Ngày Tháng Buồn Hiu
Tác giả: Ngọc Ánh
.
.
Lời Giới Thiệu
Ngay từ đầu trang tác giả đã xác định mình,
là con gái trong một ‘gia đình cách mạng’ qua hai thời kỳ chống Pháp và chống
Mỹ như nhiều gia đình khác tại Miền Nam. Sau biến cố 75, tác giả lúc ấy là cô
gái còn rất trẻ chưa qua tuổi hai mươi, nhưng thảm trạng xã hội thời bấy giờ đã
khiến cô không thể khoanh tay ngồi yên nhìn đồng bào Miền Nam mình phải chịu
bao điều bất công áp bức khốn khổ trong chế độ Cộng sản, đồng thời cô phải sống
trong một gia đình cách mạng. Đáng lẽ ra cô chấp nhận cái lý lịch trong sạch có
nhiều ưu thế để tiến thân như bao người trẻ khác mưu cầu cho lợi ích cá nhân,
thì cô lại thấy mình bị đè nặng bởi sự xung đột về ý thức hệ, mặt trái của Xã
hội chủ nghĩa qua lối hành sử và quan điểm chính trị khác với những sự thật mà
cô đã thấy trong cuộc sống hàng ngày. Từ đó tính phản kháng bộc phát khiến cô
và gia đình có những khoảng cách không thể hàn gắn được khi cô tự nhận
mình bơi “ngược dòng” trong dòng thác cách mạng đang tuôn trào và sẽ nhuộm đỏ
tuổi trẻ của Cô và bạn bè cô.
Với tinh thần quốc gia vững chắc, lòng bất
khuất trước bạo lực, và nhất là sự can đảm dấn thân cho lý tưởng tự do, đánh
đổi tuổi thanh xuân trong lao tù Cộng sản với mức án khắc nghiệt nhất trong
thời điểm đó, chỉ để đấu tranh dành Tự Do cho đất nước sớm thoát khỏi ách độc
tài áp bức mà Cộng sản đã và đang gieo rắc bao tang thương cho dân tộc chúng
ta.
Tác giả đã ghi lại một cách trung thực
những diễn biến trong bối cảnh xã hội sau ngày Miền Nam bị cưởng chiếm trong
cuốn “Nhật ký mực tím” và nỗi đoạn trường của người phụ nữ trẻ trãi qua trong
những năm tháng lao tù đầy gian nan khốn khổ đã cho thấy lòng kiên cường và ý
chí mạnh mẻ của cô học trò năm xưa dám xả thân vì đại cuộc, khiến chúng ta càng
thêm cảm phục và tự hào khi tin tưởng rằng chế độ Cộng sản chắc chắn sẽ bị tiêu
diệt và Đất nước Việt Nam sẽ có ngày vươn lên hùng mạnh.
Cuốn nhật ký “Ngày tháng buồn hiu” của tác
giả sẽ không còn buồn hiu khi được mọi người đọc và chia sẻ đến trang cuối cùng
như một thông điệp nhắc chúng ta nhớ rằng “Chính nghĩa luôn thắng bạo tàn”.
Mỹ Quốc, 30/4/2016
Trần Cảnh Xuân
(Cựu Hiệu Trưởng trường Trung Học Ba Xuyên)
oOo
NGƯỢC DÒNG
Ba tôi là một người Cộng Sản, ông đã tham
gia cách mạng suốt hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp chống Mỹ, các chị
em tôi lớn lên ở Sàigòn, nằm trong lòng “địch” nhưng cả nhà đều là những chiến
sĩ xung kích trên khắp các mặt trận ở miền Nam cho đến ngày “giải phóng”. Má
thì nuôi dấu cán bộ Việt Cộng, các chị em thì làm giao liên... Sau 30/4/75, ba
và chị tôi được đón về từ nhà tù Côn Đảo như những người vinh quang nhất trong
ngày vui đại thắng, gia đình tôi là một địa chỉ đỏ của thành phố với nhiều huân
chương kháng chiến chống Mỹ được treo đầy tường .. Còn tôi, tôi đã vào tù với
cái tội chống kháng chiến chống Mỹ, sự đời có những điều trớ trêu và đau lòng
trong cảnh nồi da xáo thịt! Câu chuyện kể ra thì dài, nhưng đại để như lời khai
trong tờ lý lịch của ba tôi “...do thời buổi chiến tranh gia đình
ly tán, ba tôi gởi tôi cho cô em nuôi ăn học, nay đất nước hoà bình, ba tôi
mang tôi về xum họp …”
Nếu chiếc lá chỉ rụng về cội thì có lẽ
không có gì để nói, nhưng đằng này tôi lại không giống như những đứa con trung
hiếu của ông, mà lại giống nguỵ (bởi lẽ gia đình cô tôi trước kia là sĩ quan
trong chế độ cũ) như lời phê bình của chị tôi - một cán bộ tuyên truyền:
“Con Ánh nó quen thói tiểu tư sản, tại Cô
Sáu cưng chìu nó quá nên tính nết nó ngoan cố bướng bỉnh như vậy.”
Và Ba tôi cũng nhận xét trong một buổi họp
gia đình:
“Tư tưởng còn lệch lạc, nặng về chủ nghĩa
cá nhân, bản thân cần phải tích cực rèn luyện để phấn đấu tiến bộ v.v và
v.v ..”
Có lẽ chính vì vậy mà ba tôi đã cố gắng để
cải tạo đứa con ngược dòng của mình bằng hình thức kiểm điểm, bất cứ một hành
động gì sai trái ở gia đình hay trong cơ quan, nghe phản ảnh lại là ba tôi bắt
làm tờ kiểm điểm, kể cả những lúc vô tình hát vu vơ một khúc “nhạc vàng”….Nên
suốt thời gian đầu về đoàn tụ gia đình tôi không thấy có một ngày vui, chắc
cũng không khác gì những binh lính chế độ cũ bị cưởng bức trong lao tù Cộng
sản, ăn cơm bo bo và bị viết miệt mài để nộp cho ba tôi những bản kiểm điểm dài
ngoằng, như luận văn để được tốt nghiệp vào trường “Cách Mạng”, dĩ nhiên mỗi
lần như thế là tôi đã khổ sở đến độ nào!
Chỉ vài tháng công tác xã hội, sinh hoạt
tập thể vớ vẩn, tôi đã được chọn để kết nạp vào Đoàn Thanh Niên Cộng Sản
Hồ Chí Minh, điều này lại khiến tôi phản ứng dữ dội, chi đoàn mét về ba tôi và
ông đã nổi giận thực sự, ông hét lên: “Con có biết tại sao con được vào Đoàn
không? nhờ ba - nhờ lý lịch cách mạng của gia đình mình, con có biết mọi người
vẫn mơ uớc được đứng vào hàng ngũ vẻ vang này không, có những anh bộ đội đi
suốt từ Bắc vào Nam để chiến đấu, đã đổ biết bao xương máu mà vẫn chưa được kết
nạp, còn con, tại sao con không thấy được cái vinh quang đó?”
Lúc ấy tôi đã cố bình tĩnh để nói với ba
một câu khẳng khái –“Thưa ba, chính vì con chưa đổ một giọt mồ hôi nào cho chế
độ này, nên con không muốn trở thành người Cộng Sản!”
Không khí gia đình như nặng nề hơn kể từ
khi có tôi hiện diện. Cái khoảng cách mơ hồ nào đó giữa tôi và những người thân
ngày thêm rộng dần ra, tôi càng chán nản hơn khi nhìn vào thực trạng xã hội của
những năm đầu mới giải phóng, thành phố đầy những người thất nghiệp, hàng hoá
khan hiếm, vật giá đắt đỏ, cuộc sống của từng gia đình bị đảo lộn bi thảm, tâm
lý người dân luôn hoang mang giao động, có những sự mất mát không thể nào bù
đắp được.
Tôi nhớ đoạn nhật ký của cô em mới 13 tuổi
lúc ấy:
“Bây giờ đến lớp buồn quá, bạn bè đứa nào
cũng đòi bỏ học vì nhà nó nghèo, ba nó đi cải tạo, mẹ nó tần tảo không đủ ăn,
mỗi lần vào lớp cô giáo hỏi ai là gia đình cách mạng, chỉ có mình rụt rè đưa
tay lên giữa bao ánh mắt nhìn, tự dưng mình thấy kỳ kỳ, đâu phải tại mình mà ba
nó đi cải tạo đâu, tại giải phóng chớ bộ…”
Không riêng con bé thấy kỳ kỳ mà cả tôi, cả
bạn bè tôi nữa, chúng nó vài đứa cũng có hoàn cảnh giống như tôi: Ba đi
tập kết trở về, gia đình đoàn tụ, tờ khai lý lịch được mở ra trang mới đầy sáng
sủa, đi thi -được cộng thêm điểm, đi làm - chỉ cần gởi gấm các đồng chí là yên
tâm ngay, mọi việc trong nhà ngoài phố đều êm xuôi thuận lợi .. Và cũng không
ít những đứa khác lận đận đủ điều bởi cái tội có người thân là nguỵ. Tờ lý lịch
trích ngang như bản cáo trạng giáng xuống hàng triệu con người những mức án
khác nhau tùy theo mức độ tội lỗi của cha, của chồng, của con em đã từng tham
gia trong bộ máy ngụy quân ngụy quyền cũ.
Bạn bè họ hàng đang thân thiết với nhau, tự
dưng cái rào cản lý lịch làm cho mặc cảm mâu thuẫn, thành kiến thế này
thế khác, anh em bà con khác chiến tuyến, bất đồng quan điểm chính trị cũng
lạnh lùng lướt qua nhau vì sợ dính líu phiền phức, chưa kể những người ăn cơm
quốc gia thờ ma Cộng sản, lén lút cơm áo gạo tiền để gởi vô bưng tiếp tế cho
cách mạng, khi xong chuyện, cách mạng đánh tư sản te tua sập tiệm, đang giàu có
bỗng chốc thành kẻ khốn cùng, không một bàn tay nào dám đưa ra giúp đỡ sợ bị vạ
lây.
Chủ nghĩa lý lịch nó khốn nạn thế đó!
Tôi lại nghĩ đến câu chuyện An Tiêm và
những quả dưa đỏ (sự tích của thời còn nhỏ nghe Bà kể chuyện đời xưa) và bâng
khuâng tự hỏi tại sao mình không thể có những vụ mùa bội thu mà không cần phép
lạ, để chủ nghĩa lý lịch không còn cơ hội tồn tại, không là điều kiện tất yếu
để quyết định công hầu khanh tướng cho bọn đương thời? Thực tế của cái thiên
đường Xã hội chủ nghĩa đã làm tôi điên tiết chán chường, trong nỗi thất vọng
phẫn nộ tôi không biết đặt niềm tin vào ai bây giờ ngoài cách viết nó ra cho đở
ấm ức, thế là những trang “Nhật Ký Mực Tím” hình thành trong lao tù cách mạng,
cái nhà tù lớn nhất của cả miền Nam từ sau tháng Tư đáng nguyền rủa ấy. Trong
đôi mắt của một cô học trò tỉnh nhỏ như tôi lúc bấy giờ hoàn toàn không có một
thế lực thù địch nào đứng sau lưng để xúi giục manh động, tôi viết ra tất cả
những gì mà tôi biết, tôi thấy khi sống trong chế độ giả trá có quá nhiều bất
công và nghèo khổ này, sự cảm nhận có thể chủ quan nhưng không có nghĩa là
không trung thực khi vẽ nên bức tranh xám xịt phô bày thực trạng tệ hại của xã
hội mà tôi đang từng ngày đối đầu với nó. Tôi đã viết trong nỗi xót xa bất lực
của chính mình.
Cuốn nhật ký được chuyển ra nước ngoài năm
1979 và được in làm nhiều kỳ trong tạp chí “Việt Nam Hải Ngoại” tại San Diego,
California cùng năm.
Cuối cùng thì tôi thoát ly cái gia đình
cách mạng của mình để trở thành vợ tên phản động. Mọi việc xảy ra điều có
nguyên nhân của nó. Thật ra tôi cũng chẳng có tham vọng gì về chính trị,
chỉ muốn sự công bằng và bình đẳng, đòi hỏi niềm hạnh phúc ấm no thực sự đến
với mọi người. Ngay từ đầu, cái lý tưởng Cộng Sản của Ba tôi đã làm tôi thất
vọng, thực chất nó chỉ là những giáo điều rỗng tuếch gian dối, Cộng sản đã lạm
dụng cái từ lý tưởng để bơm căng bầu nhiệt huyết của chúng tôi khi họ nói “vận
mệnh đất nước đang nằm trong tay các bạn trẻ hôm nay..” nhưng đằng sau đó
là Đảng lãnh đạo, chính quyền quản lý và nhân dân làm chủ.
Ôi! Những ông chủ tội nghiệp! Họ đang bị
phá sản vì một xã hội tồi tệ với những khó khăn nghèo đói hàng ngày.
Sự lừa bịp trắng trợn đã làm tôi chán ngấy,
và tôi nghĩ đó là mục đích để tôi quyết định dấn thân khi cùng chồng “Âm mưu
lật đổ chính quyền Cộng Sản”. Tổ chức của chúng tôi bị tan vỡ khi mọi việc chỉ
mới bắt đầu và hai vợ chồng đều bị bắt …
Giai đoạn còn khai cung, tôi gặp một ông
cán bộ già đã giảng cho tôi nghe bài học về luân lý khi ông ví tôi
như công chúa Mỵ Châu, đã đem nỏ thần trao cho giặc, để nước phải mất, nhà phải
tan, ngồi sau lưng Triệu Đà, bị Thần Kim Quy chỉ vào mặt “giặc ngồi sau lưng mi
chứ giặc ở đâu..”
Nghịch cảnh nồi da xáo thịt quả là điều đau
xót!
Ngay sau khi tôi bị bắt, Ba tôi đã nghiêm
khắc từ con. Tôi không trách thái độ cứng rắn của ông bởi vì ông đã hành
động đúng với tư cách một người Cộng Sản “Trung với Đảng, Hiếu với Dân, và
chuyên chính với kẻ thù.”
Mặc dù tôi biết Ba tôi cũng rất thương tôi,
ông có cái lý của ông và tôi thì không thể chọn con đường nào khác …
Tôi muốn có những quả dưa đỏ như An Tiêm!
Những năm tháng ở trong tù, tôi nghĩ nhiều
về những câu chuyện đáng buồn đã qua, thắm thía nỗi đau của sự mất mát, chồng
tôi bị tử hình và Ba tôi cũng qua đời sau cơn bệnh nặng. Người chết là hết,
chẳng còn oán thù hay giận dữ …
Rồi trong một cõi vô hình nào đó, Ba tôi và
anh ấy sẽ gặp nhau, hai người sẽ nói với nhau điều gì về tôi, liệu ba có nói được
câu “Ba rất tiếc!” như một nhân vật trong “Love Story” khi mọi việc đã muộn
màng.
Vâng, thưa Ba - con cũng rất tiếc, hãy tha
lỗi cho con.
An Tiêm!
Ngày Tháng Buồn Hiu
Định vào nhà nhưng thoáng thấy bóng tên
Công an đứng đầu hẻm, tôi linh tính có gì đó bất thường, vội rẽ xe hướng khác
đạp một mạch ra ngã bảy, quanh quẩn hàng giờ trên đường mà không biết đi
đâu, lòng bồn chồn khó chịu khi nghĩ tới VyDân ở nhà một mình, chắc thằng bé
đang đói sữa, trái tim tôi như nghẹn lại khi nghĩ đến những bất trắc sắp xảy
ra, phải về thôi dù biết sẽ bị bắt với mớ tài liệu và cây AK dấu trong
bếp, (trời dung đất rủi anh mới mang về tối hôm qua, chúng tôi chưa kịp đem
đi). Căn nhà im lặng đến ngột ngạt, giọng Má Sáu khe khẻ “Công an kêu nó lên
phường có chuyện gì đó không biết”, Má không biết nhưng tôi biết, chấp nhận vào
cuộc là đối đầu với rủi ro mà, tôi đưa VyDân cho Má và vội chạy lên lầu đốt tài
liệu, không nhiều lắm nhưng có khói, đang tháo cuộn phim ra thì nghe tiếng chân
chạy rầm rập lên cầu thang, bọn chúng đã tới, tôi đá cuộn phim vào gầm giường.
Thế là hết!
Mọi chuyện có vẻ như bắt đầu hơn là kết
thúc, không hiểu sao tôi lại nghĩ như vậy.
Căn phòng chật cứng người, Công an phường,
quận và cả Công an ngoài Thuận Hải nữa, sao nhiều vậy ta? Tôi nháy mắt với anh
“chỉ hai đứa mình thôi nhé”. Tài ngồi trên ghế, tay bị trói ra sau, gương mặt
anh bình thản lạnh lùng, Vy Dân khóc, tôi bồng thằng bé dỗ ầu ơ, thấy mình kiên
nhẫn hết sức, bọn chúng đọc lệnh bắt và tiến hành xét nhà, mọi thứ đều bị xới
tung lên, tôi bâng quơ ngó về hướng bếp, tiếng nồi niêu khua leng keng, cái bao
nilon bị lôi ra khỏi đống củi, tên Công an rít lên giận dữ, nó thúc báng súng
vào hông anh hầm hừ “mày nói nhà mày không có súng, thế cái này của ai hả, của
ai?”
Sự phẫn nộ trào dâng khi thấy anh bị hành
hung, tôi điên tiết hét lên
“Của tao đấy”.
Nó quay qua tát tôi một cái đau điếng “Tao
không hỏi mày!” (thằng Nghi, tôi nhớ chính xác tên nó khi còn làm trong
phường), anh đứng bật dậy như một phản ứng bảo vệ, hai tên khác kéo ghì anh
xuống, lúc đó tôi lồng lộng như con thú bị thương “Mày là thằng hèn khi đánh
một phụ nữ như tao, cái tát của mày làm tao trở thành anh hùng đấy Nghi à!” Có
ai đó lên tiếng can ngăn, và kéo nó ra sân, trong cơn giận sôi gan, tôi nghĩ
lúc này mình có thể ăn được thịt người!
12 giờ đêm, mọi chuyện khám xét tạm xong,
tôi quơ vội hộp sửa và mấy gói bột gạo lứt cho Vy Dân, vài bộ đồ cho anh ...
Giã từ căn phòng nhỏ chứa đầy kỹ niệm một thời của chúng tôi, giã từ Tình
Yêu-Hạnh Phúc và cả Lý Tưởng ngập tràn, tôi tự hào đứng cạnh anh với mớ ngổn
ngang “tang vật”để chụp một tấm hình duy nhất đầu tiên và cũng là cuối cùng,
tôi gát tay trên vai anh, mắt nhìn thẳng mặt bọn Công an thách thức, dù lòng
tôi đau nhói khi biết mãi mãi chúng tôi không còn cơ hội nào khác để sống bên nhau.
Cả nhà lên xe về phòng tạm giam ở quận 10.
Con đường Trần Quốc Toản trong ánh đèn vàng vọt hiu hắt lúc nửa đêm sao mà
hoang vắng quá! Xe quẹo qua một khúc quanh và tôi nhận ra quán cà phê quen
thuộc mà hai đứa đã từng đến đó sau khi nắm tay nhau đi lang thang khắp phố
Sàigòn. Ôi chút kỷ niệm ngọt ngào trong giờ phút bi thảm này!
Chấp nhận cuộc chơi mà, chuyện thua thắng
cũng bình thường thôi, ít ra trong chuyến xe cuối cùng này mình cũng còn có
nhau, “chúng ta đã đi, đã thấy và đã thắng (dù chết)” chỉ thương cho thằng bé,
nó bị vạ lây vướng vào ngục tù theo ba mẹ vì không có sự chọn lựa nào khác, nó
còn quá bé nhỏ để cảm nhận biến cố đau buồn này của gia đình, sợi dây dù quái
ác xiết chặt tay anh ra sau, tôi đặt đầu VyDân ngã vào đùi anh, thằng bé ngủ
say trong hơi ấm của ba mẹ, chiếc xe lao đi trong đêm khuya như mũi tên được
bắn về phía trước.... Cả ba chúng tôi đong đưa trong số phận kẻ lưu đày.
Ngày .. .Tháng..
Cái phòng biệt giam nhỏ như cái nhà xí tanh
tưởi bao đời, tôi may mắn (!?) có con nhỏ nên không bị cùm chân, cái cùm số bốn
là nỗi kinh khiếp của tù biệt giam ở đây, nó chỉ dài 40cm khoảng cách đủ cho cả
hai tay hai chân trong tư thế ngồi bó gối kẹt cứng suốt ngày đêm, hình như anh
ở dãy cuối cùng trong khu nhà này, có lần tôi thoáng thấy bóng anh đi khai cung
ngang qua, cái dáng cao gầy liêu xiêu khiến lòng tôi đau nhói, tôi đu lên ô cửa
nhỏ bằng nắm tay và cố hét lên thật to để anh nghe tiếng, để anh yên tâm rằng
tôi luôn ở bên cạnh anh trong lúc khốn khó này.
Phẫn uất khiến đôi lúc tôi giống như mụ
điên, la hét khóc cười bất thường, lấy cớ ru con ngủ tôi tha hồ hát um sùm
trong khu trại, “Việt nam quê hương ngạo nghễ, Dậy mà đi, Việt Nam Việt Nam...”
những bản nhạc thật thắm thía xúc động trong trái tim tôi, khiến tôi như phấn
khích hơn, lạ lùng là tôi không cảm thấy sợ hãi trong hoàn cảnh đáng sợ hôm
nay. Ờ, mà có gì phải sợ chớ, đằng nào cũng vô tù rồi. Mắc cười nhất là khi đi
chụp hình lăn tay để lưu hồ sơ, tôi bới lại mái tóc dài của mình và cố giữ vẻ
bình thản trước ống kính pháp luật, nhưng khi thấy gương mặt căng thẳng của tên
công an, tự dưng tôi phì cười khiến hắn khó chịu quát lên “Chị là tội phạm, chị
không được quyền cười!”
À thì ra người ta sợ cả nụ cười của tên
“phản động” như tôi, nhưng khổ nỗi nụ cười tắt ngấm nửa chừng đó khiến tôi
trông tươi tỉnh hơn, tôi nghĩ chắc tấm ảnh để đời này không đến nỗi thảm hại..
Cộng sản kết tội chúng tôi là Âm mưu lật đổ
chính quyền, anh cầm đầu một tổ chức phản động do hải ngoại yểm trợ tài
vật, anh viết cương lĩnh, truyền đơn chống phá Nhà Nước, thành lập căn cứ trong
rừng tụ tập tàn quân có võ trang, mưu đồ kháng chiến ..
Tất cả việc làm của anh tôi đều biết rất
rõ, nhưng bảo khai báo thành khẩn để được nhà nước khoan hồng thì tôi không
biết gì để khai.. Nghe có vẻ ngoan cố nhưng phải chịu thôi, gần như lần nào
cũng bị mấy tên cán bộ đập bàn giận dữ đuổi về trại, tôi không hiểu là họ kiên
nhẩn đối với một nữ tù nhân chính trị bướng bỉnh như tôi để mong có được
những lời khai giá trị, hay là họ đánh giá thấp vị trí tôi trong ban tổ chức,
họ gọi tôi là kẻ chỉ theo đóm ăn tàn, ngu xuẩn dại dột, họ miệt thị gọi tôi như
ả giang hồ để mong khơi gợi tự ái trong tôi mà có lời khai báo trung thực. Có
lần một tên công an còn rất trẻ sau khi lật tới lật lui tờ khai ngắn ngủn của
tôi, hắn trầm ngâm và buột miệng
“ Tôi không hiểu sao một người vừa trẻ, vừa
đẹp (!) vừa thông minh như chị lại lấy thằng cha vừa già vừa cận thị như tên
Tài? Hay là chị mơ được làm bà Tổng Thống?” Quái! Việc này đâu có mắc mớ gì với
nhau, tôi thấy hắn ngớ ngẩn cách gì, tôi nhìn thẳng vào mặt hắn cười khẩy “Bởi
vậy bây giờ tôi mới ngồi ở đây để nghe ông kết tội vợ tên phản động”.
Lần khác có ông cán bộ già trạc tuổi ba
tôi, ông coi qua lý lịch gia đình cách mạng của tôi mà đay nghiến “Tôi
tiếc cho chị quá, mồ cha không khóc mà đi khóc đống gò mối, chị giống như Công
Chúa Mỵ Châu đem nỏ thần cho giặc, để nước mất nhà tan, giết một người đã bị
tội tử hình rồi, còn bọn chị âm mưu giết cả chế độ, nên có bắn cả trăm lần cũng
không đủ”.
Từ dụ dỗ ngọt ngào đến quát tháo giận dữ,
họ vẫn không moi được lời khai quan trọng nào ở tôi, họ gọi tôi là ả phạm nhân
ngoan cố nhất trại. Có một tôi thôi mà sao nhiều ví von thế. Thật tình tôi
không nghĩ là mình có lắm tội đến như vậy, chán ghét Xã hội chủ nghĩa, chống
đối Đảng Cộng sản cai trị độc tài, đàn áp dã man quân dân miền Nam trong cái
gọi là tù cải tạo, đẩy cuộc sống đồng bào vào chỗ đói khổ cùng cực.. Đấu tranh
cho Tự do, công bằng, như vậy là có tội ư? Nghĩ cũng buồn cười những đao to búa
lớn mà họ đã và đang gán lên số phận của chúng tôi, “Những kẻ ngu xuẩn
mưu toan bẻ gậy chống trời, theo sự kích động của bọn lưu vong phản quốc
muốn lật đổ chánh quyền cách mạng... v.v”
Ngày...tháng...
Trong thời điểm năm 1979 chiến tranh biên
giới Tây Nam bùng nổ thì tình hình giặc ngoài thù trong như vụ án của chúng tôi
được gọi là trọng án. Họ nghĩ chắc còn nhiều tổ chức phản động khác đã cấu kết
với nhau để âm mưu lật đổ cách mạng, khi mà lòng dân bên ngoài ngày càng oán
ghét bất mãn chế độ, cuộc sống khốn khổ với gạo phát từng cân, vải mua từng mét
theo tem phiếu XHCN, đường sữa là nhu yếu phẩm, thịt cá thì thuộc tiêu chuẩn
cấp cao... Dân tình chịu không thấu phải kéo nhau bỏ nước ra đi bất chấp nguy
hiểm, rủi ro trên đường tìm Tự Do, hàng trăm hàng ngàn người vượt biên, lớp
trôi trên sông, lớp chìm dưới biển, lớp sống sót vật vờ tang thương bị Cộng sản
bắt vô tù, hay qua được trại tị nạn thì cũng bầm dập với hải tặc… Vì ai nên
nỗi? Oán hận này biết bao nhiêu mà kể. Là thành phố vùng biển nên trại lúc nào
cũng nghẹt người, cứ nghe tiếng cửa sắt kéo rít lúc nửa đêm là hoang mang lo
lắng, có thể đem người chuyển trại hoặc vừa bắt được một nhóm nào đó vượt biên,
khi thì vài người, có lúc nguyên ghe gần trăm mạng, dưới ánh đèn vàng vọt của
trại giam, bóng họ bước dật dờ như những bóng ma từ cõi chết hiện ra giữa tiếng
trẻ con kêu khóc lao xao trong đêm tối tăm địa ngục.
Thời gian biệt giam của tôi quả là kinh
khủng với thằng bé mới hơn một tuổi như VyDân, hết bột hết sữa, nó được “tiêu
chuẩn cao” là cháo gạo loảng pha nước muối trong khi cơm tù chúng tôi là mấy
lát khoai mì khô mốc với canh rau muống lỏng bỏng. Tắm rửa giặt giũ đều bị hạn
chế tối đa. Khi đi vội vàng nên hai mẹ con chỉ mang vài bộ đồ, thằng bé quấn
mỗi cái khăn lông nên lúc nào cũng ẩm ướt khai ngấy... Không người thăm nuôi,
mọi thứ trở nên thiếu thốn đến cùng cực, có lẽ VyDân là tù nhân trẻ con duy
nhất trong phòng biệt giam lạnh lẽo mùi tử khí này, hình như mọi người cũng
biết có nó nên thỉnh thoảng ai đó đã lén nhét vào khe cửa mấy tán đường, nhúm
thịt chà bông hay vài trái chanh giả bộ làm rớt ngoài giếng.
Ngày …tháng
Sáng mở cửa ra kêu đi khai cung, tên cán bộ
ngạc nhiên khi thấy tôi quấn khăn trắng trên đầu “Chị để tang ai thế, chồng chị
chưa chết mà”. Tôi nhát gừng “Tang cho 30/4”. Hắn chợt lồng lên giận dữ “Chị
đừng có bố láo nhé, đất nước giải phóng độc lập tự do hạnh phúc thế này mà tang
chế gì” “Người ta chết như rạ trong ngày này mà không để tang à, nếu không có
mấy ông vào đây thì làm sao nên nỗi.” Tôi bỗng nổi điên khi nghĩ đến điều này,
tôi nhớ cái nghiến răng của anh chàng nào đó đứng cạnh tôi trên đường Nguyễn
Tri Phương khi nhìn thấy mấy tên đeo băng đỏ kéo cờ vàng xuống và xé rách ném
vào thùng rác trong buổi trưa cuối tháng 4/75 cay nghiệt đó, tôi nhớ đoàn người
lầm lũi dưới mưa để đi khai hoang vùng đất heo hút đầy muổi mòng đỉa vắt và
những cơn sốt rét chết người. Toàn là phụ nữ trẻ con và người già yếu bị cưởng
bức lên vùng kinh tế mới, lớp cha anh trai tráng thì vào tù cải tạo hết rồi còn
đâu, bạn bè người thân hàng xóm lén lút vượt biên, ngày nào cũng có ghe đi và
tháng nào cũng nghe tin buồn mất mát. Người ta sợ sống chung với Cộng sản còn
hơn sợ cái chết ngoài biển khơi, một thứ sa tăng quỷ dữ hiện hình trong thời kỳ
mạt vận của đất nước... Càng nghĩ càng căm gan, có lẽ hắn nhìn thấy ánh mắt
trừng trừng đầy phẫn nộ của tôi trong ngày quốc hận, biết chẳng hỏi cung được
gì nên hắn vẫy tay cho tôi về lại phòng giam.
Ngày... tháng...
Trong tù vẫn có những tay gọi là “ăng ten”
được tụi Công an gài vào phòng giam để lân la làm quen thân tình với một số tù
nhân chính trị và tìm cách hỏi dò thêm tin tức vụ án, hầu mong có dịp lập công
về sớm. Tôi cũng không ngoại lệ trong trường hợp này, có cô nàng nào đó chắc
cũng trạc tuổi tôi bị tống vào biệt giam 2 tuần, cô ta nhanh chóng gây cảm tình
khi khai ra ở cùng quê với tôi, nay bị bắt về tội vượt biên… Lúc đầu tôi
ngờ ngợ về sự trùng hợp ngẫu nhiên này, quê tôi xa lắc sao mà cô ta biết được,
nhưng khi ra giếng giặt đồ, có anh chàng nào đó giả bộ làm bay cái nón sát hàng
rào chỗ tôi ngồi, anh chạy lại nói nhỏ “chị đừng tin ai nhe, con nhỏ gài vô
theo dõi chị đó” xong anh ta lủi mất. Thú thật là tôi bất ngờ khi biết tin này,
có lẽ tôi chưa có “kinh nghiệm” trong tù. Ghê thật! Bọn chúng không chừa bất cứ
thủ đoạn đê hèn nào để mong đạt được mục đích...
Ngày .. tháng...
Cuộc điều tra kéo dài hơn hai năm, tôi thật
sự mệt mỏi khi vài tháng phải di lý chỗ này chỗ kia để lấy lời khai, nhiều lúc
nửa đêm nghe tiếng xích khóa leng keng ngoài hành lang khiến tôi rùng mình sợ
hãi vu vơ, người đàn bà còn quá trẻ trong nơi tăm tối này thật đáng ngại, mấy
“bạn tù”có vẻ tử tế hơn, họ dặn dò tôi những ám hiệu liên lạc khi cần thiết, dĩ
nhiên là không ai thấy mặt ai bao giờ, tôi tả cho họ nghe hình ảnh của anh Tài,
nên mỗi khi anh đi khai cung ngang qua, họ đều báo cho biết, và lần nào tôi
cũng rống to bài “Việt Nam Quê Hương ngạo nghễ” chắc chắn anh ấy sẽ biết mẹ con
tôi đang ở đây, chắc chắn anh hiểu tánh khí kiên cường của tôi trong cuộc chơi
nầy, chúng tôi sẽ không đầu hàng, không khai ra những người liên quan, họ biết
tới đâu thì khai tới đó, mặc dù họ dùng nhiều cách để ly gián chúng tôi bằng
những đòn tâm lý hèn hạ “Anh Tài đã thành thật khai báo hết rồi, anh ta chỉ lợi
dụng chị thôi, anh ta xem chị như một gái điếm khi cần thiết..” Tôi lạnh lùng
trả treo “vậy thì mấy ông thả ngay con điếm này đi, nó đâu có dính vào tổ chức
phản động đâu?”
Trước lúc bị bắt vài tháng họ cũng đã nghi
ngờ theo dõi chúng tôi, cũng giả bộ xét hộ khẩu và bắt tôi về phường về tội
không có giấy tạm trú, sống như vợ chồng với anh mà không có đăng ký kết hôn v
.v Nhốt hai ngày điều tra không thấy gì mới thả ra với biên bản ghi tội
danh “quan hệ bất chánh” như một gái mãi dâm. Ra về tôi vừa tức vừa xấu hổ khi
bị họ gọi như vậy, may mà lúc đó anh vắng nhà, VyDân thì đang ở nhà cô Ly em họ
của anh ấy. Bị nhốt hai ngày bầu sửa căng cứng đau nhức mà tôi không dám nhận
là mình mới sanh con được ba tháng, sợ bị hỏi cung rắc rối thêm. Nếu mang tiếng
là một con điếm mà làm cho mọi việc của anh thuận tiện hơn thì tôi cũng chấp
nhận. Nhưng không, họ vẫn cho tôi là cánh tay đắc lực của tổ chức “Lực lượng
Việt Nam Tự do”. Có câu hỏi được lập lại hàng trăm lần “Sau lưng chị là ai?”
Trời ạ, các người không biết ai sao? Sau
lưng tôi là con trai tôi nè, nó cũng bị bắt vô biệt giam, cũng chịu chung cảnh
tù đày. Ôi! tội nghiệp VyDân quá, thằng bé èo uột với rau cháo qua ngày, suy
dinh dưỡng khiến cơ thể nó tong teo. Ngủ trên nền ciment ẩm thấp lạnh lẽo sợ
con bệnh nên tôi luôn ôm nó trên ngực, điều kiện tắm rửa hạn chế khiến thằng bé
mình nỗi đầy ghẻ nhọt. “Phi ghẻ bất thành tù” câu nói mỉa mai này lại đúng với
nó, những cơn sốt bất thường đã khiến Vy Dân héo rũ trên tay tôi, đêm khuya
tiếng kêu cấp cứu vang vọng trong trại, tên Công an cằn nhằn mở cửa ném vài
viên hạ sốt..
Ngày … tháng
Hình như họ bắt được vài người “đồng bọn”
của chúng tôi trong Sàigòn, Công an thành phố ra dẫn độ tôi về Tổng Nha cảnh
sát cũ để khai cung, trên đường đi họ không ngớt nói về chánh sách nhân đạo của
Đảng Nhà Nước khi đưa Vy Dân về bịnh viện Nhi Đồng để chữa bệnh, họ hứa hẹn nếu
thành khẩn khai báo tốt thì họ sẽ tha về, tôi ngồi im mệt mõi nhìn con đường
dài phía trước, “Liệu anh có về Sàigòn cùng em không?”
Chiếc xe hơi màu đen chạy thẳng vào sân
bệnh viện, tôi vội vả ôm thằng bé len lỏi vào trong đám đông hy vọng có thể
trốn thoát được, nhưng tên Công an đã nắm chặt cánh tay tôi đẩy lên cầu thang,
giọng hắn rít khẻ “Chị đừng manh động”. Tôi biết lúc này có gào lên cũng không
ai dám giúp một tù nhân như tôi, mạng sống của thằng bé quan trọng hơn, tôi
nghĩ mình phải thật bình tĩnh, vậy mà khi đặt thằng bé xuống giường, nhìn gương
mặt con ngơ ngáo hoảng sợ, tôi đã nghẹn ngào khi hôn nó “Đừng sợ, mẹ sẽ trở lại
với con”.
Quay lưng đi rồi mà lòng xót xa muốn khóc,
có khi nào mẹ con mình mất nhau không? Thương con quá VyDân ơi! Hai mẹ con mình
đều phải can đảm trong lúc giai đoạn này.
Ngày… tháng..
Linh cảm cho em biết là anh cũng đã có mặt
ở đây, nhưng không chắc là họ nhốt chung dãy hành lang này, em nhớ hồi ở trại
I, có lần tên cán bộ quên “cảnh giác” mở cửa cho em ra giếng giặt đồ trong lúc
anh đi khai cung ngang qua, trời ơi khỏi nói là em mừng cở nào, em bồng VyDân
đưa cao lên cho anh thấy nó, mắt thằng nhỏ sáng lên, em rưng rưng khi thấy anh
gầy nhom xanh mét trong cái áo rộng thùng thình, qua làn kiếng cận lấp lánh anh
nheo mắt như cười với hai mẹ con, dáng anh lúc nào cũng bình thản ung dung, anh
khí phách lắm Tài à, em phải can đảm giống anh mới được, buồn khổ nhưng nhất
định không than van khóc lóc... Em nhớ lúc mới bị bắt trong chuyến xe từ nhà
đến Công an quận, hai đứa mình ngồi cạnh nhau, em bồng con dựa sát vào vai anh,
sự im lặng đã nói biết bao điều... Nên khi thấy anh sau cả năm trời biệt giam,
em không dằn được sự vui mừng, em nhởn nhơ ngoài giếng để chờ anh khai cung về
cho em gặp anh lần nữa, nhưng tên Công an đã đuổi em vào phòng, em trở chứng ngang
ngược nhất định ôm con ngồi lì xuống bậc thềm “Tôi chờ chồng tôi về, chỉ nhìn
thôi mà, sao lại cấm?” hắn quát lên “Ai biết ánh mắt hai người thông cung nhau
điều gì?” Trời đất, họ sợ cả cái nhìn của những tên phản động sao? Họ có thể
trấn áp ngăn cản mọi hành động chống phá “cách mạng”, nhưng họ không thể ngăn
được ý chí trong trái tim chúng ta với lòng mong muốn mãnh liệt là phải giải
tán đảng Cộng sản xảo trá, phải dẹp bỏ cái CNXH đã làm khổ đồng bào miền Bắc,
gây nghèo đói cho dân chúng miền Nam với chiêu bài giải phóng. Dù chết em vẫn
không tin Cộng sản, đó là điều chắc chắn!
Em đang ở Sàigòn, chỉ cách một bờ tường
thôi là con đường quen thuộc cũ mà mình hay đạp xe ngang, vậy mà bây giờ thấy
xa xôi làm sao, lâu rồi không có anh bên cạnh nhưng em còn có VyDân an ủi vỗ
về, bây giờ em thui thủi một mình trong bốn bức tường mà lòng như lửa đốt,
không biết thằng bé ra sao rồi, lạy trời cho nó khỏe mạnh, nó là hòn máu duy
nhất của anh để lại cho em, một kỷ vật vô giá mà em phải sống để gìn giữ nó.
Vẫn những buổi khai cung hằn học, những
ngọt ngào xảo trá “Chị là gia đình cách mạng, chị sẽ được khoan hồng nếu chị
thành khẩn khai báo tốt, chị còn trẻ quá để làm lại cuộc đời, tội lỗi tên Tài
đã rõ ràng, hắn sẽ đền tội, chị không cần bao che cho hắn, đây là tờ khai cuối
cùng, là cơ hội của chị gặp lại con trai, gia đình đang chờ chị trở về”.
Không đâu anh à, em biết đây là đòn ly
gián, họ tách VyDân ra khỏi em để làm trái tim em yếu mềm, để em khai ra những
gì em biết về tổ chức, vì chỉ có em mới hiểu hết mọi việc anh làm, em không tin
vào những lời hứa hẹn bâng quơ của họ, mấy năm sống chung với quỷ em biết quá
mà. Còn gia đình ư? Cách đây vài tháng em cũng đã xót xa khi thấy con đau ốm
hoài nên mới bấm bụng viết thư gởi về nhà xin Ba lãnh thằng bé ra ngoài chữa bệnh,
nhưng có ai trả lời em đâu? Em nhớ khi “thoát ly”quyết chí theo anh “chống
kháng chiến chống Mỹ” em đã nhủ lòng như trong Từ Thứ qui Tào “thà mất lòng Cha
đặng bụng chồng”. Thôi thì cũng đành lòng thôi Tài ạ! em không có sự chọn lựa
nào khác trên con đường đi của chúng ta, ai cũng một lần chết mà, em chẳng ân
hận gì khi đánh đổi cuộc đời em để theo đuổi lý tưởng cùng anh và để nói yêu
anh, yêu con cho tới hơi thở mỏi mòn.
Ngày …tháng
Nghe bệnh viện Nhi Đồng báo cáo thằng bé
bệnh nặng có thể không qua khỏi vì quá yếu, tụi công an Sàigòn hối hả chở tôi
vào nhận lại VyDân và chuyển gấp trả về Bình Thuận. Lần đầu tiên tôi bật khóc
khi thấy con, nó nằm ở phòng cô nhi với những đứa trẻ mồ côi khác. Không thấy
ai bên cạnh thằng bé. VyDân thở từng cơn mệt nhọc, nó không nhận ra tôi trong
ánh mắt vô hồn, mặt mũi tèm lem, bọc tả dơ bẩn, tôi điên tiết chỉ vào mặt tên
công an hét lên trong giận dữ “Mấy người giết con tôi rồi!” Vài người tò mò
đứng xem xầm xì “Bả là tù đó, có Công an theo giữ đó”, tôi ôm thằng bé phóng
như bay xuống cầu thang, cứ nghĩ đến con sắp chết là lòng tôi như lửa cháy, lúc
này không còn gì để sợ, tôi cắm đầu chạy mãi ra cổng, hai tên đứng dưới đường
chận tôi lại đẩy vào xe, tôi vùng vẫy gào lên trước đám đông dân chúng tò mò
“Cộng sản mấy người là những tên giết người”…bọn chúng lầm lì hằn học đóng mạnh
cánh cửa lại. Suốt đoạn đường dài tôi chỉ biết khóc và cầu nguyện, nước mắt rơi
mãi trên cánh tay khẳng khiu tím bầm vết kim tiêm của thằng bé. Trái tim tôi
như tan nát khi nhìnVyDân thoi thóp mõi mòn, lần đầu tiên tôi biết ân hận về
việc mình đã làm, đó là đưa VyDân vào cảnh khốn cùng này, nhưng tôi không còn
lựa chọn nào khác khi phải mang nó vào tù, cô dượng tôi đã già lại nghèo khổ,
gia đình ruột thịt của tôi từ bỏ không nhìn, bà con xa gần ai cũng ngán ngại
khi dính líu tới tên phản động như chúng tôi, có thương cũng không giúp được gì
vì ai cũng thiếu thốn trăm bề trong cuộc sống chật vật. Hơn hai năm nay nó đã
cố gắng hết sức để cùng tôi chịu đựng vòng lao lý khắc nghiệt này. Mẹ xin lỗi con
VyDân à, mẹ thật sự không biết phải làm sao trong lúc này, mẹ không thể đầu
hàng bọn họ, chiến đấu là phải kiên cường, dù thất bại cũng không được hèn
nhát. Hãy cố lên con dế mèn bé nhỏ của Mẹ, từ bây giờ mẹ hứa sẽ không rời xa
con một bước.
Ngày… tháng..
Có lẽ họ cũng mệt mỏi khi vụ án kéo dài mà
không tìm ra manh mối nào khác. Gần ba năm co cụm trong phòng biệt giam mù mịt,
họ kết cung và cho tôi được ra nhà tập thể để chờ ngày đi tòa. Căn phòng không
rộng lắm cho mấy chục tù nhân nữ nằm ngồi chen chúc như cá mòi, nhưng so ra vẫn
đỡ hơn là biệt giam tanh nồng tử khí mà mỗi lần nghĩ tới đã rùng mình. Vì đây
là trại tạm giam nên người ra kẻ vào cũng nhiều, thôi thì đủ thứ tội, nhưng
đông nhất vẫn là vượt biên, vùng biển mà, cứ đêm nghe cửa sắt kéo rít là biết
có thêm tù, tiếng người la khóc lao nhao, nguyên chiếc ghe chết máy ngay hải
phận, lênh đênh đói khát mấy ngày thì gặp tụi biên phòng kéo vô giao cho trại,
may là không có ai bỏ mạng ngoài biển, rủi là bị tù, người đi theo là đàn bà
con nít nhẹ nhất cũng vài tuần, mấy người chủ ghe tổ chức thì tùy mức độ mà
lãnh vài năm cải tạo hay bị ra tòa mút chỉ..
Thê thảm nhất là có chuyến tàu lớn chở cả
trăm người, lớp bị giông bảo mất phương hướng, lớp bị hải tặc cướp bóc mấy đợt
tan hoang, gặp tàu Đông Đức chưa kịp mừng vì tưởng họ cứu, ai dè họ kéo tàu trả
về Việt Nam, đoàn người vô trại thê thãm bơ phờ, ngẩn ngơ như ma ám, mấy em gái
bị hải tặc hãm hiếp đêm nào cũng la hét hoảng loạn, làm xót xa thêm thân phận
tù đày.
Nếu không có Cộng Sản vào cưỡng chiếm miền
Nam, không có Ngày Quốc Hận 30 tháng 4 thì đâu xảy ra cảnh khổ nạn này. Chế độ
khắc nghiệt đã dồn dân chúng đến bước đường cùng! Các em nhỏ qua cơn biến động
kinh hoàng này mãi mãi sẽ không thể quên được nỗi đớn đau tủi nhục mà các em đã
trải qua trong lần vượt biển tìm tự do. Bắt được người vượt biên là một thành
tích tự hào, bọn chúng xỉa xói “Có biết bao người trên thế giới chỉ mong sáng
ngủ dậy được trở thành người Việt Nam, còn chúng mày thì lại bỏ nước ra đi theo
chân bọn đế quốc để sang đó ăn bơ thừa sữa cặn, làm tay sai cho chúng. Thật
nhục nhã!”
Làn sóng vượt biên ngày càng nhiều, hải tặc
lộng hành ngoài biển khơi. Có cả những “dịch vụ” lừa đảo của nhà nước cho phép
đóng tiền đi vượt biên, nhưng khi xuống ghe thì bị bắt lại vào tù, mất
tiền và đôi lúc mất cả mạng khi chúng bắn khơi khơi vào đám đông trên đường
tháo chạy. Thật là một lũ ác độc chưa từng thấy.
Ngày …tháng…
Giống như có phép lạ, VyDân sau những cơn
sốt mê man đã dần tỉnh lại trong tay tôi, nhờ phòng giam đông người, ai cũng
xót thằng bé èo uột mà chia xẻ chút thức ăn thăm nuôi nên con có vẻ đỡ hơn, 3
tuổi rồi mà nó chỉ mới biết lật, chưa biết nói, cái đầu to mà tay chân tong
teo, lưỡi như líu lại, ai đó đã nói với tôi là thằng bé suy dinh dưởng nên chậm
phát triển, thân hình co rút là di chứng của viêm não, nghe mà đau điếng trong
lòng,”Trăm ngàn lần xin lỗi con trai, tại Ba Mẹ mà con ra nông nỗi này, con
sanh không nhằm thời, đất nước đang gặp đại họa và Ba Mẹ không có sự chọn lựa
nào khác, nếu an phận sống đời bình thường thì không đành lòng, nhưng chấp nhận
dấn thân thì phải chịu tù đày gian khổ. Nghiệt ngã thay!”
Tôi cố gắng chăm sóc thằng bé tốt hơn trong
hoàn cảnh này dù cơn bệnh đã làm nó kiệt sức không thể lớn nỗi, nhưng được cái
nó vui với hiện tại, cặp mắt sáng và nụ cười hóm hỉnh, thêm cặp kiến cận nữa là
nó giống y chang anh, mỗi ngày tôi nhìn con mà nguôi ngoai nỗi buồn hiu quạnh.
“Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại” dù
tạm giam một buổi cũng thấy dài lê thê huống hồ chúng tôi đã sống ở đây ba năm
rồi, cơm tù vẫn mấy lát khoai mì cõng vài hột gạo trắng, tôi vét cho VyDân mỗi
bữa được vài muổng cơm chấm với nước mắm Phan Thiết. Khi có người ra trại hay
ai được gia đình thăm nuôi thì thế nào thằng bé cũng có chút quà. Khi thì chai
nước tương nước mắm, lúc hủ thịt chà bông, lọ mắm ruốc, mấy tán đường... Sự
chia sẻ trong cảnh khốn cùng này thật đáng quý, tôi lại dành dụm một ít, tìm
cách lén gởi qua biệt giam cho anh, biết là không thấm vào đâu nhưng thương anh
quá, Tài luôn đáng yêu trong trái tim tôi, anh là người đàn ông bản lãnh và
kiên cường mà tôi tự hào khi được đứng bên cạnh anh trong cuộc đời này, dù
khoảng thời gian hạnh phúc đó thật ngắn ngủi.
“Mỗi ngày qua đi trong lao tù sẽ đưa chúng
ta đến gần nhau hơn, hãy can đảm lên, rồi con chúng ta cũng sẽ giống như vậy!”
hàng chữ anh viết trong cái ca nhựa được anh bạn tù kín đáo chuyển qua nhà nữ
trong mỗi lần đưa cơm khiến tôi yên tâm biết rằng anh không bị buồn phiền làm
gục ngã ý chí kiên cường.
Ngày… tháng…
Vụ án của chúng tôi đã kết thúc bằng phiên
toà tháng 7/1981 với một số người liên can, hầu hết đều còn rất trẻ, ngày ra
tòa họ không cho tôi mang thằng bé theo, mặc dù tôi rất muốn VyDân có dịp gặp
ba nó một lần sau mấy năm xa vắng, nhưng tên nữ Công an đã thô bạo dằn thằng bé
trên tay tôi mang vào trong trại mặc cho nó khóc thét lên,“Mấy người sợ gì chứ?
Sợ đồng bào thấy thằng nhỏ trơ xương trong tù rồi biết chế độ đàn áp kẻ phản
động ra sao hả?”
Tôi hậm hực leo lên xe sau cùng, anh em đều
nép qua để nhường chỗ cho tôi được ngồi xuống cạnh Tài, lúc này thì không còn
gì phải sợ hãi, tôi trừng trừng nhìn mấy tên Công an theo gác phiên tòa, số cán
bộ còn đông hơn số tù, mọi người đều bị còng chung với nhau bằng thanh sắt dài
dưới chân và còng số 8 trên tay, ai cũng lộ vẻ mệt mỏi xanh xao. Tháng bảy trời
mưa lâm râm, buổi sáng sao mà âm u thế! Chúng tôi ngồi im lặng bên nhau, lòng
rưng rưng xúc động, nhìn mắt anh tôi cảm nhận được điều đó, nhưng gương mặt anh
vẫn bình thản muôn đời, tôi nắm bàn tay anh mân mê những ngón thuôn gầy như
ngày nào, tự dưng một ý nghĩ thoáng qua khiến tôi hốt hoảng, có khi nào mình
mất nhau không? “Anh đã đưa em ra khơi và nhất định không thể để em trở về một
mình, Tài đã hứa với em như vậy mà!”
Chuyến xe khựng lại và lúc này anh mới nói
với tôi bằng giọng trầm ấm dịu dàng như bao giờ “Hãy can đảm lên, rồi con chúng
ta cũng sẽ giống như vậy, cố gắng chăm sóc cho VyDân, em còn trẻ nên đừng để
phí tuổi trẻ của em, nếu không làm một khán giả vô tư thì cũng nên làm một nhà
phê bình sắc bén, anh xin lỗi đã đưa em ra khơi và bây giờ phải bỏ em trở về
một mình.” Anh cúi xuống hôn tôi vội vã, nụ hôn mong manh như sương khói mơ hồ,
tôi dạ ngoan mà nước mắt trào ra tức tưởi nghẹn ngào.
Mọi người được tháo còng khi bước vào bên
trong tòa án. Đó chỉ là một thị trấn nhỏ xa xôi hẻo lánh, dân chúng đâu không
thấy để nhìn mặt “những kẻ phản động gây tội lỗi nợ máu với nhân dân”. Chỉ có
bọn Công an bảo vệ dầy đặc, căn phòng lành lạnh âm u của sự ma quái mà mấy tên
thẩm phán giống như tụi quỷ dữ dưới âm tì địa ngục chui lên mặt đằng đằng sát
khí trong ánh đèn nhợt nhạt.
Sau khi đọc bản cáo trạng dài nhằng kết tội
chúng tôi, họ gọi tên từng người lên đứng trước vành móng ngựa để nói lời cuối
cùng. Tôi lạ lùng như thể người ta đang nói về một ai đó, một chuyện gì đó
không dính líu gì đến mình, tôi cứ nắm chặt tay anh như thể buông ra thì anh
tan biến đi mất.
Giây phút nghẹn thở đó rồi cũng đến, khi
tên thẩm phán tuyên bố dõng dạc “Trần thắng Tài, tử hình” chắc anh cũng biết
trước mọi việc sẽ như vậy nên gương mặt anh vẫn thản nhiên đón nhận hung tin,
chỉ có bàn tay anh chợt xô nhẹ tay tôi lúc đó như một thái độ dứt khoát, cố
thoát khỏi mọi bịn rịn yếu đuối thường tình, chỉ có tôi hốt hoảng trong nỗi cảm
xúc đau đớn tột cùng là tôi sẽ mất anh mãi mãi từ đây.
Tôi không bận tâm là mức án mình bao nhiêu
năm, số phận hai mẹ con sẽ như thế nào trong những ngày tháng tới, tôi chỉ nghĩ
đến anh thôi .
“Bị cáo có một tuần để làm đơn kháng cáo,
xin ân giảm!”
Không đời nào Tài làm đơn, tôi biết chắc
như vậy, nhưng tôi không thể ngồi im nhìn anh ấy chết, Trời ơi! tôi phải làm sao
bây giờ để cứu anh ấy. Anh phải sống Tài ơi! Sống để chúng ta còn có cơ hội làm
lại từ đầu. Lúc này tôi ao ước phép lạ xảy ra cho anh, biết là ảo tưởng
mong manh như trẻ con, nhưng tôi thực sự yếu đuối khi nghĩ đến lúc anh đi về
cõi chết và bỏ lại hai mẹ con bơ vơ trên cõi tù đày. Phiên tòa kết thúc trong
lặng lẽ, 7 con người và 7 số phận đã được định đoạt bởi cái gọi là Tòa án nhân
dân mà không có nhân dân nào tham dự, bọn chúng nhân danh công lý để trả thù
một cách hèn hạ những ai chống đối lại chế độ Cộng Sản độc tài bất lương, đã và
đang làm đất nước ngày càng đói nghèo suy sụp, khiến lòng dân phẫn nộ căm ghét.
Chúng tôi im lặng đi bên nhau ra xe, tôi
lại vói nắm bàn tay anh tha thiết, cái còng sắt lạnh lẽo nhưng bàn tay anh chợt
ấm áp diệu kỳ. Ôi bàn tay anh sẽ rời xa mẹ con tôi suốt cuộc đời còn lại, chỉ
nghĩ thôi là thấy lòng đau đớn vô cùng.
Khi ra khỏi cửa Tòa án mới thấy dân chúng
tụ tập khá đông hai bên đường, chắc có người nhà của anh em tại địa phương này,
họ vẫy tay và ném đầy thức ăn vào khoang xe, nhưng bọn Công an đã gạt chân đạp
hết xuống đất trước khi đóng sập bửng lại.
Trời đổ mưa trên suốt đoạn đường về trại,
chúng tôi lại ngồi bệt xuống sàn xe như lúc đầu. Trong bóng tối âm thầm buồn
thảm, không gian như đọng lại nỗi niềm u uất riêng tư của từng con người trong
giây phút đời nghiệt ngã này. Bây giờ tôi mới bật khóc tấm tức trên vai anh, cứ
nghĩ tới lúc bọn chúng lôi Tài đem đi bắn, trời ơi kinh khủng biết bao nhiêu,
tôi nghĩ mình sẽ không có đủ can đảm để chứng kiến sự dã man tàn độc đó, dĩ
nhiên là bọn chúng không đời nào để cho tôi có cơ hội tiễn đưa anh lần cuối
cùng, lũ vô thần này làm sao biết được thế nào là nghĩa tử nghĩa tận.
Tự dưng ngay lúc này tôi mong chiếc
xe quay nhiều vòng rồi lật, cho chúng tôi được chết bên nhau, tôi có ích kỷ
không khi để con phải mồ côi? Thương thằng bé quá khi biết trên đời này nó chỉ
còn có tôi thôi. Tội nghiệp Vy Dân phải mất cha khi nó còn quá nhỏ, chưa biết
cảm nhận đau buồn trong nỗi bất hạnh tang tóc của gia đình.
Dù lòng đang bão tố tơi bời nhưng tôi đã cố
ghìm mình không khóc lúc đứng trước toà, khóc là hèn, van xin là nhục, tôi sẽ
giống như anh giữ khí tiết kiêu hãnh của kẻ chiến bại, tôi nhớ mình đã nói như
hét trong lời cuối cùng “Tôi yêu đất nước này như yêu chồng yêu con tôi, việc
tôi làm là sai dưới chế độ của các ông cũng là chuyện bình thường như bao
người yêu nước khác, án phạt như thế nào thì cũng vậy thôi, tôi chấp nhận nhưng
không tâm phục”.
Tôi biết sự ngoan cố sẽ bị trả giá, nhưng
tôi không thể nói khác đi được với bản chất bướng bỉnh của mình, đằng nào họ
cũng đã sắp xếp sẵn bản án rồi, phiên toà chỉ là cách thể hiện luật pháp của
chế độ, trừng trị và đàn áp không nương tay kẻ đối kháng như chúng tôi thôi,
nên có dịp là nói cho ..hả giận!
Ngày … tháng…
Mỗi ngày qua đi là nỗi lo sợ không nguôi,
đã có bản án thì họ có thể đem bắn không biết lúc nào, tính mạng của anh được
đếm ngược thời gian, trước đây còn biệt giam mong chờ thấy anh đi khai cung
ngang qua để được nhìn anh, bây giờ tôi lại cầu xin cho anh ở yên trong đó để tin
là anh còn sống, dù sống trong khoắc khoải mỏi mòn.
Trại Nữ ở cạnh chuồng gà, cứ chiều tối nghe
cán bộ quản giáo dặn người giữ kho xuất 2 quả trứng thì sáng mai thế nào cũng
có người bị đưa đi tử hình. Đó là tiêu chuẩn cao của bữa ăn cuối cùng, gồm một
chén cơm trắng, hai quả trứng luộc, chén nước mắm, ly nước trà và một điếu
thuốc Hoa Mai (loại thuốc hàng hiệu của thời Xã hội chủ nghĩa).
Tôi đã từng thấy vài người đi ra từ góc
trại tử thần đó, người xanh mét, dáng xiêu xiêu muốn ngã quỵ, có kẻ ốm nhom tay
vịn cái quần đứt dây thung, tay cầm cái ca dùng để đựng cơm, gia tài duy nhất
khi có lệnh chuyển trại, chắc họ không biết mình bị đưa đi đâu, nhưng chúng tôi
nhìn riết rồi biết, một tù nhân trong nhà bếp kể cho chúng tôi nghe khi họ dọn
phần cơm đặc biệt này, gần như không ai ăn nỗi, có người vừa ăn vừa khóc, ngoài
đời họ giết người cướp của gian ác như thế nào không biết, nhưng là con người
đứng trước cái chết thương tâm của đồng loại, ai mà chẳng đau lòng, tôi
hình dung ra anh và bữa cơm cuối cùng mà rưng rưng nước mắt, “làm sao cứu sống
chồng tôi?”. Tôi tuyệt vọng trong hoàn cảnh này.
Nhưng Tài thì không, anh vẫn nhởn nhơ làm
thơ tặng cho tôi như hồi hai đứa mới yêu nhau, anh biết tánh cô vợ trẻ hay buồn
hay khóc, hay hoang mang lo sợ những chuyện đâu đâu, (cái án tử mà anh coi như
chuyện đâu đâu) ngày Tết anh lén gởi qua tặng tôi bài thơ con cóc khắc trên cái
ca nhựa, do anh chàng tù nào đó thông cảm đưa tin:
“Ta tập làm thơ để tặng nàng,
Ý tứ ngô nghê nghe phát chán
Nhưng cũng viết càn để em xem
Em xem em cười em hết buồn
Chỉ cần được thế là ta vui
Em vui, ta vui, đời vui khắp
Đời vui như pháo đón xuân sang!”
Cái đáng yêu nhất của Tài là anh hay chọc
cho tôi cười, quả thật đọc xong bài thơ này tôi đã cười phá lên như người điên,
cười mà nước mắt ràn rụa. Anh làm thơ thể hiện khẩu khí rất anh hùng, nhưng làm
thơ tình thì dở chưa từng thấy, tôi cười để anh vui mà thật tình em không thể
hết buồn trong mùa Xuân tang tóc này Tài yêu ơi!
Ngày …tháng
Nửa đêm nghe tiếng chạy rầm rập, tiếng súng
nổ, tiếng la hét náo động phía sau hàng rào kẻm gai khiến cả trại nhốn
nháo, hình như ở khu biệt giam có người trốn trại, tôi thảng thốt lo âu, vái
trời nếu là anh thì cầu xin anh thoát được.... Cả đêm thấp thỏm không ngủ chỉ
mong trời sáng coi vụ việc ra sao. Một chị được ra cổng quét dọn nghe loáng
thoáng tụi nó bàn tán với nhau tối qua có 3 người cưa cùm trốn, chỉ một người
chạy thoát được, còn lại bị bắn trọng thương, lưỡi cưa được nhét trong đồ thăm
nuôi.. Tài không có ai thăm nuôi thì chắc không phải là anh ấy, tôi lại thở
phào biết anh bình an. Vậy là từ đấy về sau đồ thăm nuôi xét gắt gao hơn, thức
ăn bị băm dầm nát bấy, chúng nó còn muốn cắt tiếp tế cho biệt giam để tù nhân
đói lả không có sức mà trốn. Thiệt là quân ác nhơn!
Ngày …tháng ...
Sáng sớm họ gọi tên tôi trong danh sách
chuyển trại, cả phòng nữ lao xao giúp tôi thu xếp hành lý ra đi, nào có gì đâu
ngoài mấy bộ đồ cũ, một ít thức ăn khô cho thằng bé, thêm được cái nồi cái xô
móp méo của ai đó nhét vào giỏ lác, tôi nôn nóng ôm Vy Dân đi thẳng ra cổng nói
với tên quản giáo trại giam “Hãy cho chúng tôi được gặp anh Tài trước khi
chuyển trại”- không được đâu- vậy cho người bồng nó xuống biệt giam để anh ấy
thăm con lần cuối cùng- chúng tôi chưa được lịnh của thủ trưởng về trường hợp
này.- nhưng đây là lần cuối cùng mà, sao mấy ông ác quá vậy!?”
Tôi bỗng trở chứng ngang tàng “Vậy thì tôi
không thể rời khỏi đây được nếu chưa gặp chồng tôi trước khi anh ấy bị tử
hình”.
Một số người có tên trong danh sách thì
khăn gói lên xe chuyển trại, kẻ đi người ở í ới nhắn gởi nhau, trong khi tôi ôm
con cương quyết ngồi lỳ xuống bậc thềm, phải gặp anh ấy mới được, dầu sao đây
cũng là giây phút sinh ly tử biệt mà mẹ con tôi mãi mãi mất chồng mất cha kể từ
lần chia xa này. Đoàn xe nổ máy chờ đợi, có một bác lớn tuổi ở chung phòng nữ
vẫy tay thân tình “thôi lên trại ráng cải tạo rồi sớm về nuôi con, ở đây tao
canh chừng cho, khi nào nó đi tao ghi ngày giờ cho biết mà giổ quảy”. Tôi rưng
rưng nhìn về góc cuối trại giam. Tài ơi! Em không biết phải làm sao bây
giờ, em tuyệt vọng quá, em chỉ muốn ở lại và chết bên cạnh anh thôi..
Nước mắt tôi rớt xuống trán Vy Dân, nó thức dậy ngọ nguậy
trong lòng tôi, đôi mắt nó to tròn trong sáng của con nai nhỏ ngơ ngác
giữa dòng đời ngầu đục, thương con quá, gia đình mình đang trải qua biến cố đau
buồn kinh khủng nhất mà con thì quá bé nhỏ để hứng chịu cơn giông bão khắc
nghiệt này, thật lòng nếu không có Vy Dân chắc tôi đã ngã gục trong cuộc đời
mênh mông, trống vắng này.
Xem tiếp phần 2:(Click)==> Ngày Tháng Buồn Hiu-P.2
No comments:
Post a Comment