Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi?!
Lão Móc
(Kính
tặng những vị anh hùng của QLVNCH đã hy sinh mạng sống để bảo vệ lãnh hải, cánh
đồng biên giới và cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc của người dân miền Nam
trong cuộc chiến Quốc, Cộng).
Đêm Trung Thu mà lại nhằm cuối tuần,
một ông bạn trẻ mời tôi lại nhà và theo lời ông ấy:
Bác tới đây muốn nhậu thì nhậu, muốn
uống trà thì uống trà, muốn ngủ thì có chỗ ngủ, muốn về thì cháu đưa về. Muốn
thức sáng đêm cũng được. Áo lạnh bên này có, khỏi mang theo mất công.
Khi người ta có lòng mời mọc mà lại cẩn
thận trước sau như thế thật khó lòng từ chối. Thôi thì đi, thức một đêm cũng
chưa tới nỗi phải chết. Người bạn trẻ này tổ chức thiệt là chu đáo.
Khi tôi tới hồi 8 giờ rưỡi tối, đã có
sẵn bốn người, với tôi là năm, và ngồi trong cái nhà kiếng của chủ nhân ngó ra,
trăng lên đã được hai cây sào.
-Bác ngồi với tụi tôi được chừng nào
hay chừng ấy. Ông chủ nhà vừa nói vừa khui rượu. Nói trẻ là trẻ với tôi thôi.
Ông chủ nhà năm nay cũng năm lăm, năm sáu tuổi rồi, còn mấy ông khách kia cũng
cỡ tuổi đó. Chỉ có chủ nhà là dân Hải Quân qua được hồi năm 75. Một ông cũng
Hải Quân bạn của chủ nhà là dân H.O. Còn mấy ông kia vượt biên. Người ta mời mọc
nhau uống, vui vẻ thân tình. Khi người
ta vui vẻ thì người ta cởi mở. Lúc ông chủ nhà khui tới chai thứ hai thì đã có
một ông đọc thơ. Đọc thôi chớ không phải ngâm nga gì. Ông khách ấy đọc:
Bồ
đào mỹ tửu dạ quang bôi,
Dục
ẩm tì bà mã thượng thôi.
Tuý
ngọa sa trường quân mạc tiếu
Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi.
Ông đọc rồi đưa mắt nhìn tôi: Tôi thuộc
thơ mà không nhớ tên bài thơ cũng như tên tác giả, bác có nhớ không? Tôi đáp
nhớ, đó là bài Lương Châu Từ của Vương Hàn đời Đường. Ông này không thấy sách
nào nói rõ gốc tích lai lịch, thơ để lại cũng ít, có mỗi bài này nổi tiếng.
Mà nó nổi tiếng thật chớ không phải
chơi. Trẻ già lớn bé gì ai mà lại không biết cái câu Cổ lai chinh chiến kỷ nhân
hồi. Phải rồi... xưa nay chinh chiến mấy ai đã về...
Âm hưởng của bài thơ đã thay đổi hoàn
toàn câu chuyện quanh nhóm bạn bè. Lúc đầu người ta nói chuyện trăng, chuyện ăn
chơi trên xứ Mỹ thời nay và xứ Tàu thời xưa. Bây giờ người ta có vẻ như không
còn cái thú để uống nữa. Ông Hải Quân H.O. xoay đi xoay lại cái ly rượu trên
tay, kể về những người quen của ông đã đi chinh chiến không về.
“... Hồi đó là dịp Tết Giáp Dần, tình
hình ngoài Hoàng Sa đột nhiên căng thẳng. Ngày 11-1-1974, Ngoại trưởng Trung
cộng lúc ấy là Hoàng Hoa đột nhiên tuyên bố là toàn thể quần đảo Hoàng Sa thuộc
chủ quyền của Trung cộng. Bên mình bác bỏ liền. Ngoại trưởng của mình là Vương
Văn Bắc xác định mạnh mẽ rằng Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.
Trung cộng đưa tàu, đưa lính vô Hoàng
Sa cắm cờ ở Cam Tuyền, Duy Mộng và đảo Vĩnh Lạc. Còn ở đảo Quang Hòa thì đã có
sẵn lính của tụi nó rồi. Bên mình bèn phái bốn chiếc chiến hạm ra đó, để sẵn
sàng khi tình hình xoay chuyển.
Tôi nhớ chiếc đầu tiên có mặt ở Hoàng
Sa là Tuần dương hạm Lý Thường Kiệt HQ16, kế là chiếc Khu trục hạm Trần Khánh
Dư HQ04, rồi tới chiếc Tuần dương hạm Trần Bình Trọng và tới sau hết là chiếc
Hộ tống hạm Nhựt Tảo HQ10, tới Hoàng Sa trưa ngày 18-1-1974.
Chiếc Trần Bình Trọng với chiếc Nhựt
Tảo vừa tới Hoàng Sa bữa trước thì bữa sau đụng liền. Bên mình bắn tàu Trung
cộng chiếc cháy, chiếc chìm. Chiếc Nhựt Tảo chiến đấu anh dũng, nhưng bên tụi
Trung cộng có trang bị hỏa tiễn Styx, bên mình chỉ có trọng pháo. Chiếc Nhựt
Tảo trúng đạn bị chìm, có một số anh em thoát được, còn Hạm trưởng Ngụy Văn Thà
và số thủy thủ còn lại hy sinh theo
tàu...”
Mọi người yên lặng ngó xuống ly rượu.
Riêng ông Hải Quân ngó ra sân. Trăng sáng quá. Cách một biển Thái Bình Dương,
bên kia Hoàng Sa chắc đang là ban ngày, tâm hồn ông Hải Quân chắc đang để ở đó.
-Thôi, uống đi. Tụi mình còn thức cả
đêm. Ai có chuyện gì thì kể nghe chơi!
Ông chủ nhà muốn phá cái bầu không khí
yên lặng nên chậm rãi lên tiếng. Một ông khách, bạn của chủ nhà mà cũng có quen
với tôi nữa, hớp một hớp rồi kể:
“... Tụi tôi ra trường hồi cuối năm 63,
mỗi đứa đi một ngã. Cùng khóa có Lê Huấn. Nó là thằng chịu chơi hết mình, đánh
giặc giỏi lắm. Nguyên một khóa có mình nó lên lon sớm nhất.
Hồi đánh Hạ Lào đầu năm 71 nó đã là
Trung tá Tiểu đoàn trưởng rồi.
Trong trận Hạ Lào, lúc Trung đoàn 2 của
Sư đoàn 1 sắp sửa nhảy vào Tchépone thì Tiểu đoàn 4/1 của nó nhảy xuống căn cứ
Lolo. Ngay hôm mình chiếm Tchépone thì Lolo bị đánh lần đầu. Nội trong ngày
6-3-71, Tiểu đoàn 4/1 của Lê Huấn với 3/1 của Trung đoàn 1 hạ hơn 400 Việt cộng
rồi. Khi tụi tôi ở Tchépone rút về rồi, Huấn vẫn còn ở lại Lolo. Từ hôm 14 đến
17-3-71, tụi Việt cộng bao vây kín mít. Trực thăng không tải thương được. Tiểu
đoàn 4/1 của Huấn hết đạn, phải lấy đạn, lựu đạn của Việt cộng mà đánh lại. Tới
chiều 17 thì Tiểu đoàn tan hàng. Hai tuần lễ trước, Tiểu đoàn 4/1 có 432 người
nhảy xuống Lolo. Bây giờ còn 60 len
lỏi rút ra khỏi vòng vây. Sĩ quan chết
hết. Số 60 người còn lại do một Trung sĩ chỉ huy, ai cũng bị thương, đạn dược
hết sạch...”
Mỹ
nhân tự cổ như danh tướng
Bất
hứa nhân gian kiến bạch đầu.
Hai câu thơ trong bài “Điếu cổ chiến
trường văn” của Hứa Ban thật là hay. Người đẹp cũng như danh tướng thường chết
trẻ. Mà như vậy mới lưu lại sự nuối tiếc, nhớ thương cho người đời. Thời xưa,
các mỹ nhân nổi tiếng bên Trung Quốc thường chết lúc đang còn xuân sắc.
Chả mấy ai muốn thấy một mỹ nhân nhan
sắc tàn tạ buổi về chiều. Ấy là nói bên Tàu đời xưa. Còn nói tới quan niệm ngày
nay thì khác xa. Nói tới danh tướng, người ta nghĩ đến lúc tung hoành giữa
chiến trường, “tên reo đầu ngựa, giáo lan mặt thành.” Ít người nghĩ đến cảnh
một ông danh tướng về già, tay chân run rẩy, mỗi bước đi phải có người nâng đỡ.
Nói tới người đi chiến chinh, ai dám
chắc ngày về. Hạm trưởng Hộ tống hạm Nhựt Tảo Ngụy Văn Thà, khi được lệnh rời
Đà Nẵng theo Hải đội trưởng trên chiếc Tuần dương hạm Trần Bình Trọng trực chỉ
Hoàng Sa, không biết ông Hạm trưởng có nghĩ đó là chuyến ra khơi cuối cùng của
Hải nghiệp một Hạm trưởng và cũng là dịp cuối cùng để ông trả nợ cho tổ quốc?
Tôi
hỏi ông quan Năm bạn cùng khóa với cố Đại tá Lê Huấn:
-Nếu ông Tiểu đoàn trưởng 4/1 và các
người lính của ông khi lên trực thăng nhảy xuống Lolo, biết đó là chuyến đi
cuối cùng của họ, liệu họ có đủ can đảm để thi hành nhiệm vụ hay không?
Ông này buông ly, chồm người qua mặt
bàn:
-Sao không? Lính mà! Với lại tôi biết
Lê Huấn và lính Tiểu đoàn 4/1. Họ không có sợ chết đâu bác.
Ông nhìn trừng trừng vào mặt tôi, ý như
muốn hỏi sao tôi lại nêu lên một câu hỏi quá sức thừa thãi như vậy.
Ông Hạm trưởng chiếc Nhựt Tảo và ông
Tiểu đoàn trưởng Bộ binh vùng giới tuyến theo cấp bậc thì chưa phải là Tướng.
Nhưng cứ lấy chuyện cấp bậc ra mà so đo thì hẹp bụng quá! Theo tôi, hai ông này
xứng đáng hơn nhiều ông Tướng lon to chức lớn nhiều. Đeo tới lon Đại Tướng mà
đi đầu hàng giặc thì đeo làm chi cho nó nhục. Ông Hạm trưởng thì chết theo tàu
ở vùng biển xa tít phía Đông để chận bước xâm lăng của ngoại nhân phương Bắc.
Còn ông Tiểu đoàn trưởng thì cùng với tất cả sĩ quan và hầu hết binh sĩ của
mình đã nằm lại giữa núi rừng trùng điệp Hạ Lào, nơi con đường tiếp vận Bắc-Nam
của Cộng Sản đang ngày đêm đưa người, đưa súng vào xâm lược miền Nam.
Hồn
tử sĩ gió ù ù thổi,
Mặt
chinh phu trăng dõi dõi soi.
Chinh
phu tử sĩ mấy người,
Nào
ai mạc mặt, nào ai gọi hồn...
(Đoàn
Thị Điểm, Chinh phụ ngâm khúc)
Ra đi mà không hẹn được ngày về, đó là
số mệnh của kẻ chinh phu. Ngàn xưa cho tới bây giờ chiến tranh đã làm cho bao
nhiêu người ra đi không về. Có những cuộc chiến tranh phi nghĩa, người chết
uổng mạng. Nhưng có những cuộc chiến tranh tự vệ chính đáng, và những xương máu
đổ ra; những người chinh phu ra đi không về vì họ biết họ sẽ hy sinh cuộc đời
họ cho những người khác được sống tự do, đất nước họ được độc lập. Một trong
những cuộc chiến tranh chính đáng đó là cuộc chiến đấu bảo vệ Tự do của quân
dân miền Nam. Những chinh phu của miền Nam ra đi là để đổi mạng sống của họ lấy
tự do, no ấm cho chính miền Nam.
Đừng có ai ăn phải cháo lú của Cộng sản
rồi trở giọng cho rằng những xương máu đó đổ ra vô ích.
... Chinh phu tử sĩ mấy người
Nào ai mạc mặt, nào ai gọi hồn...
Trên căn cứ Lolo của cuộc hành quân Lam
Sơn 719 năm xưa, cây rừng bây giờ chắc đã mọc cao lắm rồi.
Dấu
binh lửa nước non như cũ
Kẻ
hành nhân qua đó chạnh thương.
(Đoàn
Thị Điểm, CPNK)
Bên ngoài cửa sổ, trăng vẫn sáng vằng
vặc. Nửa vòng trái đất bên kia, trăng vẫn sáng vằng vặc. Nửa vòng trái đất bên
kia, trăng vẫn sáng trên căn cứ Lolo núi rừng trùng điệp và trên Hoàng Sa ngàn
khơi lộng gió...
LÃO
MÓC
No comments:
Post a Comment