TẠI SAO VŨ-HOÀNG-CHƯƠNG BỊ VC BẮT VÀO TÙ KHÁM LỚN???.
Phạm-công Bạch, CVA 57
Đã là cựu học sinh Chu-văn-An, ai
không biết thi sĩ Vũ-hoàng-Chương là một vị giáo-sư Việt Văn rất đáng mến. Quả thật vậy, trong cuộc đời thi sĩ, Ông đã từng xuất bản cả chục tập thơ và kịch thơ , cũng như trong nghề dạy học, ai đã từng là học trò Ông thảy đều thương kính, coi Ông như một vị giáo sư có đầy đủ tác phong về đạo đức và sư phạm. Hơn thế nữa, hãy xem nhà văn
Song-Thao (cũng là một cựu học sinh Chu-văn-An) mô tả Ông trong
tập truyện “Chốn cũ” vừa xuất bản:
“Thầy đi quanh lớp bằng những bước chân nhẹ nhàng, đầu nghểnh cao, mắt xa vắng, giảng bài bằng cái giọng nhừa nhựa thanh thanh. Có những lúc mắt thầy như nhắm hẳn lại, đầu lắc lắc từng chặp. Những lúc đó thầy như thoát hồn bay về một trời thơ nào đó. Thầy say thơ. Thầy ngâm thơ như một người đồng thiếp. Như không còn thầy. Như không có trò. Như không phải là một lớp học. Chỉ có một cõi thơ lồng lộng bát ngát. Chúng tôi cũng thấm thơ. Vô cùng nồng nàn là những dòng thơ đất Việt. Chỉ có tiếng chuông báo hết giờ học mới có thể kéo thầy trò ra khỏi cơn mê văn chương…”
Làm thơ đã hay, dạy học thì say mê
như thế, Vũ-hoàng-Chương không hề làm chính trị. Hồi toàn quốc kháng chiến năm 1946, Ông cũng chỉ tản cư khỏi thành phố một thời gian rồi lại hồi cư, chứ không ra bưng. Từ năm 1954
khi di cư vào Saigon,
Ông cũng không tham gia một đảng phái nào. Thế nhưng cuộc đổi đời ” tháng tư đen” đã đưa Ông vào tù và
chỉ được tha về khi kiệt lực gần chết. Chúng ta thử tìm hiểu nguyên do nào đã đưa Ông vào vòng lao lý gần một năm trời. Với thân hình gầy còm và “ả phù dung” dằn vặt làm sao Ông sống nổi. Kể ra cũng có nhiều lý do xa gần.
Bài thơ hoạt cảnh Tết Con Rồng.
Miền nam ViệtNam bị mất về tay cộng sản tháng tư năm 75 thuộc năm Mão. Cuộc đổi đời đã gây ra nhiều cảnh éo le cả về hoàn cảnh xã hội lẫn nhân tình thế thái. Vũ-hoàng-Chương bị kẹt lại và Ông đã mắt thấy tai nghe và ngay cả chính Ông cũng là nạn nhân của sự thế . Cuối năm bước sang năm Thìn là tết con rồng, Ông đã làm một bài thơ tức cảnh như sau:
Vịnh tranh gà lợn
Sáng chưa sáng hẳn, tối không đành,
Gà lợn om sòm rối bức tranh.
Rằng vách có tai, thơ có hoạ
Biết lòng ai đỏ, mắt ai xanh.
Mắt gà huynh đệ bao lần quáng
Lòng lợn âm dương một tấc thành.
Cục tác nữa chi, ngừng ủn ỉn
Nghe rồng ngâm váng khúc tân thanh.
Đây đích thực là hoạt cảnh của miền Nam sau mấy tháng về tay chủ mới: Chính quyền tiếp thu vào tay cộng sản chưa hoàn toàn kiểm soát được xã hội vốn vẫn thoải mái trong nếp sống từ bao năm qua. Dân chúng vẫn hoài nghi cách mạng cho nên tình thế chưa thấy gì làm sáng sủa. Mặt khác đa số người thuộc chế độ cũ không
tin miền Nam có thể dễ dàng rơi vào tay cộng sản như vậy nên thầm kín trong lòng vẫn ước mong lật ngược thế cờ khỏi cảnh tối tăm hiện tại.
Với bối cảnh xã hội như vậy, kẻ hồ hởi, người âm thầm cho nên nẩy sinh ra lắm vẻ, biết ai là ai bây giờ. Bức tranh xã hội thật là rắm rối. Cộng sản đi đến đâu thì mạng lưới công an rình rập nhòm ngó tới đó. Kẻ thân trong
nhà cũng còn nghe lén để báo cáo lập công thì còn biết tin ai bây giờ. Cho nên nhìn bề ngoài đố biết lòng dạ ai thế nào.
Ngay như chính tác giả cũng đã là nạn nhân của lòng người đổi trắng thay đen. Số là Vũ-hoàng-Chương và gia đình đã từ lâu vẫn ở nhờ trên căn gác nhỏ trong biệt thự của bà Mộng-Tuyết (phu-nhân thi sĩ Đông-Hồ), Ông đã từng đặt tên đây là
“gác mây” để Ông bạn với “ nàng thơ” và “nàng tiên nâu”. Thế nhưng từ khi có cán bộ từ ngoài bắc vào, Bà Mộng-Tuyết thì hồ hởi tiếp đón, còn Vũ-hoàng-Chương thì lặng lờ như không Cho nên Bà muốn đỡ phiền lụy sau này đã ngỏ ý muốn Ông dời nhà đi ở chỗ khác. Chính vì vậy mà thi sĩ họ Vũ đã phải dời sang Khánh hội ở nhờ nhà em vợ là thi sĩ Đinh-Hùng. Ôi tình nghiã bao năm như vậy mà chỉ vì một chút “quáng” đã làm cho
huynh đệ ly tan !
Riêng đối với Ông, con
người còn tình người, chân thật và chất phác thì vẫn “một tấc thành” không a dua
xu nịnh với ai.
Bây giờ xuân và tết đến, thôi hãy quên hết moi sự mà nghe khúc tân thanh của năm con rồng. Theo tôi, ý giả của câu cuối bài thơ này là như vậy; nhưng nghĩ kỹ hơn,nếu chúng ta ở Saigon trong thời điểm đó thì
“khúc tân thanh” ở đây chính là những loa tuyên truyền ra rả sáng chiều mà cộng sản đặt ở khắp phường phố. Cũng có thể nghĩ xa hơn, khúc tân thanh
chỉ là sự rút gọn của “khúc Đoạn trường tân thanh” mà từ nay còn phải ngâm mãi. Với một bài thơ xuân như thế được phổ biến ra ngoài, thi sĩ Vũ-hoàng-Chương tránh sao khỏi bị bắt vì tội phản động. Nhưng chưa hẳn như vậy.
Món quà chiêu dụ bất thành
.
Hãy trở lại vài chục năm về trước, chúng ta được biết thi sĩ Vũ sinh năm 1916.
Hai chục năm sau vào thời điểm thi sĩ trưởng thành thì phong trào thi ca
lãng mạn nở rộ do ảnh hưởng của văn chương Pháp. Cùng thời với Vũ-hoàng-Chương còn có rất nhiều văn nhân thi sĩ khác cùng nổi tiếng trên văn thi đàn, trong đó có Huy-Cận (tên thật là Cù-huy-Cận) sinh năm 1919.
Huy-Cận cũng là một nhà thơ nổi tiếng, điển hình là bài “Ngậm ngùi” đã được phổ nhạc mà chúng ta thường nghe. Huy-Cận kém Vũ-hoàng-Chương ba tuổi và xuất bản tập thơ đầu “Lửa Thiêng” sau khi
Vũ-hoàng-Chương đã có thi tập “Thơ say” và “Mây” đang sắp phát hành. Vì thế Huy-Cận coi thisĩ Vũ như anh.
Hai người cũng chơi với nhau khá thân. Một hôm Huy-Cận bất ngờ gặp Vũ-hoàng-Chương và rủ Ông đi ăn phở. Vì mới ra tập thơ đầu lại cũng có ý thân mật so sánh nên Huy-Cận nửa đùa nửa thật vỗ vai Vũ-hoàng-Chương nói rằng:
“Đã lâu lại gặp ‘chàng Say’
‘Lửa Thiêng’ xin đốt chờ ‘Mây’ xuống trần
Vũ-hoàng-Chương cũng hơi khựng một chút, nhưng vui vẻ đáp ngay:
‘ Mây’ kia chẳng chịu xuống trần
Lửa ơi theo
khói lên gần với ‘Mây’.
Hai người đối đáp với nhau như thế, vừa có ý kiêu ngạo, vừa có ý thân thiện, thật xứng đôi. Rồi thời gian trôi qua, năm 1946
Huy-Cận ra bưng theo kháng chiến dùng thi tài của mình để phục vụ bác và đảng, được sủng ái nên đã có thời leo lên đến chức Thứ trưởng bộ Văn hóa. Vũ-hoàng-Chương thì chạy tản cư, cũng có làm một số bài thơ ái quốc, nhưng sau đó hồi cư về lại Hanoi rồi di cư vào Saigon
theo hiệp định Genève năm 1954, vẫn tiếp tục nghiệp thơ và sinh sống bằng nghề dạy học.
Vật đổi sao dời, năm 1975 miền nam bị bỏ rơi và cộng sản thắng đại cái “đại thắng muà xuân”.Và hai thi
nhân lại có dịp gặp nhau trong hoàn cảnh éo le quốc cộng. Huy-Cận được cử vào Saigon
cùng với một phái đoàn với mục đích thăm dò và chiêu dụ các văn nghệ sĩ miền Nam.
Dĩ nhiên người mà Huy-Cận muốn gặp đầu tiên là Vũ-hoàng-Chương cũng vì tình bạn cũ và cũng nghĩ rằng nếu chiêu dụ được Vũ theo cách mạng thì mình lập được công lớn. Vì vậy Huy-Cận đã sửa soạn cuộc thăm viếng rất trọng thể. Lễ vật đến thăm Vũ-hoàng-Chương gồm một chai rượu quí, một lọ đầy thuốc phiện và cũng không quên mang
theo một bức hình Hồ chí Minh. Rượu và thuốc thì để biếu bạn, còn bức hình thì Huy-Cận ước mong sẽ được Vũ-hoàng-Chương đề tặng cho mấy vần ca ngợi để có bằng chứng báo cáo lấy công đầu.
Cuộc gặp gỡ diễn ra tốt đẹp sau bao năm xa cách. Vũ-hoàng-Chương đón Huy-Cận như một bạn cố tri nồng nàn vui vẻ. Sau khi Huy-Cận ngỏ ý muốn Vũ đề thơ thì Ông trầm mặc không nói gì. Huy-Cận khi ra về có hẹn ba ngày sau sẽ cho người đến xin lại bức hình, Vũ-hoàng-Chương cũng chỉ ậm ừ tiễn bạn.
Đúng ba ngày sau khi nhân
viên của Huy-Cận tới thì thấy trên bàn vẫn còn y nguyên hai món lễ vật và bức hình, Vũ-hoàng-Chương không hề đụng tới mặc dù rượu với thuốc phiện đối với Ông là rất quí hiếm. Còn bức hình thì vẫn chỉ là bức hình như khi đem tới,không một nét chữ đề. Được báo cáo lại, dĩ nhiên là Huy-Cận tím mặt. Nhưng Ông biết tính họ Vũ là ngưòi không dễ lung lạc nên cũng đành thôi.
Vũ-hoàng-Chương, ông qủa là một người có khí phách. Ông có một cơ hội an thân nhưng Ông đã không làm, chỉ vì tấm lòng Ông “một tấc thành” nên Ông phải giữ tiết tháo không a dua
theo thời cuộc. Thế là lại có thêm một cái ‘họa’. Nhưng như thế vẫn chưa hết.
Chê thơ Tố-Hữu và dạy cộng sản cách làm thơ.
Theo một bài đăng trên
“net” của tác giả Sông-Lô viết về Vũ-hoàng-Chương nhận xét thơ Tố-Hữu, được biết phái đoàn từ bắc vô nam cùng với Huy-Cận như đã nói ở đoạn trên còn có nhiều nhân vật sáng giá khác như Tố-Hữu, Hoài-Thanh,
Xuân-Diệu, Vũ-đình-Liên…. Phái đoàn được ký giả nằm vùng
Thanh-Nghị tiếp đón và tổ chức một đêm”họp mặt văn nghệ” với các nhân vật gạo cội miền Nam để cùng đánh giá văn hoá hai miền ngõ hầu thống nhất tư tưởng về một mối. Buổi họp này Vũ-hoàng-Chương đã được mời và có tham dự. Đề tài được đưa ra là mấy câu thơ của Tố-Hữu đã làm để khóc Stalin
khi ông trùm đỏ Nga-sô này
chết vào năm 1953.
Hai câu thơ đã gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp cùng đầy đủ tiếng khen chê đối với tên
trùm văn nghệ cộng sản này là câu:
“Thương cha, thương mẹ, thương chồng
Thương mình thương một, thương ông thương mười “
Thanh-Nghị với tư cách nằm vùng theo cộng sản từ lâu, coi như đại diện miền nam, dĩ nhiên ca ngợi thơ Tố-Hữu hết mình. Rồi lần lượt đến Xuân-Diệu, Huy-Cận, Vũ-đình-Liên từ ngoài bắc vào lên diễn đàn thì khỏi nói. Cũng cần có một tiếng nói miền nam cho xôm tụ, cho nên Hoài-Thanh
khẩn khoản mời Vũ-hoàng-Chương lên phát biểu với dụng ý là họ Vũ, một thi bá đương thời, nhưng vốn người trầm mặc hiền hoà chắc cũng chỉ vuốt theo mà không nói điều gì nghịch ý. Xin trích nguyên văn sau đây một đoạn của Sông-Lô:
“Ai đã biết Vũ-hoàng-Chương ắt phải biết cái đanh thép bên trong tấm thân nhỏ bé ọp ẹp của ông. Đôi ba lần tạ từ không được, đành nhảy vào ưỡn ngực “ hò kéo pháo”,
nhưng trước khi vào cuộc họ Vũ đã yêu cầu cử tọa thông cảm nếu có chỗ nào thất thố vì ông sợ rằng những gì ông muốn trình bày sẽ làm tổn thương cái ‘sáng
giá’ của đêm họp ‘văn
nghệ đặc biệt’ này, bởi vì ‘tất tần tật’ đã thẩm định rồi.”
Sau đây là lời của Vũ-hoàng-Chương;
“Thi nhân từ cảm xúc mỗi lúc tác động vào tâm cảnh của mình, để hồn trí phản ứng theo thất tình con người mà vận dụng thi tứ phổ diễn nên lời một tình tự nào đó, rồi đãi lọc thành thơ. Sự vận dụng càng xuất thần, việc phổ diễn càng khẩu chiếm, thơ càng có giá trị cao.
Cảm xúc trước cái chết của một thần tượng được ‘đóng khung’ tự bao giờ trong tâm cảnh mình, Tố-Hữu đã xuất thần vận dụng nỗi u hoài, phổ diễn nên những lời thơ thật khẩu chiếm, rồi dùng những từ thật tầm thường, ít thi
tính, đãi lọc nỗi u hoài của mình thành một tiếng nấc rất tự nhiên, đạt đến một mức độ điêu luyện cao. Lời thẩm định của Thanh-Nghị thật xác đáng,tôi chịu. Nhưng thơ không phải chỉ có thế.Xuất thần khẩu chiếm thuộc phạm vi kỹ thuật, dù đã có thi hứng phần nào, và nếu chỉ có thế thì thơ chỉ có khéo mà thôi, chưa gọi là đạt; tức chưa phải là hay. Thơ hay cần phải khéo như thế vừa phải đạt thật sự. Thi hứng nằm trong sự thực của tình tự phổ diễn nên lời. Tình tự mà không thực, lời thơ thành gượng ép. Vấn đề của thơ,nói cho đến nơi, là ở đây, có nghiã là thơ phải thực.
Tố-Hữu đặt tiếng khóc của chính mình vào miệng một bà mẹ Việtnam, muốn bà dùng mối u hoài của một nhà thơ để dạy con trẻ Việtnam yêu cụ Stalin thay cho mình. Cũng chẳng sao vì đó cũng là một kỹ thuật của thi ca; nhưng trước hết phải biết bà mẹ Việtnam có cùng tâm cảnh với mình không, có chung một mối cảm xúc hay không?
Tôi biết chắc là không. Bởi trong đoạn trên của hai câu lục bát này trong bài ‘Đời đời nhớ Ông’ Tố-Hữu đã đặt vào lời bà mẹ hai câu:
“Yêu
biết mấy nghe con tập nói
Tiếng đầu lòng con gọi Stalin “
Chắc chắn là không có một bà mẹ Việtnam nào, kể cả Bà Tố-Hữu, mà thốt được những lời như vậy một cách chân thành. Cái không thực của hai câu này dẫn tới cái không thực hai câu sau ta đang mổ xẻ.
Một tình tự không chân thực, dù đươc luồn vào những lời thơ xuất thần, khẩu chiếm đến đâu cũng không phải là thơ đẹp,thơ hay, mà chỉ là thơ khéo làm; đó chỉ là thơ thợ chứ không phải là thơ tiên. Loại thơ khéo này người thợ thơ nào lành nghề cũng quen
làm, chẳng phải công phu lắm. Nhất là nếu có đòi hỏi một tuyên truyền nào đó. Tố-Hữu nếu khóc lấy, có lẽ là khóc thực, khóc một mình. Nhưng bà mẹ Việtnam trong bài đã khóc tiếng khóc tuyên truyền, không mấy truyền cảm“.
Vẫn theo lời kể của Sông-Lô thì lời thẩm định này đã gây sôi nổi trong đám thính giả có mặt hôm đó. Muốn phản bác luận điệu của Vũ-hoàng-Chương, có người đã yêu cầu Ông nói về thơ để hòng bắt bẻ này nọ, nhưng Ông vẫn ôn tồn phát biểu:
“Thơ vốn là mộng, là tưởng tượng, là tách rời thực tế, nhưng mộng trên những tình tự thực. Không chấp nhận loại thơ tình tự hoang. Có khoa học giả tưởng, không có thơ giả tưởng. Nói thơ là nói đến thế giới huyễn tưởng, huyễn tưởng trên sự thực để thăng hoa sự thực, chứ không bất chấp, không chối bỏ sự thực. Nhà thơ không được láo; nhà thơ phải thực nhưng thoát sáo sự thực thành mộng để đưa hồn tính người yêu thơ vươn lên sự thực muôn đời đạt đến chân lý cuộc sống. Thiên chức thi ca là ở chỗ đấy.
“Tôi xin nhắc ; sự thực muôn đời là cơ sở duy nhất của thi ca; vì có sự thực cho riêng một người, có sự thực cho riêng một thời, nhưng vẫn có sự thực cho muôn đời, sự thực bao quát không
gian,thời gian,
chân lý cuộc sống.”
Sau đêm hôm ấy, hình như có một buổi họp khẩn cấp của các “nhân vật then chốt” cộng sản, và Vũ-hoàng-Chương đã bị bắt. Như vậy cái tội phản động của thi sĩ họ Vũ không phải là một mà có đến ba : bắt đầu từ bài thơ thời sự , kế đến không nể nang tình bạn và sau cùng là đã dạy khôn cho kẻ đang thắng thế. Theo Sông-Lô thì Vũ-hoàng-Chương không phải là người dại, cũng không phải người can đảm mà Ông chính là người của tự do không phải quị lụy trước bất cứ một áp lực nào.
Niềm hãnh diện cuối đời : Thủ-tướng bưng bô.
Vũ-hoàng-Chương bị bắt vào khám
Chí hòa, giam chung cùng một số nhà trí thức khác. Với thân hình gầy yếu sẵn có, phải ăn cơm tù đạm bạc lại thêm thiếu thuốc phiện thì làm sao mà Ông chịu nổi. Có thể nói bao nhiêu ngày trong tù, Ông đau yếu cả bấy nhiêu ngày. Sức lực Ông kiệt quệ dần dần, đã có lúc phải nằm liệt giường. Chính quyền “giải phóng” biết Ông không còn sống nổi bao lâu, nên sau thời gian giam giữ đã quyết định thả Ông về để tránh tiếng Ông bị bức tử trong tù. Về nhà gặp lại vợ con, dĩ nhiên là Ông mừng rỡ, nhưng trong đáy lòng
hình như Ông có điều gì thỏa mãn vì tuy nằm bẹp trên giường Ông không có vẻ sầu héo bi lụy của một người gần đất xa trời. Một hôm Ông thố lộ là ở trong tù Ông có phần thích thú vì đã được Thủ-tướng bưng bô vệ sinh cho mình. Mãi sau người nhà Ông mới biết bị giam chung cùng với Ông là Bác sĩ
Phan-huy-Quát. Bác sĩ Quát đã có thời làm Thủ-tướng chính phủ dân sự do Cụ Phan-khắc-Sửu là Quốc trưởng. Vì mến thương Vũ-hoàng-Chương và vì lương tâm của người y sĩ, trong
thời gian bị giam chung, Bác sĩ Quát đã tận tình chăm sóc cho nhà thi
sĩ bất hạnh đau yếu, và không ngần ngại giúp đỡ cả việc vệ sinh hàng ngày. Đó là niềm vui cuối cùng của thi sĩ họ Vũ trước khi Ông lìa đời ngày 6 tháng 9 năm 1976.
Nguon: Email
No comments:
Post a Comment