Tuesday, December 22, 2015

Hoa Kỳ Nhìn Từ Bên Trong


Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người Việt Ngày 151221
"Hoa Kỳ Nhìn Từ Bên Ngoài"


Vì khủng bố nội hóa từ bên trong….


“Hoa Kỳ Nhìn Từ Bên Ngoài” là một mục định kỳ từ 10 năm nay để “giải ảo” về những điều tưởng như là biết về nước Mỹ. Hoa Kỳ là một xã hội phức tạp hơn những gì chúng ta thường nghĩ, dù tưởng rằng đã có kinh nghiệm về nước Mỹ tại Việt Nam rồi của người Việt tại Mỹ. Vì quá phức tạp nên mình vẫn nên nghĩ rằng mới chỉ nhìn từ… bên ngoài dù đã sống ở bên trong!

Đánh dấu 10 năm viết về nước Mỹ, kỳ này, người viết xin nhìn ngược từ trong ra ngoài. Chỉ vì nạn khủng bố….

***

Sau hai vụ khủng bố liên tiếp, tại Paris và San Bernardino, người dân Mỹ đã lại có thói quen hốt hoảng. Và theo truyền thống, các chính trị gia khai thác sự hốt hoảng ấy và gây thêm nhiễu âm lẫn ảo giác cho một vấn đề khó có giải pháp toàn hảo.

Chúng ta hãy khởi đi từ đấy.

Trước hết, về cái thuật khai thác sự hốt hoảng, việc tỷ phú Donald Trump, với người viết thì chỉ là “Con Vịt Donald” quang quác, đưa ra chủ trương cấm cho dân Hồi giáo nhập cư vào Mỹ đã được truyền thông thổi lên trang nhất và phất hình vào giờ cao điểm. Cũng dễ hiểu thôi cái lập trường nhuốm mùi phát xít ấy, vì các cuộc khảo sát nóng hổi cho biết vài sự thật lạnh mình về dân Mỹ: hơn một phần ba, là 36%, đồng ý với việc cấm cửa người Hồi giáo; 61% cho là vì nhu cầu an ninh, Hoa Kỳ nên tăng cường thanh lọc dân tỵ nạn đến từ Syria; gần một nửa, là 49%, nói rằng họ sợ gia đình và bản thân sẽ là nạn nhân của khủng bố; và 83% thành phần ghi danh đi bầu thì tin rằng trong tương lai ngắn hạn Hoa Kỳ sẽ bị thiệt mạng lớn vì khủng bố.

Một quốc gia quá hùng mạnh thường lạc quan nghĩ rằng ta làm gì cũng đuợc nhưng một dân tộc quá trẻ nên sau khi hồ hởi sảng lai hay hốt hoảng bậy. Đấy là lúc họ nhìn lên Thượng Đế: O My God! Các chính trị gia cứ thế mà kiếm phiếu….

Xin hãy kiểm điểm lại.

Ngày tám Tháng 12, Hạ viện Hoa Kỳ biểu quyết một biện pháp giới hạn việc cho vào nước Mỹ những ai đã đi qua hai nước Iraq và Syria sau ngày một Tháng Ba năm 2011. Lý do: nội chiến Syria bùng nổ từ ngày 15 Tháng Ba năm đó. Biện pháp thanh lọc ấy cũng đòi các nước tham dự chương trình miễn chiếu khán (visa waiver program) phải cho nhà chức trách Mỹ những thông tin về chống khủng bố và cung cấp “thẻ thông hành sinh lý” – lý lịch sinh học của du khách – nếu không thì bị gạt khỏi chương trình.

Song song, bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết là đang mở cuộc điều tra về việc hung thủ Tasheen Malik lại được vào Mỹ năm 2014 theo diện đám cưới với hôn phu là Syed Farook, một thanh viên gốc Pakistan sinh tại Hoa Kỳ. Lý do của các biện pháp bảo vệ an ninh như vậy xuất phát từ vụ khủng bố tại Paris ngày Thứ Sáu 13 Tháng 11: đa số hung thủ là công dân Âu Châu đã từng đi qua Syria.

Khốn nỗi, sự thật lại chẳng đơn giản. Đặc công khủng bố thường ra vào Syria hay Iraq bằng cửa lậu, nên chẳng có giấy tờ hay hồ sơ xuất nhập, như con dấu đóng trên sổ thông hành.

Trước đây, khi còn có sổ thông hành bị đóng dấu tại cửa khẩu của Afghanistan hay Pakistan thì họ khai man là mất sổ để xóa vết tích kiểm chứng nên Hoa Kỳ mới cần sự cộng tác của các đồng minh để chia sẻ thông tin. Và nếu có chi tiết về việc nghi can đã quá quan hai xứ Syria và Iraq thì đấy là từ hệ thống tình báo hơn là di trú.

Thật ra, Hoa Kỳ đã lập thể thức kiểm soát thông hành và chiếu khán từ sau vụ 9-11 năm 2001.

Thể thức ấy còn được tăng cường sau khi có vụ khủng bố hụt bằng chất nổ giấu trong đồ lót vào năm 2009. Chính là vì chế độ kiểm soát hiệu nghiệm này nên quân khủng bố xưng danh Thánh Chiến Jihad, như Al-Qaeda rồi Nhà nước Hồi giáo ISIS, mới nghĩ tới giải pháp khủng bố nội địa, khủng bố tự phát và khủng bố không đầu não: kết nạp cảm tình viên và dùng hê thống tuyên truyền trên mạng để huấn luyện đặc công bố ngay trong lòng “địch”, trong các xã hội Tây phương.

Nếu không hốt hoảng mà cố nhìn vào bên trong, người ta có thể thấy đa số các vụ khủng bố nhắm vào nước Mỹ sau vụ 9-11 đều xuất phát từ công dân Mỹ hơn là từ kẻ xa lạ ở bên ngoài muốn lẻn vào Mỹ để giết người. Cũng chi tiết ấy khiến ta chú ý đến nạn khủng bố nội địa hơn là quốc tế.

Từ quốc tế chỉ có một chuỗi đánh hụt: Richard Reid và các công dân Anh vào Mỹ bị lớ ngớ tuột giày; Al-Qaeda tại Bán đảo Á Rập AQAP thì lọt ải kiếm soát di trú bằng một người không thuộc nước Yemen đáng nghi, mà là dân Nigeria, tay khủng bố giấu bom trong tã Umar Farouk Abdulmutallab.

Từ bên trong, quân khủng bố nội địa có gây tiếng vang: như Jose Padilla, kẻ chơi bom bẩn; Najibullah Zazi, kẻ ra tay dưới hầm xe lửa New York; kẻ tông xe SUV tại Đại học North Carolina là Mohammed Reza Taheri-Azar, v.v… Và sau vụ 9-11, mọi đòn tấn công gây tử vong đều xuất phát từ các công dân Hoa Kỳ, ngoại lệ duy nhất là một công dân Ai Cập vào Mỹ dưới diện… tỵ nạn chính trị, là Hesham Mohamed Haydayet. Nhiều lắm, danh tánh của bọn sát nhân thuộc diện Mỹ giấy: John Mohammed, Aldulhamim Mujahid Muhammad; Thiếu tá Abdul Nidal, hai anh em Dzhokar và Tamerlan Tsarnayev, Zale Thompson, Muhammad Abdulazeez và vợ chồng hung thủ tại San Bernardino, có thể với sự đồng lõa của Enrique Marquez, v.v…

Cho nên, khi nhìn từ bên trong, chúng ta cần có kết luận khác.

Hoa Kỳ vẫn phải duyệt lại và tăng cường hệ thống thanh lọc di dân để ngăn khủng bố ngoại nhập chắc chắn là vẫn muốn vào Mỹ bằng ngả nay hay ngả khác, nhưng nạn khủng bố nội hóa, do các hung thủ đã có quốc tịch Hoa Kỳ vẫn có thể nảy mầm trong nước Mỹ từ hoạt động tuyên truyền của nhiều tổ chức Thánh Chiến ở bên ngoài. Đấy là thực tế của đời sống tại Hoa Kỳ. Và những trách cứ ồn ào của các chính khách nhằm xiết chặt kiểm soát di dân còn có thể gây ấn tượng nguy hiểm, rằng nước Mỹ sẽ an toàn hơn vì đã có nhà nước lo.

Người Mỹ không thể cấm cửa dân Hồi giáo theo đề nghị của Donald Trump, càng không thể trục xuất mọi người Hồi giáo. Người Mỹ cũng chẳng thể phó mặc việc bảo vệ cho các cơ quan hữu trách như FBI, NSA hay CIA và Cảnh sát địa phương.

Người Mỹ phải tự nhìn vào trong, về văn hóa và thông tin, về giáo dục và phát triển cộng đồng. Xã hội công dân, doanh nghiệp, các tổ chức ngoài chính phủ, và lãnh đạo tôn giáo, kể cả đạo Hồi, v.v… cần tự đảm nhiệm vai trò bảo vệ ngay trong đời sống thường nhật, trong khu phố, trường học hay giáo đường. Nhất là trên các mạng xã hội.

Đấy là nơi mà các tổ chức khủng bố tuyên truyền để kết nạp cảm tình viên, với phương tiện và kỹ thuật hiện đại.

Kết luận ở đây là mối nguy cho nước Mỹ không chỉ đến từ ngoài mà đã có sẵn ở bên trong. Mối nguy đó đến từ tâm lý và tâm linh.

***

Không hiểu sao, người viết bỗng lâm râm hát “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm.
 
Merry Christmas và Happy Near You!





No comments:

Post a Comment