Nồi Cháo Thịt
Lão Quới đứng chết lịm
ngay trên nền đất ẩm. Cơn giận kéo đến quá nhanh đến độ lão thấy cổ họng của
mình như bị chận ngang tưởng muốn ngộp thở. Đôi mắt của lão nóng lên dần dần..
Lão cảm thấy mạch máu ở hai bên thái dương chảy rậm rật. Trước mắt lão là lớp
giậu thưa bị xé toang một mảng. Bên dưới chỗ bị xé toang một mảng là những lốt
chân trên nền đất dẫn tới một luống khoai. Luống khoai bị xới tung ngổn ngang
như vừa trải qua một cơn tàn phá. Những lá khoai xanh mướt bị vùi giập dưới
từng nhát cuốc sâu. Đất ẩm bị bươi nát thành từng cục đè nát gí những cọng rau
tươi mơn mởn.
Cả một khu vườn xinh
đẹp với những luống khoai thẳng tắp bây giờ bị vẹt đi một mảng trông xấu xí hẳn
đi. Lão tiếc cái công trình vun bón, chăm sóc trong bao nhiêu ngày tháng của
mình. Lão càng tiếc hơn nữa khi nghĩ tới những củ khoai đỏ au và mập ú đã không
cánh mà bay mất sau một đêm sơ hở không canh chừng. Miệng lão bắt đầu làu bàu
những tiếng chửi thề mà chỉ mình lão nghe rõ. Rồi lão nhìn ra chung quanh.
Khu nhà tranh lụp xụp
của hàng xóm vẫn nằm êm ả trong lớp sương mờ buổi sáng. Vài đợt khói xanh lơ
bắt đầu bốc lên từ những căn bếp nhỏ. Một vài tiếng chim hót lảnh lót trong lùm
cây gần đó. Có cả tiếng vó ngựa gõ lốc cốc từ xa của mấy cái xe thổ mộ đang
trên đường lên chợ. Khung cảnh vẫn hiền hòa quen thuộc như mọi ngàỵ
Bốn bề chung quanh toàn là bà con, thân hữu, chẳng mặt nào có thể nỡ lòng đang
đêm lén vào xới từng vuông khoai của lão lên cả. Như vậy chỉ còn khu xóm hỗn
độn ở bên kia đường lộ.
Đúng hơn là một
bãi rác hoang, ở đó là cả một đám đông nghèo nàn, hỗn tạp, sống chui rúc với
nhau như những ổ chuột. Hình ảnh thiếu thốn cực nhọc của họ làm cơn giận của
lão dịu xuống. Lão nghĩ tới những đứa trẻ xanh xao suốt ngày lảng vảng như
những bóng ma gầy ở mấy cái quán nhỏ để tranh nhau liếm láp những cái lá bánh
đầy ruồi bâu hoặc húp cho đến những cặn cuối cùng của một bát ăn thừa..
Đó là sản phẩm
mới mọc ra ở khu vực này sau một cơn đổi đời ghê gớm. Đa số những con người vất
vưởng này bị lùa ra từ những khu trại gia binh ở gần mé chợ. Những người đi
trình diện học tập không hy vọng có ngày trở về. Những người mẹ mỏi mòn trong
chờ đợi với một bầy con thơ ốm đau, bệnh tật và no đói thất thường.
Họ xuất hiện ở
đây từ ngày nào chẳng ai rõ, những khu đất trống cứ thấy mọc dần lên những túp
lều lụp xụp cất bằng đủ loại thứ vật liệu, những mảnh giấy thùng, mảnh tôn,
mảnh ván, những tấm nylon chắp vá đủ loại mầu Và ở đó, những con người chui ra,
chui vô, nét đói khổ in hằn lên từng khuôn mặt xanh xao vàng vọt.
Cơn giận tan
trong lòng lão Quới cũng nhanh như lúc nó ùa đến. Trong cơn xuống dốc của toàn
thể mọi người, lão cũng mới chỉ từ nồi cơm trắng xuống đến rổ khoai luộc. Rổ
khoai cho hai vợ chồng già, đèo đẹt vài củ, nhưng bữa nào lão cũng được ăn no.
Thời buổi này dầu là ăn gì, nhưng cứ được no đã là quý. Trọn gần một đời người,
lão chưa biết đến mùi đói khổ, tuy nhiên lão đã thấy dấu vết hãi hùng của nó in
trên những khuôn mặt trẻ thơ quanh xóm, với lớp da ngả màu xanh mét, những hàm
răng nhô ra và những hố mắt sâu như lỗ đáo.
Một cơn xúc động
chạy qua ý nghĩ của lão, bất giác làm lão buông một tiếng thở dài. Lão trở lại
với bộ điệu bình thản mọi ngày. Lão ngồi sụp xuống, chậm rãi quơ từng sợi dây
khoai đem xếp gọn ở một góc vườn rồi dùng cây cuốc nhỏ vun lại đám đất vương
vãi ở chung quanh. Làm xong ngần ấy công việc thì vợ lão cũng đã giặt giũ xong
mớ quần áo ở ngoài giếng nước. Bà lão đem chậu đồ ra phơi ở những sợi dây mắc
bên hàng rào. Tiếng động của bà làm lão Quới quay lại. Lão thấy đôi mắt của bà
nheo lại dưới những tia nắng đầu tiên trong ngày. Lão nói:
- Đêm qua
có đứa vào nhổ trộm khoai.
Bà lão hơi điếc nên
ngẩng lên nhìn. Lão nhắc lại câu nói thêm một lần nữa. Bây giờ thì bà ta kêu
lên:
- Ối chà!
Quân bất nhân nào thế?
Giọng lão Quới vẫn
tiếp tục nhỏ nhẹ:
- Chả biết
ai, nhưng đói quá đấy thôi
Bà lão trợn mắt:
- Đói thì đói
chớ!
Lão nhún vai:
- Thì biết vậy Nhưng..
thôi đi! Mình chưa đói mà!
Bà lão nhìn chồng một
giây lâu. Bà hơi bực dọc về thái độ bình thản của lão. Rồi bà ngúng nguẩy xách
cái chậu đi lên nhà, miệng lầu bầu cái gì nghe không rõ.
Tới bữa ăn buổi
trưa, bà lão trở lại với nỗi hậm hực của mình:
Trẻ không tha,
già không thương. Hồi xưa đâu có thế.
Lão Quới làm ngơ ngó
ra ngoài. Lão nhẩm tính phải một hai tuần nữa vườn khoai mới tới kỳ đem rỡ
được. Mối bận tâm của lão là phải làm sao đối phó với mấy tên cán bộ bên Ủy Ban
đã lấp lửng đặt vấn đề đòi thu mua. Nhưng bà lão vẫn lôi chồng trở về đề tài
câu chuyện của mình:
- Mất mà không la, rồi
chúng nó sẽ còn bươi hết cả vườn cho coi.
Lão Quới bực mình
trước cơn dai dẳng của vợ. Lão quay đầu lại nhìn bà ta rồi đáp:
- Mất rồi, la ích gì?
Mình bị một lần thôi. Lần sau đứa nào rớ vào, bắt được quả tang rồi sẽ biết!
Bà lão nhếch miệng
cười mỉa mai:
- Bộ nó rớ vào nó báo
cho mà biết chắc?
- Mình dòm chừng chớ!
Nếu quen mùi, nó sẽ tới. Tới lần này tui không tha đâu!
Bà lão ngúng nguẩy
đứng dậy. Những điều lão nói không làm giảm được sự hậm hực cứ lởn vởn trong
đầu óc của bà từ sáng. Nghĩ đến những củ khoai đỏ au, bà tiếc đứt ruột. Bà ra
đứng ở đầu hè, bên kia là khu xóm nhỏ. Nắng đã quá đỉnh đầu chiếu lên những tấm
mái tôn thành từng mảng trắng xóa. Cũng như lão Quới, bà cũng không thể nghi
ngờ được ai ở quanh khu vực toàn người quen biết này. Chợt một ý nghĩ thoáng
qua đầu, bà vội quay vào nói to với chồng:
- Tôi đi trình
đây!
Lão Quới đang
lúi húi làm cái gì đó, chợt ngửng phắt lên, giọng xẵng lại:
- Cái gì? Bà nói cái
gì?
Mặt bà lão hơi có vẻ
ngỡ ngàng trước cơn giận dữ đến với chồng một cách dễ dàng. Bà ta đổi giọng lí
nhí:
- Tôi đi trình...
- Trình cái gì? Trình
ai?
- Thì công an nhà nước
đó!
Bây giờ thì lão Quới
để nổ bùng sự giận dữ của mình. Mắt lão quắc lên.. Lão nói như quát:
- Bà tiếc của rồi đâm
khùng rồi đó chắc. Không trình báo gì hết trơn đó. Tôi đã bảo không bao giờ
thèm dính dáng tới tụi nó mà.
- Mà điều, nó
phải lo an ninh trật tự trong chòm xóm chớ.
- Nó lo gì mặc
xác nó, không dính tới mình. Mà lo cái gì? Bà thấy nó lo cho mình cái gì?
Bị dồn một hồi, bà lão
sợ hãi len lén bước ra ngoài sân đất. Còn tiếc xót về mớ khoai bị đào đêm hôm
trước cũng hoàn toàn biến mất khỏi tâm trí của bà. Bà có cảm giác như nếu mình
còn đôi co thêm vài ba câu nữa, lão Quới sẽ làm um sùm nhà cửa lên. Lúc này hai
làn môi của lão đã mím lại. Cặp mắt của lão long lên. Lão phải nắm chặt lấy bên
mép giường để giữ cho bàn tay bớt run rẩy. Lão không thể ngờ được rằng vợ lão
lại có thể nghĩ tới sự đi tố cáo với công an, dù chỉ là tố cáo một kẻ vô danh
đã đào trộm khoai trong vườn của lão. Mấy năm nay, lão vẫn thường nhắc nhở với
lũ con cháu xa gần:
- Tụi bay làm chi thì
làm, nhưng đừng có đứa nào đi tính cái việc bất nhân tố cáo mọi người. Đứa nào
không nghe đi tố cáo ai thì đừng có nhìn tới tao nữa.
Ở khu xóm này,
nhờ thái độ quyết liệt đó của lão mà thấy đỡ cái vụ nhà này báo cáo nhà kia,
chòm xóm nương nhau cứ thầm lặng mà sống cho qua ngày. Cơn giận bà lão, làm lão
Quới ngủ trưa không được. Lão nằm xoay trở một lát rồi nhỏm dậy lầm lũi đi ra
bờ rào. Dưới ánh nắng chói chang của buổi trưa mùa hạ, lão cắm cúi ngồi ráp vá
chỗ hàng rào đêm trước bị xé thủng.
Ráp vá cho có lệ mà
thôi, chứ cung cách này rồi ai cũng sẽ đói hết. Đói ăn vụng, túng làm càn, một
hàng rào chớ bao nhiêu hàng rào rồi cũng sẽ bị xé tuốt, có trời mới can nổi
những con người lang thang vất vưởng như bóng ma ngoài chợ sẽ còn xông vào xâm
phạm đến vườn khoai của lão.
Lão bắt đầu suy
tính đến công việc phải thức đêm canh chừng. Chiều tôi hôm đó lão leo lên
giường đi ngủ sớm. Tới nửa khuya thì lão bò dậy, ra ngồi thù lù như một cây củi
mục ở đầu hè. Lão thấy rõ cái kỳ cục trong hành động rình mò của mình. Mấy
luống khoai có là cái gì để lão phải khốn khổ như thế. Nhưng ở thời buổi này,
không gìn giữ để phải đói cũng chết. Lão mở to mắt ra nhìn vào khoảng tối đen
mịt mù trước mặt. Hai tai của lão vểnh lên. Lão có thể phân biệt từ tiếng dế
kêu đến tiếng sóc chạy nhẩy trên những tàu dừa Nhưng cả đêm hôm đó lão đã toi
công vì chẳng có ma nào bén mảng đến vườn khoai của lão cả. Rồi đêm sau, đêm
sau nữa.
Lão cười hề hề
nói với vợ:
- Tôi đã biểu
mà. Đói quá làm bậy một lần rồi thôi, đâu có phải dân chuyên nghiệp.
Bà lão thấy
chồng ba đêm liền mất ngủ nên cũng ậm ừ:
- Chắc vậy rồi. Chẳng
nên rình nữa làm chi cho nó mệt xác. Trời bao giờ cũng có mắt mà.
Tối hôm đó lão Quới
được ngủ thẳng một giấc ngon lành. Một ngày nữa êm ả qua đi, nhưng vừa đúng lúc
nửa đêm hôm sau, lão đang ngáy phì phò thì thấy có ai lay nhẹ chân mình. Lão
giật mình choàng dậy. Trong ánh đèn tù mù để ở xế đầu giường lão thấy vợ ghé
vào tai thì thào:
- Nó tới rồi đó !
Lão tỉnh ngay
ngủ và choàng dậy. Bà lão vẫn nói tiếp:
- Tôi nghe có tiếng
chó cắn ở tuốt mé bên kia đường. Tôi tỉnh dậy nằm cố ý dòm chừng. Rồi tôi nghe
thấy có tiếng bẻ rào loạt xoạt, chẳng nó thì ai nữa.
Lão Quới ngồi phắt
ngay dậy. Lão quơ xuống gậm giường tìm con dao rựa. Lão nắm chắc lấy con dao
trong tay rồi phóng ra phía cửa. Trời tối đen. Mọi vật chìm trong làn sương đục
lờ. Lão chăm chăm nhìn về phía vườn khoai để làm quen với bóng tối. Hai tai lão
vểnh lên. Lão nghe thấy tiếng gió rì rào, tiếng cành khô xao động và có cả
tiếng cuốc đào trên nền đất. Lão lủi thật nhanh về phía giếng nước, con dao rựa
lão vẫn nắm chắc ở trong tay.
Bây giờ thì lão nghe
thấy cả tiếng loạt xoạt của đám lá bị bứt nhổ ở phía luống khoai. Lão lủi tới
đó thật gần. Rồi bất chợt, lão chồm tới để chụp lấy bờ vai của tên trộm, cái bờ
vai gầy guộc, mảnh mai tưởng như muốn sụm xuống dưới sức mạnh của bàn tay cứng
cỏi của lão.
Lão quát lên như
để trấn át kẻ gian phi:
- Hôm nay thì mày
sẽ biết!
Lão tì mạnh hơn nữa
hơi sức của mình lên bờ vai mà lão vừa tóm được. Lần này thì tên trộm ngã khụy
ngay xuống làm cho lão mất đà cũng ngã chúi xuống theo. Lão nghe thấy một tiếng
rên nhỏ:
- Trời ơi là
trời.
Đó là tiếng của
một người đàn bà chắc còn trẻ.. Bà ta vừa rên lên, vừa cố vùng vẫy để thoát
thoát khỏi cánh tay cứng như sắt nguội đang đè lên vai mình. Lão Quới không còn
bụng dạ nào để sử dụng võ lực đối với kẻ gian phi. Lão buông bàn tay của mình
ra rồi lùi lại quát khẽ:
- Ai đó?
Có tiếng khóc nức nở
vang lên thay cho câu trả lời. Lão vội vã móc túi lấy bao diêm rồi xòe lên. Ánh
sáng bùng lên trong chớp mắt rồi teo lại. Nhưng thời gian khoảnh khắc ấy thừa
đủ để lão nhìn rõ khuôn mặt của người đàn bà đối diện. Lão chết lặng người đi
như chính lão cũng vừa bị bắt quả tang trong một hành vi tội lỗi.
Người đàn bà mà lão
vừa nhận diện chẳng phải ai xa lạ trong khu vực này. Ngày trước chồng bà ta là
sĩ quan làm việc trong một Quân Y viện ở gần đó. Cái Quân Y viện mà, dù không
phải quân nhân, lão cũng đã được cấp tốc đưa vào để được cấp cứu một lần. Lão
Quới không bao giờ quên được khuôn mặt khả ái của người sĩ quan trẻ tuổi, xông
xáo khắp các phòng, vượt qua mọi thủ tục để có thể giúp đỡ lão vượt qua cơn
hiểm nghèo.
Sau này khi xuất viện,
lão đã dẫn vợ tới khu gia binh để cả hai cùng chắp tay cảm ơn. Người đàn ông
mỉm cười xuề xòa và không để cho lão mở miệng nói dài dòng. Ông ta lúc nào cũng
bận rộn, kể cả sự bận rộn lâu lâu lại chở vợ con ngồi đầy nhóc trên chiếc xe
jeep lùn chạy từ khu gia binh lên phía chợ.
Dưới mắt mọi người, đó
là một gia đình tràn ngập hạnh phúc với người vợ trẻ tươi tỉnh như hoa và năm
sáu đứa nhỏ kháu khỉnh như một bầy gà con lít nhít. Nhưng rồi cơn đại họa đã ùa
tới. Người chồng lên đường đi "cải tạo", vợ bị đuổi ra khỏi khu gia
binh, kéo một bầy con nheo nhóc ra bãi hoang sống dưới túp lều lụp xụp với
những người cùng chung cảnh ngộ.
Từ một bà đại úy trở
thành một kẻ xé rào đi ăn trộm, dưới ánh sáng hiu hắt của một que diêm, tuy chỉ
bị soi mặt trong khoảnh khắc nhưng cũng đủ xấu hổ cả một đời người. Có lẽ vì
thế mà bà ta khóc to hơn. Tiếng khóc làm lão Quới bối rối. Lão không biết phải
làm gì trong hoàn cảnh này.
Vừa may lúc đó có ánh
đèn tù mù của vợ lão từ trong nhà đi ra. Bà lão xăm xăm đi xuống phía cuối
vườn. Làn ánh sáng đỏ đòng đọc tỏa ra hai bên làm héo úa lớp lá khoai xanh mướt
ở những chỗ bà đi qua. Lúc tới gần, bà giơ cao cây đèn lên nhìn về phía lão
Quới. Ánh đèn bây giờ soi rõ người đàn bà tội nghiệp với bộ quần áo rách bươm,
bê bết đất bẩn. Mái tóc của bà xổ tung che gần lấp khuôn mặt còm cõi xanh xao.
Gió lùa qua cái thông phong trên ngọn đèn làm chao đi chao lại ngọn lửa leo lét
khiến cho thân hình của bà ta trở nên chập chờn như một bóng ma vừa đội mồ sống
dậy. Có tiếng bà Quới kêu lên:
- Phải bà đại úy
Sáu đó không?
Người đàn bà bật lên
khóc và chạy lại phủ phục dưới chân của bà lão. Lão Quới không thể chịu nổi
quang cảnh đó đã nghẹn ngào quay đi. Hai mắt của lão cay xè. Lão thấy rõ những
giọt nước mắt của mình đang ứa ra ở hai bên bờ mi.
Một lát sau, cả ba
người lầm lũi đi lên phía sân đất. Bà Quới xách theo cái sọt nhỏ của thiếu phụ,
lẳng lặng đem vào phía nhà sau. Trong lúc đó lão Quới lần ở thắt lưng lấy ra tờ
giấy 50 đồng mà lão từng dắt kỹ trong mấy lớp bọc bằng nylon. Lão dúi tờ giấy
bạc vào trong tay người đàn bà, lão định nói thêm một câu gì nhưng cổ họng của
lão như tắc lại.
Lão nhớ đến hình ảnh
tươi cười đầy vẻ xuề xòa của ông đại úy. Lão nhớ đến cả khuôn mặt xinh đẹp của
bà ta vẫn thường tươi như hoa giữa bầy trẻ nhỏ nom lít nhít như đàn gà. Nếu
chẳng đổi đời thì chẳng bao giờ lão lại có thể làm được cái công việc như ngày
hôm nay.
Trong bóng tối, mồm
lão xệch đi.. Lão thương cho người đứng trước mặt, thương tất cả mọi người,
thương ngay cả chính mình. Cơn sụp đổ toàn diện trên quê hương chưa bao giờ
hiện lên rõ nét trong lòng lão bằng chính lúc này. Lão bước ra đầu hè để hỉ mũi
rồi lui vào phía nhà trong.
Vừa lúc đó, bà lão đã
lại cầm cây đèn leo lét đi ra. Ở tay kia, bà xách theo cái sọt nhỏ. Bây giờ ở
trong sọt đã thấy lăn lóc hơn chục củ khoai và một túi gạo nhỏ. Hai người đàn
bà dìu nhau đi ra phía cổng. Dưới ánh đèn vàng vọt, bóng của họ đổ xuống nom
dài ngoẵng như hai cái bóng chập chờn quái dị.
Cách một hôm sau,vào
lúc xế trưa, lão Quới đang lúi húi ở giếng nước thì gã Tổ trưởng dân phố dẫn
theo một viên công an bận đồng phục áo vàng đi vào. Bà Quới đứng ở gần đó ngẩn
mặt ra nhìn. Cả bốn người gặp nhau ở trên thềm đất. Anh công an lên tiếng
trước:
- Cách đây một
ngày, phải nhà bác có kẻ đào trộm khoai không?
Lão Quới giật mình.
Quả nhiên là ghê gớm. Chẳng có cái gì qua mắt được bọn người này. Lão lấy làm
tiếc rằng đã không dặn vợ giữ kín câu chuyện xẩy ra trong đêm hôm trước. Thay
vì trả lời câu hỏi, lão quay sang vợ cằn nhằn :
- Bà kể lể làm chi
vậy?
Nhưng bà lão đã la
lên:
- Tôi kể cái gì? Tôi
có nói cái gì, ở đâu?
Gã Tổ trưởng hơi nhếch
môi định cười nhưng gã đã kìm ngay được trước vẻ mặt lầm lì của người bận đồng
phục. Anh ta còn quá trẻ nhưng cố làm ra vẻ ta đây có quyền uy, liếc lão Quới
một cách láo xược rồi quay lại nhìn bà lão cũng theo một cung cách như thế. Rồi
anh ta vừa khoát tay vừa nói bằng một giọng khô khan :
- Đi theo tôi!
Chẳng đợi cho lão Quới
kịp có phản ứng gì, anh ta đã quay lưng xăm xăm đi trước. Gã Tổ trưởng lót tót
chạy theo sau. Lão Quới đành rảo bước tiến theo họ, trong lòng đầy phân vân,
toán người bước nhanh trên con đường dẫn ra mặt lộ. Bà Quới không dằn được nỗi
thắc mắc đành phải nắm lấy tay gã Tổ trưởng và cất tiếng hỏi:
- Có cái gì dính líu
tới tụi tui sao, chú Bảy?
Chú Bảy gỡ bàn tay của
bà cụ ra không trả lời. Gã chỉ hất hàm ra dấu về phía khu đất hoang ở bên kia
mặt đường lộ.
Mọi người bây giờ đã
băng qua con đường cái để tiến vào một lối đi hẹp hai bên có những đống rác nằm
cạnh những mô, gò lổn nhổn. Một đám trẻ con rách rưới bẩn thỉu chạy túa ra
nhìn. Một vài người lớn tuổi đứng ở gần đó lô nhô chỉ trỏ. Có lúc họ đã phải
dạt ra để lấy chỗ cho toán bốn người đi vào.
Mọi người dừng lại ở
trước một túp lều nhỏ, mái đụp đơn sơ, tường vách xộc xệch. Đứng ở ngoài, lão
Quới có thể dòm qua những khoảng trống tuênh toang để thấy một quang cảnh bầy
ra trước mắt. Trên một tấm ván mỏng, một người đàn bà đang nằm dài. Bên cạnh đó
là một loạt năm đứa nhỏ nằm xếp song song. Tất cả đều mang một vẻ nhăn nhúm dễ
sợ. Lão Quới bấu chặt lấy mảnh gỗ ở trên vách ngoài để cố giữ cho mình khỏi
khuỵu xuống. Lão không tin ở mắt mình, không thể tin ngay cả chính cái điều
đang bầy ra ở trước mắt là một quang cảnh thực. Bàn tay của anh công an khẽ đặt
lên vai lão. Anh ta nói:
- Có thư gửi bác đây.
Lão Quới run rẩy đón
lấy mảnh giấy vừa được trao cho. Lá thư không dài và được viết bằng một nét chữ
mềm mại:
“ Xin hai bác
tha thứ cho cháu. Cháu không còn đường nào khác để giúp cho bầy con tội nghiệp của
cháu khỏi phải trầm luân trong cái xã hội đầy dẫy cơ cực này. Năm mươi đồng và
gói gạo mà bác cho, cháu đã nấu đủ một nồi cháo thịt, nồi cháo mà bầy con của
cháu vẫn thường mơ ước hằng ngày. Nhưng kể từ nay, hẳn chúng nó sẽ không bao
giờ còn phải ước mơ những điều nhỏ nhoi, tầm thường như thế nữa ”.
Lá thư chưa chấm dứt ở
đó nhưng mầu mực tím đã trở nên nhạt nhòa bởi vì khuôn mặt của lão Quới đã đầm
đìa nước mắt.
Trại tỵ nạn Songkhla,
Thái Lan ngày 22-1-1980
Nhật Tiến
No comments:
Post a Comment