Thursday, June 4, 2020

Những Điều Cần Biết về Dịch Cân Kinh - Chu Tất Tiến


Những Điều Cần Biết về Dịch Cân Kinh
Chu Tất Tiến

Mùa Xuân năm 2020 là một mùa đau khổ vì dịch bệnh tràn lan khắp địa cầu. Mùa Hạ năm 2020, nước Mỹ tang thương, loạn lạc vì một người cảnh sát da trắng thản nhiên đè đầu gối đến chết một người da đen. Năm 2020 nói chung, người Việt ở Mỹ thiệt thòi nhất vì kinh tế xuống, thất nghiệp tràn lan, mọi kế hoạch kinh doanh đều dang dở hoặc bị hủy bỏ. Người Việt ở nhà, không đi làm, nỗi lo âu về tương lai cứ mỗi ngày mỗi tăng. Sự căng thẳng thần kinh cùng với việc “ngồi không” làm cho cơ thể suy nhược dần đi, các bệnh trầm kha của người Việt: 3 cao, 1 thấp (cao mỡ, cao máu, cao đường và thấp khớp) phát triển mạnh hơn. Như thế, tương lai của cộng đồng sẽ là con đường dẫn đến các phòng mạch Bác Sĩ, các bệnh viện tràn ngập, nếu không tự mình bảo vệ sức khỏe của mình bằng cách tập khí công tại gia. Có rất nhiều phương pháp tập luyện rất phổ thông: Tài Chi (Thái Cực Quyền), Hồng Gia, Càn Khôn Thập Linh, và Dịch Cân Kinh trong đó, môn Dịch Cân Kinh là đơn giản và dễ tập hơn cả.

Thực tế, rất nhiều người vẫn tập Dịch Cân Kinh theo các hướng dẫn trên Youtube phổ biến tràn lan từ những người không phải Võ Sư chính thống, chưa hiểu rõ tường tận bí quyết của Dịch Cân Kinh, nên đã thực hành không đúng với tinh thần của Dịch Cân Kinh.

Theo truyền thuyết, Dịch Cân Kinh là một môn khí công thượng thừa do Tổ Sư Bồ Đề Lạt Ma mang từ Ấn Độ qua Trung Hoa, dậy võ cho các tăng ni Thiếu Lâm. Nhận thấy các võ sinh thiếu khí công, nên khi luyện võ hay mệt, và không có sức dẻo dai, Tổ Sư Bồ Đề Lạt Ma đã truyền cho phương pháp Khí Công: Dịch Cân Kinh (Yijin Jing) để các võ sinh có sức chịu đừng dẻo dai và bền bỉ hơn. Một khi mà sức khỏe bền bỉ, không mệt, thì các thế võ mới được phát huy tối đa và như thế mới thắng được địch thủ mạnh gấp chục lần, nhưng không bền bỉ. Biết được các sư phụ Thiếu Lâm có một môn nội công rất cao, nên các võ phái khác tìm mọi cách đoạt cho được bí quyết này, và đã xảy ra muôn vàn trận chiến đổ máu, chết người. Tuy nhiên, các võ sư Thiếu Lâm vẫn không hé lộ bí quyết này, cho mãi đến nhiều thế kỷ sau, bí kíp Dịch Cân Kinh mới từ từ truyền ra bên ngoài, nhưng lại “tam sao, thất bản,” nghĩa là không còn nguyên vẹn như chính gốc. Từ đó, người Trung Hoa tập tràn lan, truyền qua các nước Á Châu khác, đặc biệt là Việt Nam.

Với kinh nghiệm hơn 55 năm theo nghiệp võ, và được một vị Võ Sư ẩn danh dậy Thiếu Lâm Quyền Pháp cũng như Dịch Cân Kinh, người viết bài này mạo muội trình bày đôi điều về Dịch Cân Kinh như sau:

Nguyên lý của Dịch Cân Kinh là: Im Lặng, Chậm Rãi, Trải Dài, Kiên Trì, Nhuyễn Thể.

- Im lặng: người tập phải im lặng tập trung tư tưởng, không suy nghĩ gì ngoài việc chú trọng đến chuyển động của cơ thể.

- Chậm rãi: Các chuyển động được thực hiện chầm chậm, không nhanh quá, nhưng cũng không quá chậm. Nhanh quá, thì khí huyết nhộn nhạo, chạy tới chạy lui, không kịp tác động lên các huyệt đạo, thần kinh. Chậm quá thì không vận động được hết khí lực của cơ thể.

- Trải dài: Cánh tay phải vươn ra hết cỡ, chân phải đứng thẳng, không cong.

- Kiên Trì: làm thật nhiều lần, lặp đi lặp lại mãi một động tác, thành thói quen, không còn hồi hộp, mong mỏi cho chóng xong một việc.

- Nhuyễn Thể: cử động nhẹ nhàng, không vận sức vào tay, để mặc cho khí (Ki) lưu thông thoải mái.

Khí (Ki) là gì? Khí là sức mạnh tinh thần, vẫn tiềm phục trong mọi con người, như dòng nước trong một ống nước. Lớp da, và các bắp thịt tay, chân như các ống cao su chứa nước tưới cây, lúc không có nước chẩy thì cong queo, mềm nhũn, nhưng khi mở “valve” ra để cho nước chảy ra thì cái ống nước đột nhiên thẳng cứng, có thể sử dụng làm võ khí, mạnh như gậy, côn, ống sắt. Vậy, khi tập Khí Công, người tập chỉ đạo cho Khí chạy ra tay chân, biến các bắp thịt mềm nhũn thành những cây gậy cứng. Biết được nguyên lý đó, thì tập Dịch Cân Kinh mới có hiệu quả 10 thành công lực. Nếu chỉ vẫy tay, mà không biết nguyên lý này, thì chỉ có thể tạo thành 5 công lực mà thôi, nghĩa là chỉ có thể giúp cho cơ thể khỏe hơn nhưng không chữa được bệnh nặng.

Về các thế tập: Thật ra có nhiều phương pháp:

- Nhị thức căn bản: trị các bệnh về tiêu hóa, thận, tiểu sót, tiểu gắt, yếu sinh lý. Có dư luận cho rằng một ngày vẫy tay trên 1,500 lần thì chữa khỏi được bệnh ung thư (?) Điều này chưa kiểm chứng, nên không dám xác nhận.

- Nhị thức cao cấp: trị tức thời các cơn lo sợ, thần kinh bất ổn, tăng cường sức mạnh.

- Thập Nhị thức: 12 thế luyện khí công, có tính chất võ thuật, tăng cường Khí (Ki) ra toàn bộ cơ thể, biến cơ thể thành khối thép có thể chống lại các đòn đánh vào mình.

Trong phạm vi một bài viết ngắn, người viết bài này chỉ có thể giúp quý vị bài tập Nhị Thức Căn Bản và Nhị Thức Cao Cấp mà thôi.

1. Nhị thức Căn bản:

- Đứng thẳng người, hai tay buông lỏng, hai chân cách nhau một khoảng cách bằng tầm vai, không hẹp và không rộng quá. Hai bàn chân tạo thành hình chữ V, nghĩa là hai gót chân hơi chếch vào nhau. Đầu lưỡi cong lên, chạm vào vòm họng trên.

- Từ từ giơ hai thẳng ra đằng trước, cổ tay cụp xuống cho hai bàn tay rủ xuống, nhưng khi đến độ cao ngang vai thì lật ngửa bàn tay lên cho lòng bàn tay mở ra phía trước, các ngón tay dựng đứng lên. Điều quan trọng là khi vừa bắt đầu giơ tay lên, thì hít vào bằng mũi chầm chậm.

- Khi vừa giơ tay lên, hít vào thì cũng từ từ nhấc gót chân lên và Nhíu Hậu Môn lại.

- Từ từ hạ gót chân xuống, tay cũng từ từ thả xuống, thở ra, mở hậu môn, và đếm: Một…

- Làm như thế, mỗi buổi sáng, khi chưa ăn sáng, uống nước, tối thiểu 300 lần. Buổi chiều ăn cơm sớm, chờ khoảng ít nhất 2 tiếng đồng hồ, rồi tập 300 lần khác. Tập chừng 1 tuần lễ thì tăng dần lên thành 400, 500 lần.

2. Nhị thức cao cấp:

- Cũng giống như Nhị thức căn bản, nhưng khi thở ra, thì thay vì chỉ hạ gót chân xuống, mà là hạ thấp mông xuống giống như “ngồi” trên không khí vậy. Trong khi “ngồi” xuống, lưng phải cố giữ thẳng, không cúi gập người về phía trước, sẽ tạo ra đau lưng! Dĩ nhiên, không thể ngồi thẳng lưng trên ghế tạo thành góc 90 độ (giữa đùi và lưng) như khi ngồi thẳng trên ghế được, nhưng phải cố cho lưng và đùi tạo thành một góc khoảng 60 độ. Nếu cúi người về trước khoảng 45 độ thì sẽ làm cho xương sống bị cong về đằng trước, tạo ra cơn đau lưng ghê gớm. Thế này rất mạnh, cho nên người mới tập chỉ có thể tập 20 lần đứng lên, ngồi xuống như thế mà thôi. Dần dần tăng lên thành 30, rồi 40. Tập 40 lần mỗi ngày thì khỏe hơn thanh niên. Một học viên của tôi, là một nhiếp ảnh gia, đã trên 75 tuổi, tập mỗi sáng 40 lần rồi đi chụp cảnh thiên nhiên, leo đồi, lội suối nhanh hơn lớp trẻ. Đặc biệt là khi gặp sự sợ hãi, lo lắng thái quá, đầu óc căng thẳng muốn vỡ ra mà tập 20 lần thế này, thì bình thản trở lại ngay lập tức.

Trên đây là vài hàng thô thiển, mong giúp quý bạn có được sức khỏe, đuổi xua bệnh tật, nhất là trong thời Covid, loạn lạc này.
·         


No comments:

Post a Comment