Aspirin
giúp giảm nguy cơ bệnh tim mạch và ung thư đại tràng
Việt Hà, phóng viên
RFA
2016-05-03
2016-05-03
Nhóm nghiên cứu phòng
bệnh của Hoa Kỳ mới đây đưa ra một hướng dẫn mới theo đó những người có nguy cơ
bị bệnh tim mạch cao nên uống aspirin liều thấp để giúp giảm nguy cơ bệnh và
ung thư đại tràng.
Hồi đầu tháng 4, nhóm
nghiên cứu phòng bệnh Hoa Kỳ công bố một hướng dẫn mới khuyến cáo những người
có độ tuổi từ 50 đến 69 và có nguy cơ bị nhồi máu cơ tim từ 10% trở lên và
không dễ bị chảy máu nên cân nhắc việc uống aspirin liều thấp để ngừa nguy cơ
nhồi máu cơ tim và ung thư đại tràng.
Aspirin và bệnh tim
mạch
Theo các bác sĩ Hoa
Kỳ, liều aspirin được khuyến cáo sử dụng không vượt quá 100 mg một ngày. Các
nhà nghiên cứu cũng cho biết trên thực tế có đến 41% người có nguy cơ bị nhồi
máu cơ tim được bác sĩ khuyên sử dụng aspirin. Trong số những người có độ tuổi
từ 65 trở lên được khuyên sử dụng aspirin, có đến 80% người dùng thuốc theo chỉ
dẫn của bác sĩ.
Khi bị nhồi máu cơ tim
cấp người bệnh nên được cho sử dụng aspirin ngay lập tức và tiếp tục sử dụng
thuốc này hàng ngày sau đó để giảm nguy cơ tử vong và những nguy cơ nhồi máu cơ
tim hay nghẽn mạch máu não.
- Bác sĩ Charles Hennekens
- Bác sĩ Charles Hennekens
Bác sĩ Charles
Hennekens, thuộc trường đại học Florida Atlantic, Hoa Kỳ, nói về hướng dẫn mới:
“Khi bị nhồi máu cơ
tim cấp người bệnh nên được cho sử dụng aspirin ngay lập tức và tiếp tục sử
dụng thuốc này hàng ngày sau đó để giảm nguy cơ tử vong và những nguy cơ nhồi
máu cơ tim hay nghẽn mạch máu não. Đối với những người đã sống sót sau khi bị
nhồi máu cơ tim, bị nghẽn mạch máu não, aspirin nên được sử dụng lâu dài trừ
khi có những chỉ định khác.”
Theo ước tính của Tổ
chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm cả thế giới có khoảng 17 triệu người chết vì
nhồi máu cơ tim và tai biến mạch máu não. Nói về nguy cơ gây tử vong của hai
căn bệnh này, bác sĩ Hennekens nói:
“Tai biến và nhồi máu
cơ tim không chỉ làm tăng nguy cơ tử vong ở phương Tây mà cũng là một trong các
nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở châu Á. Các bệnh này đã nhảy từ yếu tố gây
tử vong hàng thứ năm lên hàng thứ nhất trên toàn thế giới.”
Tuy nhiên việc sử dụng
aspirin để phòng các bệnh tim mạch cũng có những điểm cần được chú ý. Một số
những tác dụng phụ do thuốc mang lại, theo các bác sĩ là hoàn toàn có thể được
điều trị. Bác sĩ Hennekens cho biết:
“Tác dụng phụ chính và
khá phổ biến của aspirin là đau dạ dày. Đây là triệu chứng hoàn toàn có thể
được ngăn ngừa và điều trị… Những rủi ro này thường thấp hơn nhiều so với những
lợi ích tổng thể mà aspirin mang lại. Bên cạnh đó, nguy cơ bị tai biến não do
chảy máu cũng rất thấp.”
Ngoài ra, bác sĩ
Hennekens cũng khuyến cáo các bệnh nhân nên cẩn trọng trong việc sử dụng
aspirin khi có những vấn đề về sức khỏe và thuốc có thể gây phản ứng chéo.
“Nếu tôi bị tai biến
nghẽn mạch máu não, bác sĩ có thể kê cho tôi thuốc Coumadin vốn có rủi ro chảy
máu cao và có thể tôi được uống một trong những loại thuốc mới gần đây như
Pradaxa hay Xeralto. Khi tôi nghe nói aspirin tốt cho người bị tai biến, tôi
quyết định dùng aspirin thì có thể thuốc có ích thêm một chút cho tôi trong
việc phòng tránh bệnh nhưng đồng thời cũng làm tăng nguy cơ chảy máu vì không
chỉ aspirin mà cả những thuốc kia cũng làm tăng nguy cơ chảy máu. Cho nên theo
tôi bạn không nên uống thuốc không kê đơn lâu hơn vài tuần một lần mà không hỏi
ý kiến bác sĩ.”
Aspirin ngăn ngừa ung
thư
Điểm đáng chú ý khác
trong hướng dẫn mới của các bác sĩ Mỹ là thuốc aspirin có thể ngăn ngừa ung thư
đại tràng. Điều này cũng tương tự như kết quả của một nghiên cứu trước đây của
các nhà khoa học thuộc trường đại học London được công bố hồi năm 2014. Theo
kết quả nghiên cứu, việc uống thuốc aspirin hàng ngày ở những người từ độ tuổi
từ 50 đến 65 có thể giúp làm giảm nguy cơ các bệnh ung thư như ung thư ruột
già, ung thư dạ dày, và ung thư thực quản. Bác sĩ Jack Cuzick, người đứng đầu
nghiên cứu thuộc trường đại học London cho biết:
“Nhìn chung đã có hơn
50 thử nghiệm lâm sàng và hơn 200 các nghiên cứu kết hợp khác về công dụng này
của thuốc. Điều chúng tôi làm là đặt tất cả các mặt lợi và nguy cơ của thuốc
aspirin vào một người bình thường. Kết quả cho thấy lợi ích chiếm ưu thế hơn
rất nhiều so với các nguy cơ. Cái lợi lớn nhất chính là nó làm giảm được 1/3
nguy cơ bị ung thư đại tràng, ung thư dạ dày và ung thư thực quản. Nó cũng giảm
nhẹ nguy cơ bị ung thư phổi, ung thư vú, ung thư tuyến tiền liệt và có rất ít
tác dụng đối với các loại ung thư khác.”
Nghiên cứu cho thấy
việc uống aspirin mỗi ngày trong 10 năm liên tục sẽ giúp những người có độ tuổi
từ 50 đến 65 giảm được nguy cơ ung thư ruột già khoảng 35% và giảm khoảng 40%
nguy cơ tử vong vì ung thư ruột già. Các nhà nghiên cứu cũng cho biết, người
uống thuốc aspirin cần phải chờ khoảng ít nhất 5 năm sau khi uống thuốc để có
thể thấy được những tác động có lợi của thuốc.
Ngoài ra, bác sĩ Jack
Cuzick cho biết việc uống aspirin cũng có tác dụng chống ung thư lâu dài ngay
cả khi người dùng đã ngưng thuốc một thời gian.
“Có những bằng chứng
cho thấy tác dụng chống ung thư của thuốc có thể tiếp diễn về sau, tức là ngay
kể cả khi bạn đã ngừng thuốc thì tác dụng của thuốc vẫn còn kéo dài thêm vài
năm sau đó… Dường như đã có những bằng chứng cho thấy là tác dụng này có thể
kéo dài thêm ít nhất là 5 năm nữa trong việc giảm nguy cơ bị ung thư và thêm
khoảng 10 năm sau đó trong việc ngăn ngừa nguy cơ bị tử vong do ung thư.”
Cái lợi lớn nhất chính
là nó làm giảm được 1/3 nguy cơ bị ung thư đại tràng, ung thư dạ dày và ung thư
thực quản.
- Bác sĩ Jack Cuzick
- Bác sĩ Jack Cuzick
Tuy nhiên, bác sĩ Jack
Cuzick cho biết việc uống aspirin để tránh ung thư cần phải cân nhắc đến những
tác dụng phụ của thuốc. Vì vậy các bác sĩ khuyên việc uống thuốc để tránh ung
thư không thôi chỉ nên áp dụng đối với người có độ tuổi từ 50 đến 65.
“Lý do mà chúng tôi
khuyên chỉ tập trung vào nhóm người độ tuổi từ 50 đến 65 là vì trong phần lớn
các trường hợp, việc chảy máu có thể xảy ra rất nghiêm trọng. Có một số người
không nên dùng aspirin để tránh ung thư. Đó là những người có huyết áp cao,
những người bị tiểu đường, người đang dùng thuốc chống đông máu khác như
Warfarin chẳng hạn. Đây là những trường hợp có nguy cơ bị chảy máu cao và vì
vậy việc uống aspirin sẽ không có tác dụng.”
Trong tác dụng phòng
ngừa ung thư, bác sĩ Cuzick cho rằng những người có độ tuổi dưới 50 không nên
dùng aspirin với mục đích này vì tác dụng phòng ung thư của thuốc ở độ tuổi này
nếu so với nguy cơ bị chảy máu là không đáng kể.
Bác sĩ Hennekens thì
cho rằng dù thuốc aspirin đã cho thấy những tác dụng đáng kể trong phòng ngừa
tai biến và nhồi máu cơ tim cũng như ung thư, những người muốn dùng aspirin cho
những tác dụng này cần rất cẩn trọng và phải hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử
dụng. Ông nói:
“Theo tôi điều này phụ
thuộc vào rủi ro của từng người. Một người đàn ông 50 tuổi gầy và khỏe mạnh,
rủi ro bị bệnh tim mạch thấp thì ông ta không cần uống aspirin. Nhưng một phụ
nữ ở độ tuổi khoảng 30 nhưng lại bị huyết áp cao, bị thừa cân và trong gia đình
cùng huyết thống của cô ta đã có người từng bị bệnh tim mạch khi còn trẻ thì
bác sĩ có thể sẽ cân nhắc cho cô ta dùng aspirin. Cho nên việc kê đơn thuốc
không chỉ dựa vào tuổi. Tuổi chỉ là một trong nhiều yếu tố, vì có những người lớn
tuổi mà không cần thuốc và người trẻ có khi lại cần.”
Cuối cùng bác sĩ
Hennekens nhấn mạnh hướng dẫn mới của các bác sĩ trong việc dùng aspirin đối
với mọi người chỉ mang tính chỉ dẫn chứ không phải là bắt buộc khiến mọi người
phải làm theo.
No comments:
Post a Comment