Chệch Hướng hay Tụt Hậu?
Nguyên Lam & Nguyễn Xuân Nghĩa,
RFA
2015-12-09
2015-12-09
Các chỉ
tiêu nợ công của Việt Nam theo tính toán của The Economist.
Chúng
ta đang vào mấy tuần cuối của 2015, một năm có nhiều ý nghĩa lịch sử cho Việt
Nam. Nhưng qua năm tới, tình hình còn nhiều ý nghĩa hơn cho tương lai vì đảng
Cộng sản có Đại hội khi xứ sở chuẩn bị hội nhập vào một khu vực kinh tế rộng
lớn qua Hiệp ước Đối tác Xuyên Thái bình dương TPP. Nguyên Lam sẽ tìm hiểu viễn
ảnh đó qua sự lượng định của chuyên gia Nguyễn-Xuân Nghĩa cho tiết mục Diễn đàn
Kinh tế.
Nguyên Lam: Xin kính chào ông Nguyễn-Xuân Nghĩa. Cuối năm, chúng ta
thường làm một tổng kết về kinh tế toàn cầu, tình hình Đông Á rồi tới Việt Nam.
Kỳ này, Nguyên Lam đề nghị là chúng ta khởi sự với Việt Nam vì qua năm 2016,
đảng Cộng sản lại có một Đại hội năm năm tổ chức một lần, để định hướng phát
triển và đề cử nhân sự lãnh đạo cho năm năm tới. Vì vậy, xin ông làm một tổng kết
về tình hình Việt Nam và nêu nhận xét về những chọn lưa trước mặt.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi bắt đầu từ viễn ảnh dài và nói đến tình trạng tụt hậu
của Việt Nam.
- Nói đến sự tụt hậu của Việt Nam
thì nhiều người có thể ngạc nhiên hoặc bất bình chỉ vì cách nhìn sai lạc. Trong
hơn một thế kỷ, lần đầu tiên mà Việt Nam không bị chiến tranh trong mấy chục
năm liền, lãnh thổ được thống nhất với hệ thống lãnh đạo có toàn quyền quyết
định. Một quốc gia khác mà có hoàn cảnh ấy thì đã có thể phát triển mạnh và
nâng cao mức sống của toàn dân về cả phẩm lẫn lượng. Nhìn hạn hẹp theo thời
gian thì ai cũng tưởng Việt Nam có cải tiến sau khi đổi mới từ ba chục năm
trước. Nhưng nhìn rộng ra không gian thì sự cải tiến ấy còn thua các lân bang
rất xa. Ngày nay, trong 10 nước của Hiệp hội ASEAN tại Đông Nam Á, về lợi tức
một đầu người, tức là tiêu chuẩn cụ thể về năng suất, Việt Nam chỉ hơn Miến,
Miên, Lào, còn thì thua cả sáu nước kia. Nếu so với hai nước Đông Bắc Á là Nam
Hàn và Đài Loan thì còn thua cả kinh tế lẫn chính trị. Xưa kia, hai xứ này
chẳng hơn gì một nửa miền Nam của Việt Nam, mà nay đã thành loại quốc gia
thượng đẳng, kinh tế giàu mạnh và chính trị dân chủ. Tụt hậu là như vậy. Không
ý thức được sự thua kém mà cho là mình hay thì sẽ tiếp tục ở trong cõi lạc hậu,
để dân mình làm đầy tớ cho thiên hạ.
Nguyên Lam: Nhưng thưa ông, nhiều tổ chức quốc tế đã công nhận rằng
Việt Nam là một trong mươi quốc gia ổn định nhất thế giới. Ông nghĩ sao về cách
đánh giá ấy?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Quốc tế ưa có thói xuất khẩu đường, là nói lời ngon ngọt
mà ém nhẹm vấn đề của quốc gia! Hãy đọc tin hàng ngày về tình trạng băng hoại
xã hội Việt Nam, với tội ác tràn lan trong giới trẻ và chẳng còn ai biết thế
nào là đúng thế nào là sai thì ta có định nghĩa khác về ổn định. Thuần về kinh
tế, quốc tế cũng đánh giá sai các bài toán kinh tế của Việt Nam, cụ thể là tình
trạng nợ nần quá nguy ngập của hệ thống ngân hàng thương mại hay tham ô quá tệ
hại của bộ máy công quyền. Từng là chuyên gia tư vấn của các tổ chức quốc tế,
tôi hiểu lối làm việc của họ. Nói chẳng nghe thì họ cũng mặc, ra vài khuyến cáo
đầy tính ngoại giao rồi ra về. Sau cùng, chuyện thiếu ổn định nhất nó nằm trong
cái đầu của hệ thống lãnh đạo!
Nguyên Lam: Thính giả của chúng ta đã quen với cách phân tích độc đáo
và phát biểu táo bạo của ông, nhưng Nguyên Lam vẫn xin hỏi lại rằng vì sao ông
cho là cái đầu của giới lãnh đạo tại Việt Nam là thiếu ổn định?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Dù có ra nghị quyết du dương, họ đều biết Việt Nam đang
rơi vào cái bẫy xập của các quốc gia có lợi tức trung bình thấp, y như lãnh đạo
Trung Quốc đang sợ rơi vào cái bẫy xập của quốc gia có lợi tức trung bình cao.
Rơi vào đó là rất khó lên để còn bước vào thành phần quốc gia thượng đẳng giàu
có. Cụ thể thì lợi tức bình quân một đầu người của Việt Nam vẫn dưới hai ngàn
Mỹ kim một năm. Muốn lên gấp hai thì trong 10 năm tới phải tăng trưởng thật là
7% một năm, điều không dễ, mà chỉ để lên tới bốn ngàn một năm, tức là còn thua
Thái Lan hay Malaysia, Philippines. Bao giờ thì tới một vạn hay ba vạn như bậc
thầy bậc chủ của mình là Nam Hàn hay Đài Loan? Muốn có một bước nhảy vọt như
các nước đó đã từng có từ nửa thế kỷ trước thì lãnh đạo phải từ bỏ cái mộng mị
“định hướng xã hội chủ nghĩa”, mà từ bỏ thì lại sợ bị chệch hướng Mác Lenin.
Cho nên giữa hai ngả là tụt hậu hay chệch hướng, tôi e là họ sẽ chọn ngả tụt
hậu. Cái đầu nó thiểu ổn định là như vậy!
Nguyên Lam: Ông vừa đề cập tới một chuyện đang gây tranh luận ở trong
nước, về nội dung của chủ trương “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ
nghĩa”? Ông nghĩ sao về chuyện đó?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Hơn hai chục năm trước, cấp lãnh đạo cao nhất của đảng đã
nêu câu hỏi mà chẳng ai có giải đáp. Thế rồi 25 năm qua, thành phần lý luận thì
cố vẽ ra hình tròn bốn góc và gọi đó là “định hướng xã hội chủ nghĩa”. Thành
phần phải điều hành kinh tế và tiếp xúc với bên ngoài thì cố chứng minh rằng
Việt Nam đã áp dụng quy luật kinh tế thị trường, làm bên ngoài tưởng lầm rằng
họ có tinh thần thực tiễn. Thật ra hệ thống kinh tế chính trị Việt Nam có một
đặc tính quái dị, hơi phi cầm phi thú. Đó là lãnh đạo thật là loại đảng viên
chưa hề sống trong kinh tế thị trường nhưng có quyền hạn hơn đảng viên tiếp cận
với thị trường.
Nợ công của Việt Nam trong vòng 10
năm qua, theo số liệu của The Economist
- Ta hãy nghĩ đến một doanh nghiệp
mà mấy vị ngồi trong Hội đồng Quản trị có thể sai khiến cấp điều hành lại là
những kẻ không biết kinh doanh mà chỉ biết đọc sách Thánh hiền Mác Lê. Vì vậy,
thành phần biết về kinh doanh mà chẳng có đặc quyền thì đi tìm đặc lợi, là tham
nhũng. Mọi người đều hài lòng với lối phân công lao động kỳ lạ ấy. Ở trên thì
vẫn tin rằng Marx có lý và Việt Nam chỉ tạt qua kinh tế thị trường rồi sẽ tiến
lên xã hội chủ nghĩa dù chính họ cũng chưa thể định nghĩa thế nào là xã hội chủ
nghĩa. Ở dưới thì biết rằng đảng và Marx đều sai nhưng dại gì mà nói ra điều ấy
để mất quyền lãnh đạo kinh tế và mất cơ hội trục lợi?
Nguyên Lam: Nguyên Lam rất tò mò mà hỏi rằng nếu ông được yêu cầu giải
thích định hướng xã hội chủ nghĩa là gì thì ông trả lời sao?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thuần về lý luận kinh tế và đang sống trong một xứ dân
chủ, tôi thiên về xu hướng tự do và cho ưu tiên là phát triển. Nhưng tôi thông
cảm với xu hướng xã hội và cho rằng một nước nghèo mà có quá nhiều bất công xã
hội thì nên theo xu hướng xã hội. Xu hướng ấy chú trọng tới công bằng xã hội
hơn là phát triển, là điều mình có thể hiểu được.
- Khi đó, ta có thể nghĩ “định hướng
xã hội chủ nghĩa” hàm ý phát triển xã hội, với đối tượng ưu tiên là thành phần
nghèo đói đang chiếm đa số. Cụ thể về kinh tế thì chú trọng tới khía cạnh giáo
dục, y tế, huấn nghệ để đa số có được nền tảng sinh hoạt tối thiểu hầu có thể
tham gia vào sản xuất với hiệu năng cao hơn. Muốn vậy thì trước hết vẫn phải để
thị trường tư doanh được sinh hoạt tự do hầu còn tạo ra của cải và phương tiện
cho những yêu cầu xã hội kể trên. Tức là vẫn phải chấp nhận và xây dựng định
chế căn bản của thịnh vượng là quyền tư hữu.
- Ngược lại, định hướng xã hội chủ
nghĩa không thể là triệt phá tư doanh, bảo vệ quốc doanh và duy trì nạn độc
đảng như Việt Nam ngày nay. Và định hướng xã hội chủ nghĩa càng không là lý
luận của những người đang chuẩn bị Đại hội đảng theo hướng tăng cường chế độ
công hữu để khu vực kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Áp dụng lý luận của
thế kỷ 19 vào thế kỷ 21 là một biểu hiệu của sự lạc hậu về tư duy. Người lạc
hậu về tư duy mà lãnh đạo thì xứ sở tất nhiên tụt hậu!
Nguyên Lam: Thưa ông Nghĩa, khi ông nói đến một điều kiện của cái định
hướng xã hội chủ nghĩa là chấm dứt tình trạng độc đảng như Việt Nam ngày nay
thì điều kiện ấy có hàm nghĩa là phải xây dựng chế độ dân chủ không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi không đơn giản cho rằng dân chủ là giải pháp thần
diệu khả dĩ giải quyết mọi vấn đề. Đấy chỉ là phương tiện ít tệ nhất để tiến
tới một hình thái phát triển cao hơn vì cho người dân quyền chọn lựa. Tôi hiểu
dân chủ là sự bình đẳng của mọi người dân trước pháp luật do đại diện của người
dân thiết lập ra. Với chế độ độc đảng có toàn quyền về luật lệ, khi mọi chuyện
đều do một thiểu số quyết định trong khung cảnh toàn cầu có quá nhiều thay đổi hiện
nay, thì xã hội chẳng còn ai có thể sửa sai và chọn hướng khác cho quốc gia.
- Về cụ thể, ta cứ nói đến hai tấm
gương là Nam Hàn và Đài Loan mà ít chú ý tới hai đặc điểm của họ. Thứ nhất là
họ từng có chế độ độc tài mà khi ấy vẫn thực tế theo xã hội chủ nghĩa nên tập
trung phát triển mạnh với mức công bằng xã hội cao nhờ bộ máy công quyền liêm
khiết. Thứ hai là trên nền tảng xã hội đó, họ tự chuyển hóa ra chế độ dân chủ,
dù đảng cầm quyền thất cử thì vẫn có lúc trở lại. Họ không sợ đa nguyên và bất
ổn chính trị. Các nước Đông Nam Á chưa được như vậy, nhưng vẫn tiến tới dân chủ
và nhờ vậy mà càng dễ thoát khỏi các chu kỳ khủng hoảng kinh tế từ bên ngoài
dội vào.
Nguyên Lam: Nhìn ra quốc tế và với viễn ảnh là năm tới Việt Nam sẽ là
thành viên của khối TPP có 12 nước, thì ông có nghĩ rằng lượng đầu tư trực tiếp
của các nước bên ngoài sẽ góp phần giải quyết được các khó khăn kinh tế cho
Việt Nam không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi sẽ lại nói ngược mà bảo rằng không! Quả thật kinh tế
Việt Nam có hy vọng thoát Tầu nhờ TPP, với điều kiện là người Việt Nam sẽ hưởng
được kết quả ấy chứ không phải là doanh nghiệp có vốn nước ngoài. Trong hiện
tại thì Việt Nam sẽ có lợi nhất khi gia nhập khối TPP. Nhưng trong mối lợi dán
nhãn Việt Nam ấy thì doanh nghiệp quốc tế chiếm phần chính, tư doanh Việt Nam
thì còm cõi dần và chỉ được xương xẩu. Còn người Việt chỉ mong làm tôi tớ cho
doanh nghiệp ngoại quốc và đâm ra xuất cảng sức lao động của mình trong hàm
lượng hàng hóa bán cho 11 nước kia. Vì vậy, vấn đề không thể là dán nhãn và hài
lòng với hình thức. Vấn đề là phải xây dựng thực lực để tỷ trọng Việt Nam chiếm
phần hơn trong các sản phẩm gọi là “Made in Viêtnam”, Chế tạo tại Việt Nam. Qua
năm tới, Việt Nam sẽ đối đầu với bài toán thực tế ấy.
Nguyên Lam: Tổng kết lại thì có phải như ông không thấy lạc quan vể
viễn ảnh 2016?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi không lạc quan khi thấy lãnh đạo Hà Nội quá lạc quan.
- Họ lạc quan vì đã củng cố chỗ tựa
cho đảng là Bắc Kinh, với cái giá đắt đỏ là những mất mát lớn cho xứ sở không
chỉ ở lãnh hải mà ngay trong lãnh thổ. Họ càng lạc quan hơn khi có thêm một chỗ
tựa mới là Hoa Kỳ và tin rằng Mỹ cần ổn định để làm ăn và nói chuyện ôn tồn với
Trung Quốc nên không gây thêm sức ép về dân chủ nhân quyền hay tự do. Đảng chỉ
cần làm bộ tổ chức ra công đoàn độc lập là xong. Và họ lạc quan hơn cả khi nêu
bài toán giả cho người dân, rằng nếu quá gay gắt về chủ quyền thì bị nguy cơ
chiến tranh với Trung Quốc, hoặc quá thiết tha với dân chủ thì quốc gia mất ổn
định. Không chỉ các đảng viên đang ôm đặc quyền và đặc lợi mà nhiều người trong
giới trẻ, đã có một chút kiến thức chuyên môn, cũng tin như vậy - và đấy mới là
điều đáng sợ nhất về viễn ảnh tụt hậu!
Nguyên Lam: Xin cảm tạ ông Nghĩa về bức tranh u ám của tình trạng tụt
hậu.
No comments:
Post a Comment