Tranh biếm Đông Hồ
Mặc Lâm, biên tập viên RFA
2016-07-30
2016-07-30
Tranh biếm bơm hơi vào gà.
00:00/00:00
Tranh
sinh hoạt
Mới tuần trước trên mục này chúng ta
đã cùng nhau theo dõi câu chuyện tranh giả của một chuyên gia về mỹ thuật Việt
Nam là ông Jean Francois Hubert với 17 bức tranh dưới những cái tên lừng lẫy
của trường Mỹ thuật Đông Dương, bị người xem, cũng như các nhà nghiên cứu hội
họa vạch ra sự giả mạo rất non tay để từ đó ngành hội họa non trẻ của đất nước
không tránh khỏi đau lòng khi tự biết lĩnh vực giám nghiệm tranh của chúng ta
quá thô sơ, lạc hậu.
Thế nhưng trong cái “giả” đau lòng
ấy, một loạt tranh khác, được định danh là “nhái” lại không hề làm cho người
xem bực mình vì đã nhái kỹ thuật của loại tranh nổi tiếng của đất nước, bởi,
trong cái nhái đầy thi vị của mình tác giả những bức tranh này ý thức rõ ràng
rằng nó sẽ là thông tin cho mai sau đúng với chức năng nó đã và đang mang trên
lưng từ hàng trăm năm nay: tranh sinh hoạt.
Dòng tranh tạm “chuyện làng” ấy không
khó để đoán ra, đó là những bức tranh Đông Hồ trên giấy dó. Nét cọ nghịch ngợm
của những họa sĩ dân gian hằn lên từng thớ giấy toát ra tiếng cười dân giã, kể
lại những câu chuyện xảy ra nơi làng quê mà trong đó nhiều thế hệ sau, khi nhìn
tranh vào những dịp cuối năm sẽ được dịp cười nghiêng ngã trước những đường cọ
bình dị đầy bản sắc dân tộc lộ lên từng mảng màu một cách tinh tế. Khi được hỏi
vì sao lại chọn cách mà Đông Hồ đã làm, Nguyễn Ngọc Tú, tác giả của cách thể
hiện mới này chia sẻ:
Thế hệ của chúng ta bây giờ xem tranh Đông Hồ để hình dung
lại sinh hoạt ngày xưa của ông cha mình, thì ngày nay việc dùng thực phẩm bẩn
để gây hại cho người khác cũng sẽ trở thành đề tài để thể hiện sau này.
-Nguyễn Ngọc Tú
-Nguyễn Ngọc Tú
“Vì sao lựa chọn chất liệu Đông Hồ?
Đó là vì bản chất tranh Đông Hồ là thể loại tranh dân gian, nó lưu giữ lại
những cảnh sinh hoạt đời thường của người dân. Thế hệ của chúng ta bây giờ xem
tranh Đông Hồ để hình dung lại sinh hoạt ngày xưa của ông cha mình, thì ngày
nay việc dùng thực phẩm bẩn để gây hại cho người khác cũng sẽ trở thành đề tài
để thể hiện sau này. Khi con cháu mình nhìn vào những bức tranh được lưu giữ ở
quá khứ nó mang giá trị dành cho thế hệ sau hơn là ở thế hệ này bởi vì chúng ta
thấy nó quá bình thường rồi nhưng sau này con cháu chúng ta nhìn vào nó sẽ hình
dung ra được một quá khứ không còn đẹp đẽ như những bức tranh Đông Hồ mà chúng
ta thấy hiện nay nữa. Nó là một quá khứ rất đáng sợ, đó là lý do tại sao cháu
chọn phong cách tranh Đông Hồ.”
Tranh Đông Hồ nổi tiếng vì những câu
chuyện mà nó chuyên chở, từ hái dừa, đánh ghen hay đám cưới chuột, cho tới cách
nhìn của tranh đối với những con vật quen thuộc trong gia đình như gà hay lợn
cũng thân tình và gần gũi với người bình dân hơn bất cứ dòng tranh dân gian nào
khác. Nét đặc sắc của Đông Hồ nằm trong ba yếu tố: chất liệu giấy dó được phết
điệp khiến tranh sống động như các loại tranh hiện đại. Màu sắc được lấy từ cây
cỏ thiên nhiên nhưng không bị giới hạn bởi tính cách đơn sắc khi in mộc bản.
Tuy nhiên, chính nội dung của tranh mới làm nó nổi tiếng và người xem yêu quý.
Tranh Đông Hồ kể lại những câu chuyện thường nhật về con người sống cùng thời
đại của nó mà đôi khi trong thế giới ngày nay đã hoàn toàn biến mất.
Đông Hồ tuy được công nhận là di sản
phi vật thể nhưng ngày càng ít người mua hơn, bởi điều dễ nhận thấy nhất là
những câu chuyện trong tranh vốn là sức hút nay không còn ăn khách nữa.
Nguyễn Ngọc Tú, một người trẻ không
chuyên về vẽ, đã vô tình tiếp nối dòng tranh này bằng những câu chuyện biếm của
mình theo cung cách Đông Hồ. Tranh biếm của anh xoay quanh các đề tài mà ngày
nay trở thành bình thường đến nỗi không còn ai để ý đó là vấn đề thức ăn thường
nhật của người Việt không còn an toàn nữa. Nguyễn Ngọc Tú tuy chỉ là một người
vẽ tài tử nhưng cách tiếp cận vấn đề của anh thật đáng chú ý.
Tranh biếm lợn khát của Nguyễn Ngọc
Tú.
Nguyễn Ngọc Tú sớm nhận ra những ưu
tư của anh trước đời thường nếu ghi chép lại bằng kỹ thuật của tranh Đông Hồ sẽ
thu hút được sự chú ý của người hôm nay và quan trọng hơn, nó sẽ lưu truyền trong
những năm tháng sau này như Đông Hồ từng làm. Từ trăn trở này Nguyễn Ngọc Tú
cho biết:
“Ban đầu do nỗi lo lắng khi mình đi
ăn ngoài. Bây giờ việc người ta dùng thực phẩm bẩn đã tràn lan rồi thành ra mỗi
lần đi ăn ngoài là một lần lo sợ. Nỗi lo sợ đó khi về nhà cháu muốn vẽ một cái
gì đó thể hiện nỗi lo không những cho riêng mình mà cho người thân và con cháu
mình sau này để cảnh giác. Ban đầu vẽ lên thì để thể hiện sự lo lắng của bản
thân cũng như lo lắng cho những người chung quanh mình về vấn nạn người ta dùng
thực phẩm bẩn. Nó đặt nặng nhiều vào sự hy vọng. Hy vọng những người buôn bán
họ sẽ lấy cái tâm để làm kinh doanh, chứ nếu lấy sức khỏe người khác mang lợi
cho mình thì rất là đáng sợ cho thế hệ này và những thế hệ sau nữa. Nó mang hy
vọng rất lớn chứ không phải là thông điệp nhắn gửi bởi vì báo chí đã phản ảnh
rất nhiều rồi cho nên bộ tranh này chỉ mong nó là niềm hy vọng, lớn hơn sự phản
ảnh.”
Tranh
Đông Hồ nhái
Để vẽ loạt tranh biếm này Nguyễn
Ngọc Tú sáng tạo background thô nhám nghệ thuật của tranh Đông Hồ bằng cách áp
dụng phần mềm Photoshop, sau đó vẽ trực tiếp trên Wacom tạo hình dạng của nhân
vật cuối cùng là phần màu dựa vào nguyên mẫu Đông Hồ để tạo nên tổng thể từng
họa phẩm.
Tuy rất giống tranh Đông Hồ khi mới
lướt nhìn nhưng rất khác nếu ngừng lại ở bức tranh lâu hơn. Nguyễn Ngọc Tú cho
biết cách mà anh sáng tác:
“Cháu không phải là họa sĩ cũng như
không biết cách làm tranh Đông Hồ như thế nào nhưng khi nhìn những bức tranh
Đông Hồ cháu dùng máy tính Digital Printing và cố gắng thể hiện chất liệu của
nó càng giống càng tốt. Cũng may nó thể hiện được phần nào nên mọi người nhìn
vào thì thấy ngay phong cách tranh Đông Hồ bởi vậy người ta hay gọi tranh Đông
Hồ nhái chứ không phải tranh Đông Hồ được vẽ theo cách truyền thống. Cháu vẽ trên
Wacom và dùng phần mềm Photoshop.”
Cháu không phải là họa sĩ cũng như không biết cách làm tranh
Đông Hồ như thế nào nhưng khi nhìn những bức tranh Đông Hồ cháu dùng máy tính
Digital Printing và cố gắng thể hiện chất liệu của nó càng giống càng tốt.
-Nguyễn Ngọc Tú
-Nguyễn Ngọc Tú
Tú dùng bố cục của Đông Hồ để miêu
tả câu chuyện trong chủ đề duy nhất là thực phẩm bẩn. Bức tranh người đàn bà
ngồi bơm hơi vào con gà cho to lên để bán, hay cả gia đình “hô biến” những quầy
chuối còn non thành vàng ruộm đã thật sự làm cho người xem rúng động. Những con
người hiền lành khi xưa trong thế giới của tranh Đông Hồ hôm nay thay đổi diện
mạo một cách khó hiểu. Cũng chiếc áo tứ thân, cũng khuôn mặt bầu bĩnh của đứa
trẻ Việt Nam, cũng thân cây quen thuộc trong Đông Hồ nay đã trở thành một nơi
chốn khác, tàn bạo và lạnh lùng bởi lòng tham của con người.
Nếu bức đánh ghen của Đông Hồ làm
cho người xem nhớ mãi trong cái ghen tuông của bà vợ vẫn còn chút gì hơi hướm
chân quê thì nay chính vợ chồng hai anh chị nhà quê ấy lại cùng nhau mở cửa hàng
bán thịt lợn nhưng lại ghi bảng là “thịt bò 100% thề!” Chữ “thề” phía sau như
một dấu chấm than diễn tả thật sâu ý nghĩa mà bức biếm họa kéo người xem vào
ngôn ngữ kẻ chợ hôm nay. “Thề” không còn là chữ người ta dùng một cách cẩn
trọng nữa mà nó như một thứ “tán thán từ” được nói lên nhằm minh họa cho một
thời kỳ gian dối đến từng câu chữ.
Con dao bầu sắc nhọn thay cho chiếc
kéo đánh ghen hôm xưa vẽ ra hình ảnh một xã hội lừa đảo đến cùng cực. Người xem
rùng mình khi nghĩ tới viễn cảnh mình và gia đình đang nằm dưới con dao tròn
trĩnh ấy vì hóa chất biến heo thành bò của những thương buôn vô lương tâm.
Nếu con lợn trong tranh Đông Hồ
tượng trưng cho sung túc thì trong loạt tranh biếm của Nguyễn Ngọc Tú chú lợn
trở thành “lợn oan” vì đói khát phải ra đường tìm nước uống ở những phông tên
công cộng. Tú rất tinh tế qua cách dùng màu sắc để biểu cảm trong từng chủ đề.
Cũng là màu của Đông Hồ, cũng là hơi thở của Đông Hồ trên từng chiếc lá nhưng
trong tranh biếm của Nguyễn Ngọc Tú người xem thấy không gian của thời đại mình
đang sống hiện ra bằng ngôn ngữ Tú dùng trong tranh: lạnh lùng, vô cảm và đầy
ắp mưu toan.
Trong bức biếm về giá cả, bên cạnh
gian hàng thịt heo trưng bảng giá 100 ngàn một ký, thì gian hàng kế bên bán chà
bông cũng từ thịt heo nhưng chỉ còn 80 ngàn một ký. Sự gian dối lộ liễu ấy cho
thấy người bán xem thường người mua đến mức nào.
Tranh biếm nhuộm chuối của Nguyễn
Ngọc Tú.
Bức cuối của loạt tranh biếm Đông Hồ
miêu tả một bệnh viện mang tên Ung bứu đang được xây dựng với lá cờ phướng ghi
rõ dòng chữ “tưng bừng khởi công” làm cho người xem vừa tức cười vừa chua xót.
Đâu đó trong không khí của năm 2016, hình ảnh từng đoàn người bấu víu nhau vào
bệnh viện để chữa trị những chứng nội thương ung bứu do hóa chất trong thực
phẩm gây ra làm cho “dòng tranh” biếm của Tú thấm đẫm thời gian tính hơn lúc
nào hết.
Tranh biếm của Nguyễn Ngọc Tú không
có tính cổ vũ cho sự bôi bẩn con người hay chế độ, nó chỉ đơn giản là kể
chuyện. Những câu chuyện bằng tranh tuy gây cười nhưng lại tác dụng như những
biên bản thời sự, minh họa lại những sinh hoạt gian lận trong công nghệ thực
phẩm từ công ty lớn cho tới bà nhà quê mới học được kỹ thuật bơm hóa chất vào
trái cây để nó chín mau hơn, bất kể sức khỏe người ăn nó.
Những bức tranh biếm Đông Hồ của
thời đại Hồ Chí Minh không đơn độc trong không gian mạng, nó chậm rãi đi vào ý
thức của người xem và nếu để ý, người ta sẽ thấy phần chìm phía sau nó là những
tiếng thở dài của cả một thế hệ lơ láo trước những nguy hiểm chết người nhưng
không có cách nào chống lại.
Khi được hỏi có suy tính tới việc
phản ảnh những vấn nạn xã hội khác ngoài thực phẩm bẩn trong tranh biếm của
mình hay không, Tú cho biết:
“Những vấn nạn ở xã hội bây giờ nó
quá nhiều, nếu diễn tả hết thì thật sự cũng khó mà nói hết được cho nên trước
mắt cháu tập trung vào đề tài này thôi còn sau này nếu có thời gian thì sẽ phát
triển mở rộng thêm đề tài.”
Công việc của Tú tuy không nặng nề
nhưng dù sao nó cũng là tài sản trí tuệ. Anh không thể hiểu nỗi vì sao nhiều tờ
báo mạng thoải mái share những bức tranh này của anh mà lại quên ghi tên tác
giả. Đây có lẽ là mối bận tâm nhất của anh.
“Chỉ có trên Facebook và có một tờ
báo mạng xin phép đăng trên trang của họ. Riêng những người khác hay những
trang khác thì họ share về hay lưu lại rồi họ tự post lên. Việc mà được tôn
trọng, được credit tên của mình nó thể hiện phần tôn trọng đối với tác giả mà
quyền tác giả tại Việt Nam thì dường như nó bị xem nhẹ quá. Cháu khá buồn khi
thấy một số một vài trang lớn tự đăng lại mà không một lời xin phép nào thì
cũng hơi buồn.”
Con đường còn rất dài trước mặt để
khẳng định cách làm của Nguyễn Ngọc Tú có đi trước thời đại hay không. Thế
nhưng nếu không chấp nhận cho mình sự thử thách như Tú đang làm, xã hội sẽ buồn
và đơn điệu biết bao khi tiếng cười lành mạnh không còn vang lên trong bữa cơm
gia đình.
Tú đã mang tiếng cười đến cho ai xem
tranh của anh, mặc dù trong tiếng cười ấy là biết bao sinh mệnh đã bị trả giá
về lòng tham của con người.
Tranh biếm Đông Hồ của Nguyễn Ngọc
Tú dù có được nhắc tới sau này như sự mong đợi của tác giả hay không nhưng cách
làm của anh đã cho thấy sự sáng tạo của một người trẻ đang góp phần tích cực
kéo dài đời sống tinh thần của Đông Hồ trong ký ức người Việt.
No comments:
Post a Comment