Võ khí tài chính của Bắc Kinh
Nguyên Lam &
Nguyễn-Xuân Nghĩa, RFA
2017-01-04
2017-01-04
Sau khi ông Donald
Trump đắc cử Tổng thống, mối quan hệ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ bỗng căng thẳng
vì mâu thuẫn kinh tế lẫn an ninh. Nổi bật nhất là lập trường của vị Tổng thống
Tân cử đối với Đài Loan và đầu tuần này là việc ông Trump trách cứ Trung Quốc
trục lợi kinh tế trong việc giao thương với Hoa Kỳ mà không can gián chế độ Bắc
Hàn cộng sản. Trong bối cảnh ấy, người ta nhớ tới lời phát biểu của một viên
chức tờ Nhân Dân Nhật Báo rằng Bắc Kinh có thể sử dụng võ khí tài chính để
trừng phạt việc Hoa Kỳ bán võ khí cho Đài Loan.
Mỹ - Trung nhiều mâu
thuẫn
Nguyên Lam: Sau khi tỷ phú Donald Trump đắc cử Tổng
thống Hoa Kỳ, quan hệ giữa hai nền kinh tế dẫn đầu thế giới ở hai bờ Thái Bình
Dương bỗng căng thẳng vì nhiều phát biểu gay gắt của ông Trump hướng về Bắc
Kinh và nhất là vì ông có cuộc điện đàm trực tiếp với Tổng thống Đài Loan là bà
Thái Anh Văn. Từ bên kia đại dương, Bắc Kinh không tỏ ý nhượng bộ và đưa hàng
không mẫu hạm Liêu Ninh xuống tập trận với đạn thật ngay trong vùng biển Đông
Nam Á và còn cướp một tầu ngầm khoa học của Mỹ ở ngoài khơi Philippines. Trung
khung cảnh đó, nhiều người e sợ một trận chiến kinh tế giữa hai quốc gia này và
khi đó người ta có nhắc đến lời phát biểu năm xưa của một viên chức Bắc Kinh,
rằng họ có thể sử dụng võ khí tài chính để trừng phạt việc Hoa Kỳ bán võ khí
cho Đài Loan. Diễn đàn Kinh tế đề nghị ông trình bày cho thực chất của vấn đề
và về võ khí tài chính này.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi thiển nghĩ là ta phải nhắc lại bối
cảnh của quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc thì mới hiểu ra nhiều mâu thuẫn phức
tạp ngày nay. Thứ nhất, thời Chiến tranh lạnh, Hoa Kỳ có ý hợp tác với Bắc Kinh
từ năm 1972 để làm lực đối trọng với Liên bang Xô viết khi hai nước cộng sản
này có mâu thuẫn và xung đột từ năm 1969. Sau đó, Hoa Kỳ công nhận Trung Quốc
và đoạn giao với Đài Loan từ năm 1979, nhưng Quốc hội Mỹ vẫn có đạo luật bảo vệ
Đài Loan để khỏi bị Trung Quốc thôn tính như Bắc Kinh muốn làm. Nhờ Hoa Kỳ, Trung
Quốc đã cải cách kinh tế từ năm 1980 và ra khỏi chế độ tập trung quản lý nên có
mức tăng trưởng cao trong nhiều thập niên.
Thứ tư, từ năm 2000,
Hoa Kỳ còn mở cửa cho Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới để từ đó
phát triển ngoại thương và trở thành một cường quốc kinh tế với sức bật là xuất
khẩu. Rồi vụ khủng hoảng và nạn Tổng Suy trầm năm 2008 gây khó khăn cho cả hai
quốc gia khiến Bắc Kinh phải bơm tiền kích thích kinh tế và Hoa Kỳ hoài nghi tự
do mậu dịch khi Bắc Kinh đạt xuất siêu liên tục còn khu vực chế biến của Mỹ
không tạo thêm việc làm và thành phần trung lưu bị sa sút. Nhìn trong cận cảnh
thì quan hệ giữa đôi bên đã đi vào bước lật từ năm 2008, nay mới lên tới cao
điểm.
Nguyên Lam: Ông nhắc lại khung cảnh từ 1972 tới ngày
nay và chỉ ra bước lật là năm 2008. Thưa ông, tại sao lại như vậy?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi cho là người ta nên chú ý đến những chuyển
động ngấm ngầm mà mãnh liệt ở dưới thì mới hiểu ra những biến cố nổi bật ở trên
để khỏi bị ngạc nhiên. Vụ Tổng Suy trầm năm 2008 gây bốn hậu quả ngày nay mới
thấy rõ. Đó là 1/ các nền kinh tế hậu công nghiệp Âu-Mỹ-Nhật đều tăng trưởng
thấp hơn; 2/ sự bùng phát của chủ nghĩa quốc gia nhân danh quyền dân chủ của
người dân để phủ nhận sự thống trị của cơ chế quốc tế và đả phá vai trò quá lớn
của quan hệ hay hiệp ước quốc tế, trong đó có Hiệp ước TPP Hoa Kỳ đã ký kết hay
hiệp ước NAFTA đã thi hành từ 1994; 3/ tình trạng bất ổn và suy sụp của các
nước quá lệ thuộc vào giao dịch quốc tế như Đức, Nam Hàn, Trung Cộng, vì ngoại
thương sút giảm và người ta chưa thể xuất cảng lên cung trăng để kích thích sản
xuất; 4/ cho nên các nước càng bơm tiền và phá giá để cạnh tranh kịch liệt hơn
trước. Thực tế thì mâu thuẫn quyền lợi đã bùng phát từ năm 2008 cho nên tại Hoa
Kỳ chúng ta mới thấy sự thắng thế bất ngờ của ông Donald Trump với chủ nghĩa
quốc gia Hoa Kỳ và ý chí bảo vệ quyền lợi của dân Mỹ. Bên kia đại dương, ông
Tập Cận Bình thì đề cao Trung Quốc Mộng và sức mạnh của chủ nghĩa dân tộc Đại
Hán. Ngày nay, mâu thuẫn Mỹ-Hoa đang nổi cộm trên cả hai bình diện an ninh và
kinh tế.
Nguyên Lam: Ngay từ khi tranh cử, ông Trump đã nêu
ra chủ trương đó, sau khi đắc cử, ông làm những gì trong lĩnh vực kinh tế để
người ta e ngại một vụ đụng độ kinh tế với Tầu?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Bắc Kinh tất nhiên chú ý đến thành phần
nhân sự được ông Trump mời vào nội các và ban tham mưu về kinh tế và ngoại
thương. Thứ nhất là tỷ phú Wilbur Rosss sẽ là Tổng trưởng Thương mại với chỉ
thị rà soát lại các hiệp ước thương mại bất lợi. Thứ nhì là Giáo sư Kinh tế và
Chính sách Công quyền Peter Navarro được mời làm Chủ tịch Hội đồng Cố vấn
Thương mại Quốc gia là cơ chế tân lập với chức năng bảo vệ quyền lợi của Hoa Kỳ
tương tự như Hội Đồng An ninh Quốc gia hay Hội đồng Cố vấn Kinh tế.
Ai cũng nói đến việc
ông Navarro đã sớm báo động về mặt trái của tự do mậu dịch và có quan điểm
chống Tầu. Hôm Thứ Ba thì chức vụ Đại sứ Thương mại vừa được trao cho một nhân
vật đầy kinh nghiệm đàm phán từ thời Tổng thống Ronald Reagan với lập trường
gay gắt đả kích lề thói giao dịch của Bắc Kinh, lại có sự hỗ trợ của dàn luật
gia đã từng tranh đấu để bảo vệ ngành thép của Mỹ.
Khi ông Donald Trump
chọn nhân sự như vậy thì ai cũng biết Hoa Kỳ sẽ có thái độ cứng rắn và đàm phán
ác liệt chứ không để Bắc Kinh chiếm lợi thế như trước. Cũng cần nói thêm rằng
một số dư luận Hoa Kỳ xưa nay vẫn chủ trương hòa dịu với Bắc Kinh vội tri hô là
ông Trump lấy rủi ro lớn khi gây hấn kinh tế với Trung Quốc. Đấy là hiện tượng
“ăn cây nào rào cây nấy” và ta chỉ cần nhắc lại cách đánh giá rủi ro của đôi
bên sau khi thấy ra thực lực, chứ lý luận bênh Tầu để trục lợi đã trở thành lạc
hậu trong bối cảnh mới.
Thực lực kinh tế đôi
bên
Nguyên Lam: Thưa ông, nói về thực lực kinh tế của
đôi bên thì người ta nên thấy những gì là đáng kể nhất?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Hoa Kỳ vẫn là siêu cường kinh tế với sản
lượng là hơn 24% của toàn cầu và ít lệ thuộc vào xuất khẩu trong khi thị trường
tiêu thụ quá lớn lại là nguồn sống cho nhiều nước cần bán hàng, trong số này có
Trung Quốc. Khi giao thương thì đôi bên đều có lợi, nhưng nếu Hoa Kỳ thấy mối
lợi ấy bất cân xứng và đòi xét lại thì tranh chấp có thể bùng nổ. Gặp hoàn cảnh
bất thường ấy thì ta thấy hai nền kinh tế này cần giao thương với nhau, nhưng
Trung Quốc cần kinh tế Hoa Kỳ hơn là kinh tế Hoa Kỳ cần kinh tế Trung Quốc vì
kinh tế Mỹ là nguồn xuất khẩu số một của Tầu, cao gấp ba lượng xuất khẩu qua
Nhật và gấp sáu lượng xuất khẩu qua Đức.
Dù Trung Quốc có thế độc
quyền về một số nguyên liệu như kim loại hiếm, Hoa Kỳ vẫn có thể tìm nguồn cung
cấp khác và thực tế thì vẫn thừa công xuất và có thị trường khác nếu Trung Quốc
ngưng bán hàng cho Mỹ. Trong hiện tại, Trung Quốc có nhiều vấn đề kinh tế xã
hội bên trong nên bị rủi ro lớn hơn Hoa Kỳ nếu gặp chiến tranh mậu dịch. Kết
luận thì trong ngắn hạn đôi bên đều bị thiệt hại, nhưng về dài thì Hoa Kỳ sẽ
hồi phục mau hơn trong khi Trung Quốc sẽ bị khốn đốn lâu hơn.
Nguyên Lam: Bây giờ ta mới nói đến võ khí tài chính của
Bắc Kinh. Trong một chương trình của Diễn đàn Kinh tế vào cuối Tháng Chín
năm 2015, ông nói tới kịch bản gọi là “Nếu Bắc Kinh Xuất Khẩu Đạn?” nhờ
gom được một khối dự trữ ngoại tệ rất lớn và có thể xuất khẩu tư bản để đầu tư
và tranh thủ các nước về mặt ngoại giao. Trong giả thuyết xung đột
kinh tế với Hoa Kỳ thì phải chăng kho đạn ngoại tệ ấy sẽ là võ khí? Nhiều người
vẫn cho rằng Bắc Kinh mua Công khố phiếu của Chính quyền Hoa Kỳ tức là chủ nợ
của nước Mỹ, nếu khách nợ Hoa Kỳ lại gây hấn với chủ nợ thì nước Mỹ sẽ bị
thiệt. Sự thật kinh tế đằng sau lý luận này là gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Nhắc chuyện xưa thì trong chuyến công du
đầu tiên với tư cách là Ngoại trưởng, bà Hillary Clinton trước tiên đến Bắc
Kinh vào đầu năm 2009. Khi ấy bà nói là không nên để vấn đề nhân quyền ảnh
hưởng đến quan hệ kinh tế tốt đẹp giữa hai nước và kêu gọi Bắc Kinh tiếp tục
mua Công khố phiếu của Hoa Kỳ, tức là tiếp tục cho nước Mỹ vay tiền. Ta còn nhớ
thời đó Hoa Kỳ vừa có vụ khủng hoảng tài chánh vào Tháng Chín 2008 lồng trong
nạn suy trầm kinh tế từ cuối năm 2007 nên nhiều người hốt hoảng bậy. Thật ra
khối dự trữ ngoại tệ ấy không là kho đạn của Bắc Kinh và việc Tầu đem tiền cho
Mỹ vay không có nghĩa là Bắc Kinh nắm dao đằng chuôi trong trận đấu lực kinh tế
với Hoa Kỳ.
Ai là chủ nợ của Mỹ?
Nguyên Lam: Nhưng thưa ông có phải Trung Quốc đang là chủ
nợ lớn nhất của Mỹ không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tầu là chủ nợ lớn nhất trong mấy năm,
nhưng từ Tháng 11 thì nhường vị trí đó Nhật rồi. Theo con số sau cùng của Bộ
Ngân Khố Hoa Kỳ thì vào cuối Tháng 10, Bắc Kinh nắm trong tay một ngàn 150 tỷ
đô la Công khố phiếu của Mỹ. Nếu kể thêm vài trăm tỷ đô la đầu tư vào thị
trường cổ phiếu và trái phiếu Mỹ thì Bắc Kinh đang có trong tay một ngàn 850 tỷ
đô la tài sản Mỹ trên thị trường Hoa Kỳ.
So với năm 2000 là khi
vừa được Chính quyền Bill Clinton cho gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO
thì quả thật là lượng đầu tư của Bắc Kinh vào thị trường Mỹ tăng gần gấp đôi
nhưng lượng tiền ấy từ đâu ra và dùng vào việc gì? Thứ nhất, Trung Quốc xuất
khẩu nhiều nhất vào Mỹ, được xuất siêu nên thu về đô la thì lại đầu tư vào Mỹ
dưới dạng trái phiếu hay cổ phiếu. Thế thì sao họ không đầu tư vào trong nước,
hoặc vào các nước khác, như Âu Châu hay Nhật Bản chẳng hạn? Tại sao có tiền lại
cho Mỹ vay đến độ thành chủ nợ số một của Mỹ? Vì nơi đây là an toàn hơn cả!
Khi nắm trong tay một
ngàn 150 tỷ đô la Công khố phiếu của Mỹ, Bắc Kinh có thể gây sức ép là dọa “đòi
nợ”, tức là bán Công khố phiếu đó ra thị trường quốc tế, nhưng lãnh hậu quả là
càng bán nhiều thì tài sản này của họ càng mất giá. Trong năm nay, họ đã bán
rồi, khỏang hơn 11% tổng số nợ họ nắm trong tay, vậy mà kinh tế Mỹ không bị hề
hấn gì. Thế rồi sau khi bán ra lấy tiền về, họ có thể đầu tư vào đâu để kiếm
lời mà vẫn an toàn? Vào các thị trường Âu Châu hay sao khi tình hình kinh tế Âu
Châu còn đầy bất trắc với nạn khủng hoảng ngân hàng của Ý nay sắp bùng nổ? Hay
là vào các thị trường Nhật Bản, Anh Quốc, Thụy Sĩ? Không an toàn và đủ dầy bằng
thị trường Mỹ! Thành thử ta cần thấy Bắc Kinh có thể dọa nhưng lời hăm ấy không
hiệu quả vì họ đã làm, đã lỗ mà chẳng gây thiệt hại gì cho khách nợ là Hoa Kỳ!
Nguyên Lam: Có lẽ chúng ta bắt đầu thấy ra trận thế
kinh tế giữa hai nước khi đôi bên đều bắn tiếng hăm dọa. Nhưng chúng ta không
thể quên rằng Bắc Kinh đang có một khối dự trữ ngoại tệ cao nhất thế giới. Như
vậy, thưa ông Nghĩa, họ có nắm một kho đạn trong tay không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Thật ra, kho đạn ấy chủ yếu vẫn là đô la
Mỹ là ngoại tệ dự trữ số một hiện nay. Bắc Kinh rơi vào vòng luẩn quẩn vì vẫn
giàng đồng Nguyên của họ vào tiền Mỹ. Họ muốn định giá đồng Nguyên cho rẻ để
bán hàng cho dễ thì đồng bạc mất giá khiến người ta chuyển tiền ra ngoài tìm
nơi có lời hơn, làm kinh tế Trung Cộng bị thất thoát tư bản, trong năm qua mất
gần ngàn tỷ.
Để tránh tình trạng
này, họ phải làm chuyện trái ngược, tức là bán đô la Mỹ mua vào đồng Nguyên
nhằm giữ giá đồng bạc. Họ bán đô la Mỹ mà tiền Mỹ chẳng mất giá và nay tăng vọt
sau khi ông Trump đắc cử và Ngân hàng Trung ương Mỹ vừa tăng lãi suất. Ngược
lại, từ đầu năm 2015 tới nay, kho dự trữ ngoại tệ của Bắc Kinh giảm mất 20%, từ
gần bốn ngàn tỷ nay chỉ còn ba ngàn lẻ năm tỷ thôi! Nếu lâm trận mà đòi bán
Công khố phiếu như đã bán tức là dùng kho đạn thì chẳng gây hề hấn cho kinh tế
Hoa Kỳ, không làm tiền Mỹ mất giá mà còn tự gây họa cho mình.
Kết cuộc thì việc
Trung Cộng là chủ nợ của Mỹ chỉ cho thấy nhược điểm kinh tế của họ là quá lệ
thuộc vào xuất khẩu và xuất khẩu nhiều nhất là vào thị trường Hoa Kỳ trong khi
các thị trường kia vẫn èo uột. Ngày nay, khi Mỹ muốn giảm nhập thì chính Bắc
Kinh mới lâm thế kẹt, là chuyện ta sẽ chứng kiến năm nay!
Nguyên Lam: Xin cảm tạ ông về bài phân tích kỳ này.
No comments:
Post a Comment