Một Thời Để Nhớ
Trần Nhật Kim
Sau ngày 30-4-1975, đảng và nhà
nước CSVN đã áp dụng chính sách “Đốt sách và tù đầy quân cán chính miền Nam”.
Nhưng sự tiêu diệt văn hóa miền Nam không xẩy ra nhẹ nhàng như họ đã làm tại
miền Bắc sau năm 1954. Tại miền Nam, chính sách này được thực hiện một cách vội
vàng, không phải là sự hăng hái của kẻ hoàn toàn chiến thắng. Hành động đóng
cửa các cơ sở báo chí, nhà in và nhà phát hành cũng như chiến dịch tịch thu
toàn bộ văn hóa phẩm, chứng tỏ một sự bất ổn khi đối diện với kho tàng văn học
miền Nam, mà chính quyền Hà Nội đánh giá là có nguy hại cho chế độ.
Nhà xuất bản Văn Hóa Hà Nội có
nhận định:
“Cuộc đấu tranh trên mặt trận văn
hóa, tư tưởng không ác liệt như mặt trận quân sự, nhưng đó là một cuộc đấu
tranh vô cùng cam go nguy hiểm.”
Kết quả của chính sách “tiêu diệt
văn hóa miền Nam” không đáp ứng sự mong đợi của đảng cộng sản Hà Nội. Trái lại,
văn hóa miền Nam đã ảnh hưởng sâu đậm tới các thành phần dân chúng cũng như cán
bộ, bộ đội miền Bắc. Sự quan tâm này đã được báo Nhân Dân nêu ra: “một tờ lịch,
một tấm giấy gói hàng cũng là phương tiện tuyên truyền…”
“Nhạc vàng” cùng chung số phận
với sách báo, được đảng CS khoác cho một tên mới: “Văn hóa đồi trụy”.
Trên thực tế, nhạc vàng đã là món
ăn tinh thần không thể thiếu, đáp ứng nhu cầu của một dân tộc vốn nặng về tình
cảm. Và chính dòng nhạc này, vì được người tù cải tạo miền Nam dàn trải trên
khắp các nẻo đường đất nước, đã ảnh hưởng sâu đậm và chuyển đổi tâm tư của cán
bộ tại các trại cải tạo miền Bắc cũng như gia đình của họ.
Nhiều người đặt câu hỏi: “Sau
nhiều năm dài bị đầy ải, áp bức trong ngục tù cộng sản, nhờ phép mầu nào mà
người tù cải tạo miền Nam không bị điên loạn, giữ được mạng sống để trở về?”
Thật khó có một câu trả lời trọn vẹn, bao quát cuộc sống tăm tối của một kiếp người. Liệu đó có phải là một cơ may, nhất là tù nhân luôn luôn bị ám ảnh không có ngày về. Có lẽ do bản năng sinh tồn, dù dưới bất cứ hoàn cảnh nào, con người vẫn phải phấn đấu để sống còn. Và chính những giây phát đen tối nhất của cuộc sống, người tù cải tạo đã gần gũi với âm nhạc. Những bài ca phát xuất tự đáy lòng hàm chứa những cảm súc của đời sống hiện tại, “đã là một lối thoát cho tinh thần, hầu giữ được thăng bằng cuộc sống.”
Có vị cũng thắc mắc, „trong hoàn
cảnh sống như thế làm sao có thể sáng tác, có thể ghi nhớ?“ Vâng, một số không
ít những bài ca đã bị quên hoặc nhớ không trọn vẹn sau một thời gian dài cùm
xích, đầy ải trong phòng tối. Nhưng cũng do môi trường sống và hoàn cảnh đặc
biệt này đã thôi thúc tù nhân sáng tác. Ta có thể nói, những bài ca này đã được
viết ra bằng con tim và khối óc, bằng máu và nước mắt. Do đó, mỗi bài ca đã
mang theo một sắc thái, một hoàn cảnh khác biệt, một câu chuyện khó quên của
người tù cải tạo.
Sau ngày 30-4-1975, Thơ và Nhạc
đã xuất hiện những sáng tác đặc biệt về „tù đầy“.
Đặc biệt là vì những tác phẩm này
không được ghi trên giấy khi sáng tác, như những bài thơ và nhạc trong hoàn
cảnh bình thường của đời sống xã hội.
Tù cải tạo không được phép lưu
giữ giấy bút, sách vở và thường bị kiểm soát gắt gao bởi cán bộ trại. Sự sáng
tác vì vậy gặp rất nhiều khó khăn, nên phương tiện duy nhất là ghi nhận bằng
trí nhớ, và phải đợi khi có điều kiện mới ghi lại trên giấy, thường là mặt
trong của bao thuốc lá hay những tờ giấy trắng còn lại sau lần viết bản tự
khai. Những sáng tác này phải được cất dấu cẩn thận, để tránh sự phát hiện của
cán bộ trại mỗi khi khám phòng, nhất là bọn ăng-ten thường xuyên theo rõi để báo
cáo lập công.
Nhìn chung, những tác phẩm về thơ
và nhạc sáng tác trong tù đã thể hiện nhiều khía cạnh, gợi nhớ hình ảnh Saigon
với nếp sống Tự do Dân chủ, một Saigon yêu thương thuở trước, với viễn ảnh chia
ly gia đình tan vỡ và trước cái chết tức tưởi của các bạn tù đồng cảnh ngộ.
Nhưng nổi bật nhất vẫn là tinh thần đấu tranh bất khuất chống lại chế độ cộng
sản bạo tàn và ý chí quang phục quê hương.
Người viết không có tham vọng đi
xa trong sinh hoạt này, mà chỉ muốn ghi lại những kỷ niệm khó quên, ghi ơn các
tác giả còn sống, hay những người đã nằm xuống trong một hoàn cảnh bi thảm nhất
của lịch sử dân tộc sau ngày 30-4-1975.
*
Về phía nhạc đấu tranh có khá
nhiều bài ca, dù ngắn nhưng hàm chứa tinh thần chống cộng rất rõ rệt. Trước khi
nghe lại bài “Đôi giầy Dũng sĩ” của anh Nguyễn Văn Hồng, người viết xin được
giới thiệu về anh.
Anh Nguyễn Văn Hồng là Trung Úy
thuộc đơn vị Pháo binh của QLVNCH, không trình diện học tập cải tạo sau ngày
30-4-1975, bị bắt khi vượt biên. Anh đã di chuyển tới nhiều trại. Tại miền Nam,
từ trại Tân Hiệp chuyển tới trại A (Gia Rai-Long Khánh) nằm trên đồi Phượng Vĩ,
sau đó chuyển vào trại B. Sau một năm, anh chuyển ra Bắc trên tầu “Sông Hương”,
ngày 20/4/1977 tới trại Nam Hà (Hà Nam Ninh). Tại đây, anh đã sáng tác bản nhạc
“Đôi giầy Dũng sĩ”. Vào buổi sáng ngày 16/9/1977, toàn thể tù cải tạo phân trại
“A” Nam Hà đồng thanh hô vang nhiều lần “đả đảo cộng sản” trước giờ lao động
tại sân trại, để chống lại hành động đối xử tàn nhẫn của cán bộ trại đối với
anh em tù cải tạo bị bệnh nặng.
Cuộc chống đối của tù cải tạo đã
kéo dài nhiều tháng. Sau khi 20 tù cải tạo của cuộc chống đối, được ban quản
giáo ghi nhận là thành phần chủ chốt của cuộc biến động, bị chuyển tới trại
Quyết Tiến (Cổng Trời-Hà Giang) vào đêm Giáng Sinh, 24-12-1977. Sau đó, ban
giám thị trại đã gom những người chống đối còn lại vào một đội có tên “Đội 20”,
để dễ theo rõi và tránh những biến động khác xẩy ra, khi mà lòng căm hờn của tù
cải tạo miền Nam mỗi lúc một sôi động. Anh Hồng là một trong những người bị
giam trong phòng kỷ luật. Nghe các bạn kể lại, trong phòng kỷ luật anh hát bài
ca này, như lời nhắn nhủ các bạn tù về lòng kiên trì đấu tranh cho lý tưởng Tự
do. Anh Hồng bị chuyển lên phân trại Mễ (thuộc trại Nam Hà) gần Phủ Lý, một
trại kỷ luật rất hà khắc, được che dấu dưới hình thức trại y tế. Anh Hồng cũng
như một số bạn tù khác đã qua đời ở đây.
Bài ca này được các bạn tù hưởng
ứng ngày một lan truyền trong trại, đã thôi thúc ngọn lửa đấu tranh trước bạo
quyền. Khi sáng tác bài ca này anh chỉ có ước mơ nhỏ bé, được là đôi giầy dưới
chân lớp trẻ mai sau, đập tan xiềng xích, khôi phục đời sống Tự do Dân chủ của
Quê Hương. Chúng ta hãy nghe ước mơ của anh:
Đôi Giầy Dũng Sĩ
Này em, ta không quên đâu những
ngày tù đầy.
Này em, ta không quên đâu những
ngày tăm tối.
Này em, ta không quên đâu mối thù
từng ngày.
Này em, ta không quên đâu mối thù
muôn đời.
Và dù không là gì cả, cũng xin
làm đôi giầy dũng sĩ,
trở về đạp nát tan kẻ thù.
Này em, cha ông em chết trong
ngục tù.
Này em, thân nhân em đau buồn
tang chế.
Này em, tương lai em vẫn còn mịt
mù.
Này em, quê hương ta vẫn còn nô
lệ.
Và dù không là gì cả, cũng xin
làm đôi giầy dũng sĩ,
trở về đạp nát tan xích xiềng.
Cho tôi xin một lần gục ngã,
cho em tôi suốt đời ngẩng mặt.
Cho tôi xin một lần được chết,
cho quê hương ngàn đời vinh
quang.
Cho tôi xin một đời nhọc nhằn,
cho em tôi một đời hạnh phúc.
Cho tôi xin một đời chiến chinh,
cho quê hương muôn đời thanh
bình.
Tác giả: Nguyễn Văn Hồng
(Toàn bản nhạc ghi trong phần chú
thích)
Vào những tháng cuối năm, bầu
trời Nam Hà ẩm mây và lạnh, nhiệt độ xuống thấp, người bệnh càng nhiều. Sau khi
ông Trần Thế Minh, nguyên Thượng Nghị Sĩ VNCH qua đời bị ngộ độc vì thực phẩm,
tình trạng sức khỏe tù cải tạo trong trại ngày càng tồi tệ hơn. Qua khung cửa
sổ sàn nằm trên, một phần khu trại hiện ra im lìm bất động. Về phía cuối sân là
trạm xá, một căn nhà nhỏ nghèo nàn tăm tối. Ánh đèn dầu leo lét xuất hiện nơi
trạm xá không đủ thắp sáng căn phòng, trở thành huyền ảo vật vờ, như linh hồn
kẻ xấu số còn vương vấn thân xác giá lạnh.
Khi nhìn thấy ánh đèn dầu leo lét nơi trạm xá, các bạn thường hỏi:
– “Có người chết hả. Có biết ai
không?”
Anh Thu Tâm im lặng gật đầu. Vừa
thương cũng vừa mừng cho người bạn mới ra đi. Họ đã rũ sạch nợ đời. Không còn
vướng mắc tình cảm quyến luyến gia đình, mà tình cảm gia đình vốn là hơi ấm,
một ánh lửa hy vọng cho người tù cải tạo miền Nam. Không còn bị tủi nhục trước
hành động hận thù của đám cán bộ trại. Một hình ảnh khiến anh xúc động về số
phận của bạn tù. Cuộc đời của người tù cải tạo không còn thuộc về mình nữa, đã
ở ngoài tầm tay, có chăng chỉ còn lại quyền được chết. Trước cái chết thật đơn
giản, vội vàng, anh Thu Tâm đã sáng tác bản nhạc “Trên đồi Thu”, gợi nhớ một
khu đồi trồng mơ trong rừng Cúc Phương thuộc trại Nam Hà. Anh em cải tạo gọi đó
là “Đồi Thu”, nơi an giấc ngàn thu của tù cải tạo miền Nam, sau khi đã trả xong
món nợ máu cho đảng cộng sản và nhà nước “Xã hội Chủ Nghĩa Việt Nam anh hùng”.
Khi nghe bản nhạc này, mọi người
đều có chung ý nghĩ, đến một ngày nào đó, sẽ đến lượt mình tới nơi này với
những người đi trước. Theo âm hưởng của dòng nhạc, ta có cảm tưởng hình dung
được những bước chân âm thầm của những người cải tạo đưa tiễn bạn đến nơi an
nghỉ cuối cùng. Lời nhạc đang tha thiết bỗng trỗi dậy với tiếng gió rít trên
đồi ầm ầm như thác đổ, và trong khoảnh khắc không gian trở lên tĩnh lặng chỉ
còn tiếng lá Thu rơi. Chúng ta hãy chia buồn với những người bạn đã nằm xuống,
những nạn nhân của một chế độ phản bội lại dân tộc, qua lời nhạc:
Trên Đồi Thu
Niềm đau tới, buồn với thu sầu.
Chiều thu ấy chấm đen đời nhau.
Còn đâu nữa, vần vũ mưa Ngâu.
Tia nắng thu vàng héo hắt,
Xót xa hoài cố nhân!
Sầu u uất một kiếp lao tù.
Buồn tê tái gió lay hồn thu.
Lạnh hương khói Người đã phiêu du
Hay còn lẩn quất vấn vương mối
hận thù?
Ới ! Buốt đau lòng giá, héo hon
tình đá,
lá rơi mặc lá.
Người xa, lòng ta hờn căm tím đôi
môi
Máu ứa tim sầu Nước, xót khung
trời ước,
luyến lưu từng bước.
Lặng nghe hồn thu sầu khóc thu
đau!
Vầng mây trắng về núi xa nào.
Chờ ta với cố vui lòng nhau.
Đồi hoang vắng chuyển gió heo
may.
Ôi ! cố nhân đâu còn nữa,
Xót thương mắt rưng sầu.
Tác giả: Thu Tâm
(Toàn bản nhạc ghi trong phần chú
thích)
Lời ca có khi trầm hùng mang tâm
tư uất nghẹn, có lúc man mác nhẹ nhàng như một hơi thở ghi đậm nỗi ngậm ngùi.
Tiếng đàn hòa lẫn tiếng gió rít “Trên Đồi Thu” mang theo tiếng thì thầm của
những người khóc bạn vào những chiều Thu vàng úa thuở nào. Khởi đầu từ tháng 8,
“Cách Mạng Mùa Thu”, đã mang đau thương đến cho cả ba Miền đất nước, cho cả một
dân tộc. Biết bao nhiêu cái chết oan khiên của những người dân vô tội. Bao
nhiêu thế hệ tuổi trẻ phải hy sinh cho mục đích hoang tưởng trên đường nhuộm đỏ
đất nước của đảng CSVN, vì theo lệnh của cộng sản quốc tế Nga Tầu.
Bản nhạc “Trên Đồi Thu” được bạn
tù truyền nhau hát đã đến tai cán bộ. Ban giám thị trại cho đây là lời tuyên
truyền phản động, cần phải phát hiện người chủ mưu. Đám ăng-ten được dịp báo
cáo. Để tránh phiền phức cho các bạn, anh Thu Tâm đã nhận mình là tác giả của
bản nhạc. Nhưng cán bộ trại không cho anh là người sáng tác bản nhạc này, vì
anh vốn im lặng, sinh hoạt không ồn ào. Ban giám thị để ý tới nhạc sĩ Vĩnh Lợi
(tác giả bản nhạc “Luyến Quê”, phổ từ lời thơ của giáo sư Nguyễn Thành Vinh,
trước năm 1975), một người khá nổi tiếng trong tù, cho anh Vĩnh Lợi là tác giả
của bản nhạc “Trên Đồi Thu”. Sau đó không lâu, anh Vĩnh Lợi đã rời khỏi trại.
Mọi người không biết anh bị chuyển đi đâu.
Để che mắt cán bộ trại, nhất là
trong hoàn cảnh thiếu điều kiện soạn những bài ca, anh Thu Tâm đã vẽ phím đàn
dương cầm trên sàn xi măng dưới chiếu nằm. Nhiều bản nhạc ra đời, trong đó có
bản “Trên đồi Thu”. Vào những ngày cuối tuần, bầu trời mùa Đông ảm đạm, anh Thu
Tâm ngồi bên “phím đàn Dương cầm” trong khi anh Trần Đình Lục để tấm bìa trên
vai trái, tay phải cầm đũa, như đang xử dụng “Vĩ cầm”. Mọi người chứng kiến
hình ảnh hai người bạn với những điệu bộ như đang du hồn vào thế giới âm thanh.
Mỗi lần anh Thu Tâm đưa tay ra phía trước như giòng nhạc vừa sang trang, anh
trần Đình Lục cũng có một hành động tương tự. Âm hưởng của giòng nhạc như đã
thấm đượm vào tâm tư mỗi người đang trình diễn.
Anh Thu Tâm bị bắt vào những ngày
đầu tháng 5-1975 và đưa ra miền Bắc vào tháng 6-1975 trong một chuyến bay đặc
biệt, trong đó có một vị Tướng lãnh VNCH với sự hiện diện của Tướng Hoàng Cầm
(quân đội miền Bắc). Máy bay đã đáp xuống sân bay Gia Lâm, Hà Nội. Anh đến trại
Nam Hà rất sớm. Anh dự phần đào giếng nước ngay cổng trại chính , cũng như xây
dựng khu B để có chỗ cho người viết và các bạn tù tới ở sau này.
Anh Thu Tâm đã ghi lại sự xúc
động tột cùng của những người còn ở lại, tiếc thương đưa tiễn những người bạn
ra đi đến nơi chốn tận cùng của một kiếp người.
Hình ảnh tiễn đưa bạn đến nơi an
nghỉ “Trên Đồi Thu”, cũng được bạn tù diễn tả qua lời thơ:
Hai tên cầm súng bước đi đầu
Tên nữa AK tiếp phía sau
Một xác bó tròn đôi manh chiếu
Hai đầu buộc chéo bốn giây lau
Không kèn, không trống, không đưa
tiễn
Chẳng khói, chẳng nhang, chẳng
nguyện cầu
Chỉ có bạn tù khiêng lặng lẽ
Vùi nông một khối hận thù sâu.
Hình ảnh ngày xum họp gia đình
đối với tù cải tạo miền Nam chỉ còn là một giấc mơ. Mỗi lần đi ngang qua dẫy
núi đá vôi gần trại trên đường tới rừng Cúc Phương, mọi người đều ngẩng nhìn
tảng đá hình con rùa nằm nơi lưng chừng núi, nói với nhau:
– “ Bao giờ con rùa đá bò lên đến
đỉnh núi thì chúng ta được về”.
Vào những buổi chiều mùa Đông giá
lạnh, sương mù mờ mịt phủ xuống vùng núi rừng trại Nam Hà. Khi đi qua chuồng
dê, một người bạn tù trẻ tuổi của người viết, bị ám ảnh bởi tiếng gọi dê về
chuồng.
Tiếng gọi: “Dê ơi! Về đi…Về đi…”
mà hai chữ cuối kéo dài, tạo ra một chuỗi âm thanh vang vọng trong không gian
vắng lặng buồn tẻ. Anh nghĩ đến thân phận của một kiếp người, của một dân tộc thật
thê lương. Anh đã ghi lại những ưu tư, trăn trở về nỗi đau của dân tộc trước
họa cộng sản qua lời ca “Trâu về đi”:
Trâu Về Đi
Trâu về đi! Tiếng ai vẳng trên
đồi vắng,
tiếng ai vẳng vào trong hồn
từng chiều xuống nghe buồn tênh
như tiếng thở than?
Nức nở âm thầm mang nỗi khổ
ai gọi ai đi về với nỗi buồn lê
thê
với chuỗi ngày tháng dài u mê?
Ngày lên cao này chất thêm sầu
lao đao
để tiếng kêu gào
Còn mãi như vào xa xôi theo tiếng
thở dài!
Trâu về đi. Trâu về đi.
Tiếng ai vẳng trên đồi vắng?
Tiếng ai vẳng vào trong hồn, từng
chiều xuống nghe buồn tênh,
như tiếng hờn oán?
Nức nở như còn mang nỗi khổ
Bao đời bao oan hồn. Ôi nỗi lòng
quê hương.
Với chuỗi ngày tháng đầy thê
lương!
Người xa nhau người chất thêm sâu
thương đau
để tiếng kêu gào vọng mãi đi vào
mai sau
theo tiếng thở dài: Trâu về đi!..
Trâu về đi!… Về đi!…
Tác giả: Cuồng Sĩ Thanh Cẩm (Toàn
bản nhạc ghi trong phần chú thích)
Với tâm tư của tác giả trong lời
nhạc cũng như lòng bất khuất trong cuộc sống…danh xưng “Cuồng sĩ Thanh cẩm”
được anh Nguyễn Cao Quyền mến tặng khi tác giả tới trại Thanh Cẩm, lưu lại như
một kỷ niệm với các bạn tù, đã cùng nhau san sẻ những niềm vui hiếm hoi trong
quãng đời nhiều cay đắng.
Song song với những bản nhạc diễn
tả thực trạng về đời sống cũng như tâm tư người tù cải tạo trại Nam Hà, những
vần thơ cũng nói lên sự khốn cùng và đời sống khắc nghiệt ở đây.
Sang một hướng khác, người viết
xin được nói đến anh Dương Khắc Đệ, bút hiệu Dương Tử, nguyên là Trung Tá thuộc
Bộ Tổng Than Mưu Quân Lực VNCH, một nhà thơ, một bạn tù khả kính của anh em
trại Nam Hà. Anh đã xuất bản tập thơ “Con Đường Cải Tạo” tại Hoa Kỳ, trong đó
ghi lại một chuyện tình thoáng qua, mà người viết có cảm tưởng, ý thơ đã nói
lên tình cảm yêu thương tha thiết của người trong cuộc, vượt qua một hoàn cảnh
thật khắt khe. Một sự chọn lựa hợp với tình người, mà “chủ thuyết hoang tưởng
cộng sản” hiện nguyên hình là một thứ bánh vẽ, không còn là nhu cầu cấp thiết
của người dân miền Bắc.
Để thực hiện cuốn phim tài liệu
“Tình và Tội”, đoàn điện ảnh Trung Ương thuộc Bộ Nội Vụ Hà Nội, đã tới trại Nam
Hà để quay phần chính của cuốn phim. Khu lò rèn đã trở thành nơi thu hình, với
sự có mặt của vài anh em tù cải tạo miền Nam. Nội dung cuốn phim diễn tả một tù
hình sự tên Bờ rèn một con dao với dụng ý giết nhân viên an ninh trại để vượt
ngục. Diễn viên chính do một nam công an và vai nữ do công an Thanh Vân đóng
vai người tình của Bờ.
Việc thâu hình diễn tiến đều,
nhưng một “chuyện tình” bên lề cuốn phim đã xẩy ra. Nữ diễn viên Thanh Vân rất
trẻ đẹp đã có cảm tình với một tù cải tạo miền Nam. Họ quen nhau trong một
trường hợp khá đặc biệt. Nhân một buổi anh cải tạo đến khu thợ may của trại,
mượn kim chỉ để khâu chiếc khuy áo tù sút chỉ. Trong khi đó nữ diễn viên Thanh
Vân cũng ghé chỗ thợ may. Thấy anh cải tạo lóng ngóng khâu chiếc khuy áo, cô
liền cầm lấy mũi kim đính giùm anh khuy áo. Họ đã trao đổi nhiều lần trong thời
gian đoàn quay phim thâu hình ở trại Nam Hà. Câu chuyện khá dài. Trong tác phẩm
“Con đường cải tạo” anh Dương Tử chỉ ghi lại một đoạn đối thoại ngắn giữa hai
người:
– “Khi nào anh được tha về, nhớ
ghé Hà Nội vào nhà Vân chơi.” –
“Biết đến bao giờ, và nếu có ngày
ấy, thì biết có ai tiếp mình không mà ghé?”
-“Tại sao không…”
-“Bởi vì: Ngày mai trong đám xuân
xanh ấy, có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi.”
………
Anh cải tạo đã tìm đến anh Dương
Tử, nhờ anh làm một bài thơ để gửi cô diễn viên. Anh Dương Tử tâm Sự: “Tôi cảm
thấy mình quá già và mòn mỏi vì cảnh tù đầy, con tim đã khô héo, đâu còn rung
cảm mà làm thơ tình với tâm sự của người khác. Thế nhưng, anh bạn tù là một sĩ
quan trẻ tuổi rất khéo nói, khiến tôi không nỡ từ chối, đành phải mượn hai câu
thơ của Hàn Mặc Tử làm khởi dẫn để viết cho anh bạn bài thơ với tựa đề “Không
Quen”:
Không quen (*)
“Ngày mai trong đám xuân xanh ấy
“Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi.
Hàn Mặc Tử
Và ngày mai ấy, ngày mai ấy
Mây vẫn ngàn phương lững thững
trôi
Vẫn quá vô tình đâu biết tới
Một cánh chim sa ở cuối trời…
Bao lần khuy đã sút rồi
Bao lần để đó cho người vá may
Hương thừa còn một chút này
Để dành sưởi ấm chuỗi ngày cô đơn
Để còn giữ mãi trong tâm tưởng
Hình ảnh ai kia, nút áo này
Để qua song sắt khi chiều xuống
Lặng thả hồn theo bóng dáng mây
Đường kim mũi chỉ, ai may?
Còn in dáng dấp bàn tay ngọc ngà
Áo tôi sút chỉ đường tà
Nhưng mây xanh đã phiêu du phương
trời
Và ngày mai ấy, Thanh vân hỡi!
Em có bao giờ chạnh nhớ tôi?
Nhớ về khung cảnh “Tình và Tội”
Thầm nhủ: “Còn chăng bóng một
người?”
Mây đi chẳng hẹn tái hồi
Em đi chẳng hẹn cùng tôi tương
phùng
Đếm bao nhiêu lá trên rừng
Bấy nhiêu lần ấy, tôi từng nhớ em
Tôi xin giữ chút duyên tri ngộ
Làm hành trang cho nửa cuộc đời
Nửa cuộc đời, nắng mưa, sương gió
Kỷ niệm này mãi sống trong tôi
Và ngày mai ấy Vân ơi!
Nếu sang sông, bỏ cuộc chơi nửa
vời
Tình cờ em có gặp tôi
Hãy coi như gặp một người…Không
quen.
* Dương Tử : Con Đường Cải Tạo
(trang 187)
Sau khi bài thơ “không quen” được
trao đi, anh Dương tử cũng không để ý tới chuyện tình của người bạn tù. Nhưng sau
một thời gian, anh bạn tù tới cho hay, cuốn phim “Tình và Tội” bị hư một đoạn,
nên đoàn quay phim phải trở lại trại Nam Hà. Mặc dù diễn viên Thanh Vân không
phải đi chuyến này, nhưng cô tình nguyện trở lại đây. Cô đã cho anh bạn cải tạo
hay, một nhóm nam diễn viên vì ghen tức đã báo cáo cô quan hệ với tù cải tạo,
nên cô bị đình chỉ công tác và phải trở về Hà Nội. Anh cải tạo năn nỉ anh Dương
tử viết cho anh một bài thơ, gọi là tạ lỗi với nàng đã vì anh mà liên lụy.
Bài thơ thứ hai mang tựa đề “Xin
một lời quên” được trao cho Thanh Vân.
Xin Một Lời Quên (*)
Buổi ban đầu ấy, mới làm quen
Tôi đã từng đêm, thức trắng đêm
Máu tưởng bao năm tù đã lạnh
Bỗng bừng nóng lại, trở về tim
Đêm nay tôi lại thức thâu đêm
Nghe tiếng mưa rơi lạnh dưới thềm
Mà tưởng giọt sầu trinh nữ ấy
Lần đầu nhỏ xuống khóc tơ duyên
Biết thế thà rằng tôi chẳng quen
Thà đem chôn chặt nỗi niềm riêng
Vùi sâu tình cảm trong tâm thức
Đâu để cho em phải luỵ phiền
Tôi biết vì tôi lụy đến em
Và vì tôi cũng quá vô duyên
Muốn bầy giãi hết, không ngôn ngữ
Biết nói gì hơn một tiếng “xin”
Cho tôi xin được gọi tên em
Dù rất âm thầm trong trái tim
Xin được nói lên lời tạ lỗi
Và xin, xin cả một lời …Quên.
(*) Dương Tử: Con Đường Cải Tạo
(trang 191)
Chuyện tình bên lề cuốn phim
“Tình và Tội” còn rất dài, đã ảnh hưởng tới tâm tư những người trong cuộc nhiều
năm sau này. Mặc dù anh Dương Tử chỉ ghi lại chuyện tình của một bạn tù, nhưng
trong ý thơ của anh, đã diễn tả đậm nét về sự chọn lựa giữa tình người và ý
thức hệ, vượt lên trên định kiến một chiều của xã hội cộng sản.
*
Xin cám ơn các tác giả đã đóng
góp tâm huyết trong dòng “Thơ & Nhạc” tù đầy từ sau ngày 30-4-1975.
Xin nghiêng mình trước những tác
giả đã yên giấc ngàn Thu. Vì lý tưởng Tự do, Dân chủ của dân tộc, vì quyền sống
của con người đã lưu lại tấm gương sáng đầy quả cảm bất khuất, không sờn lòng
trước đe dọa áp bức, cực hình, đầy ải thật tàn nhẫn trong ngục tù của CSVN.
“Nhạc Vàng” không những chỉ lưu
truyền tại miền Nam, mà còn lan tràn xâm nhập các sinh hoạt tại miền Bắc. Do
đó, ta có thể nói, văn hóa miền Nam đã không bị nhà nước cộng sản Hà Nội tiêu
diệt, mà trái lại nền văn hóa này còn tiếp tục ngự trị trong sinh hoạt dân
chúng, bất kể miền Bắc hay miền Nam. Văn hóa miền Nam khơi dậy tình cảm yêu
thương, gắn bó của dân tộc, đã xóa tan ảnh hưởng của những bài ca “Cách mạng”,
vốn vay mượn cấu trúc của âm nhạc Trung Hoa.
Song song với các tác phẩm “Văn,
Thơ và Nhạc” đã xuất bản, những tác phẩm Thơ và Nhạc sáng tác trong thời gian
tù đầy, ghi lại một giai đoạn đen tối nhất của lịch sử dân tộc sau ngày
30-4-1975, đã để lại đời sau như một nét chấm phá trong kho tàng văn học Việt
Nam.
Trần Nhật Kim
Falls Church, Virginia.
***
Chú thích:
Trại Nam Hà: Trại cải
tạo Nam Hà nằm trong xã Ba Sao, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà-Nam-Ninh (tên gộp 3
tỉnh).
Từ thành phố Phủ Lý, qua cầu Hồng
Phú, theo quốc lộ 21 độ 15 Km, trên đường đi Chi Nê, Hòa Bình là tới xã Ba Sao.
Trại Nam Hà ‘A’ nằm bên bờ đầm, một vùng ngập nước với những núi đá cao (nên
trại Nam Hà còn được gọi là trại Đầm Đùn từ thời Pháp thuộc). Đầm Tam Chúc
thuộc xã Ba Sao, huyện Kim Bảng, cách thị xã Phủ Lý khoảng 12 Km, tiếp giáp với
Hòa Bình và Hà Tây, cách Hương Sơn 3Km đường núi. Diện tích đầm khoảng 600 ha.
Trại Nam Hà cũng được gọi là trại
Ba Sao. Danh từ “Ba Sao” có lẽ được dịch ra từ nhóm chữ “Les trois Étoiles = Ba
Sao”, còn nhận được phần nào do chữ còn lưu lại trên khung lưới sắt bắc ngang
trên đầu trụ gạch trước khi vào trại. Nơi đây là một khu đồn điền trồng cà phê
có từ thời Pháp.
Xã Ba Sao trở thành thị trấn của
huyện Kim Bảng, có diện tích 34,76 Km2. Quốc lộ 21 đi qua xã Ba Sao tới Chi Nê
(Hòa Bình) và rừng Cúc Phương.
Tọa độ: 20o 32’ 28” B – 20o 54’
11” B
105o 47’ 51” Đ – 105o 79’ 75” Đ
Thị trấn Ba Sao gồm 16 xã: Đại
Cương, Đồng Hóa, Hoàng Tây, Khả Phong, Lê Hồ, Liên Sơn, Ngọc Sơn, Nguyễn Úy,
Nhật Tân, Nhật Tựu, Tân Sơn, Thanh Sơn, Thi Sơn, Thụy Lôi, Tượng Lĩnh và Văn
Xá.
Huyện Kim Bảng:
Từ đời nhà Trần trở về trước gọi
là Cổ Bàng thuộc châu Lỵ Nhân, thuộc lộ Thiên Tường. Năm Quang Thuận 7 (1446),
triều đình bỏ tên Trấn đặt là Thừa Tuyên. Năm Quang Thuận 10 (1469), vua Lê
Thánh Tông cho đổi tên Thiên Trường thành Sơn Nam, Kim Bảng thuộc Thừa Tuyên
Sơn Nam. Năm Hồng Đức 21 (1490), triều đình đổi tên Thừa Tuyên thành Xứ. Năm
Cảnh Hưng 2 (1741), triều đình bỏ tên Xứ đặt thành Lộ, chia Sơn Nam thành 2 Lộ.
Đời Tây Sơn (1788-1802), Kim Bảng thuộc trấn Sơn Nam Thượng.
Năm Minh Mạng 13 (1832), triều
đình thành lập tỉnh Hà Nội. Kim Bảng và phủ Lý Nhân thuộc Hà Nội. Tỉnh Hà Nội
có 4 phủ: Hoài Đức, Ứng Hòa, Lý Nhân và Thường Tín. Tỉnh lỵ là thành Thăng Long
cũ. Sau Hiệp Ước Patenotre, Tổng thống Pháp ra sắc lệnh thành lập thành phố Hà
Nội. Ngày 1 tháng 10 năm 1888, vua Đồng Khánh ra đạo dụ nhượng cho Pháp thành
phố Hà Nội. Ngày 26-12-1896, tỉnh Hà Nội (phần còn lại) chuyển tỉnh lỵ về Cầu
Đơ, đến ngảy 3-5-1902 đổi tên thành tỉnh Cầu Đơ. Năm 1904 tỉnh Cầu Đơ đổi thành
tỉnh Hà Đông.
Dưới đời Thành Thái 2 – 1890,
tỉnh Hà Nam được thành lập từ một số huyện của Hà Nội và Nam Định (lấy tên Hà
của Hà Nội và Nam của Nam Định). Phủ Lý trở thành tỉnh lỵ của Hà Nam.
Giai đoạn tứ 1965-1996, tỉnh Nam
Định sát nhập với tỉnh Hà Nam thành “Nam Hà”, sau đó sát nhập với tỉnh Ninh
Bình thành “Hà Nam Ninh”. Từ tháng 1-1997, tỉnh Hà Nam được tái lập như trước
đây. Thị xã Phủ Lý thuộc tỉnh Hà Nam.
Thị xã Phủ lý nằm trên
quốc lộ 1A, bên bờ phải của sông Đáy. Phủ Lý cách Hà Nội 60Km, cách thành phố
Nam Định 30 Km, cách Ninh Bình 33 Km. Phủ Lý là nơi gặp nhau của 3 con sông:
sông Đáy, sông Châu Giang và sông Nhuệ.
Rừng Cúc Phương là một
khu rừng nằm trên địa phận ba tỉnh: Ninh Bình, Hòa Bình và Thanh Hóa với tổng
số diện tích 22.200 ha. Trong đó:
Tỉnh Ninh Bình: 11.350 ha
Tỉnh Thanh Hóa: 5.850 ha Tỉnh Hòa Bình: 5.000 ha
“Rừng Cúc Phương” trở thành “Vườn
Quốc Gia” từ năm 1966.
Tọa độ của rừng Cúc Phương: Từ:
20o 14’ tới 20o 34’ Bắc vĩ tuyến 105o 29’ tới 105o 44’ Đông kinh tuyến
o
o
o
o
No comments:
Post a Comment