Thursday, December 25, 2014

Con Người Chịu Lạnh Đến Đâu?-BBC



Con người chịu lạnh đến đâu?
  • 22 tháng 12 2014
Nước Mỹ hồi đầu năm đã trải qua một đợt lạnh kỷ lục – các cơn bão tuyết và gió rét đã đưa nhiệt độ xuống mức -57 độ C. Mức độ lạnh như thế sẽ tác động như thế nào đến cơ thể con người?
Lốc xoáy vùng cực (polar vortex), quét qua Bắc Mỹ tạo ra những cảnh tượng mà thường chỉ thấy ở Bắc Cực hay Nam Cực. Tuyết rơi ào ạt và gió quần quật đã làm nhiệt độ rơi xuống mức thấp kỷ lục. Ở một số vùng của nước Mỹ như tiểu bang Indiana, tất cả xe cộ đều bị cấm lưu thông trên đường trừ các xe làm các nhiệm vụ khẩn cấp như cấp cứu. Người dân được yêu cầu ở trong nhà để giữ ấm.
Không chịu nổi
Cơ thể con người không thể chịu được cái lạnh vùng cực – đa số chúng ta đều sống trong môi trường khí hậu nhiệt đới và ôn đới, nơi mà nhiệt kế ít khi nào rơi xuống mức đóng băng. Tuy nhiên có những cộng đồng đã thích nghi với cái lạnh khắc nghiệt của vùng cực, chẳng hạn như người Inuit ở Canada hay người Nenet ở miền bắc nước Nga.
Nhưng đại đa số loài người hiện đại chưa từng trải qua điều kiện khí hậu dưới 0 độ. Mặc dù sự sáng tạo và chuyên môn của con người đã giúp tạo ra những loại quần áo giúp chúng ta chịu được những cơn bão tuyết mạnh nhất ở Bắc Cực, muốn sinh tồn ở vùng cực chúng ta cần phải tránh xa cái lạnh giá đáng sợ nhất trừ phi bạn không còn lựa chọn nào khác.
Điều gì xảy ra khi chúng ta bị lạnh? Cơ thể con người có một số cơ chế tự bảo vệ để củng cố thân nhiệt khi nó bị cóng. Các cơ của chúng ta sẽ run rẩy còn răng thì đánh lập cập. Vùng não điều khiển thân nhiệt của cơ thể kích thích các phản ứng này để giữ ấm cho các cơ quan quan trọng của cơ thể ít nhất cho đến khi chúng ta tìm được chỗ trú hay hơi ấm nào đó.
Nhiệm vụ của vùng não này là giữ cho các cơ quan chủ chốt của chúng ta ấm bằng mọi giá và nếu cần cũng phải hy sinh những bộ phận ngoại vi. Đó là lý do tại sao chúng ta cảm thấy tê ở đầu ngón tay và ngón chân – vì cơ thể đang dồn máu ấm về trung tâm và hạn chế bơm máu đến những vùng ngoại vi như ngón chân hay ngón tay.
Trong điều kiện cực lạnh và nhất là khi cơ thể chúng ta không có gì che chắn trước thiên nhiên thì nó sẽ bị tê cóng. Máu lưu thông sẽ giảm và việc thiếu máu ấm sẽ dẫn đến các cơ bị đóng băng và đứt vỡ.
Gấu Bắc Cực thì sao?
Vậy thì làm cách nào mà các sinh vật máu nóng khác có thể chống cự được điều kiện lạnh giá như thế còn con người thì không? Gấu Bắc cực hoặc là có bộ lông dày giúp giữ hơi ấm cho cơ thể hoặc là có nhiều mỡ, đôi khi rất dày. Nhiệt khó mà tỏa qua mỡ được nên nó được giữ bên trong cơ thể. Trong khi đó, con người chỉ có da trần và tương đối ít mỡ thì làm sao chịu được những điều kiện lạnh giá như vậy?
Tuy nhiên chúng ta đã biết cách học được những các chống lạnh này. Các nhà khoa học làm việc ở các trạm ở Nam Cực đã mặc nhiều lớp áo để giữ hơi ấm cho cơ thể giống như công dụng của bộ lông của gấu Bắc Cực.
Một vấn đề nữa mà lốc xoáy vùng cực đã gây ra cho nước Mỹ là nó gây trục trặc cho những thứ quan trọng với cuộc sống con người. Đường dây điện có thể bị tuyết đè nặng làm cho rớt xuống gây cúp điện. Các đường ống không được che chắn sẽ bị đóng băng và bung ra.
Trong lịch sử có những câu chuyện nhắc nhở chúng ta về hậu quả kinh hoàng của cái lạnh. Khi quân đội của Hitler xâm lăng nước Nga vào năm 1941, mùa đông ở đó mới bắt đầu và nhiệt độ đã xuống đến mức như ở Mỹ trong đợt lốc xoáy vùng cực vừa qua. Hàng ngàn binh lính đã chết rét trong khi vẫn mặc trên người đồng phục mùa hè vì họ tưởng rằng chiến dịch sẽ nhanh chóng kết thúc. Động cơ của xe tải và xe tăng bị đông cứng và chỉ có cách đốt lửa phía dưới mới làm rã đông được. Nước sôi đem ra khỏi lò có thể đông cứng trong khoảng thời gian chỉ hơn một phút.
Bản tiếng Anh bài này đã được đăng trên BBC Future.

No comments:

Post a Comment