Hùng Tâm - Hồ Sơ Người-Việt Ngày 160217
Nằm trong bộ não của các cường quốc
Bất chấp phản ứng của quốc tế, việc Bắc Hàn lặng lẽ rồi ồn ào
tiến hành kế hoạch chế tạo võ khí hạch tâm cho thấy một mối nguy khác tại khu
vực Đông Á.
Sau bài “Bắc Hàn Cộng Sản Muốn Gì?” trên cột báo tuần trước, kỳ
này Hồ Sơ Người-Việt tìm hiểu tiếp về mối nguy xuất phát từ Bắc Hàn. Sự kiện
đáng ghi nhớ là từ ba chục năm trước, trong khi Trung Cộng khởi sự cải cách
kinh tế, chế độ Cộng sản Bắc Hàn đã kín đáo thực hiện kế hoạch này. Sau đấy,
Bình Nhưỡng không còn che giấu chủ đích, bất kể tới việc bị các nước trừng
phạt, phong tỏa tài chánh, cô lập, đe dọa quân sự và cả chiêu dụ viện trợ hay
việc Nam Hàn kêu gọi hòa giải và hợp tác để cải cách kinh tế. Ngần ấy biện pháp
cứng rắn hay ôn hòa, dọa hay dụ, đếu thất bại. Đầu năm nay, Bắc Hàn thử nghiệm
võ khí hạch tâm lần thứ tư và vào ngày Tết Nguyên Đán còn phóng hỏa tiễn tầm xa
để đưa một vệ tinh lên quỹ đạo.
Có khi thành công về kỹ thuật, có khi thất bại, Bắc Hàn vẫn kiên
trì khẳng định ý chí trở thành một cường quốc quân sự có loại võ khí tuyệt đối.
Vì sao?
Vì sự dung túng của Trung Cộng khi Bắc Kinh cũng thiết trí hỏa
tiễn trên các đảo nhân tạo mà ngang nhiên họ chiếm đoạt của xứ khác tại vùng
quần đảo Hòang Sa và Trường Sa? Hay vì Bắc Hàn thấy Hoa Kỳ đang hòa giải với
hai chế độ hung đồ là Cuba và Iran nên cũng muốn tồn tại và được đối xử như
vậy?
Bài Toán Bắc Hàn và Bài Toán Bắc Kinh
Từ bản chất, minh định bài toán Bắc Hàn cũng đã là một bài toán!
Phải chăng vì đấy là một hiện tượng đáng ngại của việc sản xuất
và phổ biến võ khí tàn sát hàng loạt? Bắc Hàn không chỉ chế tạo bom hạch tâm mà
còn cung cấp loại võ khí tàn sát cho chế độ hiếu sát tại Syria, cho tổ chức
khủng bố Hamas và Hezbollah được Iran bảo trợ. Chính quyền Barack Obama xưa nay
vẫn coi việc ngăn ngừa võ khí tàn sát là một ưu tiên chiến lược, vậy mà vẫn
ngần ngại nâng mức trừng phạt Bắc Hàn, nay còn kết ước với Iran và đang muốn
hợp tác với chế độ Bashar al Assad tại Syria để tìm giải pháp chống tổ chức
khủng bố ISIL.
Phải chăng vì Nam Hàn bị Bắc Hàn đe dọa với các loại võ khí quy
ước? Nếu có bom hạch tâm thì họ không ngần ngại gây chiến trên bán đảo Triều
Tiên và làm đảo lộn an ninh trong khu vực Đông Bắc Á khiến Nam Hàn, Nhật Bản,
Đài Loan và Trung Cộng rồi Hoa Kỳ phải vào cuộc? Khi ấy, tại sao Bắc Kinh không
thể hay không muốn can ngăn Bình Nhưỡng để khỏi gây thêm khó khăn cho Nam Hàn,
là một nền kinh tế cần thiết cho thị trường Hoa lục?
Hay là vì Bắc Hàn đã vi phạm nhân quyền một cách quá lộ liễu và
không còn sợ ai khi đã có loại võ khí tuyệt đối? Như một người điên bắt giữ con
tin và đòi tự sát bên một kho đạn? Hay như một tay hung đồ đang chứng tỏ khả năng
tấn công lãnh thổ Hoa Kỳ bằng hỏa tiễn tầm xa và từ nay sẽ có đầu đạn hạch tâm?
Như liệt kê ở trên gần ấy bài toán đều có lý do chính đáng và
đáng ngại cho từng nước hay cho cả khu vực. Nhưng bài toán Bắc Hàn còn rắc rối
hơn vậy. Dưới cái vẻ khật khùng điên cuồng, chế độ Cộng sản Bắc Hàn thật ra
biết lạnh lùng tính toán và có khả năng tính toán cao.
Họ biết khai thác mâu thuẫn trong nội bộ từng quốc gia – trước
nhất là Hoa Kỳ dưới sự lãnh đạo của Barack Obama - để chi phối đối sách của các
nước trước mối đe dọa của họ. Nhờ vậy, dù có một quốc gia nghèo đói và nền kinh
tế mạt rệp, ở giữa nhiều cường quốc quân sự và kinh tế, Bắc Hàn vẫn có thể tác
yêu tác quái. Họ gây ly gián trong từng nước và giữa các nước với nhau, để bảo
vệ một chế độ thuộc loại tồi tệ nhất. Các nước đó là Trung Cộng, Nam Hàn, Liên
bang Nga, Hoa Kỳ, và cả tổ chức ồn ào mà bất lực là Liên hiệp quốc. Nghia là
một phần bài toán Bắc Hàn nằm tại các quốc gia khác. Mỗi khi các nước này nói
đến một giải pháp cứng rắn thì lại có người can ngăn, rằng nếu không khéo xử
thì sẽ có chiến tranh lan rộng. Chưa thấy chiến tranh thì Bắc Hàn đã tiến lên
vị trí bất khả xâm phạm.
Khi nhìn bài toán Bắc Hàn như vậy, chúng ta nên tưởng tượng ra…
bài toán Bắc Kinh.
Nó không khác mà nguy kịch gấp bội! Chưa tưởng tượng ra thì hãy
nhớ tuần qua, khi Tổng thống Obama tiếp đón nguyên thủ của 10 nước trong Hiệp
hội ASEAN để thảo luận về hợp tác kinh tế và an ninh trước đà bành trướng của
Trung Cộng tại vùng biển Đông Nam Á thì có tin là từ ngày ba Tháng Hai, Bắc
Kinh đã thiết trí hỏa tiễn địa-không lọai Hồng Kỳ lớp 9, có tầm xa hơn 200 cây
số, trên đảo nhân tạo họ chiếm đoạt của Việt Nam. Trong cuộc họp báo tại Rancho
Mirage, Tổng thông Obama lờ hẳn chuyện này, như là không có…. Khi hung đồ nắm
võ khí thì ai cũng cố nghĩ tới quyền lực mềm, hay giải pháp nhượng bộ.
Sau khi thấy ra kích thước và bản chất quá rắc rối của bài toán,
chúng ta có thể lặng lẽ đóng lại và quên đi. Hoặc nghĩ tới một khảo hướng khác…
Hồ Sơ Người-Việt nhìn vào một hướng tiếp cận tích cực hơn, dù hơi trái
khoáy.
Phân Giải Bài Toán
Trước loại vấn đề nan giải như vậy, ai cũng mơ ước một kịch bản
lý tưởng và đơn giản mà không tưởng, theo hướng cương hoặc nhu. Các nước đã có
gần hai chục năm đối phó với Bình Nhưỡng khi lãnh tụ Kim Chính Ân còn là học
sinh. Từ song phương tới đa phương, từ hai phe tới sáu nước (Nam-Bắc Hàn, Nhật,
Tầu, Nga, Mỹ) các nhà ngoại giao đã thương thuyết mà không xong. Một lý do giải
thích là vì muốn tránh rủi ro đụng độ trước mắt, người ta cố đẩy lui vấn đề và
tự khen là hiếu hòa, nhưng tích lũy nhiều rủi ro lớn hơn. Cho đến khi hết chỗ
lùi thì chiến tranh bùng nổ.
Nay ta thử nhìn bài toán Bắc Hàn từ một giác độ khác. Từ cái đầu
của các lãnh tụ côn đồ.
Chế độ cộng sản Bắc Hàn xuất hiện sau Thế chiến II nhờ Liên bang
Xô viết và Trung Cộng với khẩu hiệu độc lập và tự chủ. Nó ra đời từ một vụ xâm
lược trắng trợn của khối cộng sản là Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953. Sau đấy,
từ năm 1953 tới nay, nó tồn tại như một di căn khi hai quan thầy cộng sản kia
là Nga Tầu đều biến chất; tiêu vong như Liên Xô rồi tái sinh thành Liên bang
Nga; hoặc cải cách theo kinh tế thị trường mà vẫn duy trì phương pháp cộng sản
và tinh thần Đại Hán là Trung Cộng thời nay.
Chế độ ấy tại Bình Nhưỡng tự thấy mình là quái thai có thể sẽ bị
hủy diệt vì trước mặt là Nam Hàn giàu mạnh có dân chủ, một nguồn khích lệ cho
dân Cao Ly. Đằng sau Nam Hàn có Hoa Kỳ với lực lượng quân sự vẫn hiện diện
chính đáng – trong khuôn khổ Liên hiệp quốc – từ Hiệp định Ngưng bắn tại Bàn
Môn Điếm vào năm 1953. Chung quanh là các cường quốc Nga Tầu nay đang bắt tay
làm ăn với Nam Hàn, lâu lâu mới cho mình một chút cơm thừa canh cặn.
Chế độ Bắc Hàn sợ bị lật đổ, sẽ chịu chung số phận của Romania
dưới thời Nicolas Ceaucescu, hay gần đây hơn, của Iraq dưới thời Saddam
Hussein, Libya dưới thời Muamar Gadhafi. Nó nương tựa vào Bắc Kinh để gây rối
mỗi khi Trung Cộng cần phô trương ảnh hướng. Nó muốn có một thỏa ước ngoại giao
hợp thức hóa sự hiện hữu thay cho Hiệp định 1953, nhưng không tin vào sự kết
ước ngoại giao ấy. Các cường quốc đã có thể ký kết nhiều hiệp định rồi xé nát,
Hiệp định Paris 1973 cho Việt Nam Cộng Hòa là một thí dụ mà cả Nam và Bắc Hàn
đều nhớ!
Vì vậy, ngoài tờ giấy không đáng tin thì phải có một quả bom
đáng sợ.
Iran cũng tính như vậy nên đang được Chính quyền Obama o bế. Cha
con Gadhafi thì tìm thế kết ước với các nước Tây phương từ năm 2003 mà sau đó
vẫn bị bức tử vì dại dột từ bỏ kế hoạch chế tạo võ khí tàn sát. Saddam Hussein
cũng thế. Đâm ra, chính sự lật lọng của Hoa Kỳ mới củng cố lý luận bi quan và
tàn khốc của các chế độ hung đồ.
Tình đồng chí của Trung Cộng làm nốt phần vụ còn lại. Bắc Kinh
luôn luôn chung thủy với bọn đồ tể họ nhào nặn lên. Họ có một hệ thống luân lý
khác và khinh thường cái đạo lý ưa dời đổi của các nước dân chủ Tây phương. Tấm
gương của Quốc vương Pahlavi xứ Iran hay Tổng thống Hosni Mubarak của Ai Cập đã
chiếu tới Bình Nhưỡng. Và Bắc Kinh với Bắc Hàn hiểu nhau hơn cả, họ có sự thông
cảm cùa phù thủy với âm binh.
Và cách Hoa Kỳ vuốt ve Cuba hay Hà Nội ngày nay càng củng cố lý
luận quái đản ấy: phải chơi với Mỹ trên thế mạnh. Cứ chửi cha Hoa Kỳ thì dù độc
tài hay tham nhũng vẫn được ôm hôn thắm thiết.
Nói về võ khí tàn sát thì Pakistan và Ấn Độ đều đạt thành tích
ngoại giao là đã chế bom hạch tâm mà vẫn có quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ, chứ
làm gì có chuyện đoạn giao?
Sau cùng, khi phân giải bài toán Bắc Hàn trong cái đầu của Bình
Nhưỡng, người ta không quên trường hợp của ba quốc gia từng bị Hoa Kỳ kết án là
“Trục Tội Ác”: Iraq, Iran và Bắc Hàn. Ngày nay, Iraq đã bị loạn to, Iran đang
được Hoa Kỳ giải vây, còn Bắc Hàn thì vẫn đứng ngoài. Họ kết luận: ta không thể
tiêu vong và lại còn được Mỹ o bế nếu có võ khí tuyệt đối trong tay!
____
Kết luận ở đây là gì?
Dựa trên đạo đức nửa mùa, Chánh sách đối ngoại của Hoa Kỳ thực
tế khuyến khích các chế độ tà ma độc ác, cho tới khi lãnh tụ của họ được trải
thảm đỏ mời vào Washinghton chụp hình.
Trong khi Bắc Kinh lặng lẽ xây đảo nhân tạo và tủm tỉm cười về
lẽ tất thắng của sự tà ma.
Khốn nỗi, chân lý quái quỷ ấy lại chưa thấm vào cuộc tranh cử
Tổng thống tại Hoa Kỳ!
No comments:
Post a Comment