MƯỜI CÁI CHẾT OAN KHIÊN CỦA VĂN NGHỆ SĨ MIỀN NAM (Phạm Văn Duyệt)
Posted on April 4, 2022 by Lê Thy
Sau khi cưỡng chiếm Saigon, tập đoàn Cộng sản đã thực hiện chính
sách đối xử dã man tàn bạo với đồng bào miền Nam. Hậu quả là bao gia đình chịu
cảnh tan nát đau thương, khổ lụy ngút ngàn. Một trong những thành phần bị đọa
đày thê thảm nhất là giới văn nghệ sĩ. Sách báo còn thiêu hủy đốt cháy huống
chi là con người. Mấy ai mà tránh được sự trả thù ác hiểm của quân cướp nước.
Bài này xin điểm lại mười cái chết oan khiên của văn nghệ sĩ trong
khoảng thập niên đầu sau 75 như nén hương lòng tưởng niệm những người vị quốc
vong thân đã từng góp công sức xây dựng nền văn học nghệ thuật nhân bản cho nửa
nước thân yêu.
1-
VŨ HOÀNG CHƯƠNG (1916 – 1976)
Đỗ Tú Tài 1937. Học Luật và Toán dang dở. Xuất bản chừng 20 Thi
Phẩm và Kịch Thơ. Di cư vào Saigon 1954 hành nghề dạy học. Đoạt giải Văn Chương
Toàn Quốc 2 lần. Chủ Tịch Văn Bút Việt Nam.
Những năm dạy ở trường Chu Văn An rất được học trò mến mộ.
Trong tập truyện Chốn Cũ, Nhà Văn Song Thao kể
lại:
“Thầy đi quanh lớp bằng những bước chân nhẹ nhàng, đầu nghểnh cao,
mắt xa vắng, giảng bài bằng cái giọng nhừa nhựa thanh thanh. Có những lúc mắt
Thầy như nhắm hẳn lại, đầu lắc lắc từng chặp. Giây phút ấy Thầy như thoát hồn
bay về một trời thơ nào đó. Thầy say thơ. Thầy ngâm thơ như người đồng thiếp.
Như không có Thầy. Như không có trò. Như không phải là một lớp học. Chỉ có một
cõi thơ lồng lộng bát ngát. Chúng tôi cũng thấm thơ. Vô cùng nồng nàn là những
dòng thơ đất Việt. Chỉ có tiếng chuông báo hết giờ học mới có thể kéo thầy trò
ra khỏi cơn mê văn chương.”
Một cựu học sinh khác là Phạm Công Bạch cũng viết bài: Tại
Sao Vũ Hoàng Chương bị bắt vào tù Khám Lớn?
– Vì Thơ vè mỉa mai chế độ: sau 75 nhiều thơ nhạc chế diễu chế độ
mới lan truyền khắp mọi nơi. Đặc biệt là hai câu mà lắm người cho rằng Vũ Hoàng
Chương là tác giả:
Nam
Kỳ Khởi Nghĩa tiêu Công Lý
Đồng Khởi ra đời mất Tự Do
– Chê thơ Tố Hữu: theo bài đăng trên “net” của Sông Lô viết về Vũ
Hoàng Chương nhận xét thơ Tố Hữu:
Sau 75, một phái đoàn từ Bắc vô Saigon có mời Vũ Hoàng Chương tham
dự trong đêm “họp mặt văn nghệ”. Đề tài đưa ra là hai câu thơ Tố Hữu khóc
Stalin chết năm 1953:
Thương
cha, thương mẹ, thương chồng
Thương mình, thương một, thương ông thương mười
Cán bộ như Xuân Diệu, Huy Cận, Thanh Nghị, Vũ Đình Liên, Hoài
Thanh đều ca ngợi. Riêng Vũ Hoàng Chương phát biểu:
Tố Hữu đặt tiếng khóc của chính mình vào miệng bà mẹ Việt Nam,
muốn bà dùng mối u hoài của nhà thơ để dạy con trẻ yêu cụ Stalin thay cho mình.
Chẳng sao vì đó cũng là một kỹ thuật của thi ca, nhưng trước hết phải biết bà
mẹ Việt Nam có cùng tâm cảnh với mình không, có chung một mối cảm xúc hay
không?
Tôi biết chắc là không. Bởi từ đoạn trên của mấy câu lục bát này
trong bài “Đời đời nhớ ông”, Tố Hữu đã đặt vào lời bà mẹ hai câu:
Yêu
biết mấy nghe con tập nói
Tiếng đầu lòng con gọi Stalin
Chắc chắn là không có bà mẹ Việt Nam nào, kể cả bà Tố Hữu mà thốt
được những lời như vậy một cách chân thành. Cái không thực của hai câu này
dẫn tới cái không thực của hai câu ta đang mổ xẻ.
Một tình tự không chân thực, dù được luồn vào những lời thơ
xuất thần, khẩu chiếm đến đâu cũng không phải là thơ đẹp, thơ hay mà chỉ là
thơ khéo làm, đó chỉ là thơ thợ chứ không phải là thơ tiên. Loại thơ khéo này
người thợ thơ nào lành nghề cũng quen làm, chẳng phải công phu lắm. Nhất là khi
có đòi hỏi một tuyên truyền nào đó. Tố Hữu nếu khóc lấy, có lẻ là khóc
thực, khóc một mình. Nhưng bà mẹ Việt Nam trong bài đã khóc tiếng khóc
tuyên truyền, không mấy truyền cảm.
Theo Sông Lô, Vũ Hoàng Chương chính là người của tự do không phải
quỵ lụy trước bất cứ áp lực nào. Nhà Thơ đã thế hiện khí khái tinh thần “uy vũ
bất năng khuất”.
– Nhà Văn Mai Thảo có bài “Mấy Tháng Cuối Cùng Với Vũ
Hoàng Chương”: Sau 75, Họ Vũ dời nhà về sống với vợ con Đinh Hùng (em Bà
Chương) ở Gác Bút, Khánh Hội. Hỏi tại sao không dùng lại tên Gác Mây của căn
lầu vùng Phú Nhuận vừa rời bỏ, thi sĩ cười, hóm hỉnh: “Đổi đời, giờ là Gác Bút
mới đúng. Vì Hà Nội nó bắt ta gác hết bút lên rồi, đâu còn cho viết nữa”.
Từ Cộng Sản chiếm miền Nam, hơn ba triệu người đều “nói” Vũ Hoàng
Chương. Thấy nhau là “Lũ chúng ta lạc loài năm bảy đứa”. Gặp nhau là “Lũ
chúng ta đầu thai lầm thế kỷ”. Đó cũng là thêm một lý do gây tai họa cho Ông.
Theo Mai Thảo, đám nhà thơ miền Bắc đặc biệt đố kỵ Vũ Hoàng Chương
chỉ vì trời thơ hai miền hào quang Ông át lấn mọi hào quang khác. Mặc cảm tự ti
khiến họ ghen ghét Ông như Vì Sao Bắc Đẩu của thi ca miền Nam rồi đưa tới hệ
lụy cho việc bắt giữ.
– Mai Thảo viết theo lời kể của Bà Chương: 9:30 sáng 13.4.76 Vũ bị
cảm lạnh còn đắp chăn không ngồi dậy được. 4 xe jeep đầy nhóc áo vàng mang
súng ống như cho một cuộc hành quân lớn, ầm ầm vượt cầu Calmette phóng thẳng
phường Cây Bàng và ngưng lại trước con hẻm nhỏ dẫn vào nhà Thi Sĩ. Bọn công an
trên 20 đứa tới tấp nhảy xuống xe. Khoảnh khắc vây kín Gác Bút. Chúng chạy rầm
rập, trí súng, mai phục theo tư thế chiến đấu.
Vũ bị đánh thức trong giấc ngủ chập chờn. Ông gắng gượng ngồi
dậy, lấy áo gấm mặc vào, xếp bằng thật thẳng giữa chiếu, bất động như một pho tượng.
Bọn quỷ dữ ở lại lục soát trên hai tiếng đồng hồ. Ông không thèm
nói với chúng lời nào. Chúng hỏi, Ông không trả lời, chỉ thoáng nhún vai rồi
ngồi yên. Sau đó, hai thằng lực lưỡng nhất hùng hổ tiến lại xốc nách Ông lôi
lên xe đưa vào khám Chí Hòa giam cầm cùng với một số trí thức khác kể cả Bác
Sĩ Phan Huy Quát. Vì thương mến họ Vũ mà Cựu Thủ Tướng đã tận tình chăm sóc và
không hề ngại ngần bưng bô cho thi sĩ.
Với thân hình gầy yếu sẵn có, lại thêm thiếu thốn mọi bề, sức lực
Ông kiệt dần. Việt Cộng biết không thể sống được bao lâu nên thả Ông về để
tránh tiếng bức tử trong tù. Vài hôm sau thì Ông mất với tâm thái an nhiên
tự tại, chẳng vấn vương tiếc nuối điều gì.
Phải chăng Thi Bá đã chuẩn bị cho cuộc ra đi cuối cùng qua bài
thơ Thôi Hết Băn Khoăn:
Dấu
hỏi vây quanh trọn kiếp người
Sên bò nát óc máu thầm rơi
Chiều nay một dấu than buông dứt
Đinh đóng vào săng, tiếng trả lời!
2-
NGUYỄN MẠNH CÔN (1920 – 1979)
Viết báo Đông Pháp từ 1939.
Đến 1951 dạy học tư. 1956 – 61 chủ bút báo Chỉ Đạo. Xuất bản 13 tác phẩm.
Có biệt tài viết truyện khoa học giả tưởng.
Theo Nhà Thơ Viên Linh, sách Nguyễn Mạnh Côn đều phơi bày những
kiếp nhân sinh vắng bộ mặt người trong các xã hội Cộng Sản.
Nhà Văn Mai Thảo cho rằng “Đem Tâm Tình Viết Lịch Sử và Hòa
Bình, Nghĩ Gì, Làm Gì? là hai tác phẩm chủ yếu của văn học Quốc
Gia Việt Nam từ 54 đến 75 và là niềm vinh dự chung của văn học miền Nam”.
Một số tướng lãnh rất khâm phục luận thuyết và viễn kiến của
Ông.
Sau 75, tên Ông đứng đầu danh sách 45 người nổi tiếng bị Việt Cộng
bắt đi tù.
Để hiểu rõ cuộc đời, tài năng, khí phách của Nguyễn Mạnh Côn,
chúng ta hãy nghiền ngẫm tư liệu quý giá của Nhà Văn Vương Trùng Dương: “Nguyễn
Mạnh Côn, Nhà Văn Can Đảm Chọn Cái Chết Trong Tù”: bài tổng hợp ý bạn văn, bạn
tù của Nguyễn Mạnh Côn.
– Tù Nhân Đặng Hoàng Hà: bị giam cùng buồng với Nguyễn Mạnh Côn:
sáng 2.4.79, trước cả ngàn tù nhân và cán bộ, Anh Côn đứng lên dõng dạc tuyên
bố: “Tôi, Nguyễn Mạnh Côn, nhà văn chế độ cũ. Chính phủ nói bắt tôi đi “học
tập” 3 năm. Hôm nay đủ hạn đó. Tôi yêu cầu chính phủ trả tự do để tôi về với
gia đình. Kể từ hôm nay tôi không còn là tù nhân. Tôi sẽ không ăn cơm của trại
nữa”. Anh vừa nói xong, toàn trại im phăng phắc. Sau đó Việt Cộng căm thù nhốt
riêng không cho ăn uống đến nỗi thời gian sau có lúc Anh kêu la “khát quá!
khát quá!” rồi kiệt sức và chết tháng 6.79.
– Ghi nhận của Nhà Báo Ngô Nhân Dụng: Nhà Văn Nguyễn Mạnh Côn có
trí thông minh rất đặc biệt. Tuy sinh vào thời chiến tranh, không hưởng được
nền học vấn có tính cách chính thức trên ghế nhà trường. Nhưng trí thông minh
của Anh rất bén nhọn, Anh quan tâm tất cả mọi vấn đề trong phạm vi trí thức
của nhân loại.
– Nhà Văn Nguyễn Triệu Nam: Nguyễn Mạnh Côn là văn sĩ có chân tài.
Kiến thức phong phú, bút pháp tinh thông. Văn phong bình dị, trong sáng. Văn
mạch sung mãn bất tận. Văn thái chuyển biến linh hoạt theo từng tình huống.
Khi cần thì viết như một nhà thông thái hoặc như nhà phân tâm học.
– Nhà Thơ Viên Linh: 1940 Nguyễn Mạnh Côn vượt biên tới Hương
Cảng để hoạt động trong Việt Nam Quốc Dân Đảng. Đem Tâm Tình Viết Lịch Sử có
thể kể là giai đoạn hoạt động thực sự ngoài đời của Anh. 1952 về Hà Nội rồi
ra Hải Phòng dạy học cho đến 1955 thì vào Nam. 1957 đoạt giải Văn Chương Toàn
Quốc và 1975 được mời vào Ban Giám Khảo giải này.
– Nhà Văn Thế Uyên: Nguyễn Mạnh Côn không lập danh bằng đường võ,
có lẻ một phần do thể xác yếu ớt mặc dù đã có thời anh thử bằng cách nhận chức
trung úy đồng hóa nhưng không dẫn tới đâu cả. Anh cũng không thành công trong
khoa cử nhưng lại thành công trong văn chương và tư duy với lối viết đầy sáng
tạo, đi vào cả “vùng cấm địa” của Cụ Nguyễn Đình Chiểu, thế giới siêu nhân của
khoa học giả tưởng và cả địa hạt tư duy chính trị có thị kiến viễn kiến với
cuốn sách khá dày Hòa Bình, Nghĩ Gì, Làm Gì?
Anh là thứ cá côn, vùng vẫy thoải mái một thời trong thế giới chữ
nghĩa.
– Họa Sĩ Tạ Tỵ: một buổi tối, Nguyễn Mạnh Côn, mang cấp bậc
Thiếu Úy, tới tìm tôi tại văn phòng đường Hồng Thập Tự, Thị Nghè.
Anh cho biết được đồng hóa cấp thiếu úy để phụ trách tờ báo do
Bộ Quốc Phòng chủ trương. Anh nhờ tôi trình bày trang bìa cho báo đó. Là báo
Bộ Quốc Phòng nên tôi vui lòng vẽ giúp mẫu bìa, nhưng Nguyễn Mạnh Côn cũng tế
nhị nói với cấp chỉ huy trả tiền cho tôi, vì báo có ngân khoản riêng để mua
bài của các nhà văn.
Nhờ báo này mà Nguyễn Mạnh Côn có cơ hội chứng minh tài năng.
Truyện Ba Người Lính Nhảy Dù Lâm Nạn của anh được đón nhận nồng nhiệt. Anh
dùng thuyết tương đối trong toán học của Einstein để giải minh cho một
phương trình vận tốc trở ngược của thời gian. Câu chuyện vừa ly kỳ vừa khoa
học làm say mê người đọc.
– Nhà Văn Tuấn Huy: Năm 1960, Nguyễn Mạnh Côn làm chủ bút tờ Chỉ
Đạo đã ca ngợi văn tài của Duyên Anh khi đăng những bài viết Hoa Thiên Lý, Con
Sáo Của Em Tôi…nói về tuổi thơ rất hay. Tên tuổi Duyên Anh được sáng giá
trong giới cầm bút Saigon. Điều này nói lên tình bạn giữa hai người (tuy
nhân cách sống của họ không giống nhau, một người hay khoác lác, một người
điềm đạm, lịch sự, tế nhị).
Tuấn Huy phác họa chân dung Nguyễn Mạnh Côn là Nhà Văn Lặng Lẽ:
Suốt 20 năm cầm bút, Nguyễn Mạnh Côn cứ từ tốn nhàn nhã như người đi dạo giữa
dòng đời. Ông đã nêu lên những vấn đề thật lớn khiến người đọc phải suy tư –
nhưng kìa, Ông chẳng có vẻ gì quan trọng và vội vàng. Được nhìn Ông ôm mớ
sách báo, đi một mình vào nhà hàng để dùng bữa tối. Ông ngồi xuống chiếc ghế
nơi chỗ bàn khuất. Gọi một món ăn bình dân và ly rượu chát. Rồi mở cuốn
sách ra lặng lẽ đọc. Tôi không hề thấy ở Ông sự hoạt động náo nức nào của một
“chính trị gia” hay một “nhà lập thuyết”. Ông vẫn là Nhà Văn lặng lẽ. Làm việc
lặng lẽ. Suy tư lặng lẽ. Sáng tác lặng lẽ. Thưởng thức lặng lẽ và hướng thụ
cũng lặng lẽ…
Lúc nào Ông cũng trầm ngâm. Ít Khi tôi thấy Ông vui hoặc Ông cười.
Nếu có cười thì cũng chỉ là những nụ cười giới hạn. Tôi rất quý Nguyễn
Mạnh Côn qua những tác phẩm của Ông nói lên giai đoạn lịch sử trong lằn ranh
Quốc/ Cộng”. (Tuấn Huy, Khởi Hành số 20, tháng 6.98).
– Tù Nhân Phạm Long với bài “Cặp Kính Của Bác Côn” (Khởi
Hành số 20 đã dẫn): Tôi bị di chuyển đến trại Xuyên Mộc tháng 9.79, có nghe anh
em sĩ quan kể chuyện Nguyễn Mạnh Côn đòi trả tự do. Sau đó bị cô lập, đem ra
đấu tố hạ nhục và cuối cùng chết một cách tức tưởi.
Vào buổi sáng chủ nhật không đi lao động, một cậu nhỏ tù hinh sự
tìm tới tôi rồi từ từ mở gói giấy báo nhỏ, lôi ra cặp kính với chiếc gọng nhựa
màu nâu. Anh chàng nói giọng nghiêm trọng: “Kiếng của Ông Côn đấy. Hôm em đi
chôn Ông bằng xe “cải tiến”, em thấy ở trong hòm cặp kiếng này. Em giữ làm kỷ
niệm, nhưng mấy bữa nay đói quá, mấy anh đổi cho em 3 loong gạo”.
Tôi nghe kính của Ông Côn thì lòng chùng xuống. Đúng rồi. Đây là
cặp kính của Bác Côn. Anh Nguyễn Quang Trù rất nhanh nhẹn, trả giá: “Một loong
rưỡi thôi!”
Cậu nhỏ gật đầu, chịu liền…
3-
CHU TỬ (1917 – 1975)
– Một học trò cũ của Chu Tử là Hồ Xưa ghi lại bài viết “Nhớ Thầy
Chu Văn Bình, Hiệu Trưởng Trường Trung Học Lê Văn Trung”, trong đó có sơ lược
tiểu sử Chu Tử qua lời tự thuật của Thầy.(nguồn webhoidonghuongtayninh)
Mới 13 tuổi gia nhập Việt Nam Quốc Dân Đảng. Đầu năm 1930 theo
Phó Đảng Trưởng Nguyễn Khắc Nhu đi hạ đồn Hưng Hóa nhưng thất bại rồi mất liên
lạc với Đảng.
Cuối thập niên 30 trở thành một trong vài người hiếm hoi của Sơn
Tây đậu Cử Nhân Luật.
Thời thanh niên mở trường tư, học trò rất đông, nhưng tấm lòng
Ông không an phận ở đó.
1954 vào Nam, làm Hiệu Trưởng Trung Học Tây Ninh. Sau về Saigon
lập báo Sống. Vì bất đồng chính kiến, tòa soạn bị Lực Lượng Tranh Thủ Cách
Mạng của Nhóm Phật Giáo cực đoan tấn công năm 1966 (vanviet.info).
Cũng năm này, Ông bị việt Cộng bắn vỡ quai hàm ngay trước nhà. Cùng ngày,
Thượng Tọa Thích Thiện Minh, Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Thanh Niên Phật Giáo bị
đặt mìn dưới xe ô tô nhưng may mắn thương tích không trầm trọng.
Chu Tử còn bị trúng đạn ở tay khiến Ông khó khăn trong việc cầm
bút. Viết trở nên chậm chạp, tay run, mỗi hàng được chừng 3 chữ.
Sau biến cố này, có bạn đọc gởi Chu Tử câu đối:
Thượng
Tọa bể bàn tọa
Chu Bình sứt miệng bình
– Nhà Báo Trùng Dương nhận xét: Nhật báo Sóng Thần ra đời năm 1971
với chủ trương chống tham nhũng trong chính quyền và quân đội, hổ trợ cho cuộc
chiến đấu chống Cộng bảo vệ vùng đất tự do. Là tờ báo duy nhất mà tài chánh
do các cổ đông thuộc mọi tầng lớp quan tâm tới vận mệnh đất nước đóng góp.
Giữa thập niên 1960, tình hình miền Nam khá đen tối: quân đội
tranh nhau đảo chánh, tranh chấp ảnh hưởng của các phe nhóm tôn giáo (đặc biệt
là Phật Giáo) và các đảng phái chính trị, Việt Cộng thừa nước đục thả câu, gia
tăng đánh phá và ám sát. Do thẳng thắn bộc trực, Chu Tử đã “lùa” các nhân vật
tai mắt không phân biệt đảng phái, ý thức hệ, tôn giáo, giai cấp mà Ông cho
là bất xứng vào mục “Ao Thả Vịt” của Kha Trấn Ác (bút danh Chu Tử) được rất
nhiều người đọc dù họ không biết có bao nhiêu sự thật trong đó. Tôi vừa phục
vừa hãi cho người coi Ao vì đã làm một việc quá can đảm giữa môi trường hết
sức nhố nhăng đầy súng đạn, thuốc nổ và đầu óc cực đoan, cùng đám Việt Cộng
nằm vùng đang chực chờ phá hoại.
Bên cạnh giới hâm mộ, cũng lắm người thù ghét. Có thế nói Chu Tử
nằm vào số ít thuộc giới văn chương báo chí trong ngoài nước được nhiều
người biết đến.
Dẫu sao, Chu Tử là nhà văn nhà báo thành công vượt bực. Yêu,
Sống, Ghen, Tiền, Loạn bán rất chạy trên thị trường. Khi làm báo Ông cũng được
ca ngợi như chủ báo hòa đồng thân thiện, hào sảng với anh em.
– Nhà Văn Hoàng Hải Thủy nói rằng trong 20 năm làm báo, ông chưa
hề gặp chủ báo nào hào hiệp rộng rãi như Chu Tử đã từng hỏi ông: Anh muốn lấy
bao nhiêu tiền nhuận bút và lệnh cho thủ quỹ chi trả ngay không chút chần chừ.
– Nhà Văn Võ Phiến, tác giả Tổng Quan Văn Học bình luận chi ly:
“Chu Tử viết truyện được nhiều người khoái, mà làm báo cũng khiến lắm người
khoái quá trời. Người ta khoái ông, khoái cái phong cách ông trong cuộc sống
cũng như trong văn chương.
Tiểu thuyết ông có những nhân vật ngang tàng, bướng bỉnh, hoặc
hào sảng, khí phách.
Qua báo chí, với lối viết đơn giản bộc trực nên nhiều chuyện và
nhân vật Chu Tử thả vào “Ao Thả Vịt” nghe như thật một trăm phần trăm ấy.
Độc giả khoái tỉ, đem ra bàn tán. Sinh ra thù oán, bất bình. Ân oán giang hồ
cũng từ đấy.
Chu Tử tựa hồ như viên tướng giữa trận tiền, tả xung hữu đột,
đánh đông dẹp tây, ủng hộ cánh này, húc đổ phe kia, gây nên sóng gió.
Theo Võ Phiến, Chu Tử bắt tay viết cuối thời Đệ Nhứt Cộng Hòa.
Ông đến với độc giả như một khuôn mặt mới mẻ trẻ trung, đột ngột, xông xáo,
ngổ ngáo. Trong lớp trẻ sau này có biết bao nhiêu người – cả đọc lẫn viết – mê
ông. Truyện ông thành công. Báo ông thành công. Lối viết của ông có ảnh hưởng
rộng rãi. Sau ông, lắm kẻ cũng trổ tài hô hào, đập phá. Nhưng chưa ai qua mặt
được ông. Vì ông không phải chỉ chịu chơi trên trang giấy bằng ngòi bút mà
bằng cả cuộc đời. Ông sống như Ông viết: làm tiền ào ạt, vung tiền cũng dữ
dằn, ăn chơi cờ bạc hưởng lạc đến nơi đến chốn, không ngại lao mình vào những
hoạt động táo tợn, đụng độ với những nhân vật thế lực, nhiều lần trong đời
ông đã đối đầu với súng đạn và sau rốt kết liễu cuộc đời bằng súng đạn.
Về cái chết của Chu Tử, Hồ Xưa ghi lại ý của ba nhà thơ:
– Viên Linh: Định mệnh nào tai ác đã thù hằn đeo đuổi để hại cho
bằng được con người khốn khổ tài hoa ấy. Trong quãng giờ khắc điêu linh bất
hạnh của quê hương, và bằng cung cách gớm ghê thảm khốc dành cho một hình
hài yếu đuối như Chu Tử vào trưa ngày 30.4.75 – khi Ông buồn bã đứng dựa thành
tàu để nhìn Saigon lần cuối. Viên đạn oan khiên nghiệp chướng đã kết thúc
đời Ông. Tôi như nhìn thấy Ông nằm ngay trước mặt, đau đớn, quằn quại trong
vũng máu, kêu rên rồi gọi tên đứa con gái thương yêu Chu Vị Thủy đã phải cùng
mẹ, em và chồng con ở lại…
Chu Sơn, con trai Chu Tử kể lại với Viên Linh: thi hài Chu Tử
được bó vải thả xuống Thái Bình Dương vào hôm sau. Ông là thuyền nhân đầu
tiên chịu thủy táng.
– Nhất Tuấn: có tiếng pháo kích từ bên bờ sông mé phải bắn qua.
Đạn đại bác của xe tăng hay đạn B40, 41 quái quỷ gì đó…rơi lõm bõm trên sông.
Một viên bay qua đầu chúng tôi, rơi trúng vào chiếc tàu to lớn – tàu Việt Nam
Thương Tín chở hàng hóa và hành khách dân sự – đang vùn vụt chạy rất nhanh ở
phía trái. Khói bốc lên nghi ngút trong chốc lát. Sau mới biết chính quả
đạn này đã sát hại Nhà Văn Chu Tử…
– Du Tử Lê: Trong sinh hoạt văn học nghệ thuật miền Nam, 20
năm, nhiều người biết tác giả tiểu thuyết “Yêu” là nhà văn Chu Tử, nhưng số
lượng người biết nhà báo Chu Tử còn nhiều hơn gấp bội. Lý do, ở lãnh vực báo
chí, ông đã không ngừng thổi luồng sinh khí mới cho nền báo chí thời đó vốn
hiền lành, ngại đương đầu với chính quyền hoặc những nhân vật có thế lực về tôn
giáo, chính trị cũng như những tệ nạn xã hội…
Chu Tử sống mang không biết bao nhiêu ngộ nhận và ân oán. Một
người có văn tài và khí phách, sống giữa đám đông mà lúc nào cũng cô đơn thê
thảm, cũng muốn bung phá và nổi loạn vì cái đớn hèn khiếp nhược ở chung
quanh…Tôi nghĩ, thôi thà Chu Tử chết trầm hà như thế là yên phận…
4-
HỒ HỮU TƯỜNG (1910 – 1980)
1926 du học Pháp, trình luận án Cao Học Toán.
Kết bạn và tham gia hoạt động chính trị với những nhà ái quốc
lưu vong: Nguyễn Thế Truyền, Nguyễn An Ninh, Phan Văn Trường, Tạ Thu Thâu,
Phan Văn Hùm, Hồ Văn Ngà.
Ông theo xu hướng Trotsky chỉ trích hoạt động của đảng Cộng Sản
Đông Dương, công kích chủ nghĩa Stalin, cổ xúy đường lối của Đệ Tứ Quốc Tế.
Rồi 1939 tuyên bố từ bỏ Đệ Tứ và chủ nghĩa Mác.
Theo Bà Phan Thị Trọng Tuyến trả lời phỏng vấn của Đài RFA thì
trong những văn kiện lịch sử của đảng Cộng Sản Việt Nam, người ta thấy nhắc
đến những người Tờ Rốt Kít trong khoảng trước và sau 45, xem như bọn phản cách
mạng chống lại Đệ Tam Quốc Tế của họ. Đây là phong trào Cộng Sản do Leon
Trotsky thành lập tại Liên Xô năm 1924, đối lập với Cộng Sản Đệ Tam do Lênin
lãnh đạo.
Trotsky chủ trương cách mạng chống chủ nghĩa tư bản phải được
thực hiện đồng loạt khắp nơi trên thế giới, trong khi Đệ Tam chủ trương thực
hiện từng bước và Liên Xô là quốc gia đầu tiên, rồi sau đó sẽ lãnh đạo cách
mạng thế giới. Theo Bà Tuyến, chủ trương của Đệ Tứ mang tính dân chủ hơn.
Về mặt lý thuyết thì Stalin chủ trương tập trung dân chủ, tức
là một đảng nắm hết mọi quyền, những đảng hay khuynh hướng khác phải phục
tùng. Theo Trotsky thì tập trung dân chủ chứ không phải một đảng nắm hết.
Về sau, Đệ Tứ bị Đệ Tam tiêu diệt. Trotsky phải lưu vong ngay sau
khi thành lập và cuối cùng bị ám sát chết.
Bà Tuyến nói: “nhóm Đệ Tứ bị những người Đệ Tam, tức Việt Minh,
lùng giết sau cách mạng tháng tám là chuyện có thật. Stalin đã truy lùng
Trotsky thì Việt Minh cũng không làm gì khác hơn là áp dụng đường lối đó.
Bà Tuyến nói đảng Cộng Sản chưa bao giờ nhìn nhận họ đã ra tay sát hại phe
Đệ Tứ như Tạ Thu Thâu. Theo Bà, khoảng 400 người Đệ Tứ bị mất tích hoặc giết
hại trong giai đoạn 45 khi họ tham gia kháng chiến chống Pháp.
Năm 1953 Hồ Hữu Tường đề nghị Cộng Sản để Việt Nam trung lập,
nhưng không được chấp nhận. 1957 bị đày ra Côn Đảo vì Cố Vấn Mặt Trận Thống
Nhất Toàn Lực Quốc Gia chống Tổng Thống Diệm.
1967 đắc cử Dân Biểu Đệ Nhị Cộng Hòa và tiếp tục viết báo.
1978 bị bắt do kiến nghị Cộng Sản trung lập hóa Việt Nam. Tháng
6.80 bệnh nặng khó cứu chữa, được cho về nhà và mất ngay hôm đó.
Đã viết 1000 bài báo và hơn 30 sách truyện giá trị.
Trong Hồi Ký 41 Năm Làm Báo, Hồ Hữu Tường tự nói
về mình: “nào là nhà cách mạng, nào là nhà nghệ sĩ, nào là nhà khoa học, nào
là nhà văn, nào là kẻ đam mê tình ái, nào là tâm hồn tu sĩ, và nào là nhà
báo”.
– Nhà Văn Thụy Khuê tóm tắt vài điểm chính về Hồ Hữu Tường:
* Bị tù nhiều lần dưới tất
cả các chính quyền thực dân, quốc gia, Cộng Sản . Suốt đời chống chiến tranh.
* Con đường Ông đi không có
nhiều đồng hành, bởi tiếng kêu gọi của Ông chỉ là những tiếng kêu trong
sa mạc, không ai nghe mà cũng ít người hiểu.
* Ham mê sách. 6 tuổi đã đọc
Nam Phong. Đọc đâu nhớ đấy. Cha đặt cho cái tên thằng Thuộc vì đọc gì cũng
thuộc.
* Có dòng dõi Hồ Quý Ly và Hồ
Thơm Nguyễn Huệ.
– Tác giả Nguyễn Thị Thanh Xuân nhận xét trong bài “Hồ Hữu Tường,
Như Tôi Nhìn Thấy”: cuộc đời Hồ Hữu Tường hiện lên một con người vượt
thoát hoàn cảnh, có lòng say mê với chữ nghĩa, một nghị lực khác thường,
một tri tuệ năng động, một sự lạc quan và tự tin hiếm thấy”.
Hồ Hữu Tường kể chuyện viết tiểu thuyết với Khái Hưng (Khái
Hưng, người thứ nhất muốn làm nguyên soái của “văn chương sáng giá”):
Khái Hưng rủ tôi Cộng tác viết tiểu thuyết, cốt truyện, triết lý do tôi
xây dựng, Khái Hưng lãnh phần trình bày cho có nghệ thuật. Tôi đã phác họa vài
nhân vật và cốt truyện, đặt tên Gái Nước Nam Làm Gì? Sau về Nam, để tưởng
nhớ Khái Hưng, tôi thử viết tả những người này, trình bày được hai hình
tượng Thu Hương và Chị Tập. Nhưng sự ướm thử ấy cho thấy là tôi không có tài
viết tiểu thuyết, nên không nối tiếp nữa.
– Nhà Văn Trần Bảo Định: Hồ Tiên Sinh vẫn là người hiền của
đất Nam Bộ. Ông mãi loay hoay vì canh cánh thế sự, vì thấy thế cuộc đảo điên
theo vận nước đầy vơi dưới thời thực dân Pháp cai trị và bản thân ông cũng vần
xoay…vần xoay liên hồi. Hồ Tiên Sinh hẳn đã sống trọn vẹn một đời “phi lạc”.
Dẫu vậy Ông đã có cả cuộc đời bộn bề vận hội mà chắc hẳn không còn gì hối
tiếc, bởi Ông đã “chơi tới bến” – sống hết mình với những sự thế gặp phải
trên đường đời.
Trong Phi Lạc Sang Tàu, Hồ Hữu Tường viết: Nền văn
minh trục lợi của Âu Tây là cái văn minh chỉ lo vơ vét cho lợi được nhiều,
chẳng biết điều nhân, chẳng nghĩ đến đức, không chút đoái hoài việc tu dưỡng
loài người ngày càng cao quý về vật chất lẫn tinh thần mà chỉ lo chèn ép
bóc lột sao cho có lợi nhiều. Văn minh ấy bủa lưới khắp quả địa cầu, không
đâu thoát được. Vì vậy mà sự trúc đổ của nó sẽ làm cả nhân loại bị trúc
đổ.
5-
PHẠM VĂN SƠN (1915 – 1978)
Biên khảo nhiều sách sử, trong đó công phu nhất là Bộ Việt Sử
Tân Biên.
Đại Tá Sơn ra đi để lại nhiều tiếc thương cho đồng đội. Đây là lời
kể của một số nhân chứng về sự cố “nhịn đói chịu đau mà chết” của Ông:
– Nguyễn Văn Dưỡng: “Cái Chết của Sử Gia Phạm Văn Sơn”
Từng là thuộc cấp của Ông
Sơn. Tôi biết Ông rất thận trọng, không hề khinh xuất trong nhiệm vụ.
Ông thường nói: “phải cố gắng
làm sao cho mức độ trung thực và chính xác cao chừng nào tốt chừng đó, như
vậy thì những điều mình viết về sử mới có giá trị”.
Với quan điểm cẩn trọng như vậy
nên Mùa Hè Đỏ Lửa lúc mà chiến trường An Lộc còn đang sôi động với những trận
đánh đối tuyến chỉ cách nhau có một con đường, giành nhau từng góc phố –
giữa các đơn vị quân ta và địch – khi mà những cơn pháo dữ dội của đối phương
chưa giảm – khi không một trực thăng nào đáp xuống lại không sợ tan xác, thế
mà Ông đã đích thân bay vào An Lộc để viết sự thật về cuộc chiến khốc liệt
đó, cùng tôi ở trong hầm chống pháo một đêm, thức trắng để nghe tiếng đạn pháo
Cộng quân rơi trên đầu mình, vừa hỏi tôi những sự kiện chi tiết ghi trong
nhật ký hành quân.
Năm 1980 Ông Dưỡng bất ngờ
gặp Thầy cũ ở trại Tân Lập, Vĩnh Phú, lúc chỉ còn là cái bóng âm thầm, một
cái xác sắp mục nát, bất động, câm nín sau chắn song sắt, bên trong cửa
sổ phòng “cách ly”.
Ông trùm kín đầu bằng khăn
lông trắng đã trở vàng cáu bẩn và lấm tấm những vệt máu, mủ. Khăn quấn kín
cổ, chỉ chừa mắt, mũi, miệng để che bớt đi vết lở lói trên mặt bởi chứng nan
y.
Mũi, má Ông đỏ ửng bóng, lông
mi rụng hết. Hai bàn tay sưng tấy, ngón co lại, móng khuyết hay mất hết.
Ông bị tàn phế cấp độ nặng.
Một buổi sáng, quản giáo ra
lệnh cho Ông đem giỏ ra sân mang than đá vào bếp trại. Do kiệt sức, hộc máu
tươi, ngất xỉu, bất tỉnh rồi chết. Cả người nhầy nhụa máu me.
– Trường Xuân Phu Tử Hồ Quang (Hồi Ký về Đại Tá Sử Gia Phạm Văn
Sơn, https://huongduongtxd.com).
Trong thời gian bị giam giữ,
Đại Tá Sơn đã can đảm viết đơn gởi đảng và Nhà Nước nhờ trại chuyển: xin
các Ông hãy xem xét lại cách đối xử với chúng tôi, những hình thức dã man như
vừa qua hoàn toàn không có lợi mà ngược lại rồi đây lịch sử sẽ ghi thêm vào
đấy vết ô nhục ngàn đời (dựa theo lời của tên Nhàn, trưởng ban thi đua
trại).
Đại Tá Sơn tuyệt thực trong
nhà kỷ luật, chấp nhận cái chết, vì muốn đòi quyền lợi cho tù nhân chính
trị được hưởng quy chế tù binh. Tuy ước vọng không thành nhưng cũng giúp cho
anh em còn sống được dễ thở hơn.
– Huỳnh Hữu Ủy (Vài Điều Tản Mạn Nhân Đọc Bài Viết “Cái Chết
của Sử Gia Phạm Văn Sơn”, https://dongsongcu.wordpress.com)
Cùng bay vào An Lộc với Đại Tá
Sơn giữa lúc đạn pháo địch nổ ầm ì tưởng chừng trực thăng bị bốc cháy,
Anh Ủy nhận xét: Ở Khối Quân Sử, các sĩ quan trẻ hầu hết là vừa xong đại học,
đi lính vì đất nước đang thời chiến loạn. Với loại thuộc cấp này, Đại
Tá Sơn chẳng bao giờ tỏ ra là người chỉ huy, chẳng có chút nào chất quân
phiệt, không áp dụng kỷ luật nhà binh mà ngược lại rất nho nhã, thường
hành xử như một nhà văn với đồng nghiệp cũng là những người cầm bút.
– Giáo Sư Nguyễn Đăng Thục cho rằng Phạm Văn Sơn có sử quan rất
tiến bộ, vượt hẳn quan điểm duy vật lịch sử không tưởng của các sử gia
Mác xít lấy đấu tranh giai cấp làm xương sống để giải thích mọi tiến trình lịch
sử.
– Bác Sĩ Phạm Hữu Phước: Trích từ “Dòng Sông Cũ: Hậu Củ Khoai Yên
Bái – Hồi Ký về Cái Chết của Đại Tá Phạm Văn Sơn”.
Ở tù cùng trại. Từng khám bệnh
Đại Tá Sơn. “Từ thời còn trung học Tăng Bạt Hổ, Bồng Sơn, tôi đã được đọc
“Việt Nam Tranh Đấu Sử” của Phạm Văn Sơn mà xúc động khôn cùng. Tôi kính
trọng, thông cảm, ngã nón bái phục tiền nhân của tôi đã hy sinh cả cuộc đời
và cả yên ấm gia đình chỉ vì lòng yêu nước vô bờ. Ông viết sử mà lời văn trong
sáng, đanh thép, hừng hực lửa như tấm lòng của tiền nhân. Có đoạn tôi
không cầm được nước mắt.
“Ông bị bệnh vảy nến
(psoriasis) khá nặng, da sần sùi nên nhiều người tưởng lầm Ông bị bệnh cùi.
“Có những buổi tối lạnh lẽo,
trạm xá đốt lửa sưởi ấm và chuyện vãn. Thường mời Đại Tá quây quần để nghe
Ông kể chuyện xưa lưu loát, mạch lạc. Ông là cả kho kiến thức về sử.
“Đại Tá Sơn đã sống đúng mẫu
mực của một quân nhân với châm ngôn Tổ Quốc – Danh Dự – Trách Nhiệm. Trước
cường quyền và độc tài, Ông không khiếp sợ van xin, luôn ngẩng cao đầu mà
nói với Cộng Sản ‘các ông làm như thế là lưu xú uế lại cho muôn đời sau’.
Với Ông, “Anh hùng tử, khí
hùng bất tử”.
6-
HỒ ĐIỆP (1930 – 1988)
Di cư vào Nam 1954. Tên thật Nguyễn Thị Tý. Sau khi phát hiện
tài năng thiên phú của Bà, Đinh Hùng đặt nghệ danh là Hồ Điệp.
Báo Nghệ Sĩ (https://thoixua.vn) đã giải thích cái tên được hằng triệu
người yêu mến qua bài “Xót xa thay cho giọng ngâm Hồ Điệp – tài năng nhưng
cuộc đời lại quá đổi đau thương”: Hồ Điệp nghĩa là Cánh Bướm, ý rằng giọng
ca của Bà nhẹ nhàng, mỏng manh mang lại đầy màu sắc như những cánh bướm.
Bà thường ngâm thơ trên chương trình Thi Văn Tao Đàn (Tiếng Nói
Thi Văn Miền Tự Do), được đánh giá là giọng ngâm nổi bật nhất thời đó.
Gần mười giờ đêm cảnh vật xung quanh yên tĩnh, lắng nghe Hồ
Điệp với giọng trầm buồn phảng phất nét liêu trai tưởng chừng ru ta vào
cõi mộng. Ngót 60 năm rồi nhiều người vẫn còn nghe thoang thoảng đâu đây
giọng ngâm có một không hai của người con gái Sơn Tây qua bài “Gởi Người
Dưới Mộ” của Đinh Hùng:
Trời
cuối thu rồi – Em ở đâu?
Nằm trong đất lạnh chắc em sầu
Thu ơi! đánh thức hồn ma dậy
Ta muốn vào thăm nấm mộ sâu
Em
mộng về đâu?
Em mất về đâu?
Hằng đêm ta nguyện, ta cầu
Ấy màu hương khói là màu mắt xưa
Em
đã về chưa?
Em sắp về chưa?
Trăng sao tắt ngọn đèn mờ
Ta nằm rỏ lệ, đọc thơ gọi hồn
Giữa đêm trăng bàng bạc, nghe Bà ngâm nga thánh thót, ai ai
cũng đều rùng mình tưởng chừng như hồn lạc vào cõi âm.
Hồ Điệp có khuôn mặt phúc hậu, hiền dịu. Nụ cười luôn nở trên môi
khiến nhiều người thương mến. Nhà Thơ Nguyễn Phan Cảnh ví von Bà là Nữ Hoàng
Thanh Sắc:
Thanh
Sắc vọng mãi Đất Trời
Nghìn thu cánh bướm vỗ hoài Hồn Thơ
Với tài năng ít ai sánh bằng, Bà được mời diễn ngâm ở Pháp,
Thụy Sĩ, Thái Lan, Nhật, Đài Loan. Khán giả xa quê lâu ngày, tâm hồn nhớ nhà
nhớ nước, lắm người không ngăn được dòng nước mắt nức nở nghẹn ngào khi nghe
Bà đưa hồn mình vào cõi thơ sầu mộng.
Bích Huyền của Đài VOA kể lại trong bài “Một Thoáng Hương Xưa”:
Vào năm 1960 tại cuộc họp một số văn nghệ sĩ có Vũ Hoàng Chương, Hồ Điệp,
Nhà Văn Mặc Thu (tác giả Gang Thép Đợi Chờ và Bát Cơm Bát Máu), Vũ Quân tặng
Hồ Điệp, Mặc Thu hai câu thơ:
Mưa
cầm, gió bắc thương Hồ Điệp
Thép đợi, gang chờ xót Mặc Thu
Nhà Thơ Hoàng Hương Trang cho biết Ca Sĩ Thái Hằng (chị em bạn
bằng dì với Hồ Điệp) tiết lộ lúc còn nhỏ Hồ Điệp là cô bé rất xinh đẹp với
giọng cười trong như dòng suối tinh khiết, ngày đó chưa u uẩn và chưa biết
buồn viễn xứ. Khi vào Saigon, Hồ Điệp hay ra quét lá cây trứng cá rụng đầy
sân. Cô thường mặc quần satin tuyết nhung, áo phin trắng nõn, gấu và cổ tay có
thêu rua. Buổi tối đi hát, Cô đeo kiềng vàng, mặc áo nhung đen rưng rức trơn
một màu, không thêu, không vẽ. Choàng tấm khăn voan mỏng, chân mang hài cong.
Trang điểm sơ sài, tóc bới cao hay quấn khăn vành dây. Cử chỉ cực kỳ khiêm
cung, nhỏ nhẹ với nét đẹp cổ kính của thục nữ Bắc Hà.
– Phạm Công Luận: “Saigon – Chuyện Đời của Phố: Chương Trình Ngâm
Thơ Tao Đàn”. Theo báo Trẻ số 7 Tập 1 năm 1960, Hồ Điệp có giọng mang phong
cách cổ điển, âm hưởng ca trù, thành công với các bài thất ngôn và lục bát,
nhất là các đoạn thơ trong truyện Kiều, thơ Bà Huyện Thanh Quan, thơ
T.T.KH rất được thính giả hâm mộ.
– Chu Văn Lễ nêu nhận định: giọng ngâm Hồ Điệp chắc chắn đóng
góp phần không nhỏ cho sự phát triển của bộ môn này và trở thành một phần
không thể thiếu trong sinh hoạt văn hóa nghệ thuật miền Nam.
Sau 1975, Hồ Điệp từ chối trình diễn, chỉ nhận lời ngâm thơ tại
các Chùa hoặc nhà bạn hữu.
Bích Huyền mời chúng ta cùng nghe Trần Vĩnh Tường, cựu nữ sinh
Trưng Vương viết về Hồ Điệp với bài “Cánh Bướm Bên Trời”:
“Năm 1987, tôi ở trại tị nạn
Sin Thai dành cho người vượt biên đường bộ nằm lẻ loi giữa chân ngọn núi
Danreck, thuộc địa phận Thái Lan, cách biên giới Căm Bốt chừng 1 km. Lúc
đó tôi đang làm việc cho cơ quan Hồng Thập Tự Quốc Tế, lo chuyện đưa đón,
theo dấu người tị nạn tìm cách đưa họ rải rác từ những cánh rừng về trại.
Hôm đó chúng tôi nhận được lá
thư từ Mỹ gởi qua nhờ theo dõi tin tức một người thân đã rời Saigon khoảng đầu
1988. Thư cũng cho biết nhóm này gồm 11 người trong đó có Hồ Điệp. Đọc xong
lòng tôi nghẹn ngào. Phần vì lo, phần vì mừng. Đã có người đến được trại,
nhưng có những bước chân thì vĩnh viễn ngừng lại ở đâu đó, giữa cánh đồng,
nơi khe núi, bên cạnh bụi tre rừng…
Tôi đi báo tin cho một số bạn
trong trại. Đêm đó ngồi bên nhau, chúng tôi say sưa nhắc lại những bài thơ,
những giọng ngâm của Tao Đàn ngày trước. Ngoài Hồ Điệp, Giáng Hương, Hoàng
Oanh. Bên nam còn có Tô Kiều Ngân, Quách Đàm, Hoàng Thư.
Con Giáo Sư Nguyễn Sĩ Tế là
Nguyễn Sĩ Độ mang ghi ta đệm nhẹ vài dòng nhạc cho Thu Hà cất tiếng ngâm bài
Gởi Người Dưới Mộ mà Hồ Điệp đã có lần ngâm trên Đài Saigon.
Bài Thơ hay quá đổi, quá liêu
trai, phù hợp với ánh trăng xanh nhạt rải trên mái tranh, trên từng đám lá
mồng tơi.
Tôi quay lại nhìn rặng núi tím
thẳm đằng kia để lén lau nước mắt…
Ngày qua ngày, mỗi khi có người
tị nạn đến trại, chúng tôi đều hỏi thăm, thế nhưng thời gian trôi đi, Cánh
Bướm vẫn biền biệt bên trời. Không ai có thể ở trong rừng 6 tháng mà sống
sót được.
Buổi tối cuối cùng, tôi lên
trại Panat để đi Mỹ, bùi ngùi giây phút chia ly. Mọi người yêu cầu Thu Hà
ngâm lại bài Gởi Người Dưới Mộ.
Bỗng dưng một cánh bướm lẻ
loi bay chập chờn trước mặt. Hết đậu trên phím ghi ta lại nằm yên trên tay
Thu Hà. Mọi người rùng mình ớn lạnh nhìn nhau. Hay là Hồ Điệp cảm động mối
tình chung thủy của thính giả mà bay về đây báo mộng.
Qua Mỹ nhiều năm. Đọc báo không
thấy tin gì về Hồ Điệp cả. Thôi…thôi! Vậy là mây đã tan. Trăng đã khuyết.
Ngọc đã về thật rồi”…
Hoàng Hương Trang cho biết di ảnh Hồ Điệp được một thính giả thần
tượng giọng ngâm của Bà đặt thờ trong Chùa An Lạc, đường Phạm Ngũ Lão,
Saigon.
Theo NguoiVietBoston, các con của Hồ Điệp định cư ở Mỹ. Tiến Sĩ
Nguyễn Quốc Quân về Việt Nam năm 2007 tổ chức cuộc vận động phong trào dân
chủ trong nước và bị bắt giam 6 tháng.
7-
MINH KỲ (1930 – 1975)
Đại Úy Cảnh Sát Quốc Gia. Dòng dõi Hoàng tộc, vai vế ngang hàng
Vua Bảo Đại. Sáng tác hơn 100 nhạc phẩm rất được ưa chuộng.
Là một trong ba thành viên nhóm Lê Minh Bằng (Lê Dinh, Minh Kỳ,
Anh Bằng), hoạt động từ 1966 đến 1975 với chừng 200 ca khúc trữ tình lãng
mạn.
Lê Dinh tâm sự: tuổi tác chúng tôi xấp xỉ nhau, khuynh hướng
sáng tác cũng gần giống nhau cho nên dễ kết thân, đi đến thành lập nhóm,
mở lớp nhạc và làm cố vấn cho hãng đĩa Sóng Nhạc của Ông Nguyễn Tất Oanh.
Ba người ở ba miền mà tương đắc, gắn bó, tri âm tri kỷ gần mười năm. Lê Dinh
cho là hữu duyên thiên lý năng tương ngộ.
Chỉ nghe qua câu chuyện 3 Nữ Sinh Viên Đại Học Khoa Học (Mai,
Bích, Dung) trong buổi tao phùng gặp gỡ Lê Minh Bằng tại bãi biển Vũng Tàu là
đủ thán phục tài năng của nhóm này khi ngay sau đó họ cảm tác Linh Hồn Tượng
Đá:
Trên
dốc đá tôi tình cờ quen nàng
Ngồi bên nhau, gọi tên nhau để rồi xa nhau
Em đã đến và đã đến như áng mây
Như cánh chim bay qua bầu trời
Ôi hình hài một vài giờ vui…
Tôi
đứng đó như hình một pho tượng
Chờ ai đây, đợi ai đây và tìm ai đây
Nghe nuối tiếc gào thét giữa muôn sóng khơi
Nghe trái tim rung lên bồi hồi
Chắc gì gặp lại lần thứ hai…
Theo Lê Dinh, Minh Kỳ làm nhạc xuất sắc, nhanh và hay. Các tác
phẩm cho ra đời đều rất tuyệt vời, chạm đến nỗi lòng người nghe.
Ca Sĩ Hoàng Oanh ca ngợi nhạc Minh Kỳ tha thiết, trìu mến. Giai
điệu đơn giản, uyển chuyển, dễ đàn, dễ hát. Nét nhạc trong sáng, bình dị.
– Ca Sĩ Thái Châu cảm thấy may mắn khi được tiếp xúc nhiều lần
với Minh Kỳ: Tôi từng gặp anh để trao đổi về ca khúc Cát Bụi và học hát bài
này sao cho cảm xúc. Tôi xem anh như người Thầy và nhớ mãi khoảnh khắc anh
trầm ngâm động viên “chú rán hát cho hay, cho tốt”. Nhờ Anh mà tôi học được
rất nhiều kỹ năng trong ca hát lẫn cuộc sống.
– Ca Sĩ Quỳnh Giao nói rằng nét tài hoa của Minh Kỳ không chỉ ở
những tác phẩm Ông viết cho mình mà là sự đáp ứng thị hiếu của mọi tầng lớp
quần chúng. Cuối thập niên 1960, chiến tranh lan rộng, gái quê vào thành
thị tìm việc làm, thanh niên giả từ học đường thi hành quân dịch. Thính giả
bấy giờ muốn nghe và hát những bài ca có lời giản dị, nét nhạc dễ nghe dễ hát,
tiết điệu nhịp nhàng…dễ đếm: đấy là thời kỳ những bài nhịp Bolero ra
đời. Minh Kỳ đáp ứng với Biệt Kinh Kỳ:
Bạn
ơi! quan hà xin cạn chén ly bôi
Ngày mai tôi đã, đã đi xa rồi…
Rồi đây mai ngày ai hỏi đến tên tôi
Bạn ơi! hãy nói khoác chiến y rồi…
Có lẻ chưa bao giờ một bài hát lại ăn khách tới mức đó. Hằng
tuần trên làn sóng điện khi trực tiếp truyền thanh buổi thi hát mỗi sáng
chủ nhật tại rạp Quốc Thanh, thì có ít nhất 3 thí sinh chọn bài này để thi.
Nhạc Sĩ Dương Thiệu Tước đi chấm thi, tuần nào về cũng than là nghe Biệt
Kinh Kỳ nhiều quá đến phát thuộc lòng!
Cái lạ là nhạc Minh Kỳ vẫn uyển chuyển dù viết ở thể loại
nào. Câu cú rất hệ thống và tài tình nhất là lời ca đượm tính cách “kể
chuyện” thật hấp dẫn.
– Nhà Văn Phạm Tín An Ninh có bài “Cái Chết Oan Khuất của
Nhạc Sĩ Minh Kỳ”:
“Tôi và Minh Kỳ cùng trại tù
An Dưỡng. Tôi ở nhà 1, Anh nhà 3.
Một đêm cuối tháng 8.75,
khoảng 9:30 tối, toàn trại đang chìm trong bóng đêm, cả ngàn người tù nằm thao
thức chờ đợi những bất trắc sẽ đến với số phận mình. Bỗng một tiếng nổ
long trời, kèm theo tiếng la thất thanh, còi báo động, loa phóng thanh lệnh
cho tất cả “cải tạo viên” nằm yên tại chỗ, kẻ nào bước ra khỏi nhà sẽ bị bắn
bỏ.
Khi chúng tôi chưa hết hoang
mang, thì tiếng xích sắt xe tăng T 54 tràn vào trại rít lên từng chặp, chia
nhau bao vây từng căn nhà. Hằng loạt bộ đội, súng gắn lưỡi lê, mặt tên nào
cũng đằng đằng sát khí túa vào từng nhà, kéo cơ bẩm lên đạn, quát tháo tù
nhân đứng ngay tại chỗ, 2 tay để trên đầu.
Chúng tôi chịu bất động như
vậy cho đến gần 10 giờ trưa thì thấy mấy anh em tù khiêng số người bị thương
lên trạm xá. Hôm sau tất cả tù nhân được đưa lên hội trường và bị “nghiêm
khắc” cảnh cáo là “ có bọn phản động trong các anh đã dấu diếm vũ khí, mang
lựu đạn Mỹ vào để phá hoại thành quả “kách mạng”.
Một số bạn tù kể lại: nhà 3
chứa khoảng 80 tù nhân. Khi ấy tổ của Minh Kỳ đang họp phân công nấu bếp
ngày mai, thì quả lựu đạn được quăng vào vách tôn ngay phía sau làm 3 người
chết và 8 bị thương. Minh Kỳ thương tích rất nặng ở ngực, bụng và cổ. Anh
chết từ từ cho đến lúc tắt thở.
Ai cũng biết là trái lựu đạn
giết chết Minh Kỳ cùng những bạn tù khác là do chính bọn Việt Cộng quăng từ
khu vực ban trực trại phía bên kia hàng rào cách chừng hơn 5 mét”.
Tro cốt Ông được lưu giữ tại nhà hài cốt Giáo Xứ Tân Định.
8-
HỒ ĐÌNH PHƯƠNG (1927 – 1979)
Xuất bản hơn 10 Tập Thơ. 100 nhạc phẩm của hơn 20 nhạc sĩ
danh tiếng được Ông viết lời hay phổ từ thơ Ông. Từng làm Phó Tỉnh Trưởng
Ninh Thuận sau khi đỗ đầu khóa Đốc Sự Hành Chánh.
Sau 75 bị tù 2 năm rồi vượt biên cùng vợ con và mất tích trên
Biển Đông năm 1979.
– Ca Sĩ Quỳnh Giao không ngần ngại chút nào khi nói rằng chưa ai
qua mặt Hồ Đình Phương trong lời từ về một địa danh, một thành phố. “Nhớ về
Dalat” hay “Nhớ Nha Trang” đều do Ông đặt lời làm người nghe thấy yêu những
thành phố này biết dường nào.
– Theo Du Tử Lê thống kê thì trong khoảng 200 ca khúc Nhạc Sĩ
Hoàng Trọng để lại cho đời, người ta đếm trên dưới 50 bài do Hồ Đình Phương
đặt lời hay lấy từ thơ Ông.
Một bài hát rất nổi tiếng được nhiều người ưa thích là Con
Đường Xưa Em Đi.
– Theo Phù Sa (Con Đường Xưa Em Đi – Chuyện Tình của Nhạc Sĩ
Châu Kỳ và Châu Thị Đàng, hoainiem.org): Bà Đàng kể thời điểm
1967 – 68 Bà làm kế toán, còn Hồ Đình Phương là Phó Giám Đốc nhà máy giấy Tân
Mai, Biên Hòa. Phía sau có con đường nhỏ băng qua cánh đồng lúa mà Bà thường
đi lại để về nhà. Chứng kiến cảnh ngộ đó, Hồ Đình Phương đặt lời cho bài hát
rồi Châu Kỳ phổ nhạc vào năm 69 với ca từ thanh thoát, dịu dàng, truyền cảm,
chan chứa tình yêu. Thật không uổng phí thì giờ để hồn lắng đọng mà nghe lại
bài này:
Con
đường xưa em đi
Vàng lên mái tóc thề
Ngõ hồn dâng tái tê
Anh làm thơ vu quy
Khách qua đường lắng nghe
Chuyện tình ta đã ghi
Những mùa trăng vu quy
Vì mưa gió không về
Chiến trường anh bước đi
Có nàng hoen đôi mi
Ngóng theo đường vắng hoe
Hỏi còn ai cố tri
Em
ơi, nhìn gió lên khơi
Lòng có trông vời
Một người xa cuối trời
Nơi đây phiên gác canh dài
E ấp đôi lời mình còn nhớ thương hoài
Em
ơi, màu áo phong sương
Mình ước huy hoàng
Được bàn tay chính nàng
Dâng hoa, dâng hết ân tình
Tình đến bao giờ
Hỏi đường xưa mà nhớ
Con
đường xưa em đi
Thời gian có quên gì
Đá mòn kia vẫn ghi
Ghi một đêm trăng thanh
Quán bên đường vắng tanh
Chỉ còn em với anh
Lời nhạc êm tai tha thiết như vậy mà từng bị cấm. Thử hỏi có
đáng tiếc lắm không?
– Nhạc Sĩ/Nhà Phê Bình Âm Nhạc Nguyễn Quang Long đã gởi Zing.vn
bài viết bày tỏ quan điểm về việc Cục Nghệ Thuật Biểu Diễn ban hành quyết định
vào giữa tháng 3.2017 cấm lưu hành Con Đường Xưa Em Đi và 4 nhạc phẩm khác với
lý do bài hát không đúng với bản gốc. Nhạc Sĩ nói rằng “đã cấp phép rồi lại
cấm sẽ gây tác dụng ngược”.
“Trước tiên phải nhìn nhận những ca khúc sáng tác trước 75 tại
miền Nam là phần tạo nên diện mạo của nền âm nhạc mới Việt Nam thế kỷ 20.
Bên cạnh nhạc trẻ và nhạc trữ tình, những nhạc sĩ trong giai
đoạn này đã góp phần sáng tạo nên dòng nhạc chúng ta vẫn gọi là Bolero, phù
hợp với tâm tư, tình cảm và nhu cầu thẩm mỹ âm nhạc của số đông người Việt.
Đây chính là yếu tố khiến nhiều ca khúc thời kỳ này có sức sống và
lan tỏa mạnh mẽ.
Theo nhạc sĩ Long, việc Cục cấm hát 5 ca khúc ít nhiều gây bất
ngờ trong giới nghệ sĩ và công luận. Sự việc càng trở nên rối khi những lý
do viện dẫn để cấm chưa thực sự khiến công chúng tâm phục. Điều này vô tình
tạo nên làn sóng phản ứng và đẩy vụ việc thành tâm điểm dư luận kéo dài qua
nhiều tuần.
Trong khi đó, theo tiết lộ của một nhà quản lý với báo chí
“chiến trường” ở đây là chiến trường nào khi nói về Con Đường Xưa Em Đi?
Bà Đàng từng chia sẻ: việc sử dụng từ “chiến trường” hay “phiên
gác” chỉ là để phù hợp với hoàn cảnh lúc bấy giờ, tác giả chỉ mượn những
hình ảnh này nói thay tâm tư tình cảm nhớ mong về tình yêu đôi lứa.
Cần nhìn nhận việc cấm 5 ca khúc này chỉ là hình thức. Thực
chất hiệu quả của việc cấm cũng như không, bởi lẽ những ca khúc ấy đã
có đủ thời gian sống trong lòng công chúng”.
Cho đến ngày 15.4.17 thì quyết định cấm đã được thu hồi.
9-
THỤC VŨ (1932 – 1976)
Tên thật Vũ Văn Sâm. Trung Tá ngành Tâm Lý Chiến. 1969 tiếp nối
Đinh Hùng và Tô Kiều Ngân phụ trách Thi Văn Tao Đàn, đổi thành Thi Nhạc Giao
Duyên, phối hợp ngâm thơ với trình bày ca khúc tân nhạc.
Thời gian làm việc ở Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung, Ông cho
ra đời bản hùng ca Quang Trung Hành Khúc được tân binh thường xuyên hát vang
trong những ngày ra thao trường tập luyện.
1975 bị giam trại Tân Hiệp, Biên Hòa. Tại đây Ông sáng tác nhạc
phẩm “Suối Máu” với mấy dòng thơ cảm đề:
Em
ở Saigon anh ở đây
Đồi pha cát trắng kẽm gai đầy
Ngẩn ngơ dăm chuyến tàu xuôi ngược
Để nhớ nhung về che khuất mây
1976 chuyển ra Sơn La rồi mất tại vùng rừng thiêng nước độc này.
Một số bạn hữu kể lại những ngày tù của Ông:
– Nhà Văn Văn Quang (Mừng Cho Người Chết Trong Nhà Tù “Cải
Tạo”):
Thục Vũ đau gan đến vàng mắt
nhưng bệnh xá chỉ nhỏ cho vài giọt nước củ tỏi vào mũi. Bệnh nhân đành nằm
chờ chết.
Một buổi sáng Phan Lạc Phúc
nước mắt chảy chậm trên mặt nghẹn ngào cất tiếng: thằng Sâm chết ở bệnh xá
đêm qua rồi.
Tôi lặng người bởi hôm qua
lẻn sang thăm Thục Vũ, Anh đưa cho tôi hai gói thuốc lào nhỏ: “tôi mệt không
hút được nữa”.
Sau đó Tô Kiều Ngân nói với tôi
lời an ủi: “Mừng cho nó, từ nay nó không còn biết đói rét và không ai hành
hạ được nó nữa”.
Buổi chiều chạng vạng nơi
núi đồi Sơn La, từ bệnh xá quanh con đường đá nhỏ, vòng theo sườn núi cao
vút chập chùng, “đám tang” di chuyển chậm chạp trông thật đau lòng. Hai
cai tù vác AK đi đầu, kế đến một anh tù cầm vài nén nhang, 4 người khiêng cổ
quan tài mộc. Sau cùng là hai cai tù súng AK. Họ chuyển động như những bóng
ma.
Hơn 30 tù nhân đội rau đứng
ngẩn ngơ dán mắt theo đám ma thê thảm ấy. Phan Lạc Phúc đứng bên tôi không nói
lời nào, quay mặt che giấu nước mắt. Tô Kiều Ngân và mấy bác sĩ tù nhân trẻ
nép sau hàng rào kẽm gai cũng xúc động xót xa trông như tượng gỗ dõi theo
đám tang dần khuất vào cuối con đường cong phía chân núi.
Một tháng trước khi mất
Thục Vũ có bài “Gởi Saigon”:
Viết
bài thơ sau cuối
Ý nhạc tàn theo mây
Hồn anh về bên Chúa
Xác anh gửi phương này
– Nhà Thơ Hoàng Ngọc Liên kể lại: sáng 15.11.76 lúc đang phát
quang con đường trước trại giam thì “đám tang” Thục Vũ đi qua. Chúng tôi ngã
nón cúi đầu chào người bạn vừa đột ngột từ trần. Vài tháng sau trên đường
gánh tranh về trại, tôi bất ngờ lạc vào nơi Thục Vũ yên nghỉ. Đó là góc đồi
Ban xã Mường Thái với chừng mười nắm đất mới. Năm 1988 tôi được thả về Saigon
có nghe Chị Lệ Khánh đã lặn lội ra tận đây đem cốt Chồng vào Nam.
– Nhà Thơ Huy Trâm viết: “Dù bị tù tội, Thục Vũ vẫn say sưa hát.
Huy Trâm thuật lại lời Phan Lạc Phúc: một hôm mưa tầm tả, cả đội lo đi hứng
nước thì phải chạy trú tạm dưới mái tranh, nhưng Thục Vũ trên vai còn vác bó
nứa vẫn đứng hát giữa trời. Mưa xối xả ướt cả áo quần, Anh vẫn mặc. Ta cứ
hát. Phúc mới nói to: Thôi đi Vũ ơi! Rồi ốm bệnh cho mà xem! Thục Vũ vẫn
nghêu ngao hát xong bài rồi mới vào hàng trú mưa. Hát cho quên sầu…và cũng là
lần hát cuối đời. Một tuần sau anh mất”.
Thục Vũ đã có vợ nhưng duyên nợ đưa đẩy Ông yêu thương Nhà Thơ Lệ
Khánh. Họ có với nhau một bé trai. Điều đáng nể là Bà Thục Vũ không ghen
tuông ồn ào mà lại đích thân vô bệnh viện thăm viếng chăm sóc cho người
tình của chồng sinh đứa con đầu lòng.
Vào những năm 1964 – 66, thi đàn miền Nam bỗng dưng xuất hiện
nhà thơ nữ gây xôn xao dư luận với 5 Tập Thơ “Em Là Gái Trời Bắt Xấu” do nhà
sách Khai Trí xuất bản lúc mới chừng 20 tuổi.
Lệ Khánh yêu Thục Vũ với những vần thơ diễm tình làm Ông rung
động phổ thành bài ca “Tình Người Hậu Tuyến”:
Hôm
nay trời vào thu
Dalat lắm sương mù
Cây khô buồn trút lá
Gió ven hồ bay xa
Mây
thu lờ lững trôi
Lồng lộng gió lưng đồi
Xin anh đừng giận dỗi
Viết thư về thăm em
Lệ Khánh để lại hằng trăm bài thơ da diết. Nơi đây chỉ xin trích
nửa bài “Em Là Gái Trời Bắt Xấu” như là tiêu biểu cho vần thơ của thi nhân xứ
Huế đa đoan sầu mộng:
Chiều
chủ nhật đợi chờ anh mãi mãi
Sao trể giờ cho chua xót anh ơi!
Hẹn hò chi, chừ lỡ dở cả rồi
Tình mới chớm đã vội vàng lịm tắt
Tôi
yêu anh nhưng hoài hoài thắc mắc
Liệu người ta đáp trả lại hay không
Đến bao giờ dẫm được xác pháo hồng
Áo cưới đỏ cười vui cô dâu mới
Anh
hẹn đúng hai giờ anh sẽ tới
Nhưng sao chừ trời đã tối…anh đâu?
Mưa hôm nay êm như tiếng mưa ngâu
Anh lỡ hẹn nên chiều buồn rứa đó
Tôi
gục mặt khóc thầm bên cửa sổ
Mà cô đơn trời hỡi vẫn cô đơn
Nơi xa xôi anh có biết tôi buồn
Anh có biết tôi cười mắt ngấn lệ
Anh
lỗi hẹn hay là anh đến trể
Cho chiều nay đường phố lạnh mưa thu
Và đêm nay thành thị ướt sương mù
Người con gái gục đầu thương mệnh bạc.
10-
DƯƠNG HÙNG CƯỜNG (1934 – 1987)
Trung Úy Quân chủng Không Quân. Nhà Văn với 3 tác phẩm: Lính Thành Phố, Buồn Vui Phi Trường, Vĩnh Biệt Phượng.
Làm báo lấy bút hiệu Dê Húc Càng (Càn). Nổi lên ở Con Ong từ những số báo đầu với
mục Cà Kê Dê Ngỗng, chuyên châm biếm tệ trạng xã hội, tố cáo bê bối của những
nhân vật tai to mặt lớn.
– Nhà Văn Nguyễn Thụy Long trước khi trở thành văn sĩ đã viết:
Tôi yêu thích phóng sự “Buồn Vui Phi Trường” của Dương Hùng Cường và vẫn hy
vọng được tiếp xúc với anh, góp phần vào tờ báo Lý Tưởng của đơn vị.
Tác giả Loan Mắt Nhung từng bị Trung Sĩ Dương Hùng Cường cảnh
cáo: “Mày chẳng là gì cả trong quân đội, một hạt cát, thân phận tối đen,
tao đã trải qua rồi, tao nỗi khùng, tao chửi toáng lên, sức mạnh của tao là
ngòi bút, tao là văn sĩ mày biết không? Tao chống bất công ở bất cứ đâu”.
Nguyễn Thụy Long cho thấy phẩm cách đáng kính trọng, đáng ngợi ca
của Dương Hùng Cường. Ông cho rằng cũng vì tính cương cường chống lại mọi hà
hiếp áp bức mà Cường dù tốt nghiệp chuyên môn ở trường huấn luyện không
quân Marrakeck (Pháp) với lon trung sĩ, nhưng suốt Đệ Nhứt và nửa thời gian Đệ
Nhị Cộng Hòa Ông vẫn mang Trung Sĩ, trong khi các bạn đồng khóa hầu hết đều
lên sĩ quan.
– Tác giả Hồ Đắc Túc có bài Mộ Dương Hùng Cường – Nơi Mộ Phóng
Viên Báo Chí ở Normandie Pháp”: đây là Khu Vườn Tưởng Niệm gồm 27 bia đá khắc
tên gần 2500 phóng viên khắp thế giới từ 1944 đến 2019 đã hy sinh vì sứ mạng
đưa tin của họ. Vườn do Tổ Chức Phóng Viên Không Biên Giới (Reporters San
Frontieres) thành lập. Dương Hùng Cường có tên trên mộ bia, cái chết của Ông
được viết: Died in prison, supposedly of a brain haemorrhage. Arrested
by the government in 1975, free sometime between 1978 & 1981 then arrested
again in 1984 with many other journalists’.
– Nhà Văn Trần Ngọc Tự cảm tác bài thơ “Rượu Ngày Giỗ Bạn”
nhân giỗ đầu Cường:
Chén
âm dương vỡ giữa đời
Thoảng quanh men rượu ngỡ người bên mâm
Cuồng say thôi cũng âm thầm
Nhắp môi uống nốt mê lầm phù sinh
– Nhà Văn Hồ Nam qua bài: 100 Khuôn Mặt Văn Nghệ Sĩ,
Dương Hùng Cường Người Viết Văn Hài Sinh Nghề Tử Nghiệp nêu rõ
cuộc đời Cường từ sau 75:
Đi tù đợt đầu về, Cường làm
nhiệm vụ “bế con”, “bửa củi”, nấu cơm cho vợ bán cháo phổi (dạy học).
Giữa thời kỳ ăn “bo bo”,
chạy từng bữa, Cường được Trung Úy Không Quân Trần Ngọc Tự báo tin: “sếp”
Trần Tam Tiệp ở hải ngoại, nhân danh “Văn Bút Việt Nam” phát động chiến dịch
“nhà văn từ ngục tù Cộng Sản viết, gởi bài ra nước ngoài”, nhuận bút trả
bằng những “thùng đồ bộn bạc”.
Cường nói với Tự: Cường không
cần nhuận bút trả bằng thùng đồ, nhưng Cường viết để cho hải ngoại biết Cộng
Sản … cỡ nào.
Không những viết bài gởi ra
hải ngoại, mà Cường còn rủ các nhà văn khác: Doãn Quốc Sỹ, Hoàng Hải Thủy, Lý
Thụy Ý cùng viết. Hình thành một mặt trận “tự do văn hóa” khiến Cộng Sản
…hoảng hốt cho công an đàn áp.
Khi bị bắt, Cường hiên ngang
nhận: ‘không những viết văn để vạch trần tội ác của chế độ Cộng Sản việt nam,
mà còn cổ động anh em cùng viết văn, thơ tố cáo tội ác…’
Thời gian bị bắt, Cường vào
khu biệt giam dài dài, nhưng không ngán, suốt ngày ca vọng cổ tuồng Võ Đông
Sơ – Bạch Thu Hà.
Với giọng ca mùi “rệu”, khiến
nhiều nữ tù “vượt biên” say mê, gởi quà thăm nuôi cho Cường lia chia, càng có
quà của các “fan”, Anh càng phấn khích ca hát. Có đêm tới giờ giới nghiêm vẫn
chưa chịu ngủ, cán bộ đe dọa cùm, Anh mới chịu ngưng ca.
Đêm cuối đời Cường là đêm mưa
to gió lớn, có lúc khu trại giam bị mất điện, nhưng tiếng ca Cường vẫn cứ
mùi mẫn cất lên – như anh sinh ra để ca vọng cổ vậy.
Sau đêm hôm đó, tới 8 giờ sáng,
quản giáo mở cửa phòng để điểm danh. Một cán bộ gọi số tù của Cường – mãi
không có tiếng trả lời – bèn quát lớn, “ngủ đến 8 giờ không chịu dậy, sẽ bị
cùm đấy”.
Lời dọa nạt không có lời đáp,
cán bộ đập cửa phòng ầm ầm, rồi tức tốc mở cửa, lấy chân đá vào người Cường,
“dậy mau, giỡn mặt với quản giáo hơi nhiều rồi đó!”
Bị lãnh 2, 3 “cú” đá khá mạnh,
Cường vẫn nằm im không cục cựa.
“Thằng này ‘lì’ phải cùm
thôi”.
“Cán bộ ơi! Ông Nhà Văn trúng
gió rồi, mau đưa đi cấp cứu, sao cứ đá hoài vậy. Tù cũng là người, chứ đâu
phải…”.
Nghe lời cải tạo viên, quản
giáo vội vàng kêu ‘tù’ nhà bếp tới, dựng Cường dậy, đem đi cấp cứu.
“Cán bộ ơi! Ông Nhà Văn ‘ná
thở’ rồi, còn cấp cứu gì nữa”.
“Hôm qua còn ca vọng cổ om sòm,
sao ‘ná thở’ được.
“Người Ông tím bầm, chắc bị
rắn cắn quá”.
Nhà Văn Nhà Báo tài hoa kết
thúc thê thảm như vậy đó.
Vì trời mưa gió thổi mạnh, rắn
lục từ trên cây đối diện phòng biệt giam rớt xuống, bò vào cắn chết Ông.
(http://tanmanvanchuongthephong.blogspot)
– Cô Giáo Ấu Oanh viết bài “Khóc Bạn” (Nam Kỳ Lục Tỉnh – Hồi Ký,
Google sites).
Ấu Oanh, hiền thê Ca Sĩ Khuất Duy Trác kể chuyện bạn học Vũ
Hoàng Oanh (Vợ Dương Hùng Cường):
Ra trường Đại Học Sư Phạm
1964, rồi kết hôn với Cường năm sau. Họ sinh hạ 6 công chúa trong vòng 10 năm.
1974 Hoàng Oanh tất bật dạy
thêm kiếm tiền giúp chồng in tác phẩm thứ ba: Vĩnh Biệt Phượng. Sách vừa
xuất xưởng chưa kịp phân phối ra ngoài thì mất nước, cả hai Ông vào tù. Để
lại gánh nặng gia đình cho hai Cô Giáo phải đầu tắt mặt tối bon chen với chợ
đời, làm sao nuôi nổi đàn con thơ dại…
Thế rồi một hôm đầu năm 1979,
Hoàng Oanh ngập ngừng tỉ tê: “Ta nói cái này, đừng giựt mình nhé…Ta có bầu”.
Tôi nghe mà hoảng hồn. Hoàng Oanh khai: Hôm Tết rồi đi thăm Ông Cường trại cho
ở lại một đêm…Rồi Hoàng Oanh năn nỉ dẫn đi phá thai vừa tròn hai tháng vì sợ
không ai tin nổi. Ai đời Cô Giáo chồng đi ở tù mà lại mang bầu. Ai tin. Bà con,
bạn bè, nhà trường…họ sẽ bêu riếu bôi tro trát trấu lên đầu “vợ thằng ngụy”.
Tôi đem chuyện kể lại Mẹ. Bà
Cụ bình tĩnh tính toán rồi khẳng định Hoàng Oanh sẽ sinh con trai. Nhờ vậy mà
bạn bỏ ý định phá thai. Sau đó quả thật sinh trai đặt tên Phụng Hoàng (thờ
phụng màu vàng).
Rồi Cường ra tù. Anh liên lạc
được với nhà văn Trần Tam Tiệp đang ở Pháp. Anh Tiệp gởi những thùng quà về
giúp văn nghệ sĩ còn kẹt lại. Việc này dẫn tới hậu quả là đợt bắt giam “những
tên Biệt Kích Cầm Bút” vào tù.
Năm 1987 Dương Hùng Cường mất
tại Phan Đăng Lưu. Hoàng Oanh đau đớn vật vã than khóc như cảnh ngộ thiếu phụ
năm xưa “Đi Nhận Xác Chồng” của Lê Thị Ý:
Mùi
hương cứ tưởng hơi chồng
Ôm mồ cứ tưởng ôm vòng người yêu
Hai năm sau, Hoàng Oanh bị tai
nạn xe không qua khỏi, bỏ lại đàn con thơ 6 đứa bơ vơ.
Phạm
Văn Duyệt
No comments:
Post a Comment