TRUYỆN NGẮN
THỜI CHINH CHIẾN ĐIÊU LINH CỦA TRẦN MỘNG TÚ
. ·
Trần Mộng Tú
DÒNG
SÔNG ĐỨNG LẠI
Buổi tối của một ngày đầu tháng 8 năm 1969, khi tôi đang ngồi
xem những tấm ảnh màu đám cưới gửi từ Mỹ về, xắp xếp để làm một cuốn album, thì
nghe tiếng chuông cửa. Tôi ra mở cửa, hết sức ngạc nhiên khi thấy Carl và anh
Huân là hai người ở Sở trước mặt. Anh Huân làm phòng tối, phụ trách về rửa
phim, in hình và Carl vừa là phóng viên vừa là nhiếp ảnh viên. Cả hai người này
chẳng bao giờ đến nhà tôi vào giờ này, càng chắc chắn là không phải gọi tôi đi
làm. Tôi lúc đó làm thư ký cho hãng Thông Tấn The Associated Press, công việc
của tôi là lo tất cả những việc linh tinh cho hãng: Từ phát lương cho nhân
viên, giữ sổ chi thu, mua bán hình ảnh, thư ký cho ông chánh văn phòng, đi nghe
họp báo bỏ túi, v.v. Những việc này không bao giờ phải làm cuối tuần, cũng như không
bao giờ làm ca đêm.
Cả hai người bước vào buồng khách, cả hai nhìn tôi, rồi cả hai
nhìn nhau, không ai muốn là mình nói trước. Tôi linh tính có điều không tốt,
nhưng không hiểu chuyện gì. Cuối cùng Carl nói:
“Sở nhận được điện thoại từ Rạch Giá gọi về chiều nay, nói là
Cung, chồng của cô đã tử trận.”
Tôi đứng ngẩn người, nhìn lại cả hai, không nói được tiếng nào,
Carl nói tiếp:
“Suốt từ chiều, chúng tôi liên lạc được với Rạch Giá (Kiên
Giang), xác định tin rõ ràng, có gọi điện thoại nói chuyện với bà giám thị của
đại học xá Trần Quý Cáp, mẹ Cung, cụ cũng nhận được tin rồi.”
Tôi ngồi xuống hai gót chân mình, không nghe được gì tiếp, ngoài
tiếng xôn xao của cha, mẹ và gia đình.
Chúng tôi mới cưới nhau sau lễ Phục Sinh vào tháng Tư, Cung tử
trận 30 tháng 7, năm 1969. Cung không phải là quân nhân chính gốc, anh tốt
nghiệp Đại Học Sư Phạm, ban Pháp Văn và đã đi dạy được 1 năm, anh bị gọi trong
chương trình Tổng Động Viên. Khi nhận giấy báo phải nhập ngũ, anh đến xin cha
mẹ tôi cho làm hôn thú, vì sợ sau này sẽ khó khăn khi ở quân đội. Trên giấy tờ,
tôi có chồng từ tháng 6-1968. Lúc làm đám hỏi chú rể tương lai không có mặt
(đang đóng ở chi-khu Trà Bồng) chỉ có mẹ chồng mang trầu cau sang. Nghĩ cũng
tủi thân, nhưng thời chiến mà, làm sao được.
Sau đám cưới, Cung về đơn vị, tôi vẫn ở nhà với cha mẹ, đợi Cung
được biệt phái về dạy học lại, (Bộ Giáo Dục hứa sẽ cho các giáo chức được về
vào tháng 10/1969) rồi sẽ ra ở riêng.
Chiếc máy bay vận tải Mỹ đáp xuống phi trường Bình Thủy, Cần
Thơ.
Người phi công phụ quay xuống nói với anh trai của Cung và tôi,
đang ngồi cạnh chiếc quan tài.
“Chúng tôi rất tiếc là phải thả hai người và quan tài xuống đây,
vì đây là máy bay quân đội Mỹ chở dầu, chúng tôi chỉ đi tới Cần Thơ chứ không
về đến Sàigòn.”
Đuôi máy bay mở ra, một chiếc forklift tiến đến trục quan tài ra
khỏi máy bay để giữa lòng phi đạo. Anh chồng tôi dặn:
“Em đứng đây, anh vào gặp ông xếp của phi trường này may ra được
giúp đỡ.”
Buổi trưa tháng Tám, mặt trời tóe những chùm nắng rát bỏng, chói
chang trên sân bay, cái sân bay rộng lớn chổng chơ một chiếc áo quan có phủ xộc
xệch lá quốc kỳ, mấy giọt nến đóng thành mảng khô cứng trắng đục trên màu vàng
của lá cờ, một vài chiếc lá quăn queo sót lại của vòng hoa chiều qua còn dính ở
đó.
Tôi tự thấy mình bé nhỏ, mỏng manh trong chiếc áo dài màu xanh
nhạt, áo nhầu nát, tóc bơ phờ, mặt ngơ ngác đứng nhìn chung quanh mình. Cái sân
bay trông sao mông mênh thế mà cái áo quan thì bé tí, tôi đứng bên cạnh trông
lại càng bé hơn. Sân bay không một bóng người, vài ba chiếc máy bay quân sự đậu
rải rác bên cạnh những phuy dầu chưa kịp xếp vào kho. Hình như đã có mùi hôi
bốc ra từ áo quan, tôi đứng lui ra một tí nữa, xoa tay lên ngực, thấy mình
nghẹt thở, ngực nặng và đau buốt, đau thấu xuống tận bụng, tôi muốn ngất đi.
Hai ngày, một đêm ở Kiên Giang đã làm tôi đuối sức. Tôi có làm
gì đâu. Tôi chỉ không ăn, không ngủ, không khóc, không cả vệ sinh. Chắc trong
người tôi không còn nước. Bà mẹ chồng một bên, ông anh chồng một bên, họ đổ sữa
ông Thọ cho tôi. Bà mẹ chồng tôi thật giỏi, bà có kinh nghiệm với chiến tranh,
kinh nghiệm với chết chóc, nên đi đón xác con mà bà còn nhớ đem theo hộp sữa
ông Thọ cho cô con dâu tiểu thư, cô con dâu còn mới như vuông lụa chưa thêu.
“Con uống đi. Con mà gục xuống đây nữa thì mẹ biết nói làm sao
với cha mẹ con.”
Tôi không uống được, cái mùi tử khí trưa nay của mấy chục cái
xác xếp chất lớp trước cửa nhà xác vẫn ràn rụa trong thân thể tôi. Nó phủ chụp
từ đỉnh đầu xuống hai bàn chân, khi tôi len lỏi bước qua những xác lính bên
ngoài để vào bên trong chỗ người ta để xác sĩ quan. Tôi đã phải bước qua từng
cái túi có bọc thây người ở trong, có cái thòi hai bàn chân còn nguyên đôi giầy
sau ra một đầu, có cái thì lòi ra ở đầu kia một đỉnh tóc bết đất, có cái thò
nguyên một khuôn mặt tái mét vàng khè có mấy con ruồi đậu trên đôi mắt chưa
khép kín hẳn. Tôi đi theo bàn tay dắt của người anh chồng, xúc động và kinh
hoàng đã làm tôi không còn cảm giác nữa. Không biết tôi có dẫm phải ai không.
Tôi cố gắng không dẫm lên những người đàn ông nằm đây. Vào được đến bên trong
thì tôi có nhìn thấy gì đâu. Tôi chỉ nghe tiếng bật khóc của mẹ chồng, tiếng
anh chồng bảo “Đúng là Cung rồi.”
Tôi thấy hình như tôi được bế lên,
được đặt ngồi xuống một cái bậc thềm, gió ở sông thổi vào mặt tôi, giúp tôi
tỉnh lại, tôi mở mắt ra, nhìn xuống. Tôi thấy một giòng nước đục chẩy lờ đờ bên
dưới. Thì ra nhà xác của bệnh viện Kiên Giang nằm sát cạnh bờ sông. Tôi không
dám nhìn vào những người đàn bà đang đi lật từng cái poncho quấn thây người để
tìm chồng, tìm con họ trước cửa nhà xác. Tôi thấy tôi còn may mắn hơn họ.
Người ta đem xác Cung về trại gia binh tiểu khu để làm lễ. Tôi được bày đứng cạnh áo quan cho ông Phó Tỉnh Trưởng đọc diễn văn, trong khi ông đọc thì tôi đứng nhìn mấy cây nến chẩy, nhìn vòng hoa đã bắt đầu héo, có cả chén cơm đã khô và quả trứng luộc có mấy con ruồi bay lên bay xuống, tàn nhang rơi phủ đầy trên đó. Ông Phó Tỉnh đọc diễn văn xong, hấp tấp ra về. Chắc ông hơi thất vọng vì không thấy tôi khóc để có dịp nói lời an ủi. Mấy người vợ lính trong trại gia binh, chạy sang thăm hỏi, mấy đứa nhỏ con lính chạy loanh quanh áo quan với mấy con chó gầy trơ xương, trụi cả lông, cái áo chúng mặc ngắn cũn, bụng ỏng ra ngoài, mũi thò lò cũng chẳng chùi. Chúng tròn mắt nhìn mấy người Sài Gòn, mặt mũi có vẻ khang khác với nhưng người trong trại lính nầy. Có người cũng từ xa đến chưa tìm ra xác chồng, xác con đến hỏi han bà mẹ chồng tôi với con mắt nặng trĩu và gương mặt thất thần.
Người ta đem xác Cung về trại gia binh tiểu khu để làm lễ. Tôi được bày đứng cạnh áo quan cho ông Phó Tỉnh Trưởng đọc diễn văn, trong khi ông đọc thì tôi đứng nhìn mấy cây nến chẩy, nhìn vòng hoa đã bắt đầu héo, có cả chén cơm đã khô và quả trứng luộc có mấy con ruồi bay lên bay xuống, tàn nhang rơi phủ đầy trên đó. Ông Phó Tỉnh đọc diễn văn xong, hấp tấp ra về. Chắc ông hơi thất vọng vì không thấy tôi khóc để có dịp nói lời an ủi. Mấy người vợ lính trong trại gia binh, chạy sang thăm hỏi, mấy đứa nhỏ con lính chạy loanh quanh áo quan với mấy con chó gầy trơ xương, trụi cả lông, cái áo chúng mặc ngắn cũn, bụng ỏng ra ngoài, mũi thò lò cũng chẳng chùi. Chúng tròn mắt nhìn mấy người Sài Gòn, mặt mũi có vẻ khang khác với nhưng người trong trại lính nầy. Có người cũng từ xa đến chưa tìm ra xác chồng, xác con đến hỏi han bà mẹ chồng tôi với con mắt nặng trĩu và gương mặt thất thần.
Tôi đứng đó lơ mơ nghe lao xao những tiếng nói chồng lên nhau,
mỗi người kể một cách, giống như ở nhà tôi mỗi khi đi xem một cuốn phim về, chị
em tôi vẫn thường tranh nhau nói như thế. Hình như họ nói về trận đánh ngay ở
xã Vĩnh Thanh Vân. Xã này, tôi không biết ở đâu nhưng chắc là rất gần. Họ nói
đánh ba bốn hôm rồi, và vẫn còn đánh nên xác không kéo ra hết được, phải ngồi
chờ thôi. Cứ ngồi chờ thế nào cũng gặp, họ bảo nhau.
“Không thấy người thì thấy xác. Thế nào cũng gặp mà!”
Người anh chồng thì thỉnh thoảng lại biến mất, không biết đi
đâu, chắc là đi tìm cách đưa mọi người về nhà. Tôi thấy trong những người đi
nhận xác chỉ có 3 người trong gia đình này ít khóc nhất.
Bà mẹ chồng tôi thì vừa mếu máo vừa lo xin nước sôi pha sữa cho
con dâu uống. Con bé này vốn đã gầy, hai hôm rồi nó chẳng ăn, chẳng nói gì làm
bà phát hoảng, giá nó cứ khóc sướt mướt như mấy người vợ lính đang khóc ngoài
kia thì bà lại đỡ lo. Không biết còn kẹt ở đây đến bao giờ? Bằng vốn liếng
tiếng Pháp bà nói chuyện với một ông sĩ quan Mỹ cho bà quá giang máy bay quân
sự về Sàigòn, rồi bà sẽ thuê máy bay dân sự xuống đây đón mấy đứa con.
Bà giỏi lắm. Mấy chục năm trước, còn trẻ măng mà bà đã một mình
thuê đò ở Nam Định đi tìm chồng. Chồng bà đang đêm được Việt Minh đập cửa mời
đi, rồi cả tháng không thấy về. Ông được mời vì lúc đó ông có một ngôi trường
nhỏ dạy học tiếng Pháp ở Nam Định. Bà đi đò, đi bộ cả bao nhiêu cây số, đến tận
chỗ không ai dám bén mảng đến hỏi tin tức chồng. Họ bảo về đi, bắn chết rồi. Bà
lại thuê đò về, tính ngày đi của chồng dùng làm ngày giỗ vì bà không biết ông
bị xử bắn vào hôm nào. Mấy hôm sau bà bỏ nhà ở Nam Định, dắt ba thằng bé, đứa
lớn nhất chưa quá 10 tuổi tìm đường ra Hà Nội. Đi làm, nuôi con ăn học. Rồi lại
dắt con di cư vào Nam. Ai làm được gì thì bà cũng làm được như vậy. Bà cũng
khóc chứ. Nhưng nước mắt thì vốn chóng khô vì nó không chảy hết ra một lúc, nó
chảy rỉ rả ít một. Chảy suốt một đời. Cô con dâu bà mới cưới được có ba tháng,
còn trẻ lắm, lại chưa có con, đi đón xác chồng lại có mẹ chồng, anh chồng bên
cạnh. So với bà cô còn may mắn chán.
Mà đúng thật, bà mẹ chồng tháo vát của tôi số khổ hơn con dâu.
Bà xin lên được máy bay về trước các con một hôm thì cũng bị thả xuống phi
trường Bình Thủy đêm hôm đó, máy bay không về đến Sài Gòn. Một cơn mưa tháng
Tám bất chợt ập xuống làm bà ướt sũng, thất thểu tìm một nhà thờ vào xin ngủ
qua đêm, bà không cần khóc nữa, trời đất khóc hộ bà rồi. Sáng hôm sau bà đi xe
đò về Sàigòn. Trong khi đó thì các con của bà: Con sống, con chết cũng bị thả
xuống chỗ mẹ ngày hôm qua, nhưng không phải buổi tối mưa sũng nước mà một buổi
trưa đầy nắng.
Cuối cùng thì cũng đưa được quan tài về Sài Gòn. Khi xuống đến
phi trường Tân Sơn Nhất thì cả người và cảnh trông thật bắt mắt. Nếu có cần
quay một cảnh phim cho chiến tranh thì hay quá. Cái quan tài cũng không cần
phải trang trí cho ra vẻ tang thương hơn nữa. Lá cờ phủ trên nó nhầu nát, xộc
xệch, cô đơn, đã đủ vẻ tang thương.
Hai nhân vật thất thểu xác xơ đứng cạnh không cần phải hóa trang
hay diễn xuất, họ đi đứng như người mất hồn, ngơ ngác, thất lạc, rơi ra từng
mảnh như những người lính vừa bại trận trở về. Cứ dựng máy quay phim lên, quay
họ như thế vào phim cũng tuyệt lắm rồi.
Sau nầy tôi nghĩ lại vẫn tự hỏi. Tại sao lúc đó mà mình tỉnh khô
như vậy, sao mình không phát rồ, phát điên, không đập đầu vào tường?
Cả trăm câu hỏi cứ chạy lung tung trong đầu tôi bao nhiêu năm
trời.
Một chiếc xe nhà binh đón chở áo quan từ phi trường đến nhà xác
bệnh viện Grall. Đã bảo bà mẹ chồng tôi là người tháo vát mà! Bà còn xin được
miếng đất chôn Cung trong Mạc Đĩnh Chi để bà thăm viếng cho tiện, chứ lên tận
Nghĩa Trang Quân Đội thì làm sao bà có thể đi thăm thường xuyên được.
Họ cho Cung đi qua nhà, dừng lại cho Cung nhìn chỗ mình đã sống,
đã lớn lên một lần chót. Chẳng biết ai là người nghĩ ra cái tục không được chết
ở nhà thì phải ghé qua nhà trước khi ra đi hẳn mà hay thế! Tôi thấy những người
lân cận và một vài người họ hàng đã đứng chờ sẵn trước cửa nhà. Họ nhìn tôi,
nhìn quan tài như xem phim chiếu chậm, họ quen quá rồi cái cảnh nầy những năm
gần đây. Tôi còn trẻ quá, họ nghĩ. Thế nào rồi cũng quên đi, cũng lại lấy
chồng, chỉ tội cho bà mẹ anh ta.
Họ nghĩ cũng chẳng sai mấy. Khi tôi bị đẩy ra khỏi nước, gia
đình chồng cũng bỏ đi, chỉ có Cung là người ở lại. Cung cũng chẳng khác gì
những người còn sống, cũng bị đuổi nhà, bị chiếm đoạt tài sản. Người anh họ ở
lại tìm cho anh một nơi cư ngụ mới trong nhà thờ Tân Định.
Tôi trôi mãi rồi cũng phải dạt vào một chỗ. Bảy năm sau tôi lấy
chồng, sanh con, tôi sống bình thường như tất cả mọi người đàn bà khác trên một
đất nước không có chiến tranh. Tôi cũng vui, cũng buồn với những thăng trầm của
đời sống.
Ở đời sống hàng ngày, tôi quên dần cái bất hạnh của tôi mấy mươi
năm về trước. Nhưng tôi nhớ rất rõ ràng là cái bất hạnh đó nó có hiện diện
trong kiếp người của mình. Thỉnh thoảng Cung vẫn về trong giấc mơ, dù suốt ngày
hôm trước tôi không hề nghĩ đến. Cung về như còn sống hay về như đã chết thì
khi tỉnh dậy, nước mắt tôi vẫn lặng lẽ trào ra trên gối. Tôi cố gắng không làm
giao động người nằm bên cạnh đang ngon giấc. Buổi sáng, thức dậy, tôi thay áo
gối, rồi lại thản nhiên bước vào đời sống trước mặt: Giặt giũ cho chồng, cơm
bánh cho con.
Thời gian cứ thản nhiên trôi, buồn và vui đầy ắp hai tay. Ngày
trắng tóc rồi cũng đến.
* * *
Lần đầu tiên về thăm lại Việt Nam năm 1998, sau 23 năm, tôi đi
tìm Cung ở nhà thờ Tân Định.
Tôi đi len lỏi giữa những dẫy kệ, đọc từng cái tên, đi đến vần
“T” là họ của Cung. Tôi nhìn thấy một cái hộc nhỏ, không có hình chỉ có ghi Họ,
tên, ngày sinh, ngày mất. Tôi đứng lặng người, run rẩy chạm những ngón tay mình
lên mặt chữ. Cái cảm giác chạm tay vào đầu áo quan của năm 1969 bỗng hiện ra dưới
những ngón tay tôi. Một tiếng nấc đưa lên thanh quản, vỡ òa ra, tôi khóc như
chưa bao giờ được khóc. Nước mắt của bao nhiêu năm tụ lại một ngày, nước mắt
của những ngày đi đón xác ở Kiên Giang khô lại bây giờ nứt ra như một mạch ngầm
của suối bật lên trên mặt đất nứt nẻ. Tôi khuỵu chân ngồi xuống giữa lối đi của
hai hàng kệ, khóc như chưa bao giờ được khóc.
Chung quanh tôi vắng lặng. Tôi trầm mình vào nước mắt, vào bất
hạnh, vào nỗi cô độc của mình. Cái hộc nhỏ đựng tro than bên trên đầu tôi vẫn
thản nhiên, im lìm nhìn như trước khi tôi đến.
TRẦN MỘNG TÚ
No comments:
Post a Comment