Cuối năm nói chuyện Già
Ngày xưa, khi gã còn
trẻ, ai nói đúng sai gì, gã cũng tìm cách phản bác. Bây giờ già rồi, kinh
nghiệm đầy mình, nhìn thấy cuộc đời muôn mặt, gã trở nên dễ dãi hơn, ai nói gì
cũng… gật, ai nói gì cũng thấy có lý...
Gã nói: “Ấy là dấu
hiệu đã về già”.
Rồi gã lại lẩn thẩn
suy nghĩ: “Bao nhiêu tuổi mới gọi là già nhỉ?”
Hồi gã mới 14,15 tuổi,
thấy các chị hàng xóm 18, đôi mươi, gã cứ nghĩ là những bà cô thuộc loại già
khú đế! Bây giờ, gần 60 tuổi, nhìn các bà 50 tuổi gã lại cho là trẻ, nhìn các
mẹ bốn chục, gã cho là con nít ranh! Thế thì, bao nhiêu tuổi mới gọi là già?!!!
Ở xóm trên có bà cụ
tuổi 90, chiều qua, than vãn với gã: “Giờ tôi còn khỏe, mai mốt già rồi chẳng
biết nương dựa vào ai!”
90 tuổi mà còn nói:
“…mai mốt già rồi…”. Thế thì, bao nhiêu tuổi mới gọi là già?!!!
Mỗi sáng đứng trước
gương, thấy trán mình cao hơn, đừng tưởng mình sắp trở thành người thông thái,
mà phải biết đó là chứng rụng tóc, đó là dấu hiệu của tuổi già… Nếu mình thấy
thiên hạ dường như trẻ lại, thì chính là mình đang già đi.
Những lúc khề khà bên
chén rượu với mấy ông bạn đồng liêu, gã nói: Khi về già thì tai điếc đặc, nghe
nhạc cứ như “đàn gảy tai trâu”. Nhưng có cái lợi là ai chê bai, trách móc, thậm
chí chửi bới, mình cũng chẳng nghe. Họ nói, họ nghe.
Khi về già, mắt kém, đọc
sách báo một lúc, chữ cứ nhòe đi, nghĩ cũng bực nhưng lại có thời gian đi tản
bộ quanh làng ngắm cảnh thiên nhiên.
Khi về già, đầu óc
không còn minh mẫn nữa, nói trước, quên sau. Cũng hay, bởi nhiều thứ đang cần
vứt bỏ bớt đi cho tâm hồn thanh thản, nhẹ nhàng, giữ lại cũng chẳng sinh ích
lợi gì mà khiến mình cứ phải suy nghĩ vẩn vơ.
Khi về già, chân tay
trở nên lóng cóng, ăn uống không được gọn gàng, thức ăn rơi vãi ra ngoài, dính
cả lên râu, lên mép. Gã nhớ đến câu chuyện đứa bé đẽo máng gỗ để dành cho cha
mẹ lúc về già có cái mà dùng, thật là chí lý.
Khi về già, ăn uống
thứ gì cũng phải kiêng khem. Kiêng mặn, kiêng ngọt, kiêng chất béo, kiêng thuốc
lá, kiêng rượu,...
Riêng gã, kiêng gì
cũng được, nhất định không kiêng rượu. Đi khám bệnh, cố nèo cho được thang
thuốc bắc về ngâm rượu. Bữa cơm nào cũng phải có tí rượu. Chán rượu, có nghĩa
là sức khỏe có vấn đề.
Gã quan niệm, kiêng
cũng chết mà không kiêng cũng chết. Chết là quy luật của tạo hóa. Chết là một
phần tất yếu của cuộc sống, nếu như không muốn nói đó là một kinh nghiệm kỳ thú
mà mỗi chúng ta chỉ được trải nghiệm một lần duy nhất trên đời...
Ai rồi cũng sẽ chết,
kẻ chết già người chết trẻ. Người già chết, chúng ta mừng cho họ vì họ thoát
khỏi hệ lụy trần gian, không còn là gánh nặng cho con cháu. Người trẻ chết,
chúng ta cũng mừng cho họ vì họ không còn phải bận tâm công ăn việc làm, cơm áo
gạo tiền, khỏi lo nhà cửa, khỏi lo yêu thương, giận hờn, ghen ghét, khỏi lo…
Khi về già, sức
khỏe là vốn quý. Nhưng nếu không hề đau ốm, thì cũng rất nhàm chán, không cảm
nhận hết được cái vốn quý ấy. Theo kinh nghiệm của gã, thỉnh thoảng nên ốm một
trận. Nhẹ thì chỉ cần bảo vợ con cho ăn bánh đúc mắm tôm, đấm lưng, cạo gió,
nấu nồi nước xông. Xông xong rồi lau người cho khô, lên giường ngủ một giấc. Sáng
mai thức dậy thấy đời tươi phơi phới!!! Nếu bệnh nặng, phải đi nằm bệnh viện
thì chớ vội nản lòng. Ngoài vợ con cháu chắt chạy ra chạy vào chăm sóc, thể nào
cũng có một vài ông bạn cố tri tìm đến an ủi, thăm nom. Thế chẳng phải là hạnh
phúc lắm ru?!
Nói thế thôi, khỏe
mạnh thì vẫn hơn. Sáng sáng, ra đường đi bộ cho giãn gân cốt, hít thở khí trời
trong lành, mà suy ngẫm về cuộc đời đã cho mình nhiều may mắn, mà tạ ơn Trời
Đất. Có một hôm, vô tình, không hẹn mà gặp, gã đi bộ cùng với bà hàng xóm.
Chẳng biết bà nghĩ gì, nhưng gã thấy bà vui, gã cũng vui. Bà kể chuyện huyên
thuyên, đủ mọi thứ trên đời, chẳng đâu vào đâu. Lúc chia tay, gã cảm thấy có
một chút lưu luyến, bà ấy cũng vậy. Gã cảm thấy yêu đời hơn.
Gã cảm thấy yêu đời
hơn, thế nên, gã đi nhuộm tóc. Tối hôm sau, gã rủ vợ đi ăn cơm tiệm. Chưa kịp
yên vị, bà chủ tiệm hỏi: “Hai chị em dùng gì?”. Gã bực lắm. Hồi trẻ, chắc chắn
sẽ to chuyện. Bây giờ già rồi, lão tự nhủ: “Một câu nhịn, chín câu lành”.
Già rồi, nhịn riết
cũng quen. Nhiều người già tự đặt cho mình một quy luật để sống, răm rắp tuân
theo, sáng trưa chiều tối… Gã nghĩ, thế cũng tốt nhưng khắt khe với bản thân
mình quá thì cũng không nên. Không nên để tâm bực bội những chuyện vu vơ. Không
nên tranh luận chuyện thiên hạ làm chi để hao mòn sinh lực, tổn hại tình thân
hữu. Đánh cờ cũng vậy, đánh cờ là để giải trí, không nhất thiết phải thắng,
thắng chưa chắc đã lợi, thua không hẳn là thiệt.
Già rồi, khi bị chê
bai, gã cười, không buồn, không oán trách.
Già rồi, nghe thiên hạ
khoe khoang, gã cứ giả vờ tin như thật. Gã chẳng mất gì mà làm cho thiên hạ
sướng, lên tận mây xanh.
Già rồi, còn làm
được gì giúp ích cho đời, cho gia đình, cho bản thân mình thì cố gắng mà
làm. Đừng nuôi mộng ước cao xa để rồi đến chết vẫn không thực hiện nổi. Hôm
trước gã đi thăm ông nhà văn sắp chết vì ung thư. Nằm thoi thóp trên giường
bệnh mà cứ thở vắn than dài do tác phẩm để đời, ấp ủ bấy lâu nay, vẫn chưa viết
được chữ nào!
Già rồi, thỉnh thoảng
gặp gỡ bạn bè, lếu láo vài ba chung rượu, ôn lại buồn vui sự đời, đó là hạnh
phúc. Già rồi, còn gặp nhau được ngày nào biết ngày đó, nên phải trân trọng,
yêu quý.
Già rồi, ai nói đúng
sai gì, kệ họ. Cuộc đời muôn mặt, nên ai nói gì cũng có cái lý của riêng họ. Gã
chỉ biết lắng nghe và cảm nhận.
Hôm nay, ngày cuối năm
, gã cầu chúc mọi người “già” thêm một tí, “lẩn thẩn” thêm một tí, “dở hơi”
thêm một tí để tuổi già vui thêm một tí, để cuộc đời tươi thêm một tí và để
thiên hạ “sướng” thêm một tí, “sướng” lên tận trời cao, ấy chứ lỵ....!
No comments:
Post a Comment