Monday, July 13, 2015

Nguyễn Du chính là ông Quang Trung!



Nguyễn Du chính là ông Quang Trung!
CN, 07/12/2015 - 21:57
Ngày 11/7/2015, một chương trình của đài truyền hình ở Hà Nội vừa đưa ra một clip với nội dung phỏng vấn một loạt học sinh với câu hỏi chung “Quang Trung và Nguyễn Huệ có mối quan hệ gì với nhau?”. Câu trả lời của một học sinh khiến người xem… ngã ngửa, đặc biệt vì sự tự tin của cậu bé khi trả lời: “Con học trường Nguyễn Du, mà Nguyễn Du chính là ông Quang Trung!”.
Chỉ với một câu hỏi đơn giản về vị vua Quang Trung - Nguyễn Huệ đặt ra cho 7 em học sinh ở các độ tuổi, cấp học khác nhau, đoạn clip đã khiến người xem phải giật mình với những câu trả lời "không biết", thậm chí sai lệch lịch sử nghiêm trọng. Điều đáng buồn hơn, các phóng viên thực hiện đã tiến hành phỏng vấn ngay trên hai tuyến phố Tây Sơn và Đặng Tiến Đông, đoạn đường ngay trước mặt khu di tích Gò Đống Đa.
Trò chuyện với một số học sinh tiểu học, trung học về môn lịch sử, người nghe nhận được những câu trả lời đại khái như thế này: “Cô bắt học thuộc”; “Kiểm tra xong có cái nhớ có cái quên”;…
Từ khi có quy định về chọn môn thi trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông , rất nhiều người chờ đợi kết quả thống kê số lượng học sinh chọn các môn thi, với sự tò mò xem môn Lịch sử được bao nhiêu thí sinh.
Câu trả lời qua kỳ thi trung học phổ thông năm 2015 vừa qua đó là môn Lịch sử có số lượng thí sinh thấp nhất, chỉ chiếm một tỷ lệ 15,3% trong tổng số gần 960 ngàn thí sinh dự thi. Tại Hà Nội trường Lương Thế Vinh chỉ có 1 học sinh chọn môn Lịch sử. Trường Việt Đức có 3%, trường Đinh Tiên Hoàng có 6% học sinh ghi danh thi môn này… Trong buổi sáng ngày 4/7, các điểm thi ở Yên Thành và thị xã Thái Hòa (Nghệ An) do Hội đồng thi của Sở Giáo Nghệ An tổ chức, chỉ có duy nhất 1 thí sinh thi môn Lịch sử. Chuyện cả 66 cán bộ, nhân viên phục vụ một thí sinh thi môn Sử không phải là chuyện bịa đặt.
Việc học sinh Việt Nam thờ ơ với sử Việt thật ra xảy ra từ lâu. Nếu ở một môn học nào đó, như lịch sử chẳng hạn, có vài học sinh dốt thì lỗi có thể là do các em. Nhưng nếu cả một thế hệ học sinh, hay thậm chí nhiều thế hệ dốt và thờ ơ với môn sử thì nhất định không phải lỗi ở người học. Lịch sử đáng lẽ ra là một môn rất hấp dẫn. Nhưng ở Việt Nam nó lại trở thành một món cơm nguội vừa khô vừa cứng.
Một nhà giáo dục đã nêu một ví dụ về cách dạy học trường hợp Quang Trung Nguyễn Huệ như sau:
Chào các em.
Hôm nay chúng ta học bài về Quang Trung Nguyễn Huệ.
Các em có biết hai con đường mang tên này ở Sài Gòn chúng ta không?
Học sinh sẽ nói “Có” hết.
Vậy các em có biết giá đất ở 2 phố này khác nhau một trời một vực hay không?
“Có” chứ ạ.
Một câu chuyện ngắn về giá đất ở Nguyễn Huệ được kể ra.
Các em có nghĩ là do cái tên của hai ông này mà khiến giá đất như vậy không? Hai ông ấy khác nhau à?
Và sau đó chuyện về Quang Trung và Nguyễn Huệ mới được bắt đầu...
Lịch sử Việt Nam được dạy và học như thế đó! Làm sao học sinh không bị buộc phải hiểu Quang Trung – Nguyễn Huệ là anh em?!?
Tú Thanh / SBTN
Nguồn: http://www.sbtn.tv/vi/tin-viet-nam/nguyen-du-chinh-la-ong-quang-trung.html

No comments:

Post a Comment