Hiệu
ứng Trung Quốc
Nguyên Lam &
Nguyễn-Xuân Nghĩa, RFA
2016-01-13
2016-01-13
Vụ cổ phiếu Trung Quốc
bị rớt giá trong mấy ngày đầu năm thật ra không đáng ngại bằng nhiều dấu hiệu
suy thoái khác của nền kinh tế có sản lượng đứng hạng nhì. Nếu kinh tế xứ này
suy sụp dần trong những năm tới thì hậu quả sẽ ra sao cho thế giới? Diễn đàn
Kinh tế tìm hiểu về hiệu ứng đó qua phần trao đổi với chuyên gia Nguyễn-Xuân
Nghĩa, tư vấn kinh tế của ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do.
Khả năng quản lý kém cỏi
Nguyên Lam: Xin kính chào ông Nghĩa. Tuần trước, ông trình
bày một vòng chân trời về những gập ghềnh của thế giới trong năm 2016. Tuần này
chúng tôi xin đề nghị ông tập trung vào hoàn cảnh Trung Quốc với nhiều dấu hiệu
trì trệ ngày càng rõ nét, nổi bật là vụ cổ phiếu sụt giá mạnh trong những ngày
đầu năm khiến các thị trường tài chính đều bị chấn động. Nếu kinh tế Trung Quốc
đi vào chu kỳ sa sút, như ông đã dự báo nhiều lần và khá sớm, thưa ông, tình
hình sẽ ra sao cho các nền kinh tế khác?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Chúng ta sẽ khởi sự với vụ sụt giá cổ
phiếu Trung Quốc làm thiên hạ hốt hoảng. Thị trường chứng khoán xứ này mất giá
hơn 16% trong có mươi ngày đầu năm nên lôi kéo sự chú ý của các nước, không vì
ảnh hưởng tài chính mà về khả năng ứng xử rất kém của các cơ quan hữu trách.
Ảnh hưởng tài chính
của vụ chứng khoán sụt giá tại Trung Quốc là yếu tố không đáng kể cho thế giới
vì thị trường này vận hành khác và trị giá không nhiều, nếu như có tính ra được
kết giá thị trường của các cổ phiểu. Thị trường chứng khoán Trung Quốc không là
nơi huy động vốn kinh doanh và cổ phiếu bán ra không cho giới đầu đầu tư quyền
tham gia quản lý hay kiểm soát tình hình kinh doanh. Đấy là sòng bạc cho giới
đầu cơ muốn có lời mau nên dễ bị lỗ nặng thôi!
Sau mấy ngày hốt
hoảng, thế giới sở dĩ theo dõi thị trường chứng khoán xứ này vì thấy ra vài sự
thật. Người ta tưởng Bắc Kinh có viễn kiến lâu dài, làm gì cũng tính toán và có
phản ứng đồng bộ dưới sự lãnh đạo tập trung nay càng tập trung hơn. Sự thật thì
các cơ quan hữu trách lại thiếu phối hợp, lấy quyết định chủ quan duy ý chí -
như đặt ra cầu chì cho cháy để đóng cửa giao dịch nếu giá sụt 5% rồi lại thu
hồi sau bốn ngày áp dụng vì gây phản tác dụng. Họ can thiệp vào thị trường
ngoại hối mà chẳng có khả năng và thiếu thông tin mạch lạc cho thị trường, rồi
sau đó còn đổ lỗi cho người khác. Chính khả năng quản lý kém cỏi này mới gây lo
ngại khi kinh tế đi vào chu kỳ suy thoái.
Nguyên Lam: Thưa ông, đâu là những dấu hiệu của
sự suy thoái sắp tới?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Nhẹ nhất, đơn đặt hàng chế biến qua chỉ
số PMI của CaiXin sa sút liên tục 10 tháng liền và nhà cầm quyền hạ lãi suất
hoặc lại bơm tiền vào kinh tế. Nhiều nơi nói đến nhu cầu bơm ra gần sáu ngàn tỷ
đô la nếu muốn kích thích sản xuất như vào năm 2009. Nhưng bơm bao nhiêu và
trong bao lâu mới đủ khi núi nợ chất đống đã có thể sụp đổ nay mai?
Một chỉ dấu khác, năm
qua dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc mất một ngạch số tương đương với 513 tỷ đô
la và riêng trong Tháng 12 thì mất 108 tỷ, tức là mỗi ngày mất ba tỷ sáu! Tháng
Chín vừa qua, chúng ta cũng nhắc đến sự kiện này qua bài “Nếu Bắc Kinh Xuất
Khẩu “Đạn?” với ý nghĩa là họ dùng ngoại tệ dự trữ như một võ khí, một loại
quyền lực mềm. Điều đáng chú ý là hôm mùng bảy vừa qua, Ngân hàng Trung ương
Bắc Kinh đã lần đầu tiên xác nhận chuyện dự trữ hao hụt. Ta phải kết luận là
Trung Quốc đang trôi vào chu kỳ suy thoái có thể kéo dài cả chục năm, với hậu
qủa bất lường cho mọi người, kể cả lãnh đạo Bắc Kinh nên họ đang có biện pháp
đàn áp để ngừa trước.
Đấy là loại chỉ dấu
“phi kinh tế”, như có thái độ hung hăng bất thường về quân sự để chứng tỏ niềm
tự tin với quốc tế, hoặc truy tố và bắt cóc hàng loạt đảng viên, doanh gia và
nhà báo, hay Chủ tịch Tập Cận Bình có bài diễn văn phê phán quân đội vào dịp
cuối năm, là điều chưa từng thấy từ thời Mao…
Nguyên Lam: Ông vừa nói về loại hậu quả bất lường cho lãnh
đạo Bắc Kinh, có lẽ vì đặc tính độc tài toàn trị của chế độ. Nhưung với thế
giới bên ngoài thì người ta có thể ước tính được những hiệu ứng về kinh tế
trong luồng giao dịch toàn cầu, thưa ông, hiệu ứng đó là gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi xin đề nghị là ta nhìn trên toàn
cảnh trước khi đi vào mạng lưới giao dịch của các nước với nền kinh tế Trung
Quốc.
Trước hết, thế giới
đang sử dụng hai mặt hàng phổ biến có ảnh hưởng toàn cầu là đô la và dầu thô.
Người ta quá chú ý đến việc đồng bạc Trung Quốc mất giá nên càng thúc đẩy nạn
tẩu tán tư bản. Thật ra, hệ quả trực tiếp của sự kiện này là Mỹ kim lên giá và
càng đánh sụt giá thương phẩm. Thí dụ dễ hiểu là doanh nghiệp và khách nợ Trung
Quốc sẽ phải bán đồng Nguyên mất giá để mua vào Mỹ kim để đầu tư hay trả nợ.
Thứ hai, nói về thương phẩm thì kinh tế Trung Quốc đói ăn và khát dầu, ăn thì
khó nhịn chứ dầu khí cho sản xuất sẽ giảm khi sản lượng giảm. Số cầu sút giảm
này càng khiến dầu thô sụt giá mạnh năm nay, kéo theo nhiều loại thương phẩm
như nguyên nhiên vật liệu và cả nông sản.
Hiệu ứng TQ sẽ gây bất lợi cho các nước
Nguyên Lam: Sau khi ông nhắc tới hai mặt hàng có
tác dụng chuyển lực từ thị trường này qua thị trường khác là đô la Mỹ và dầu
thô đang sụt tới mức đáng ngại và còn có thể sụt nữa, Nguyên Lam xin đề nghị
ông nói về hiệu ướng qua mạng lưới giao dịch giữa các nước với Trung Quốc.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Từ 20 năm nay, thế giới cứ sai lầm ngợi
ca phép lạ kinh tế Trung Quốc như đã sai lầm và bị bất ngờ về sự kỳ diệu Nhật
Bản sau khi Nhật bị suy thoái từ năm 1991. Trong khi ấy, dấu hiệu sa sút của
Trung Quốc đã rõ rệt từ năm 2014, cũng là năm dự trữ ngoại tệ xứ này hết tăng
mà giảm. Thành thử, các nước bắt đầu đối diện với hiệu ứng suy thoái của Tầu,
mà thật ra chưa tìm ra giải pháp thay thế khi ba đầu máy kinh tế mạnh nhất là
Âu, Mỹ, Nhật vẫn chưa phục hồi. Bây giờ thì tính nhẩm ta mới thấy quốc gia nào
lệ thuộc nhiều nhất vào xuất khẩu sẽ bị hiệu ứng nặng nhất và càng làm giàu vì
bán hàng cho Tầu thì lại càng vất vả. Thí dụ hàng đầu là Nam Hàn, Đức, Malaysia
hay Saudi Arabia. Đấy là nói chung.
Đi vào chi tiết thì có
mươi nước xuất khẩu nhiều nhất vào Trung Quốc. Theo thứ tự là Nam Hàn, Nhật,
Mỹ, Đài Loan, Đức, Úc, Malaysia, Brazil, Saudi Arabia, Nam Phi và Nga. Trong
các bạn hàng sẽ lâm nạn khi kinh tế Trung Quốc suy thoái thì ta còn phân biệt
loại quốc gia bán thương phẩm là nguyên nhiên vật liệu, kim loại hay nông sản
như đậu nành, với loại quốc gia bán hàng công nghiệp chế biến, linh kiện điện
tử hay thiết bị cao cấp. Loại bán hàng sơ đẳng thì có Úc, Brazil, Saudi, Nam
Phi, Nga và sẽ bị hai lần họa là dầu thô cùng thương phẩm đều sụt giá. Loại bán
hàng cao cấp là Nam Hàn, Nhật, Mỹ, Đài Loan và Đức thì tương đối bị nhẹ hơn.
Nhẹ nhất và đây là chi tiết lạ, chính là Mỹ và Nhật vì kinh tế thật ra ít lệ
thuộc vào xuất khẩu với tỷ trọng xuất khẩu chỉ chiếm 13,5% và 16% mà thôi.
Có bị nhẹ hơn Úc hay
Nam Hàn thì hoàn cảnh của Đức cũng đáng chú ý. Kinh tế xứ này là đầu máy của
khối Âu Châu và dù Đức chỉ bán cho Tầu chưa đầy 7% của tổng số xuất khẩu của
mình, thị trường Trung Quốc lại ảnh hưởng lớn đến kỹ nghệ xe hơi và phụ tùng xe
hơi của Đức và từ đó chi phối cả chuỗi cung ứng của nhiều nước Âu Châu khác. Vì
vậy, hiệu ứng Trung Quốc sẽ gây bất lợi cho cả Âu Châu, và bất lợi hơn là cho
Hoa Kỳ hay Nhật Bản.
Nguyên Lam: Quả thật là nếu nhìn ra quan hệ chằng
chịt của việc mua bán giữa các nước thì ta mới ước tính được hậu quả gần như
toàn cầu của sự sa sút kinh tế tại Trung Quốc. Thưa ông, tuần qua khi vụ sụt
giá chứng khoán bên Tầu gây chấn động thì tỷ phú Georges Soros báo động rằng
thế giới có thể lại bị khủng hoảng như đã từng bị vào năm 2008. Vì ông Soros
từng là nhà đầu tư nổi tiếng từ mấy chục năm qua với những thành tích tiên báo
khá chính xác, ông Nghĩa nghĩ sao về lời cảnh báo này?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi nghĩ rằng sự thể sẽ còn tệ hơn vậy,
nhất là cho Trung Quốc! Trên diễn đàn này, mỗi khi nói đến việc lượng định tình
hình, tôi cứ trở lại vụ khủng hoảng năm 2008 với hậu quả là nạn Tổng suy trầm
2008-2009. Thật ra thế giới chưa ra khỏi biến động từ đầu nguồn là 2008.
Hoa Kỳ là một điển
hình với các nhược điểm chưa giải quyết được từ đó và nếu có phục hồi thì cũng
chỉ là tương đối mà thôi. Âu Châu là thí dụ rõ rệt hơn với vụ khủng hoảng của
đồng Euro từ đó đến nay vẫn còn hoành hành. Thí dụ thứ ba chính là Trung Quốc.
Khi khủng hoảng bùng nổ, Bắc Kinh lập tức tăng chi khoảng 586 tỷ đô la và ào ạt
bơm tín dụng để kích thích kinh tế vậy mà sản lượng không tăng và lại chất lên
một núi nợ rất cao trong khoảng thời gian rất ngắn và từ năm 2014, bắt đầu sa
sút. Ngay Việt Nam hay nhiều nước đang phát triển cũng thế, từ năm 2008 đã vay
mượn và bị bội chi ngân sách nặng hơn xưa, mà có vẻ như chưa thấy là tình hình
nguy ngập!
Nguyên Lam: Nếu như vậy, phải chăng là từ vụ
khủng hoảng 2008, thế giới đang bị nhồi thêm vào một biến động khác là hiệu ứng
từ Trung Quốc?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Từ biến động tài chánh 2008, thế giới
rơi vào trạng thái hỗn loạn cộng hưởng bao trùm lên các lĩnh vực xã hội, kinh
tế, chính trị và cả an ninh. Đấy là hiện tượng “khủng hoảng niềm tin” chứ không
chỉ là khủng hoảng kinh tế. Nó manh nha từ năm 2013 và ngày nay kết tụ
vào Âu Châu rồi Trung Quốc. Các nước Âu Châu có tinh thần dân chủ và lý tưởng
hòa giải mà còn bị nguy cơ phân hóa, huống hồ Trung Quốc là một khu vực quá
rộng lớn với những khác biệt rất khó dung hòa?
Kết luận ở đây có lẽ
mở rộng ra ngoài lĩnh vực kinh tế, là hiện tượng cơ năng rời rạc của hệ thống
chính trị Trung Quốc, cứ tưởng như có toàn quyền quyềt định với khả năng điều
hợp rất cao của một chế độ độc tài. Sự thật như đã thấy trong vụ sụt giá cổ
phiếu vừa qua và sẽ thấy trong chu kỳ suy thoái của mấy năm tới, là hệ thống
kinh tế chính trị này không thể giải quyết các bài toán quá phức tạp của một
thị trường toàn cầu, vận hành với tốc độ cao. Lãnh đạo Bắc Kinh có lên giọng uy
hiếp các nước khác thì vẫn khó ứng xử với quá nhiều sức ly tâm ở bên trong. Cho
nên vấn đề không chỉ là suy trầm toàn cầu vì hiệu ứng Trung Quốc, vấn đề sẽ là
những chấn động chính trị từ Á sang Âu.
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do xin cảm
tạ ông Nghĩa về bài phân tích này.
Nguồn: http://www.rfa.org/vietnamese/programs/EconomicForum/the-chinese-effect-nxn-01132016084539.html
No comments:
Post a Comment