sử dụng võ khí khác ngoài nhôm và thép, đó là áp thuế nhập nội và hạn ngạch mua vào nhiều hàng xuất khẩu của Trung Quốc như vật dụng điện tử hay các sản phẩm bị tố cáo là lợi dụng tác quyền của Mỹ. Tôi còn nghĩ rằng ngay trong lúc này, khi đàm phán về nhôm và thép, đại diện Hoa Kỳ cũng thuyết phục Nhật Bản và các nước Âu Châu liên thủ với mình để bảo vệ quyền lợi trước đà bành trướng ngoại thương bất chính của Bắc Kinh.
- Hai khối Âu-Nhật đều có quan hệ an ninh với Hoa Kỳ nên dễ được đặc miễn trong trận chiến mậu dịch. Hậu quả là Bắc Kinh gặp điều kiện khắt khe hơn và càng khó hội nhập các khu vực dịch vụ, tài chính và chế biến với bên ngoài. Kết cuộc thì lãnh đạo Trung Quốc phải bố trí lại ưu tiên trong kế hoạch cải cách và hy sinh một số mục tiêu cấp bách. Vì vậy, dù dư luận ồn ào nói về sự ngang ngược của ông Trump, vụ đụng độ của hai chủ nghĩa quốc gia xảy ra vào một thời điểm bất lợi cho Trung Quốc! Tôi không nghĩ đây là sáng kiến cùa ông Trump, mà là sự tính toán của cả Nội các và Ban tham mưu trước sự hưởng ứng kín đáo của phe Dân Chủ bất chấp sự phàn nàn của phe Cộng Hòa trong Quốc hội!


No comments:

Post a Comment