Giấc
Mơ Gần Cuối Năm
Khổng Thị Thanh Hương
Khỏang ba giờ
sáng ngày hôm nay, Thứ Sáu 30 tháng 12 năm 2016, đúng vào ngày rất đông gia
đình, bạn hữu và các khán thính giả cũng như độc gỉa ái mộ tiễn đưa nhà văn,
nhà báo Bùi Bảo Trúc về nơi an nghỉ ngàn thu thì tôi đã được mơ thấy người “một
đời với chữ nghĩa”.
Vẫn còn mơ
mơ màng màng, tôi cho Adam biết là I just had a dream
about Bảo Lâm. Lạ thật! Từ hồi nào tới giờ, ít khi nào tôi gọi nhà
văn, bỉnh bút gia Bùi Bảo Trúc là Bảo Lâm.
Thế mà trong trạng thái nửa tỉnh, nửa mơ tôi gọi ông với một tên mà tôi không
hay gọi thường ngày.
Trong giấc
mơ ngắn ngủi của tôi, ông Bùi Bảo Trúc nhìn rất trẻ. Trẻ hơn lúc ông mất ít nhất 30 năm. Ông nhìn chưa đến 40. Tóc ông đen nhánh, dầy và bóng, chải ngược ra
đằng sau, để lộ một vầng trán thông minh. Trong mơ, tôi không thấy ông đeo kính cận. Ông mặc một chiếc sơ mi ngắn tay và coi rất tráng
kiện. Ông ngồi trên một băng ghế, dựa lưng
vào vách tường và vai phải thì chạm vào một bức tường khác. Nhìn như chiếc băng ghế đã được kê sát một góc
nhà, và ông đã chọn chỗ ngồi sát vách. Chỗ
trống bên trái ông không có ai ngồi. Tôi
đứng khi nói chuyện với ông.
Ông Bùi Bảo
Trúc nhờ tôi gởi cho một phụ nữ 500 đô la.
Tôi trả lời là tình trạng tài chánh của tôi hiện giờ không cho phép tôi
biếu ai 500 đô la. Tuy nhiên, tôi sẽ cố
gắng gửi một phần mười món tiền mà ông muốn tôi gởi.
Tôi còn cho ông biết là tôi sẽ ký một tấm ngân phiếu 50 đô la, sau khi về
tới nhà. Ông Bùi Bảo Trúc hỏi tôi tại
sao tôi không ký bây giờ mà phải đợi về nhà mới ký? Tôi cho ông biết là tôi không hề đem theo cuốn
checkbook bao giờ, cho nên phải về
nhà mới ký check được. Ông gật đầu, chấp thuận.
Trong khi chúng
tôi đang nói chuyện về việc gửi tiền cho một người đàn bà đã không được ông nêu
tên thì tôi thấy một người đàn ông khác, trạc tuổi với ông Bùi Bảo Trúc (trong
mơ,) tiến gần tới nơi ông đang ngồi và đặt người ngồi xuống chỗ trống của băng
ghế, đưa cánh tay phải ra quàng lấy vai ông, rồi nói điều gì tôi không nghe được.
Tuy nhiên, tôi đã hiểu được là người đàn
ông này vừa ngỏ lời chia buồn với nhà báo Bùi Bảo Trúc. Không biết tại sao ông Bùi Bảo Trúc không nói
lời cám ơn hay nở một nụ cười mà mặt ông nghiêm lại. Thêm vào đó, ông còn kín đáo nhích người về
phía tường, nơi vai ông đã chạm vào bức tường trước đó. Dường như ông muốn tránh né cái quàng tay của
người đàn ông nọ. Tiếc thay, mơ tới đây,
tôi tỉnh giấc.
Tôi nằm đó,
ôn lại những gì vừa mới thấy trong mơ, rồi nhớ tới lời của một cụ tôi quen ngày
hôm qua. Cụ cho biết là ông Bùi Bảo Trúc
muốn người thân gửi về tặng các Thương Phế Binh Việt Nam Cộng Hòa những gì đóng
góp từ độc giả khi họ nhận được một cuốn sách của ông.
Tôi nhớ khi
còn sinh thời, ngoài trí nhớ siêu phàm và lòng yêu mến chia sẻ sự hiểu biết bao la của mình
cho khán thính gỉa cũng như độc giả, ông Bùi Bảo Trúc còn có lòng bác ái thương
những người ở trong hoàn
cảnh nghiệt ngã nơi quê nhà. Những lần
ông hô hào giúp đỡ từng trường hợp cá nhân trong chương trình Ngày Này Năm Xưa, ông đều đưọc sự ủng hộ tận tình của rất nhiều
người có lòng hảo tâm như ông. Lòng bác
ái của ông tiếp tục tồn tại, dù ông nay đã ra người thiên cổ.
Hiện giờ tôi
vẫn chưa hiểu ý nghĩa của giấc mơ này.
Người đàn bà mà ông muốn tôi giúp 500 đô la là ai, tên gì, ở đâu? Phải chăng bà là một người có thật trên cõi đời
hay chỉ là một hình ảnh của bất cứ ai cần được tôi giúp, bất kể hoàn cảnh hay phái
tánh? Hay là ông muốn nhắn nhủ tôi điều
gì? Các cụ hay nói “sống khôn thác thiêng.” Ông Bùi Bảo Trúc khi sống rất khôn. Tôi tin chắc là sau khi ông thác, ông sẽ thiêng
vô cùng. Tôi mong chờ hương hồn nhà báo,
nhà bỉnh bút, ký mục gia Bùi Bảo Trúc hướng dẫn tôi tới người đàn bà mà ông muốn
giúp. Mong lắm thay.
T.B. Không phải chờ đợi lâu. Chỉ một ngày, sau khi mơ thấy nhà báo Bùi Bảo
Trúc, sáng nay sau khi đọc bài “Lễ tưởng niệm ký mục gia Bùi Bảo Trúc” của Ngọc
Lan trên Người Việt on-line, tôi chợt hiểu rằng người đàn bà mà ông Bùi Bảo Trúc
muốn tôi gửi tiền về trong giấc mơ sáng hôm qua là một qủa phụ điển hình.
Ngọc Lan nhắc
đến việc ký mục gia Bùi Bảo Trúc muốn dành toàn bộ số tiền bán sách Chuyện Thật Mà Như Đùa vào quỹ bảo trợ
cô nhi quả phụ tại quê nhà.
Khổng Thị
Thanh Hương
No comments:
Post a Comment