Báo VN
Chỉ Nói về phần thắng Khmer Đỏ
Nhà báo Ngọc Vinh:
'Báo VN chỉ nói về phần đánh thắng Khmer Đỏ'
Ben NgôBBC Tiếng Việt
·
1 giờ trước
Một nhà báo từng là quân nhân tại chiến trường Campuchia năm
1978, 1979 nói báo chí Việt Nam "chủ yếu nói về chiến thắng mà hiếm thấy
phân tích sai lầm của phe ta".
Báo chí Việt Nam đang đăng tải các bài đánh dấu sự kiện 40 năm
QĐNDVN tiến vào Phnom Penh phá tan chế độ diệt chủng Khmer Đỏ.
Báo Trí Thức Trẻ dẫn lời Tướng Hoàng Kiền: "Thế giới nợ
Việt Nam một lời xin lỗi về vấn đề Campuchia".
"Đây là một cuộc chiến rất tàn khốc, những mất mát, hy sinh
của Quân tình nguyện Việt Nam ở Campuchia vô cùng lớn lao nhưng cũng vô cùng
vinh quang. Lịch sử nhân loại phải ghi nhận sự hy sinh vì nghĩa vụ quốc tế cao
cả, cứu cả một dân tộc thoát khỏi nạn diệt chủng trong thế kỉ 20," tờ báo
viết.
'Cần nhìn cả hai cuộc chiến'
Hôm 8/1, ông Ngọc Vinh,
một thư ký tòa soạn báo Tuổi Trẻ, người nhập ngũ năm 1977, chiến đấu tại
Campuchia năm 1978-79, nói với Ben Ngô của BBC:
Nhà báo Ngọc Vinh: Theo nguồn tin
mà tôi biết được, năm nay việc thông tin kỷ niệm hai cuộc chiến của Việt Nam
với Campuchia (và cả Trung Quốc sắp tới) được nới lỏng hơn, báo chí sẽ được nói
tương đối thoải mái hơn mọi năm.
Một vài con số về tổn thất của Việt Nam tại Campuchia cũng đã
được Bộ Quốc phòng công bố, dù chưa đầy đủ. Thế nhưng, theo thông lệ từ trước
đến nay của việc đưa tin kỷ niệm các cuộc chiến đã qua, báo chí Việt Nam chủ
yếu nói về chiến thắng, ý nghĩ của chiến thắng đó đối với nhân dân, đối với
quốc tế, hoặc nói về ưu điểm là chính, mà hiếm thấy phân tích sai lầm của phe
ta.
Cứ đọc bài phỏng vấn tướng Nguyễn Chí Vịnh trên các báo đăng
trong dịp này thì thấy rõ cái thông lệ đó. Tuy ông Vịnh có thừa nhận cuộc chiến
đó có vai trò cạnh tranh chiến lược của các nước lớn nhưng ông vẫn khẳng định
việc chiến thắng Khmer Đỏ của Việt Nam đã mang lại hòa bình cho khu vực và cho
thế giới.
Cách tuyên truyền kể từ thập niên
1990 của báo chí Việt Nam về hai cuộc chiến tranh có khác nhau căn bản. Đó là
tội ác của Khmer Đỏ thì được đề cập nhưng tội ác của Trung Quốc thì không. Tôi
nghĩ đây là thỏa thuận giữa lãnh đạo hai quốc gia mà báo chí buộc phải tuân
theo.nhà báo Ngọc Vinh
Ông không đả động đến việc đứng chân 10 năm ở Campuchia đã mang
lại thiệt hại cho Việt Nam như thế nào, việc đem quân qua đó có sai lầm gì hay
không? Trung Quốc đâu có muốn cái hòa bình mà Việt Nam mang lại. Việt Nam càng
lún sâu vào Campuchia thì Trung Quốc càng được lợi, Thái Lan cũng được lợi, Mỹ
cũng được vuốt ve tự ái từ vết thương do Việt Nam gây ra trước đó.
Sau cuộc chiến với Mỹ, Việt Nam bị kiệt quệ về kinh tế và chia
rẽ về lòng người do làn sóng vượt biên của người miền Nam. Người Việt chưa kịp
thụ hưởng hòa bình và xả hơi để lấy lại sức lực, thì lại bước tiếp vào cuộc
chiến với Campuchia. Cho nên có nghịch lý là, dù chiến thắng, nhưng Việt Nam
lại bị suy yếu do tổn thương nội lực vì vết thương nặng nề của ba cuộc chiến
tranh liên tiếp trong thế kỷ 20.
Do đã dàn dựng trước các chi tiết cho kịch bản Campuchia nên
Trung Quốc thảnh thơi đem quân xâm chiếm Việt Nam một cách bất ngờ sau khi Việt
Nam tiến qua Campuchia, để thực hiện chiến lược thôn tính Biển Đông của họ có
từ thời Mao Trạch Đông: chiếm đất biên giới và quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam,
đặt chân vững chắc lên quần đảo Trường Sa, kiểm soát hoàn toàn đường ra biển
của Việt Nam và các nước Đông Nam Á.
BBC: Theo ông, tại sao vai trò và sự
tác động của Trung Quốc với chế độ Khmer Đỏ không được báo chí Việt Nam phân
tích nhân sự kiện này?
Nhà báo Ngọc Vinh: Điều đó không
có gì lạ, bởi vì Trung Quốc không muốn nghe thấy những điều trái tai nói về
mình và lãnh đạo Việt Nam tôn trọng hoặc tuân thủ điều đó.
BBC: Nhà báo David Hutt nêu ý kiến
trên trang Asia Times rằng Việt Nam thua và Trung Quốc thắng tại Campuchia 40
năm sau, vì ảnh hưởng và sự chi phối của Bắc Kinh đối với Phnom Penh đang rõ
ràng hơn là ảnh hưởng từ Hà Nội. Ông nghĩ gì về nhận định này?
Nhà báo Ngọc Vinh: Tôi có đọc bài
báo của nhà báo này và đồng ý với nhận xét đó. Việt Nam đã mắc bẫy Trung Quốc
khi đem quân qua Campuchia để bảo toàn an ninh phía Tây của mình. Diễn tiến
hiện nay về sự thần phục của Thủ tướng Hun Sen và Campuchia đã cho thấy như
vậy.
Dù luôn miệng xưng tụng "Đội quân nhà Phật" Việt Nam
đã giúp Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng của Khmer Đỏ nhưng hành động của
Hun Sen thì ngược lại, ông ta chỉ làm điều có lợi cho Trung Quốc. Việt Nam
không mạnh tiền và mưu mô như Trung quốc nên trong cuộc giành giật ảnh hưởng
này, Việt Nam là kẻ xếp sau.
Hơn nữa, lâu nay Trung Quốc có truyền thống chăm sóc tốt người
đứng đầu các triều đại của Campuchia, từ Quốc vương Sihanouk cho đến Pôn Pốt-
Iêng Sary, và giờ là Hun Sen. Họ không bao giờ để Campuchia rơi vào vòng tay
của Việt Nam lâu dài đâu.
BBC: Được biết ông có viết trên
trang cá nhân về một nghĩa trang nơi chôn cất các liệt sĩ quê Phan Thiết từng
chiến đấu tại Campuchia "đã bị dọn sạch không còn vết tích gì, ngoài cánh
rừng cao su tươi tốt". Theo ông, đó có phải là chủ đề nhạy cảm, cấm kỵ mà
các báo ở Việt Nam không được tường thuật?
Nhà báo Ngọc Vinh: Theo tôi, chủ
đề này không có gì cấm kỵ. Đó chỉ là nghĩa trang tạm, khi hòa bình lập lại thì
gia đình và địa phương có liệt sĩ đã quy tập hết các phần mộ về quê quán nên
việc dọn sạch nghĩa trang cũng không có gì lạ. Tuy nhiên, nếu biết tôn trọng
lịch sử và xương máu liệt sĩ, nơi vốn là nghĩa trang quân sự đó nên có bia
tưởng niệm.
BBC: Theo ông, liệu cách báo chí
Việt Nam tường thuật về kỷ niệm cuộc chiến Campuchia có gì giống và khác khi
tưởng niệm cuộc chiến tranh biên giới với Trung Quốc?
Nhà báo Ngọc Vinh: Tôi chưa biết
ngày 17/2 năm nay, báo chí Việt Nam sẽ thông tin như thế nào vì ngày đó chưa
tới. Nhưng cách tuyên truyền sau kể từ thập niên 1990 về hai cuộc chiến tranh
này dĩ nhiên có khác nhau về căn bản. Đó là tội ác của Khmer Đỏ thì được đề cập
nhưng tội ác của Trung Quốc thì không. Tôi nghĩ đây là thỏa thuận giữa lãnh đạo
hai quốc gia mà báo chí buộc phải tuân theo.
BBC: Những gì ông muốn nói thêm về
chủ đề này?
Nhà báo Ngọc Vinh: Sau ba cuộc
chiến tranh liên tiếp, máu đổ thành sông xương chất thành núi, người Việt giờ
chỉ muốn thụ hưởng hòa bình và an lạc. Một là, Việt Nam đừng để thêm một cuộc
chiến nào khác xảy đến với mình. Hai là, hãy cố gắng tận dụng từng phút giây
hòa bình để phát triển đất nước, hầu đem lại an lạc cho nhân dân, như một cách
để đền đáp máu xương đã đổ xuống mãnh đất đau khổ của dân tộc này.
No comments:
Post a Comment