Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người Việt Ngày
151207
"Hoa Kỳ Nhìn Từ Bên Ngoài"
Chống
khủng bố bằng võ khí nào?
* Thuật quỷ biển: kết nạp đặc công
khủng bố trên không gian ảo *
Hoa Kỳ lại vừa bị quân khủng bố tấn
công, lần này là một mục tiêu mềm rất khó bảo vệ là một trung tâm sinh hoạt dân
sự hẻo lánh trong thành phố San Bernardino tại miền Nam California vào buổi
trưa Thứ Tư mùng hai. Sau vụ 9-11, đây là nạn thảm sát nghiêm trọng nhất, làm
14 người tử vong và 21 người bị thương.
Điều bất ngờ là phản ứng rất nhanh
của cảnh sát địa phương. Bốn phút sau, họ đã có mặt tại hiện trường và tìm ra
nơi trú ngụ của hai nghi can để kết thúc vụ tàn sát trong một cuộc đấu súng.
Đây là sự may mắn cho cư dân địa phương, nếu không, các hung thủ - hết là nghi
can – đã có thể gây nhiều tổn thất sinh mạng hơn nữa.
Sau mấy ngày điều tra, nhà chức
trách mới dần dần hiểu rõ hơn nội vụ.
Hai hung thủ là cặp vợ chồng chưa
từng được tổ chức khủng bố xưng danh Nhà nước Hồi giáo ISIS liên lạc, kết nạp
và huấn luyện để tiến hành vụ khủng bố theo một kế hoạch trù tính từ xa. Họ ủng
hộ mục tiêu của ISIS, tự chuẩn bị lấy việc trang bị võ khí tàn sát, kể cả bom
thủ công nghệ, tập bắn để gieo rắc cái chết ngay trong lòng xã hội Hoa Kỳ.
Đấy là một hướng mới của phong trào
khủng bố xưng danh Thánh Chiến Hồi giáo: khủng bố tự phát.
Khi biến cố vừa bùng nổ và chưa ai
biết động lực của vụ tàn sát, Tổng thống Barack Obama có phản ứng của một chính
trị gia, không của nhà lãnh đạo một quốc gia đang gặp thảm kịch. Ông xoay vấn
đề thành chuyện bạo động, quá nhiều, vì luật lệ kiểm soát súng quá lỏng
lẻo.
Bốn ngày sau, ông mới điều chỉnh tác
xạ qua một bài diễn văn long trọng trình bày từ Phòng Bầu Dục, vào tối Chủ Nhật
mùng sáu. Ông xác nhận rằng vụ San Bernardino là nạn khủng bố, nhấn mạnh đến
chiều hướng mới của tổ chức khủng bố ông gọi là ISIL, nhưng không đưa ra một
chiến lược rõ rệt hơn về cách đối phó.
Người ta có thể - và nhiều người đã
– bình luận về bài diễn văn này. Nhìn từ bên ngoài, người viết xin nói về
chuyện khác. Về bệnh quên trí nhớ - rồi quên trách nhiệm.
Về chuyện quên trí nhớ đã. Từ khi
Hoa Kỳ còn là một thuộc địa của Đế quốc Anh, người da đen vẫn nằm trong chế độ
nô lệ và tất nhiên không có quyền hạn gì, kể cả quyền có súng. Nước Mỹ phải
trải qua một cuộc nội chiến mới chấm dứt được chế độ nô lệ. Một trăm năm sau
đó, người da đen mới được giải phóng, từ giữa thập niên 1960.
Nỗ lực chấm dứt chế độ nô lệ xuất
phát từ đảng Cộng Hòa, với vai trò quyết định của Tổng thống Abraham Lincoln.
Sau cuộc Nội chiến (1861-1865), đảng Dân Chủ mới là lực lượng cưỡng chống trào
lưu tiến hóa. Nhiều người trong số phản động này còn lập ra tổ chức Ku Klux Klan (ba đợt: 1865-1871,
1915-1944 và từ 1946 đến… ngày nay) trong mục tiêu ban đầu là tàn sát người da
đen như súc vật. Khi ấy, bên đảng Cộng Hòa mới có nỗ lực vận động cho dân da
đen được có quyền mang súng để tự vệ.
Từ khi lập quốc, các thế hệ tiên
phong đã khai phá và lập ra Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ đều có khuynh hướng sùng
chuộng quyền mang súng. Theo đà tiến hóa của xã hội, tổ chức bảo vệ quyền mang
súng còn cải tiến kỹ thuật nhằm huấn luyện thành viên cách sử dụng súng cho an
toàn. Năm 1871, Hiệp hội National Rifle
Association (NRA) ra đời với tinh thần đó. Một trong các Chủ tịch của NRA
cũng chính là Tổng thống Ulysses S. Grant, cận tướng của Tổng thống Lincoln
trong Nội chiến, và là người tranh đấu cho quyền lợi của dân da đen. Ông cũng
xây dựng hệ thống luật lệ để ngăn chặn KKK và cho quân đội truy lùng các tay
súng của lực lượng KKK.
Sau đấy, thời cuộc đổi thay mà ngày
nay nhiều người đã quên mất.
Cũng như đã quên là khi tư thất bị
đặt bom vào năm 1956, Mục sư Martin Luther King nộp đơn xin được quyền có súng
mà bị Chính quyền tiểu bang Alabama từ chối. Tinh thần “nội chiến” vì vậy vẫn
kéo dài, âm ỉ và đôi khi bùng phát trong thiểu số cực đoan ở cả hai phía. Việc
một người da đen lên làm Tổng thống vẫn không đẩy lui được phản ứng kỳ thị ấy,
mà còn gây hậu quả trái ngược. Đấy mới là bối cảnh của cuộc tranh luận về súng
trong xã hội Hoa Kỳ.
Nhưng xã hội Hoa Kỳ cũng đã đổi khác
từ vụ khủng bố 9-11…. Chúng ta “fast
forward” đến chuyện khủng bố ngày nay và về trách nhiệm của những ai.
Trong bài diễn văn về vụ khủng bố
tại San Bernardino, Tổng thống Obama có nêu vấn đề, rằng nếu quốc dân muốn có
đạo luật minh bạch về quyền sử dụng quân đội cho cuộc chiến chống khủng bố
ISIL, Quốc hội nên biểu quyết đạo luật này. Lại một phản ứng của chính trị gia,
không phải là lãnh đạo một quốc gia lâm nạn.
Chỉ một ngày trước khi súng nổ tại
San Bernadino, Tổng trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ là Ash Carter và Đại tướng Joseph
Dunford, Chủ tịch Ban Tham mưu Liên quân, đã có cuộc điều trần trước Ủy ban
Quân vụ Hạ viện. Nói về nhu cầu ngăn chặn tổ chức ISIL tại Iraq, hai nhân vật
cao cấp nhất của bộ máy quân sự Hoa Kỷ đều cho là trong hoàn cảnh hiện tại,
Chính quyền không cần thêm một đạo luật Authorization for Use of Military
Force (AUMF).
Trong một nền dân chủ, cơ sở luật
pháp của việc dụng binh phải được minh định rõ ràng. Nên người ta có thể tranh
luận về định nghĩa và mục tiêu của “dụng binh”, đấy là phạm vi và tài nghệ của
các chính khách, thường rất giỏi về luật. Về chính trị thì từ quan điểm của
người cầm đầu bộ máy chiến tranh, hai ông Ash và Dunford có trả lời các dân
biểu trong buổi điều trần, rằng dù khỏi cần thêm luật lệ, nếu Quốc hội biểu
quyết thêm một đạo luật AUMF khác thì sẽ khích lệ tinh thần binh lính. Vì họ
biết là có quốc dân hậu thuẫn nỗ lực hy sinh của mình.
Chúng ta giải thích thế nào về mâu
thuẫn bi thảm này?
Đó là nỗi cô đơn và sự hoang mang
của người lính chiến khi khó biết về chính nghĩa của cuộc chiến, nếu lâm trận
còn phải thận trọng để tuân thủ “thể thức giao tranh”, rules of engagement, hầu khỏi vi phạm quân lệnh, trước một kẻ thù
đang mở ra một cuộc đấu tranh toàn diện!
Hoa Kỳ lâm vào một cuộc chiến chống
khủng bố từ gần 15 năm qua, nay phong trào khủng bố đã chuyển hóa. Rồi lan rộng
với hiện tượng khủng bố tự phát ngay trong lòng xã hội Mỹ.
Hung thủ Syed Farook là người sinh
tại Hoa Kỳ, không thuộc loại lầm than bất mãn mà còn đầy triển vọng chinh phục
“giấc mơ Hoa Kỳ”. Nhưng chỉ vì sự lung lạc của người vợ mà trở thành tòng phạm
của một vụ tàn sát thường dân và đồng nghiệp. Vấn đề hết là chiến lược, pháp
chế hay chính trị, mà là văn hóa: chẳng lẽ sự cảm hóa và hội nhập của xã hội
Hoa Kỳ, với quyền tự do và trình độ kỹ thuật rất cao, lại thất bại trước lời
kêu gọi của tội ác?
Nói đến lời kêu gọi của tội ác, tổ
chức ISIS hay lực lương Al-Qaeda và các nhóm phái sinh đang sử dụng phương tiện
truyền thông hiện đại của Tây phương, trước nhất là của Hoa Kỳ, để tuyên truyền
cho mục tiêu của họ. Vì vậy, dù chẳng cần được ISIS hay Al-Qaeda tiếp xúc, kết
nạp, huấn luyện và trang bị, nhiều người vẫn có thể trở thành đặc công và gieo
rắc cái chết trong một xã hội tự do thịnh vượng nhất. Từ nạn thảm sát tại Paris
ngày 13 Tháng 11 đến vụ San Bernardino vào tuần qua, người ta thấy ra một khía
cạnh đáng sợ hơn của khủng bố.
Nó không xảy ra trong vòng ba tuần
mà đã phải có trước đó từ lâu. Nhưng chúng ta không thấy.
Bây giờ đã thấy, người ta nên làm
gì?
Các chính trị gia thì xoay vào vòng
tranh luận về trách nhiệm của Chính quyền, về luật mang súng, về hệ thống kiểm
soát an ninh hay về chiến lược, v.v…. Nhưng người dân, hay xã hội công dân,
không thể thụ động chờ đợi kết quả từ trên ban xuống.
Xã hội công dân, dân sự hay thường
dân mới là nạn nhân của khủng bố khi chúng tấn công vào các mục tiêu “mềm”,
định nghĩa là dân sự. Chính là họ, tức là chúng ta, phải suy ngẫm thêm về trách
nhiệm tự vệ của mình, ngay từ động thái thường nhật là lướt sóng trên không
gian ảo và tham gia các mảng truyền thông xã hội, nơi bọn khủng bố đang tung
hoành. Nền dân chủ đòi hỏi điều ấy.
Nếu không, bất chiến sẽ tự nhiên
thành liệt. Và đấy mới là mục tiêu của khủng bố….
No comments:
Post a Comment